Cần Bảo vệ người tiêu dùng quyết liệt và hiệu quả hơn

Ngày 08/3/2012 tại Hà Nội, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phối hợp với Tạp chí Người tiêu dùng đã tổ chức hội thảo về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo thông tin mà ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: Hưởng ứng phát động của Tổ chức Quốc tế người tiêu dùng và căn cứ tình hình thực tế ở nước ta, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã đưa ra chủ đề cho Ngày quyền của người tiêu dùng là ngày 15/3/2012, với khẩu hiệu: “Tiền của chúng ta, Quyền của chúng ta”. Người tiêu dùng không hẳn là người thông thái, nhưng chúng ta cũng phải thông minh, khôn khéo để lựa chọn khi mua hàng bằng cách tìm đến các địa chỉ và các mặt hàng đã có thương hiệu trên thị trường, để giảm bớt các rủi ro trong mua bán hàng hóa. Đồng thời, khi gặp sự cố trong việc mua bán, chất lượng, cân đo không có đủ độ tin cậy thì cần tìm ngay đến các cơ quan có trách nhiệm để giải quyết sớm.

Theo ông Nguyễn Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Chủ tịch Hội Siêu thị thành phố Hà Nội cho biết: Một đất nước có thu nhập bình quân đầu người trên 1.000 USD/1 năm, song nhiều loại hàng hóa lại có giá cao gấp 2, 3 lần so với các nước trong khu vực và thế giới. Điều phi lý đang diễn ra ở Việt Nam mà vẫn chưa khắc phục được. Chung quy lại, chúng ta mới bảo vệ người tiêu dùng bằng các văn bản, chỉ thị là chính, còn tổ chức thực hiện điều kiện và hành động chưa thực sự quyết liệt và cũng chưa làm được bao nhiêu cho người tiêu dùng Việt Nam.

Bởi vậy, muốn bảo vệ người tiêu dùng thì các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương phải thực hiện quyết liệt một số giải pháp cơ bản như: Sớm xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp, độc quyền kinh doanh hàng hóa, nhất là các trọng yếu đầu vào cho toàn xã hội, với khẩu hiệu: “Thị trường, thị trường, cạnh tranh, cạnh tranh”, đó là câu trả lời tốt nhất cho việc tiến tới bảo vệ người tiêu dùng một cách toàn diện nhất, triệt để nhất và hiệu quả nhất.

Các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc thận trọng và khách quan trước khi đề ra các cơ chế, chính sách liên quan đến toàn xã hội tiêu dùng, cần phải có những cuộc thẩm định khoa học và các phản biện xã hội, các cuộc kiểm toán minh bạch, công khai thường xuyên, nhất là các vấn đề có liên quan đến giá cả, chất lượng hàng hóa thiết yếu của nhân dân, các vấn đề liên quan đến túi tiền, đời sống và sức khỏe của người dân…
  • Tags: