Câu chuyện cuối tuần: Mùa Loa kèn của Bố

Bố mất đúng mùa loa kèn, 1/3 âm lịch. Mới đấy đã hơn một phần tư thế kỷ. 26 năm, mẹ tìm vui theo tín ngưỡng Phật giáo.

Bố bị ung thư phổi. 26 năm trước, y học còn chưa phát triển, khi người ta tìm được ra bệnh của bố thì đã quá muộn, phổi đã xẹp, u đã di căn.

Ngày bệnh viện trả bố về, mẹ bán cái Kiot ngoài mặt đường lấy tiền chạy chữa thuốc nam cho bố và mua một chiếc JVC mầu để bố xem tin tức. Bố rất thích, nhưng thời ấy đâu có nhiều chương trình như bây giờ. Chỉ có chút bản tin thời sự tối, rồi phát lại vào sáng sớm hôm sau.

Mùa loa kèn của Bố
Những bông hoa loa kèn nở rộ trắng muốt, với mùi thơm tinh khiết

Mỗi ngày, khi tỉnh dậy, bố lại ngồi ở chiếc ghế gỗ kê trước cửa hiên nhà nhìn ra vườn, không khí thoáng đãng cho dễ thở. Vì K phổi, khối u chèn ngay giữa thùy hai cuống phổi nên bố thở rất nặng nhọc, mệt mỏi.

Chị tôi đi làm xa cuối tuần mới về, những ngày cuối cùng của bố cũng đứng ngồi không yên. Có hôm bố trở nặng, vào cấp cứu bệnh viện, mẹ bảo tôi vào trực cùng mẹ, sợ bố không qua khỏi. Tôi gọi tụi bạn đại học đến trông nhà hộ rồi vào viện, nhưng đêm đó, bố vượt qua được.

Lại có hôm đã khuya lắm, hồi đó chưa có điện thoại, thấy ông hàng xóm sang gọi, mẹ nhắn vào viện gấp, bố mày yếu lắm rồi. Tôi lại gọi ông anh họ và cậu bạn đến trông nhà rồi lao vào bệnh viện.

Nghe kể lại đêm đó hai anh em lúc đi vệ sinh thì bị nồi chảo rơi trúng đầu, vì trước đó tôi ở nhà một mình, nhà cấp 4 tuềnh toàng, lại khu bếp với vệ sinh riêng, sợ trộm nên treo các loại nồi xoong lên cửa ra vào và cửa bếp. Đêm đó, bố vẫn kiên cường vượt qua.

Sau 6 tháng chiến đấu với bệnh tật, giảm đau bằng morphine, một buổi chiều thứ hai, bố ngồi rất lâu trên chiếc ghế tựa ngoài hiên, hơi thở nặng nhọc. Dường như linh cảm được điều không hay, mẹ nhờ người đón chị tôi về, vì chị tôi vừa đi lúc sáng.

Bố cứ ngóng mãi, trông mãi cô con gái lớn, nhưng cuối cùng, bố đã không thể chờ được. Bố vào giường nằm, rồi lịm dần, lịm dần. Tôi cứ nắm tay bố, ấn vào lòng bàn tay bố, nó trắng ra rồi lại  hồng lên là tôi yên tâm.

Tôi không bao giờ quên được cảm giác tuyệt vọng lúc ấy, khi tôi ấn vào lòng bàn tay bố và nó cứ tím thẫm lại không hồng lên được nữa. Tôi cứ bấm mãi cho đến khi mẹ bảo, bố mất thật rồi con ạ.

Mùa loa kèn của Bố
Bố cứ ngóng mãi, trông mãi cô con gái lớn, nhưng cuối cùng, bố đã không thể chờ được. Ảnh minh họa

Vì ẩn tuổi bố nên lúc khâm liệm, theo phong tục, tôi phải ngồi dưới bếp, hai bên hai đứa bạn thân giữ chặt. Chỉ có mẹ và chị là được ở bên khâm liệm cho bố, anh trai tôi ở nước ngoài không về kịp. Từ dưới bếp ngó lên, thấy mẹ và chị thay cho bố bộ quần áo mới, chải mái tóc tơ mềm vương trên vầng trán cao giờ đã cứng lại, tôi khóc không thành tiếng.

Hai ngày bên linh cữu bố, mẹ con tôi gần như không ngủ, trời nồm ẩm ướt, mưa không ngừng tuôn rơi. Bố về hưu sớm, nhưng bạn bè, con cháu gần xa hay tin vẫn về viếng rất đông.

Lúc đưa bố ra đồng, đột nhiên trời quang mây tạnh. Cảm giác khi cầm nắm đất cuối cùng ném xuống huyệt mộ để chính thức chấm dứt sự hiện diện của bố trên cuộc đời này thật sự đau đớn và trống rỗng. Sinh ly, tử biệt. Khi biết bố mắc ung thư, gia đình tôi ai cũng biết sẽ có lúc này, nhưng khi nó đến vẫn là nỗi đau không thể diễn tả được. Năm đó, bố thọ 57 tuổi.

Trở về, nhà đã khô cong. Trên chiếc bàn thờ lập tạm, hai lọ hoa loa kèn nở rộ trắng muốt, với mùi thơm tinh khiết.

Mùa loa kèn của Bố
Và tình yêu của chúng tôi dành cho bố vẫn vẹn nguyên như ngày nào

Vậy mà đã hơn một phần tư thế kỷ. 26 năm, mẹ tìm vui theo tín ngưỡng Phật giáo. Ngày giỗ bố, họ hàng, con cháu sum vầy. Năm nay đúng mùa dịch Covid-19 nên mẹ chỉ làm mâm cơm để con cháu trong nhà đoàn tụ, chứ không mời họ hàng, thông gia như mọi năm.

Trên bàn thờ hai lọ loa kèn thơm ngát. Phòng khách cũng có một lọ loa kèn bung nở. Ở đâu cũng có hoa loa kèn cho bố. Và tình yêu của chúng tôi dành cho bố vẫn vẹn nguyên như ngày nào.

Hồ Nga