Cẩn trọng khi mua bánh trung thu trên mạng

Theo Bộ Công Thương, việc mua bán bánh trung thu có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và các mạng xã hội đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh Tết Trung thu đang đến rất gần và dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để kinh doanh sản phẩm bánh trung thu có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và các mạng xã hội.

Chính vì vậy, tận dụng lợi thế của thương mại điện tử, nhiều cá nhân, hộ kinh doanh đã rao bán bánh trung thu với nhiều mức giá khác nhau, đa dạng về mẫu mã và chủng loại trên mạng xã hội, các nhóm cộng đồng mua bán online, cộng đồng các khu dân cư.

Cẩn trọng khi mua bánh trung thu trên mạng
Việc mua bán thực phẩm trực tuyến trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và các mạng xã hội tiềm ẩn một số rủi ro

Tuy nhiên, việc mua bán thực phẩm trực tuyến trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và các mạng xã hội tiềm ẩn một số rủi ro. Theo đó, nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại bánh trung thu có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng; sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép; thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm; thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm.

Các hành vi vi phạm này ngày càng tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát.

Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số khuyến cáo khi lựa chọn và sử dụng bánh trung thu để đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng và có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất cũng như hướng dẫn sử dụng, bảo quản.

Đáng lưu ý, sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Sản phẩm cần đảm bảo không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Tuyệt đối không lựa chọn mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.

Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng lưu ý người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin về chủ sở hữu website gồm tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế; Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, thông tin về điều kiên giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.

Đặc biệt, nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm.

Người mua hàng tuyệt đối không nên mua ở những Fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.

Cẩn trọng khi mua bánh trung thu trên mạng
Lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử phạt cơ sở bán bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ

Liên quan đến vấn đề này, mới đây Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng đưa ra văn bản, chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các địa phương về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Trung thu năm 2021. Thực hiện nghiêm chỉ đạo này, Cục Quản lý thị trường các địa phương đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát thị trường và khảo sát cung cầu, giá cả hàng hóa thiết yếu dịp Tết Trung thu năm 2021. Sau nhiều lần kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, phanh phui nhiều cơ sở, tài khoản cá nhân rao bán bánh trung thu không nguồn gốc, là hàng nhập lậu, thậm chí nhiều sản phẩm đã hết hạn sử dụng.

Cụ thể, mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã liên tiếp kiểm tra các cơ sở kinh doanh, buôn bán bánh trung thu trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, lực lượng phát hiện 1 cơ sở (tạp hoá Vinamart, địa chỉ tại số 2 toà 11T2 chung cư Vinaconex, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên) đang bày bán 102 chiếc bánh trung thu do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiến Việt Nam, chủ cơ sở không xuất trình được hoá đơn, chứng từ của hàng hóa.

Tiếp đến, tại cơ sở kinh doanh tạp hoá Hưng Dung (địa chỉ tại khu 1 xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương), đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang bày bán 14 danh mục sản phẩm hàng hoá là hàng thực phẩm gồm bánh, kẹo, sữa bột (đóng hộp) đã hết hạn sử dụng. Tất cả số phẩm trên đã được lực lượng chức năng Vĩnh Phúc thu giữ, điều tra, làm rõ.

Hay như, tại Thái Nguyên, lực lượng chức năng đã ngăn chặn kịp thời 2 vụ vận chuyển số lượng lớn bánh trung thu, thực phẩm các loại nhập lậu phục vụ Tết trung thu.

Trong bối cảnh Tết Trung thu đang đến rất gần và dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, lực lượng quản lý thị trường khuyến cáo, người dân nên thận trọng mua bánh trung thu được bán trên các nền tảng mạng xã hội, trên website, ứng dụng thương mại điện tử. Người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng và có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất cũng như hướng dẫn sử dụng, bảo quản.

Hạ An