Cấp thiết hoàn thiện chính sách để phát triển thương mại vùng biên giới, miền núi và hải đảo

Đây là đề xuất được đa số đại biểu đề cập đến tại Hội nghị Chính sách phát triển thương mại vùng biên giới, miền núi và hải đảo do Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi (Bộ Công Thương) phối hợp với sự

Tham dự Hội nghị có trên 100 đại biểu, đại diện các bộ, ngành trung ương, đại diện lãnh đạo địa phương, các sở công thương có chung đường biên giới với các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc, các vùng núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn... trên cả nước.

Kết quả ban đầu

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, cơ chế quản lý hoạt động thương mại biên giới, miền núi và hải đảo đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại những năm gần đây tăng trưởng ở mức cao; góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa của nước ta qua biên giới; kết cấu hạ tầng dịch vụ thương mại được quan tâm đầu tư nên đã có nhiều cải thiện, bước đầu hình thành hệ thống phân phối hàng hoá, như: các chợ đầu mối, chợ, cửa hàng bách hoá, cửa hiệu tạp hoá đã thu hút và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của đồng bào các dân tộc biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Bên cạnh đó, các chương trình cung cấp thông tin, tuyên truyền, quảng bá về thị trường, về doanh nghiệp, về hàng hoá, đặc biệt là các mặt hàng của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo cũng đã được quan tâm phát triển. Công tác tuyên truyền về thương mại đã góp phần củng cố các hoạt động chính trị, đối ngoại, bảo đảm an ninh quốc phòng, nhất là đối với khu vực hải đảo trong bối cảnh hiện nay.

Ông Trần Trọng Kim - chuyên gia tư vấn Dự án USAID GIG

Theo ông Trần Trọng Kim - chuyên gia tư vấn Dự án USAID GIG, hệ thống chính sách về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo hiện có đã bao trùm khá toàn bộ những khía cạnh cần chú ý đối với phát triển thương mại khu vực này. Đặc biệt, Bộ Công Thương đang hoàn thiện Dự thảo Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Theo đó, Chương trình được thực hiện trên phạm vi 62 huyện nghèo và 7 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định cho huyện nghèo; các huyện, xã miền núi, vùng sâu, vùng xa khác; các huyện đảo, xã đảo và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Thời gian thực hiện Chương trình từ năm 2015 đến hết năm 2020.

Mục tiêu chung của Chương trình nhằm xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nhằm rút ngắn khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo với các vùng miền khác; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Những bất cập, hạn chế

Ông Nguyễn Văn Hội - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hội - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi cho biết, Việt Nam với đa phần diện tích là đồi núi, sông ngòi, hải đảo và vùng ven biển, miền núi, vùng sâu, vùng xa, chiếm 3/4 diện tích trải dài từ Bắc đến Nam; 25/63 tỉnh biên giới tiếp giáp với 3 nước Trung Quốc, Lào và Campuchia, dài khoảng 4.653km. Tuy nhiên, cơ chế chính sách trong lĩnh vực này cũng còn nhiều vướng mắc. Chính sách và chủ trương của Đảng và Nhà nước về quản lý thương mại biên giới chưa cụ thể. Luật Thương mại, Luật Biên giới và Luật Hải quan chưa có quy định về thương mại biên giới mà chủ yếu ở văn bản dưới luật.

Thực tế cho thấy, việc đưa chính sách vào cuộc sống đang gặp nhiều khó khăn, một số văn bản, quyết định không còn phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng phát triển của xã hội, người dân và doanh nghiệp ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; quan tâm chưa đúng mức về thương mại biên giới trong ký kết các hiện định thương mại với các nước có chung đường biên giới. Cơ sở pháp lý chưa phù hợp với đặc thù của thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Các văn bản về thương mại miền núi, hải đảo chưa mang tính hệ thống, đồng bộ, đôi khi còn trùng lặp, chồng chéo gây ra nhiều bất cập khi triển khai thực hiện. Không chỉ vậy, có những khó khăn về thị trường, lưu thông hàng hóa chưa được tháo gỡ hoặc quan tâm đúng mức tại khu vực này.

Mặt khác, khó khăn nhất là thiếu nguồn lực để triển khai, trong từng chính sách còn chưa đầy đủ... khiến kinh tế xã hội khu vực chậm phát triển, trong khi đây lại là những vùng giàu tài nguyên, khoáng sản. Mặt khác, vấn đề thông tin về thương mại biên giới phục vụ công tác quản lý và điều hành còn thiếu, hạn chế. Vì thế, những sự việc bất thường liên quan đến thương mại biên giới xảy ra tại khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới chưa được cập nhật kịp thời.

Cấp thiết hoàn thiện cơ chế, chính sách

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu, các chuyên gia cho rằng, cần phải xây dựng, thay đổi, bổ sung và ban hành một số chính sách, như Luật Quản lý ngoại thương, Luật Thương mại (sửa đổi) trong đó có nội dung về quản lý thương mại biên giới, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; Phân cấp quản lý hợp lý thương mại biên giới giữa các bộ ngành chức năng trung ương và địa phương; các địa phương cần nâng cao trách nhiệm, có những chính sách hỗ trợ đối với đồng bào vùng đặc biệt khó khăn; cần có những cơ chế, chính sách, những chương trình khuyến khích, hỗ trợ phát triển dịch vụ thương mại tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, hỗ trợ phát triển các dịch vụ phân phối, giao nhận, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng của hàng hoá được sản xuất tại các vùng này. Đặc biệt, phải hỗ trợ phát triển dịch vụ kho hàng nhằm đảm bảo cung ứng các hàng hoá thiết yếu, kể cả trong trường hợp xảy ra thiên tai, bị chia cắt hoặc các điều kiện bất khả kháng khác.



Các đại biểu thảo luận sôi nổi

Ngoài ra, nên lồng ghép Chương trình với các đề án, chương trình phát triển kinh tế, xã hội của người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; đồng thời thúc đẩy, liên kết các ngành dịch vụ phát triển (du lịch, giao thông vận tải...) để phát triển tổng lực Chương trình này tốt hơn. Đặc biệt, cần tập trung sửa đổi và hoàn thiện hệ thống chính sách thương mại để phát triển các mặt hàng có tiềm năng, thế mạnh của khu vực miền núi, biên giới, hải đảo.

Thêm vào đó, để tăng cường khai thác tối đa về phát triển thương mại biên giới, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, các bộ, ngành chức năng cần tạo điều kiện, có cơ chế thuận lợi thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia hoạt động thương mại, dịch vụ tại các khu vực cửa khẩu để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương biên giới.