Cần Thơ: 4 nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công

Mới đây, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số về việc ban hành Chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Theo đó, Cần Thơ đề ra mục tiêu chương trình cụ thể như: Trên 100 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố được hỗ trợ từ Chương trình khuyến công; Đẩy mạnh và mở rộng các thị trường xuất khẩu nông sản, thực phẩm..; Tập huấn, hướng dẫn cho 500-1000 lượt cán bộ quản lý nâng cao năng lực hoạt tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công, quản trị sản xuất kinh doanh;  Xây dựng mô hình đề án thí điểm về nâng cao hiệu quả công tác khuyến công tại các huyện trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh sẽ tập trung phát triển hoạt động khuyến công và hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tham dự các Giải thưởng chất lượng quốc gia theo 5 nội dung sau: Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp (đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo...).

Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; mô hình thí điểm về sản xuất sạch hơn. Hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Cung cấp thông tin, phát triển sản phẩm mới. Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công.

Khai giảng lớp nghề nâng cao Đan giây nhựa

Đặc biệt, để chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2022-2025 đem lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn, thành phố đề ra 4 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện chương trình gồm:

Thứ nhất, xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình khuyến công giai đoạn và hàng năm. Thường xuyên rà soát, xây dựng, bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện các cơ chế, chính sách của thành phố trong lĩnh vực khuyến công, nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển. Chủ động đề xuất điều chỉnh khi xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm phù hợp với tình hình thực tế để nâng cao hiệu quả của Chương trình, trong đó tập trung vào các nội dung mới có sức lan tỏa và tác động lớn đến phát triển công nghiệp nông thôn bền vững.

Thứ hai, tăng cường tư vấn, trợ giúp thông tin cho cơ sở công nghiệp nông thôn. Đa dạng hóa các hình thức thông tin truyền thông để các cơ sở công nghiệp nông thôn nắm bắt và chủ động tham gia chương trình. Tăng cường ứng dụng phương pháp truyền thông dựa trên các nền tảng di động, công nghệ thông tin thông minh.

Thứ ba, tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể xã hội trong chỉ đạo, phối hợp, triển khai các hoạt động khuyến công. Nâng cao vai trò, vị trí của các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai hoạt động khuyến công, tạo sự gắn kết với cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn.

Thứ tư, UBND quận, huyện cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động khuyến công, coi khuyến công là một trong những giải pháp trọng tâm để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp. Quan tâm bố trí nguồn nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất cho công tác khuyến công các cấp.

Sản phẩm giây nhựa sau khi học nghề nâng cao Đan giây nhựa

Cụ thể, tổng kinh phí triển khai thực hiện Chương trình khuyến công giai đoạn 2022- 2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ dự kiến là 15 tỷ 940 triệu đồng từ nguồn ngân sách thành phố, ngân sách Trung ương, các nguồn tài trợ, đóng góp của các doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác.

Đồng thời, giao Sở Công Thương thành phố Cần Thơ hàng năm căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, nội dung và khối lượng công việc được phân công trong Chương trình Khuyến công giai đoạn 2022- 2025 trên địa bàn thành phố, kế hoạch thực hiện, chế độ, định mức chi hiện hành của Nhà nước, xây dựng dự toán cụ thể từng nội dung của chương trình, gửi Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư để phối hợp thẩm định, tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành bố trí kinh phí theo quy định.

Hoàng Dương