Cần có chính sách phù hợp để làm chủ công nghệ tái tạo năng lượng từ rác

Đốt rác phát điện là quá trình tái tạo năng lượng từ rác thành nguồn năng lượng mới thay thế năng lượng hóa thạch đang được nhiều quốc qia áp dụng.

Tại Việt Nam đã xuất hiện một số nhà máy phát điện từ rác thải quy mô nhỏ và chủ yếu sử dụng công nghệ sản xuất biogas từ chất thải nông nghiệp, các nguồn chất thải rắn, đa số chưa được xử lý hợp lý, gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, việc đầu tư nguồn lực, xây dựng các chính sách ưu tiên phát triển để từng bước tiếp cận, làm chủ công nghệ tái tạo năng lượng từ rác thải sẽ mang lợi ích trong các lĩnh vực kinh tế, năng lượng và môi trường.

Công nghệ đốt rác phát điện

Trên thế giới hiện nay có hai xu hướng chính tái chế rác thành các dạng năng lượng là đốt rác phát điện và đốt rác thành các viên than để trộn với nguyên liệu than hóa thạch theo một tỷ lệ nhất định làm nhiên liệu đốt cho nhà máy nhiệt điện than.

Phương pháp đốt rác thải phát điện là một trong những phương pháp hiện đại nhất hiện nay, công nghệ này được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia với khoảng 1000 nhà máy, trong đó Châu Âu chiếm 38%, Nhật 24%, Mỹ 19%, Đông Á 15%. Phương pháp này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn với nhiều ưu điểm khi so sánh với các phương pháp xử lý chất thải khác như: Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, giảm diện tích đất sử dụng để chôn lấp rác, ít ảnh hưởng xấu tới môi trường. Tro xỉ được tận dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.

tái tạo năng lượng

Sơ đồ công nghệ tái chế rác thải thành than

Công nghệ đốt rác thải thành than có ưu điểm lớn nhất là thân thiện với môi trường nhằm tạo ra “than xanh” - than có nhiệt trị cao. Cơ sở xử lý rác thải thành than dựa trên công nghệ Torrefaction, đây là phương pháp xử lý nhiệt trong phạm vi định sẵn theo yêu cầu của quy trình, được thực hiện trong điều kiện thiếu oxy. Than xanh có thể cung cấp sự thay thế bền vững và hóa thạch miễn phí cho các ngành công nghiệp năng lượng, luyện kim,...

Thúc đẩy hình thành ngành công nghiệp môi trường

Tại Việt Nam, quá trình đô thị hóa cùng với việc tăng trưởng kinh tế và dân số đang tạo ra tổng lượng chất thải hàng năm khoảng hơn 15 triệu tấn, trong đó rác thải sinh hoạt tại đô thị là 11,8 triệu tấn/năm còn lại là rác thải công nghiệp. Mỗi năm lượng rác thải gia tăng hơn 10%. Với lượng rác khổng lồ này, Việt Nam có thể tận dụng để tái tạo năng lượng, giảm tình trạng ô nhiễm và bảo vệ môi trường.

Chiến lược Quốc gia về Quản lý chất thải rắn năm 2018 nêu rõ, Việt Nam cam kết tiến tới thu gom, vận chuyển và xử lý 100% chất thải ngoài hộ gia đình vào năm 2025 và 85% chất thải của các hộ gia đình vào năm 2025 ở các khu vực đô thị. Dự kiến ưu tiên các cơ sở xử lý quy mô lớn sử dụng công nghệ hiện đại và tập trung đáng kể vào việc tái chế và nâng cấp các bãi chôn lấp để ngăn chặn các tác động xấu tới môi trường. Việt Nam đã và đang trong quá trình công nghiệp hóa, chất thải tăng rất nhanh, hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy cũng như yêu cầu tài chính cho các hệ thống này không thể theo kịp.

tái tạo năng lượng
Sơ đồ công nghệ hệ thống nhà máy nhiệt rác Nam Sơn

Đến nay, Nhà nước cũng đã có các chính sách thúc đẩy xây dựng các nhà máy tái chế rác mang lại nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, các cơ chế về ưu đãi cho các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải, tận thu năng lượng từ quá trình xử lý chất thải còn thiếu cụ thể và chưa đồng bộ. Mặt khác, quy định cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án xử lý chất thải phải theo quy hoạch ngành điện khiến nhiều dự án gặp khó khăn do phải chờ quy hoạch.

Đồng thời thủ tục đầu tư xử lý rác tại Việt Nam còn phức tạp, kéo dài, cần sự phê duyệt của các bộ, ngành, trung ương, trong khi đó lại chưa có các hướng dẫn cụ thể thực hiện Luật Quy hoạch nên việc bổ sung các dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực bị kéo dài, đình trệ. Do đó, cần phải có một hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào xử lý chất thải, thúc đẩy hình thành ngành công nghiệp môi trường. Muốn xử lý rác thải một cách triệt để, cần có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, có sự phối hợp từ các cơ quan đoàn thể để vận động người dân hiểu và cùng tham gia.

Đề xuất cơ chế, chính sách phát triển ngành xử lý rác tại Việt Nam

Trong những năm qua, cùng với các chính sách ưu tiên phát triển về việc chuyển giao công nghệ các dây chuyền thiết bị đồng bộ, sự nỗ lực của các doanh nghiệp cơ khí trong nước, ngành cơ khí Việt Nam đã thành công trong việc thiết kế, chế tạo một số dây chuyền thiết bị đồng bộ khó và phức tạp như: các giàn khoan Tam đảo 3&5 do PVSHIPYARD thực hiện; các hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện than như hệ thống cung cấp than, lọc bụi tĩnh điện, thải tro và xỉ; các hệ thống thiết bị cho các công trình thủy điện, xi măng, bô xít do Viện nghiên cứu cơ khí thực hiện,…Đây là những dây chuyền thiết bị có công nghệ phức tạp hơn các dây chuyền tái tạo năng lượng từ rác. Do vậy, việc nghiên cứu để làm chủ công nghệ, thiết bị cho các nhà máy tái tạo năng lượng từ rác là hoàn toàn có thể thực hiện được khi có chính sách ưu tiên phát triển phù hợp.

Để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia vào nghiên cứu, làm chủ công nghệ các nhà máy tái tạo năng lượng từ rác, ông Phan Đăng Phong – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí thì Việt Nam để xuất các các cơ chế chính sách như sau:

Thứ nhất, Hiện nay chi phí thu gom và xử lý rác tại Việt Nam còn thấp (khoảng 23USD/1 tấn rác), chưa khuyến khích được doanh nghiệp trong nước đầu tư các công nghệ mới nhằm xử lý tái tạo rác thành năng lượng. Do đó cần điều chỉnh tăng chi phí gom và xử lý rác hợp lý nhằm khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này, đặc biệt cần phân loại và xử lý rác thải ngay tại nguồn.

Thứ hai, nghiên cứu tăng khung giá phát điện đối với các dự án nhà máy điện rác. Hiện nay mức giá phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp là 2.114 đồng/kWh (tương đương 10,05 UScents/kWh), đối với các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải rắn là 1.532 đồng/kWh (tương đương 7,28 UScents/kWh).

Thứ ba, xem xét xây dựng qui định về việc yêu cầu các nhà máy nhiệt điện than phải sử dụng nguyên liệu đầu vào là than có nguồn gốc từ nhà máy đốt rác thành than ít nhất 10% để trộn với than hóa thạch.

Thứ tư, Nhà nước cần hỗ trợ chính sách cho một số dự án tái tạo năng lượng từ rác. Đối với các dự án đốt rác thành than cần chỉ định một doanh nghiệp trong nước thực hiện việc chuyển giao công nghệ cho ít nhất từ hai đến 3 dự án đầu tiên để nghiên cứu và làm chủ công nghệ. 

Hưng Nguyên