Cạnh tranh bình đẳng trên thị trường sản xuất, lắp ráp ô tô

Cuộc chơi trên thị trường ô tô đã đã xuất hiện: Trước kia, ưu thế thuộc về doanh nghiệp có quan hệ mật thiết với chính hãng, mà thực chất là các liên doanh tại Việt Nam, như Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam… nhưng nay, ưu thế hướng về doanh nghiệp thuộc bất cứ loại hình nào gia tăng được tỷ lệ nội địa hóa lên đến mức cao nhất.

ô tô

Trong thời gian vừa qua, thực hiện các chỉ đạo về phát triển ngành ô tô Việt Nam tại Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của ô tô sản xuất trong nước, cụ thể:

- Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam;

- Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô;

- Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan; trong đó bổ sung quy định về Chương trình ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước;

- Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó xác định công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô là một trong những ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển và được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ ở mức cao nhất từ Nhà nước.

- Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Các chính sách trên được ban hành với các mục tiêu chủ yếu sau:

- Phát triển sản xuất ô tô tại Việt Nam để chủ động đáp ứng nhu cầu trong nước, với lộ trình phát triển phù hợp với sự phát triển của hệ thống hạ tầng; tạo công ăn việc làm cho người lao động, thay thế sản phẩm nhập khẩu.

- Tăng dần tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước đối với xe ô tô sản xuất tại Việt Nam, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí xuất xứ khi xuất khẩu sang thị trường FTAs nhất là khu vực ASEAN.

- Đảm bảo bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu thuộc mọi thành phần kinh tế. Tiến tới tạo ra thương hiệu ô tô của Việt Nam.

- Đảm bảo yêu cầu về an toàn của người sử dụng và người tham gia giao thông; bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong đầu tư, sản xuất kinh doanh các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô lớn, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế, thu ngân sách địa phương cũng như cả nước nói chung.

Nhờ các chính sách mới trong thời gian qua, ngành công nghiệp ô tô trong nước đã có những cải thiện đáng kể. Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước, có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất.

Lô xe bus Thaco xuất khẩu sang thị trường Philippines
Lô xe bus Thaco xuất khẩu sang thị trường Philippines

Nhiều dự án sản xuất, lắp ráp ô tô quy mô lớn với mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng tới thị trường khu vực, như: Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại Hải Phòng; các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô du lịch thương hiệu Mazda, ô tô tải, ô tô bus của Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco); các dự án mở rộng sản xuất ô tô du lịch và ô tô thương mại thương hiệu Hyundai của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công...

Gần đây nhất, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải đã xuất khẩu lô xe đầu tiên (xe bus mang thương hiệu riêng của Thaco và xe du lịch thương hiệu Kia Motors) sang các quốc gia Đông Nam Á (Philippines, Thái Lan). VinFast chuẩn bị xuất khẩu xe ô tô điện sang Hoa Kỳ. Việc sử dụng ngay từ đầu các công nghệ Đức, việc lựa chọn những hạng mục chiếm giá trị cao trên một chiếc ô tô, để sớm hoàn thành mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa cho thấy VinFast muốn đưa ra những chiếc xe chất lượng với giá cả cạnh tranh để xuất khẩu.

Hơn nữa VinFast đã và đang âm thầm thành lập các công ty con và văn phòng ở nước ngoài để phục vụ cho tham vọng sớm xuất khẩu ô tô, như mở công ty VinFast GmbH, tọa lạc tại thành phố Frankfurt, CHLB Đức. Vinfast cũng đang gấp rút để mở thêm văn phòng tại một số thành phố lớn như: Thượng Hải, Seoul…

Đối với các chủng loại xe tải nhẹ dưới 7 tấn, xe khách từ 25 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt mục tiêu đề ra của Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đáp ứng cơ bản nhu cầu thị trường nội địa (xe tải đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu).

Nghị định 116 bảo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp nhập khẩu với doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Cụ thể, trước kia, chỉ doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước phải xuất trình Giấy chứng nhận kiểu loại xe, và phải sở hữu hoặc thuê đường thử ô tô, nay cả doanh nghiệp nhập khẩu cũng phải đáp ứng 2 điều kiện này.

Nghị định 125 áp dụng mức thuế suất ưu đãi là 0% cho các linh kiện ô tô nhập khẩu thuộc nhóm hàng 98.49. Điều kiện để được ưu đãi là các linh kiện phải thuộc loại trong nước chưa sản xuất được, và tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp phải đạt 20% năm 2018, 40% từ năm 2022.

Hai nghị định trên khiến cho cấu trúc thị trường xe hơi nước ta thay đổi. Bắt đầu từ thị trường đầu tư, Thaco, Hyundai - Thành Công, Vinfast… đã ra tay đón đầu. Mitsubishi quyết định mở nhà máy ô tô thứ 2 ở Long An có công suất 100 ngàn xe/năm, gấp 20 lần công suất nhà máy đầu tiên ở Bình Dương; Hyundai Hàn Quốc cũng đã mở cho riêng mình 1 cơ sở sản xuất ô tô, bên cạnh việc đã chuyển giao lắp ráp cho liên doanh Hyundai -Thành Công.

Ở thị trường sản xuất, nhiều cơ sở công nghiệp ô tô sẽ đẩy nhanh tốc độ nội địa hóa để đáp ứng điều kiện hưởng mức thuế ưu đãi 0% nhập khẩu kinh kiện, phụ tùng. Doanh nghiệp nào không đạt tỷ lệ nội địa hóa 20% năm 2018 và 40% từ năm 2022, sẽ rất dễ bị loại khỏi cuộc chơi do mất lợi thế cạnh tranh về giá. Cụ thể, Tập đoàn Thành Công đã đưa Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô ở Quảng Ninh vào vận hành. Tổ hợp được xây dựng trên diện tích 340ha đã thu hút và quy tụ nhiều doanh nghiệp trong ngành phụ trợ ô tô, sản xuất linh kiện và phụ tùng, đặc biệt là những bộ phận có hàm lượng công nghệ cao.

Điều này sẽ dễ dàng tạo ra sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong ngành. Đồng thời, những sản phẩm của Tổ hợp sẽ không dừng lại là nguồn cung cho các hoạt động sản xuất kinh doanh ô tô cốt lõi hiện tại của Tập đoàn Thành Công, mà còn hướng tới xuất khẩu, mang giá trị của ngành công nghiệp phụ trợ ô tô Việt Nam tiếp cận tới các thị trường khu vực và thế giới.

Cuối cùng, trên thị trường tiêu dùng - là hệ quả đến sau của 2 thị trường đầu tư và sản xuất nói trên. Còn quá sớm để nói kết quả, nhưng xu hướng gia tăng nội địa hóa sản phẩm, giá cả cạnh tranh hơn… là điều khá rõ. VinFast Fadil đạt tỷ lệ nội địa 40% ngay từ khi ra đời và có kế hoạch nâng lên 60% vào 2025. Đây cũng chính là lý do khiến Vinfast Fadil có giá bán cạnh tranh. Trên thực tế, số lượng tiêu thụ mẫu xe này liên tục dẫn đầu toàn thị trường lẫn phân khúc từ tháng 4 năm 2021 đến nay.

Như thế, cuộc chơi trên thị trường ô tô đã thay đổi, một “trật tự” mới trên thị trường ô tô đã xuất hiện: Trước kia, ưu thế thuộc về doanh nghiệp có quan hệ mật thiết với chính hãng, mà thực chất là các liên doanh tại Việt Nam, như Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam… nhưng nay, ưu thế hướng về doanh nghiệp thuộc bất cứ loại hình nào gia tăng được tỷ lệ nội địa hóa lên đến mức cao nhất.

Nhóm tác giả