Cạnh tranh nhờ sản xuất sạch, thiết kế sản phẩm hợp lý để xuất khẩu

Trong thời điểm khó khăn chung, sản xuất sạch hơn (SXSH) tạo ra các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, tiết kiệm nguyên nhiên liệu là yếu tố quan trọng quyết định các sản phẩm hàng hóa của doanh ng

Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm

 

            Những khó khăn chung của nền kinh tế đã bộc lộ yếu kém về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khi từ trước tới nay chỉ chú trọng vào gia công và cạnh tranh bằng giá là chủ yếu. Đây cũng là điều lý giải vì sao, Việt Nam mới chỉ được hưởng khoảng 10% lợi nhuận từ các sản phẩm may mặc hay giày dép xuất khẩu. PGS. TS Trần Văn Nhân cho rằng, khâu yếu nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là thiết kế- phát triển sản phẩm và phân phối. Thực tế, hai yếu tố này liên quan chặt chẽ với nhau bởi có sản phẩm tốt thì doanh nghiệp mới bán được và có hiểu rõ thị hiếu người dùng, tiêu thụ được hàng hóa thì mới có thể phát triển sản phẩm tốt. Hai yếu tố này đều nằm trong quá trình phát triển sản phẩm, trong đó yêu cầu của người tiêu dùng là yếu tố đầu vào, là đơn đặt hàng cho quá trình phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, nguồn nguyên nhiên liệu, các vấn đề về môi trường và xã hội đang ngày càng trở nên bức thiết, có nguy cơ đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước. Theo thống kê thì phần lớn gỗ nguyên liệu cho ngành đồ gỗ của Việt Nam đang phải nhập khẩu... Chính những thách thức này đã đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp về sự phát triển “xanh”, một nền kinh tế tăng trưởng lành mạnh không ảnh hưởng lớn tới môi trường, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên và giảm chất lượng cuộc sống. Điều này cũng có nghĩa, không thể phát triển chộp giật, thiếu bền vững mà các doanh nghiệp cần phải phát triển theo chiều sâu, nâng cao giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị nguyên vật liệu và năng lượng sử dụng.

Sản xuất sạch hơn được coi là giải pháp giảm thiểu nguy cơ tác động tiêu cực tới con người và môi trường nhưng vẫn tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Trước đây, sản xuất sạch được triển khai ở Việt Nam từ những năm 1990 và tập trung chủ yếu vào cải tiến và tối ưu hóa quá trình sản xuất. Tuy nhiên, theo bà Garrette E.Clark, Ban Kỹ thuật, Công nghiệp và Kinh tế (Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc), vấn đề là các doanh nghiệp cần phải cân nhắc để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng ngay từ  khâu thiết kế sản phẩm để có thể giúp giảm chi phí liên quan đến nguồn lực, cách bao gói, chi phí vận chuyển và tăng giá trị của sản phẩm thông qua việc cải tiến công năng và tuổi đời của sản phẩm. Tất cả những thay đổi này đều gắn với một mục tiêu cuối cùng là thay đổi thị phần của sản phẩm.

Cùng với sự phát triển chung của đất nước, trình độ sản xuất công nghiệp ở Việt Nam đã nâng lên và phát triển theo chiều sâu. Điểm mấu chốt giải quyết vấn đề cạnh tranh chính là chất lượng sản phẩm hàng hóa theo hướng thân thiện môi trường, đáp ứng xu thế “thị trường xanh” hiện nay trên quy mô toàn cầu. Theo PGS.TS Trần Văn Nhân, thời điểm khó khăn kinh tế là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận lại chính mình, muốn định hướng xuất khẩu thì khi hội nhập, thị trường Việt Nam cũng là thị trường thế giới và ngược lại. Cho nên, các doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh xuất khẩu trên thị trường thế giới mà ngay cả trên sân nhà cũng phải tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường. Điều đó có nghĩa là phải sản xuất ra các sản phẩm không chỉ đảm bảo đạt được lợi nhuận kinh tế mà còn giải quyết các vấn đề có ý nghĩa giảm tác động môi trường; phát triển bền vững; đồng thời có ý nghĩa nhân văn, đảm bảo chất lượng cuộc sống, giảm tác động trực tiếp tới người lao động...

 

Thay đổi nếp nghĩ cũ trong doanh nghiệp

 

Nhằm đẩy mạnh chiến lược SXSH, Việt Nam đã có nhiều hoạt động xúc tiến để các doanh nghiệp có thể áp dụng vào thực tiễn thông qua các hoạt động nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp, cơ quan tư vấn. Chiến lược SXSH sẽ giúp cho các doanh nghiệp có tầm nhìn xa hơn trong phát triển sản xuất trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh. Năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp phải được thể hiện qua nâng cao hiệu quả hoạt động của sản xuất, tìm mọi cách cắt giảm chi phí đầu vào, sử dụng hiệu quả nguyên liệu, tiết kiệm năng lượng; đồng thời giảm các chi phí trong giải quyết môi trường. Việc tiếp cận SXSH cùng lúc giải quyết cả vấn đề môi trường và vấn đề năng suất hiệu quả cho các doanh nghiệp. Từ đó, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thực sự, ông Nhân khẳng định.

Bước đầu, chương trình đã thực hiện trong 3 lĩnh vực chính gồm: thủ công mỹ nghệ, nội thất và thủy sản. Kết quả thử nghiệm tại 8 doanh nghiệp gồm: gỗ Trường Thành, công ty Utxi, bàn ghế Xuân Hòa, nội thất Trúc Xinh, Hoa Sơn, gốm An Đô, Thủy sản Hùng Cá đã mang lại hiệu quả cao và có khả năng nhân rộng.

Bà Đặng Thanh Thùy, Công ty Xuân Hòa cho biết, là doanh nghiệp nhà nước có truyền thống, việc áp dụng SXSH xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của thị trường về thay đổi mẫu mã, thiết kế của khách hàng. Nếu không thay đổi, khó có thể cạnh tranh với các đối thủ ra đời những mẫu mã phong phú, bắt mắt hơn, chất lượng tốt hơn mà giá thành lại thấp. Chương trình đã tăng năng lực thiết kế, giảm chi phí mà lại nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Trong tất cả các yếu tố, việc thay đổi thiết kế và phát triển chiến lược thiết kế, ý tưởng và phát triển ý tưởng sẽ góp phần giảm bớt nguyên liệu, thay đổi nguyên liệu và công nghệ sản xuất; tối ưu hóa hệ thống phân phối, tối ưu hóa vòng đời và giai đoạn thải bỏ sản phẩm.

Theo PGS.TS Nhân, quan trọng nhất trong quá trình SXSH vẫn là ý tưởng ngay từ ban đầu, trong đó, việc thiết kế sản phẩm đóng vai trò đầu tiên, sau đó mới tới khía cạnh công nghệ tạo ra sản phẩm. SXSH không chỉ về mặt giải pháp kỹ thuật mà cả yếu tố kinh tế. Các giải pháp SXSH được định dạng ở 3 mức: các giải pháp giảm tại nguồn; giải pháp tái chế, tái sử dụng và giải pháp thay đổi sản phẩm. Tất cả các loại hình doanh nghiệp đều có tiềm năng áp dụng SXSH, kể cả làng nghề hay quy mô công nghiệp lớn. Điều quan trọng nhất là doanh nghiệp nào có cam kết và quyết tâm phát triển.

Hiện tại, số lượng các doanh nghiệp tham gia xây dựng mô hình SXSH ở các địa phương đã phát triển mạnh. 40/63 tỉnh thành phố đã xây dựng được các mô hình điển hình để có thể nhân rộng trên toàn quốc. Các doanh nghiệp này đã thu được những lợi ích rất cụ thể về mặt kinh tế thông qua tiết kiệm nhiên liệu và sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm sức lao động và đặc biệt là các doanh nghiệp dần đạt được mục đích, yêu cầu về bảo vệ môi trường.