Canada tạm áp 2 loại thuế với thép chống ăn mòn: Việt Nam tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ

Theo Bộ Công Thương, dù không bị áp thuế chống trợ cấp, nhưng thép Việt sang Canda vẫn bị áp thuế chống bán phá giá tạm thời ở mức tương đối cao, đồng thời cho rằng kết luận sơ bộ này của phía Canada chưa phản ánh đúng hoạt động của doanh nghiệp Việt.

Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho hay, mới đây Cơ quan biên phòng Canada (CBSA) đã thông báo kết luận sơ bộ và áp thuế tạm thời trong vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép chống ăn mòn (Certain Corrosion-Resistant Steel Sheet) từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Theo đó, vụ việc này được Canada khởi xướng điều tra từ ngày 8/11/2019.

“Trong quá trình Canada điều tra vụ việc, các cơ quan Chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp xuất khẩu đã phối hợp trả lời bản câu hỏi của phía Canada”, đại diện Cục Phòng vệ thương mại khẳng định.

Kết luận sơ bộ, CBSA cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam bán giá phá sản phẩm thép nói trên sang thị trường Canada với biên độ từ 36,3% đến 91,8%, mức thuế thay đổi theo từng doanh nghiệp cụ thể. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam không trợ cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu (trợ cấp dưới mức tối thiểu), do đó các doanh nghiệp của ta không bị áp thuế chống trợ cấp.

Trên cơ sở này, Canada sẽ áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời từ ngày 20/3/2020. Kết luận cuối cùng dự kiến được đưa ra vào ngày 18/6/2020.

Đánh giá về vụ việc này, Cục Phòng vệ thương mại cho rằng việc Canada không áp thuế chống trợ cấp đối với các doanh nghiệp Việt Nam đã cho thấy hiệu quả của việc phối hợp giữa Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh có liên quan.

Mặc dù không bị áp thuế chống trợ cấp nhưng thuế chống bán phá giá của Việt Nam tương đối cao vẫn sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu thép sang Canada trong thời gian tới.

“Trong kết luận sơ bộ, CBSA không sử dụng một số dữ liệu về giá, chi phí do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp mà dùng số liệu thay thế, dẫn đến biên độ bán phá giá bị đẩy lên cao. Bộ Công Thương cho rằng, kết luận như vậy là chưa phản ánh đúng hoạt động của ngành thép Việt Nam”, Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh.

Do vậy, trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ/ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh và Hiệp hội thép Việt Nam và các doanh nghiệp liên để xử lý vụ việc, đặc biệt là nội dung về giá cả, chi phí tại Việt Nam nhằm đảm bảo biên độ phá giá trong kết luận cuối cùng, nếu có, sẽ mang tính khách quan, công bằng.

Thy Thảo