Cao Bằng: Phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị

Triển khai từ năm 2020, đến nay, Cao Bằng đã có gần 100 sản phẩm OCOP, trong đó có 9 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 88 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị

Ngày 27/12/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo đã ký ban hành Kế hoạch số 3438/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Cao Bằng: Phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo đánh giá, Cao Bằng là địa phương có tiềm năng lớn trong việc phát triển sản xuất nông sản đặc hữu theo hướng hàng hóa

 

Kế hoạch nhằm phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của cộng đồng xóm, xã theo hướng kinh tế tuần hoàn, đảm bảo hệ sinh thái bền vững. Phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là cấp xã trong triển khai Chương trình OCOP; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình OCOP; xác định rõ mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ trọng tâm; sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các sở, ngành và các đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đạt mục tiêu đề ra.

Tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ các tổ chức kinh tế và người dân tích cực tham gia Chương trình OCOP, nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Duy trì, nâng hạng và định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh tham gia Chương trình OCOP; tổ chức đánh giá, xếp hạng, công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh hàng năm và giai đoạn 2021-2025. Thực hiện tốt các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Cao Bằng.

Mục tiêu của Kế hoạch là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Cao Bằng: Phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị
Lạp sườn Tâm Hòa, là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Cao Bằng

 

Cao Bằng đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, khoảng 10 sản phẩm đạt 04 sao và 01 sản phẩm đạt 05 sao; duy trì, củng cố 100%, các sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng. Đồng thời, ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có 30% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị (đối với sản phẩm nông sản) theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Nhiều giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP

Để thực hiện được các mục tiêu mà UBND tỉnh đề ra trong Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, các sở, cơ quan ban ngành đã phối hợp tìm nhiều giải pháp để thúc đẩy tìm đầu ra cho các sản phẩm OCOP của Cao Bằng, trong đó có Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, thuộc Sở Công Thương Cao Bằng.

Để gắn kết với thị trường, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu sản phẩm, tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của khách hàng để có thể xây dựng chiến lược phát triển bền vững và mở rộng thị trường.

Cao Bằng: Phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị
Nếp ong Trùng Khánh trong đợt dự thi phân hạng sản phẩm OCOP

 

Chỉ tính riêng trong năm 2023, Trung tâm đã tạo điều kiện cho 40 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã là các chủ thể có sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tham gia 9 hội chợ, chương trình kết nối cung cầu tại Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nghệ An, Lai Châu, Ninh Bình, Phú Thọ; tổ chức 10 lớp tập huấn nâng cao năng lực về kỹ năng phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm trên Internet và 11 lớp tập huấn nâng cao năng lực về kỹ năng phát triển sản xuất, kinh doanh; tổ chức 22 lớp tập huấn nâng cao năng lực về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các huyện Thạch An, Nguyên Bình, Quảng Hòa, Trùng Khánh. Đồng thời, quan tâm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, được thị trường ngoài tỉnh đón nhận, phân phối tại nhiều hệ thống siêu thị lớn tại các tỉnh, thành phố trong nước (như hệ thống các siêu thị Winmart+, GO!, AEON...), cùng các sàn thương mai điện tử uy tín hiện nay và đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Tại Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tỉnh Cao Bằng năm 2023 diễn ra đầu tháng 10/2023 mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Trung Thảo cho biết, Cao Bằng là địa phương có tiềm năng lớn trong việc phát triển sản xuất nông sản đặc hữu theo hướng hàng hóa. Hiện tỉnh có trên 500 cơ sở ngành nghề, làng nghề nông thôn. Trong đó có 213 cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm; 177 cơ sở chế biến lâm sản; 118 hợp tác xã tham gia sản xuất nông, lâm, thuỷ sản; 7 làng nghề được UBND tỉnh công nhận.

Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tỉnh Cao Bằng năm 2023 là hội chợ có quy mô cấp vùng lần đầu tiên được tổ chức tại Cao Bằng, nhằm tuyên truyền, quảng bá, thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP mang đậm bản sắc văn hoá địa phương, nâng cao hình ảnh sản phẩm OCOP. Từ đó, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phục vụ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm hàng hóa nhân dân trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Hội chợ có 260 gian hàng của 100 chủ thể thuộc Chương trình OCOP là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ đăng ký kinh doanh đến từ các địa phương trong và ngoài tỉnh Cao Bằng.

Cao Bằng: Phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị
Cành dẻ tươi thu hút sự chú ý của khách ngoại giao tại Hội nghị Giới thiệu Cao Bằng với chủ đề “Cao Bằng điểm đến - kết nối và phát triển”

 

Cũng trong tháng 10/2023, tại Hội nghị Giới thiệu Cao Bằng với chủ đề “Cao Bằng điểm đến - kết nối và phát triển” ở Hà Nội, Sở Công Thương Cao Bằng đã trưng bày, triển lãm các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm xuất khẩu và có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh Cao Bằng đến các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài... như Trà Kolia, bánh khảo, gạo nếp hương, bánh chưng, xôi ngũ sắc. Bộ gia vị hồi, quế, gừng, ớt; Thạch đen, cây thạch tươi. Quả trám đen, hạt dẻ, bún ngũ sắc, cành dẻ. Miến, các sản phẩm trà cao sâm, giảo cổ lam. Đây là các sản vật nổi bật, tiêu biểu, độc đáo, đặc trưng, có mặt trên thị trường, mang lại giá trị kinh tế cao, kết tinh nhiều giá trị văn hóa dân tộc của người Cao Bằng.

Tiếp đó, với vai trò là người hỗ trợ, kết nối, ngày 23/10, Sở Công Thương tiếp tục tổ chức bàn giao 79.100 sản phẩm túi giấy truyền thông cho các đối tượng chủ thể là 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, cơ sở kinh doanh, với tổng kinh phí trên 903 triệu đồng. Đối tượng được thụ hưởng và số lượng sản phẩm được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi năm 2023, theo đó, có 6 sản phẩm nông nghiệp OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh của 20 chủ thể được hỗ trợ truyền thông, thông qua hình thức việc thiết kế và in trên túi giấy thông tin về sản phẩm gồm: Thạch đen (Thạch An); Miến dong (Nguyên Bình); Gạo Nếp hương (Bảo Lạc); Khẩu Sli Nà Giàng (Hà Quảng); Đường phên Bó Tờ; Dao Phúc Sen (Quảng Hòa).

Cao Bằng: Phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị
Sở Công Thương bàn giao 79.100 sản phẩm túi giấy truyền thông cho các doanh nghiệp có sản phẩm nông nghiệp OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh

 

Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Cao Bằng, dự kiến, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm OCOP tiêu biểu đến thị trường trong và ngoài nước; hướng tới tìm kiếm thị trường tiềm năng thông qua các hoạt động như tổ chức, tham gia các sự kiện lễ hội, hội chợ, chợ phiên; nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể về việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu về chất lượng, giá trị và thương hiệu của sản phẩm, góp phần phát triển Chương trình OCOP theo hướng ổn định, chất lượng và bền vững.

Tại Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký có nêu rõ, tỉnh Cao Bằng sẽ tập trung Phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp sân gôn; du lịch thể thao mạo hiểm, vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng; du lịch gắn với phát triển sản phẩm OCOP.

Hình thành các cơ sở chế biến nông sản quy mô lớn để gia tăng giá trị đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản, đặc hữu, đặc trưng và có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Cao Bằng.

Đẩy mạnh hợp tác, liên kết, có chính sách thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp để phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp hiệu quả, tham gia sâu vào các chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu. 

Hoàng Hồ