Canada từ chối cắt giảm sản lượng khai thác, phương án giải cứu thị trường dầu mỏ tiếp tục bế tắc

Canada, quốc gia khai thác dầu thô lớn thứ 4 thế giới, cho biết nước này không đưa ra bất kỳ cam kết cắt giảm sản lượng khai thác trong bối cảnh liên minh OPEC+ đang nỗ lực tìm kiếm ủng hộ của các nước để giải cứu thị trường dầu mỏ.

Kết thúc hội nghị các bộ trưởng năng lượng các nền kinh tế lớn – khối G20 do Ả-rập Xê-út chủ trì vào ngày 10/4, Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Canada Seamus O’Regan cho biết nước này không cam kết bất kỳ mức cắt giảm sản lượng cụ thể nào. Việc Canada, nước khai thác dầu thô lớn thứ 4 thế giới, từ chối cam kết cắt giảm sản lượng tiếp tục khiến việc giải cứu thị trường dầu mỏ trở nên phức tạp hơn.

Trong ngày 9/4, liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu đã tiến hành thảo luận việc cắt giảm sản lượng lên tới 10 triệu thùng/ngày nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của giá dầu thô.

Thoả thuận này sẽ buộc Ả-rập Xê-út và Nga, mỗi quốc gia, cắt giảm sản lượng khai thác 2,5 triệu thùng/ngày; Iraq cắt giảm 1 triệu thùng/ngày và các quốc gia còn lại cắt giảm tới 23% sản lượng khai thác.

Liên minh OPEC+ cho biết tất cả các quốc gia, ngoài trừ Mexico đều đồng ý khung cắt giảm sản lượng. Tính đến thời điểm hiện tại, Mexico vẫn giữ vững quan điểm không cắt giảm sản lượng 400.000 thùng/ngày theo mức ấn định mà cho biết chỉ sẵn lòng cắt giảm 100.000 thùng/ngày.

Hãng tin Reuters cho biết Ả-rập Xê-út và các quốc gia thành viên liên minh OPEC+ đang nỗ lực thảo luận lại với Mexico để có phương án cắt giảm phù hợp. Nếu thành hiện thực thì đây sẽ là thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác lớn nhất mà liên minh OPEC+ thực hiện trong lịch sử.

Bên cạnh đó, liên minh OPEC+ cho biết mong muốn các quốc gia khai thác năng lượng lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Na Uy và Brazil sẽ cắt giảm sản lượng khai thác thêm 5 triệu thùng/ngày nhằm nâng tổng mức cắt giảm sản lượng lên 15 triệu thùng/ngày tương đương 15% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu. Tuy nhiên, Canada đã từ chối không cắt giảm sản lượng và Hoa Kỳ cũng không đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào.

Các quốc gia khác thuộc khối G20 cũng không đưa ra được đột phá nào hoặc cam kết cắt giảm sản lượng khai thác mặc dù đều đồng ý rằng việc bình ổn thị trường năng lượng là điều cần thiết và cần có các hành động “ngay lập tức” để ổn định thị trường dầu mỏ.

Khai thác dầu thô tại tỉnh bang Alberta Canada
Các hãng khai thác dầu thô Canada đang phải thu hẹp quy mô hoạt động khi giá dầu thô xuống thấp (Ảnh: The Canadian Press)

Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Canada Seamus O’Regan cho biết cuộc họp của khối G20 chỉ dừng lại ở việc đồng thuận thành lập một cơ chế nhằm ổn định giá dầu thô chứ không đưa ra được bất kỳ con số cụ thể nào để giúp giá dầu thô.

Ông Seamus O’Regan cũng cho biết, theo mô hình nhà nước liên bang của Canada, ông không có thẩm quyền để đưa ra cam kết cắt giảm sản lượng khai thác, chỉ có chính quyền các tỉnh bang của Canada mới có thể đưa ra mức cắt giảm.

[Xem thêm tại: Giá 1 thùng dầu thô tại Canada hiện rẻ hơn 1 vại bia vì dịch Covid-19 và cuộc chiến giá dầu]

Theo ông Seamus O’Regan, sản lượng khai thác dầu của tỉnh bang Alberta – khu vực khai thác dầu lớn nhất Canada đã giảm 80.000 thùng/ngày do giá dầu thô thấp buộc nhiều hãng khai thác phải thu hẹp quy mô hoạt động. Dự kiến sản lượng khai thác dầu thô của Canada sẽ giảm thêm 750.000 thùng/ngày do nhu cầu sử dụng hiện ở mức thấp.

Hiện tại chỉ có Na Uy, quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất Châu Âu, cho biết vẫn xem xét việc cắt giảm sản lượng nếu như liên minh OPEC+ đạt thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác. Mặc dù Na Uy không phải thành viên của của liên minh OPEC+ cũng như khối G20 nhưng quyết định của Na Uy vẫn đóng vai trò quan trọng trên thị trường năng lượng do sản lượng khai thác của quốc gia này chiếm 2% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Sản lượng khai thác của Na Uy đã tăng mạnh trong thời gian gần đây nhờ việc đẩy mạnh khai thác tại một số mỏ mới. Trong tháng 2/2020, sản lượng khai thác của Na Uy đạt 1,75 triệu thùng/ngày, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Trong quá khứ, Na Uy đã từng vài lần cắt giảm sản lượng khai thác cùng lúc với OPEC khi giá dầu thô giảm mạnh.

Quang Đặng (Tham khảo Reuters)