TÓM TẮT:

Chương trình tín dụng đối với học sinh sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn (HCKK) là chương trình có tính chất xã hội hóa cao, đối tượng thụ hưởng rộng, thời gian trung bình của một món vay kể từ khi cho vay đến khi thu hồi nợ kéo dài trong khi nguồn lực Nhà nước có hạn. Do vậy, để chương trình thực sự phát huy có hiệu quả, bảo toàn được nguồn vốn cho thế hệ HSSV thì việc nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa và hạn chế rủi ro trong quá trình cấp tín dụng là rất quan trọng. Bài báo dưới đây sẽ tìm hiểu, phân tích và đánh giá thực trạng chất lượng tín dụng của chương trình cho vay này từ phía sinh viên đang theo học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và đã được tham gia vào chương trình tín dụng này. Trên cơ sở những đánh giá của sinh viên về hạn mức, quy trình giải ngân cũng như những kênh thông tin và hình thức hỗ trợ trong việc sử dụng vốn vay, bài báo tập trung đề xuất một số giải pháp giúp sinh viên có thể dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn này một cách đúng, đủ, kịp thời... bên cạnh việc triển khai các chương trình, dự án tư vấn hướng nghiệp để góp phần giải quyết việc làm cho sinh viên, giúp họ sớm có thu nhập để trả gốc và lãi vay, từ đó đẩy nhanh quay vòng vốn nhằm thực hiện được mục tiêu “không để HSSV nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính”.

Từ khóa: Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH); Tín dụng đối với HSSV có HCKK; Chất lượng tín dụng HSSV có HCKK; Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

1. Tổng quan về Chương trình Cho vay HSSV có HCKK của NHCSXH Việt Nam

Nhằm cụ thể hóa chủ trương “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” của Đảng và Nhà nước, góp phần không nhỏ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, Chính phủ và các Bộ, ngành đã rất quan tâm đến đối tượng HSSV có HCKK, không đủ điều kiện học tập và nâng cao trình độ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ hộ nghèo và hộ gia đình chính sách cũng như con em của họ tiếp cận với các dịch vụ tài chính vi mô giúp họ thoát nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Một trong các chính sách quan trọng đó là thực hiện tín dụng ưu đãi đối với HSSV có HCKK với mục đích giúp con em gia đình hộ nghèo và hộ gia đình chính sách được tiếp tục học lên bậc cao hơn để tiếp cận được với nền kinh tế tri thức, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chương trình cho vay HSSV của NHCSXH Việt Nam thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao trình độ dân trí cho đất nước, trực tiếp là cho nhiều con em các gia đình có HCKK. Cùng với thời gian, chính sách này ngày một lớn mạnh và có tác động rất lớn tới xã hội, được xã hội quan tâm và ủng hộ. Sau hơn 14 năm hình thành và phát triển, đến nay chính sách tín dụng cho HSSV có HCKK vay vốn đã gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận. Đầu tiên, chương trình tín dụng dành cho HSSV được triển khai từ tháng 3/1998 theo Quyết định số 51/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ Tín dụng đào tạo với mục đích cho vay với lãi suất ưu đãi cho sinh viên, học sinh đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Thời kì mới thành lập, quỹ này nằm ở Ngân hàng Công thương Việt Nam. Ngày 4/10/2002, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam được thành lập trên cơ sở tổ chức lại ngân hàng phục vụ người nghèo thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Đến đầu năm 2003, Quỹ cho HSSV vay được chuyển giao sang Ngân hàng Chính sách Xã hội. Nhằm hỗ trợ những HSSV có HCKK, không đủ khả năng tài chính trang trải chi phí học tập, đặc biệt là HSSV thuộc diện chính sách, hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, không để học sinh sinh viên phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 về tín dụng đối với học sinh sinh viên trong đó giao cho NHCSXH thực hiện cho HSSV có HCKK được vay vốn đi học. Sau 10 năm triển khai, chương trình tín dụng này đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, trở thành một chương trình có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, doanh số cho vay HSSV đạt hơn 51 nghìn tỷ đồng, với hơn 3 triệu lượt HSSV được vay vốn.

Theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007, đối tượng được vay vốn của chương trình là HSSV đang theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo pháp luật của Việt Nam, bộ đội xuất ngũ theo học tại các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng và các cơ sở dạy nghề khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định tại Quyết định số 121/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học, học nghề trong các trường cao đẳng, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề, trường đại học, trung cấp chuyên nghiệp của các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ sở đào tạo nghề khác theo qui định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Phương thức cho vay gồm có 02 phương thức đối với HSSV vay vốn thông qua hộ gia đình (Ủy thác qua tổ chức Hội, đoàn thể) và đối với HSSV mồ côi thì NHCSXH cho vay trực tiếp với mức cho vay tối đa theo quy định của Chính phủ từng thời kỳ (từ ngày 09/01/2016 cho vay tối đa 1.250.000đồng/tháng; (12.500.000đồng/năm học). NHCSXH quy định mức cho vay cụ thể đối với HSSV căn cứ vào mức thu học phí của từng trường và sinh hoạt phí theo vùng nhưng không vượt quá mức cho vay tối đa. Để được vay vốn, đối với HSSV năm thứ nhất phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường, đối với HSSV từ năm thứ hai trở đi phải có xác nhận của nhà trường về việc đang theo học tại trường và không bị xử phạt hành chính trở lên về các hành vi: cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, buôn lậu.... Thời hạn cho vay là khoảng thời gian được tính từ ngày đối tượng được vay vốn bắt đầu nhận vốn vay cho đến ngày trả hết nợ (gốc và lãi) được ghi trong hợp đồng tín dụng. Thời hạn cho vay bao gồm thời hạn phát tiền vay và thời hạn trả nợ. Thời hạn phát tiền vay là khoảng thời gian tính từ ngày đối tượng được vay vốn nhận món vay đầu tiên cho đến ngày HSSV kết thúc khóa học, kể cả thời gian HSSV được các trường cho phép nghỉ học có thời hạn và được bảo lưu kết quả học tập (nếu có). Thời hạn phát tiền vay được chia thành các kỳ hạn phát tiền vay do NHCSXH quy định hoặc thỏa thuận với đối tượng được vay vốn. Thời hạn trả nợ là khoảng thời gian tính từ ngày đối tượng được vay vốn trả món nợ đầu tiên đến ngày trả hết nợ (gốc và lãi). Đối với các chương trình đào tạo có thời gian đào tạo không quá 1 năm, thời hạn trả nợ tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay, đối với các chương trình đào tạo khác, thời hạn trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay. Thời hạn trả nợ được chia thành các kỳ hạn trả nợ do NHCSXH quy định. Đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi HSSV có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày HSSV kết thúc khóa học. Như vậy, đây là một chương trình tín dụng chính sách hướng tới đối tượng HSSV có HCKK với mức lãi suất hết sức ưu đãi, thời hạn từ khi nhận tiền vay đến khi hoàn trả lãi, gốc vay kéo dài, khả năng thu hồi gốc và lãi phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng có việc làm, thu nhập của HSSV sau khi tốt nghiệp. Nhằm bảo toàn vốn của Chính phủ cũng như tăng khả năng tiếp cận với nguồn vốn chính sách này đối với HSSV có HCKK, trong những năm qua, Chính phủ cùng các Bộ, ban ngành và NHCSXH đã có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả của chương trình. Tuy nhiên, chính những đặc điểm tín dụng nêu trên đã khiến phát sinh nhiều hạn chế trong việc xác định hạn mức vay, lịch trình giải ngân cho vay, kỳ hạn trả nợ, thu hồi nợ và cơ chế phối kết hợp giữa các bên liên quan trong triển khai chương trình khiến chất lượng và hiệu quả tín dụng của chương trình chưa đạt được như kỳ vọng. Phần tiếp theo của bài báo này, chúng tôi sẽ tập trung vào góc nhìn từ phía HSSV có HCKK đã và đang được nhận vốn vay từ chương trình này để có nhìn nhận đã chiều hơn về vấn đề này.

2. Kết quả và chất lượng tín dụng của Chương trình Cho vay HSSV có HCKK nhìn từ phía NHCSXH Việt Nam trong những năm gần đây

Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ trong việc thực hiện chủ trương về phát triển giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, giúp hàng triệu lượt HSSV thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập. Chương trình đã đạt được những kết quả có ý nghĩa to lớn cả về kinh tế, chính trị và xã hội, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp và cộng đồng xã hội, góp phần gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, tạo được sự bình đẳng trong giáo dục và góp phần tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Theo kết quả báo cáo mới nhất của NHCSXN, kết quả thực hiện Chương trình này đến ngày 31/8/2017 đạt được như sau:

- Tổng doanh số cho vay đến ngày 31/8/2017 đạt 59.061 tỷ đồng, doanh số cho vay bình quân là 5.906 tỷ đồng/năm; năm 2011 cho vay cao nhất là 9.438 tỷ đồng.

- Tổng doanh số thu nợ đạt 42.662 tỷ đồng, doanh số thu nợ bình quân là 4.262 tỷ đồng/năm; năm 2014 thu nợ cao nhất đạt 8.588 tỷ đồng.

- Dư nợ đến ngày 31/8/2017 là: 15.993 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn là 142 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,89 %/tổng dư nợ. Các năm có dư nợ đạt cao là 2011 là 33.447 tỷ đồng; năm 2012 là 35.802 tỷ đồng; năm 2013 là 34.262 tỷ đồng

- Chương trình đã giúp cho trên 3,5 triệu lượt HSSV được vay vốn để chi phí học tập. Các năm có số hộ gia đình và HSSV có dư nợ cao là: năm 2011 là 1.923 hộ, với 2.407 HSSV; năm 2012 là 1.886 hộ, với hơn 2.314 HSSV; năm 2013 là 1.701 hộ, với 2.094 HSSV. Đến nay, chỉ còn hơn 671 ngàn hộ gia đình đang vay vốn cho gần 761 nghìn HSSV đi học.

Kết quả các hàng năm cụ thể giai đoạn 2010-2017 được thể hiện trong bảng sau:

Cũng theo số liệu thống kê của NHCSXH, trong những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo vay vốn tín dụng HSSV biến động giảm qua các năm, trong khi đối tượng hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo và đối tượng hộ gia đình có HCKK đột xuất về tài chính lại chiếm tỷ lệ lớn và có mức tăng ổn định qua các năm. Cụ thể, đối tượng hộ nghèo dư nợ đến ngày 31/8/2017 là: 2.823 tỷ đồng với hơn 113 ngàn hộ chiếm 16,49% tổng số hộ đang vay vốn (tỷ lệ này năm 2010 là 27,55%); đối tượng hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo dư nợ là 6.429 tỷ đồng với gần 265 ngàn hộ chiếm 38,49% tổng số hộ đang vay vốn (tỷ lệ này năm 2010 là 38,19%); đối tượng HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh dư nợ là 6.708 tỷ đồng với trên 308 ngàn hộ chiếm 44,77% tổng số hộ đang vay vốn (tỷ lệ này năm 2010 là 33,94%); đối tượng là HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không còn khả năng lao động, lao động nông thôn học nghề, bộ đội xuất ngũ học nghề dư nợ gần 28 tỷ đồng, với hơn 1,7 ngàn hộ gia đình, HSSV, chiếm tỷ trọng 0,25% tổng số hộ vay vốn (tỷ lệ này năm 2010 là 0,32%). Xu hướng biến động này là hợp lý bởi theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg đối tượng vay vốn được mở rộng hơn, đối tượng hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo, hộ gia đình có khó khăn đột xuất về tài chính cũng được xem xét cho vay vốn. Mặt khác, tỷ lệ hộ nghèo năm sau đều giảm so với năm trước và hơn nữa con em hộ nghèo, nhất là các gia đình nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn ít có điều kiện học tập hơn. Riêng đối tượng thuộc diện hộ gia đình khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh giai đoạn đầu triển khai thực hiện Chương trình nhu cầu vay vốn của đối tượng khó khăn tăng cao, tuy nhiên đến tháng 8/2010, NHCSXH và các Bộ ngành đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh theo hướng nếu hộ vay vốn không còn khó khăn thì sẽ không tiếp tục được thụ hưởng sự ưu đãi nhằm đảm bảo sự công bằng trong thực hiện chính sách.

Kết quả thực hiện chương trình xét theo bậc đào tạo trong những năm qua thì dư nợ cho vay HSSV học đại học thường chiếm tỷ lệ cao nhất, từ 40-60% tổng dư nợ. Kế tiếp là HSSV học cao đẳng với tỷ lệ từ 25% - gần 35% tổng dư nợ. Thấp nhất là HSSV học nghề dưới một năm có tỷ lệ dư nợ cho vay nhỏ hơn từ nhỏ hơn 1% đến 5%. Cụ thể, đến ngày 31/8/2017, dư nợ theo bậc đào tạo được thể hiện như sau:

- Đối với sinh viên học Đại học: Dư nợ là 10.237 tỷ đồng, với gần 449 ngàn HSSV dư nợ, chiếm 58,98% tổng số HSSV vay vốn của Chương trình.

- Đối với sinh viên học Cao đẳng: Dư nợ là 4.236 tỷ đồng, với 218,4 ngàn HSSV dư nợ, chiếm 28,7% tổng số HSSV vay vốn của Chương trình.

- Đối với HSSV học Trung cấp: Dư nợ là 959 tỷ đồng, với 60,2 ngàn HSSV dư nợ, chiếm 7,91% tổng số HSSV vay vốn của Chương trình.

- Đối với HSSV học nghề: Dư nợ là 561 tỷ đồng, với 33,5 ngàn HSSV dư nợ chiếm 4,41% tổng số HSSV vay vốn của Chương trình.

Qua những số liệu thống kê trên, có thể thấy chương trình đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả do nhận được sự chỉ đạo kiên quyết, thường xuyên của Chính phủ và sự phối hợp tích cực triển khai của các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương các cấp. Bên cạnh đó, sự đổi mới trong việc cho vay trực tiếp hộ gia đình HSSV thông qua ủy thác một số nhiệm vụ đối với các tổ chức chính trị - xã hội đã chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người vay và ngân hàng khiến cho kết quả triển khai chương trình trong những năm qua đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, nhìn từ mặt khác, chúng ta có thể nhận thấy dư nợ của chương trình có xu hướng giảm nhanh do vốn vay đến kỳ hạn trả nợ và việc xác nhận đối tượng vay vốn ngày chặt chẽ hơn. Nhưng quan trọng hơn cả là do chính sách giảm lãi khi trả nợ trước hạn nhiều hộ gia đình vay vốn HSSV tìm mọi cách trả nợ gốc trước hạn để hưởng giảm lãi ngay khi HSSV chưa ra trường hoặc chưa tìm được việc làm; đặc biệt, theo phản ánh của nhiều hộ tại nhiều địa phương, đặc biệt những địa phương vùng sâu, vùng xa thì mức vay hiện còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu chi phí học tập cho HSSV nên họ không muốn vay là nguyên nhân giảm nhanh dư nợ của chương trình. Nhiều hộ gia đình có từ 02 con trở lên đang theo học tại các trường, cơ sở đào tạo hoặc những hộ gia đình có con theo học tại các trường, cơ sở đào tạo đang sinh sống ở vùng khó khăn có nhu cầu vay vốn nhưng chưa được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của chương trình. Thêm nữa, nếu nhìn vào tỷ lệ nợ quá hạn chúng ta có thể thấy sự tăng lên nhanh chóng, đều đặn, thể hiện khả năng thu hồi vốn, khả năng trả gốc và lãi của HSSV có HCKK gặp khó khăn. Để có thể nhìn nhận rõ hơn về chất lượng tín dụng của chương trình, chúng tôi tiến hành khảo sát thí điểm đối với sinh viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhập học trong những năm gần đây, đã và đang được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của chương trình này.

3. Thực trạng chất lượng tín dụng của Chương trình Cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn của NHCSXH Việt Nam nhìn từ phía sinh viên tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Sau khi Quyết định số 157/2007/QĐ - TTg được thông qua ngày 27/9/2007 về các ưu đãi tín dụng cho học sinh sinh viên có HCKK, đến năm 2009, Trường Đại học Bách khoa đã nhiệt tình hưởng ứng khi số lượng sinh viên tham gia chương trình có xu hướng tăng qua các năm.

Ngay từ khi bắt đầu tham gia chương trình vay vốn cho HSSV có HCKK, tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã có gần 2.500 sinh viên tham gia, đủ để thấy sự cần thiết và tính thiết thực mà chương trình mang lại cho các bạn sinh viên, đặc biệt là những sinh viên có HCKK, cần sự giúp đỡ của xã hội. Tuy nhiên trong năm đầu tiên tham gia chương trình, số lượng sinh viên Đại học Bách khoa được vay vốn không thực sự nhiều khi mới chỉ giải quyết được cho hơn 1.000 sinh viên có HCKK được giải quyết nhận vay vốn. Lí do có thể là bởi lần đầu tiên tham gia chương trình nên sinh viên chưa nắm được các thủ tục, quy trình để vay vốn dẫn đến việc không chuẩn bị đủ hồ sơ cũng như đảm bảo đúng quy trình do NHCSXH yêu cầu, cũng như chưa hiểu những thủ tục xác nhận tại chính quyền địa phương cũng như các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác. Trong những năm sau đó (từ năm 2010 đến nay), số lượng sinh viên được vay vốn đã tăng lên đáng kể. Tiêu biểu là năm học 2013-2014, gần như 100% sinh viên đăng kí tham gia chương trình vay vốn HSSV có HCKK đã được giải quyết, hỗ trợ cho công việc sinh hoạt và học tập trong những năm học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong bảng thống kê, có thể thấy rõ do kinh tế phát triển hơn trước, sinh viên cũng năng động hơn, có thể tự trang trải cuộc sống hàng ngày của mình bằng nhiều cách khác nhau như đi làm thêm hoặc do chuẩn nghèo thay đổi, kinh tế hộ gia đình cũng khá hơn trước nên số lượng sinh viên đăng kí tham gia vay vốn có giảm dần. Cụ thể trong năm học 2016-2017, chỉ có đối tượng sinh viên có HCKK tham gia chương trình và chỉ có 695 sinh viên được vay vốn.

Để có thể đánh giá chất lượng tín dụng của chương trình, nhóm nghiên cứu thực hiện các khảo sát bằng bảng hỏi ngẫu nhiên với 200 sinh viên nhập học Trường Đại học Bách khoa Hà Nội từ năm học 2014-2015 đến nay và đã được nhận vốn vay từ chương trình này. Kết quả khảo sát thu về 186 phiếu hợp lệ (đạt 93%) và cho phép đánh giá sơ bộ một số điểm như sau:

* Đánh giá chung về chính sách: Có tới 94.2% sinh viên tham gia khảo sát cho rằng, chính sách tín dụng cho HSSV vay vốn là chính sách có ý nghĩa thiết thực, tháo gỡ khó khăn về tài chính để các em có thể quyết tâm theo học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Điều này lý giải đây chính là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và nhận được sự đồng thuận cao của người dân.

* Kênh cung cấp thông tin về chương trình: Theo kết quả khảo sát, kênh thông tin từ nhà trường có hiệu quả nhất, giúp 39,7% sinh viên biết đến chương trình này. Các kênh thông tin khác có mức độ hiệu quả thấp hơn kênh thông tin từ nhà trường rất nhiều, cụ thể kênh NHCSXH có 19,7% sinh viên biết đến; phương tiện truyền thông đại chúng 16,3%; chính quyền địa phương 13,3% và từ người thân, họ hàng, bạn bè 11,0%. Nhà trường là nơi sinh viên trực tiếp học tập, gần gũi với sinh viên nhất nên kênh thông tin này có hiệu quả cao, thiết thực và tiết kiệm chi phí. Phương thức giới thiệu thông tin chương trình thông qua kênh này nên được quan tâm đầu tư và phát huy hơn nữa.

* Mức vốn vay: Đánh giá về mức vốn cho vay hiện nay, có 16.4% sinh viên cho rằng số vốn này là quá thấp, 47.5% cho rằng mức vốn này là còn hơi thấp, chưa đủ để trang trải các chi phí sinh hoạt, 34.6% cho rằng mức vốn vay này vừa đủ đáp ứng được nhu cầu chi tiêu sinh hoạt của sinh viên và chỉ có 1.5% số người được hỏi cho rằng mức vốn này là cao và lớn hơn nhu cầu chi tiêu của sinh viên được vay vốn. Những đánh giá này phản ánh sát thực trạng áp lực tài chính đối với phần đông sinh viên đang theo học tại Trường. Hiện nay, mức phí sinh hoạt của một sinh viên trong một tháng dao động từ 1-3 triệu đồng là phần đông. Học phí của một sinh viên trung bình một kỳ trong khoảng 5-6 triệu (tùy thuộc vào năm học cũng như số tín chỉ đăng ký học tập). Vậy nên với mức vay 1.250.000 đồng/sinh viên/tháng là quá thấp. Theo như các bạn sinh viên chia sẻ, với mức vay vốn hiện tại, các bạn vẫn phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống vì mức chi tiêu sinh hoạt ở thành phố quá đắt đỏ. Và đó cũng là một nhân tố ảnh hưởng đến sinh viên có HCKK khi nhận được vốn vay từ chương trình khó khăn trong việc đảm bảo ra trường đúng hạn cũng như kết quả học tập tốt để có thể có việc làm ngay sau khi ra trường, đảm bảo trả lãi và gốc vay đúng hạn. Chính mức vay thấp nên 72.4% sinh viên được hỏi nhận tiền vay dùng để đóng học phí, còn những chi phí khác để trang trải các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu như ăn uống, đi lại, nhà trọ, mua sắm trang thiết bị học tập, sách vở, học phí học thêm những khóa đào tạo ngắn hạn, tăng kỹ năng nghề nghiệp ngoài trường… đều phải cắt giảm hoặc trông chờ từ nguồn tài chính khác.

* Lãi suất cho vay: Lãi suất hiện nay NHCSXH áp dụng đối với chương trình là 6,6%/năm. Đây là mức lãi suất rất thấp so với lãi suất thị trường. 61,8% sinh viên được hỏi chấp nhận mức lãi suất này, trong đó 9,4% còn coi đây là mức lãi suất rất ưu đãi. 16,7% sinh viên thấy mức lãi suất này hơi cao và 12,1% thấy lãi suất 6,6%/năm là quá cao. Mức lãi suất họ cho rằng phù hợp hơn là 0%-0,2%/tháng. Nguyện vọng này là do tâm lý sinh viên vẫn còn đang đi học, chưa có việc làm, chưa biết thu nhập sẽ là bao nhiêu nên họ sợ lãi suất cao sẽ không trả được tiền lãi cao. Tuy nhiên, từ phía NHCSXH cho rằng hộ gia đình có sinh viên vay vốn mà đại diện là cha mẹ sinh viên cảm thấy lãi suất này là ưu đãi so với thị trường, tạo điều kiện cho con họ học tập tốt.

* Thời gian trả lãi và gốc: Xét về mức độ phù hợp về thời gian sinh viên bắt đầu trả lãi và gốc vay của NHCSXH là không quá 12 tháng sau khi ra trường; có 35.3% sinh viên được hỏi cho rằng là phù hợp, trong khi đó số sinh viên không đồng ý với thời gian trả lãi và gốc vay như vậy chiếm đến 64.7% tổng số sinh viên được khảo sát. Như vậy, NHCSXH cần xem xét điều chỉnh thời gian trả nợ theo hướng kéo dài hơn để tạo điều kiện cho HSSV có khả năng trả nợ đủ, đúng hạn, đồng thời tùy theo đối tượng đang theo học tại hệ nào, cụ thể là thời gian ân hạn bằng thời gian HSSV đang theo học tại trường, thời gian thu nợ có thể rút ngắn bằng 1/2 thời gian ân hạn. Về các điều kiện gia hạn nợ: nên bổ sung thêm những quy định ưu đãi dành cho những HSSV sau khi tốt nghiệp ra trường về công tác tại các vùng miền núi, hải đảo xa xôi.

* Quy trình và thủ tục cho vay vốn: Đánh giá về mức độ thuận tiện của thủ tục hồ sơ cho vay, 38% sinh viên được hỏi cảm thấy thủ tục từ mức bình thường đến rất đơn giản, 40,7% thấy phức tạp và 21,3% thấy rất phức tạp. Đặc biệt, đa số sinh viên chia sẻ mình gặp khó khăn khi là thủ tục hành chính tại địa phương, sinh viên thường không được hướng dẫn đầy đủ nên thực hiện không đúng trình tự yêu cầu dẫn đến bị chậm trong quá trình làm hồ sơ chứng nhận nộp ngân hàng và kéo theo việc không nhận được tiền vay trước đầu mỗi năm học.

Bên cạnh đó, khi trao đổi trực tiếp với sinh viên, có đến 90% số sinh viên mong muốn được tăng hạn mức vay và mong muốn thay đổi cách thức nhận giải ngân chuyển qua tài khoản cá nhân, gần 50% số sinh viên mong muốn vốn vay được nhận thông qua trường để thuận tiện hơn trong việc đóng học phí. Một số sinh viên chia sẻ mỗi tháng phải đi rất xa để nhận tiền. Ngoài ra, một số sinh viên còn có các mong muốn như rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ để nhanh chóng nhận được tiền hay mở kênh hỗ trợ từ cán bộ của các chi nhánh NHCSXH giúp trực tiếp giải đáp những thắc mắc của sinh viên.

4. Kết luận và khuyến nghị

Qua những kết quả nghiên cứu mà nhóm thu được, có thể thấy Chương trình cho vay HSSV có HCKK thể hiện chính sách tín dụng đúng đắn, có ý nghĩa về kinh tế, chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, phù hợp với nguyện vọng của hộ gia đình có con theo học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Sức lan tỏa rộng rãi của chương trình này đã mang đến niềm hy vọng và cơ hội thay đổi cuộc sống tương lai cho những gia đình HSSV nghèo hiếu học, từ thành thị đến nông thôn và vùng sâu, vùng xa.

Tuy đạt được nhiều thành tựu, song do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong thực tế triển khai chương trình này vẫn còn một số vấn đề cần được giải quyết, đặc biệt từ góc nhìn phía sinh viên cũng như các cơ sở đào tạo. Đó là: nguồn vốn cho vay còn hạn hẹp; chính sách tạo lập nguồn vốn cho chương trình chưa phù hợp; phương thức cho vay còn nhiều bất cập ở mức vốn cho vay, thời hạn giải ngân và quy trình thủ tục; việc trả nợ và thu hồi vốn gặp nhiều khó khăn; công tác kiểm tra kiểm soát còn thiếu chặt chẽ.

Để nâng cao chất tín dụng của chương trình này cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu như: hoàn thiện cơ chế chính sách về đối tượng vay vốn, mức vốn vay, phương thức giải ngân, thời hạn trả lãi và gốc vay… Đồng thời, cần đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội không chỉ trong việc tuyên truyền thực hiện chương trình mà cả trong giám sát, thu hồi vốn; đặc biệt là đẩy mạnh mối liên kết, thông tin đa chiều giữa 4 bên gồm ngân hàng - nhà trường - chính quyền địa phương và học sinh, sinh viên vay vốn, kết hợp giữa chính sách tín dụng và định hướng việc làm cho sinh viên, tuyên truyền và nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân sinh viên khi tham gia chương trình. Khi đó, chất lượng tín dụng của chương trình này được nâng cao. Trong thời gian tới, chương trình sẽ ngày càng đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực không chỉ những nhà hoạch định chính sách mà toàn xã hội, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh công nghiệp 4.0.

Bài báo là một phần kết quả nghiên cứu của đề tài NCKH cấp cơ sở số T2016-PC-170. Nhóm nghiên cứu trân trọng cảm ơn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tài trợ kinh phí cho việc thực hiện đề tài này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Jonathan Morduch (Professor of Public Policy and Economics NYU Wagner Graduate School of Public Service and Department of Economics, New York University), Vai trò của cấp bù tín dụng vi mô: Thực trạng được đúc rút từ Ngân hàng Grameen - tín dụng vi mô ở các nước, Phòng Hợp tác quốc tế - NHCSXH Việt Nam, 2012.

2. Rajesh Chakrrabarti (Executive Vice President, Research and Policy, Wadhwani Foundation), Kinh nghiệm của Ấn Độ về tài chính vi mô- thành tựu và thách thức tín dụng vi mô ở các nước, Phòng Hợp tác quốc tế - NHCSXH Việt Nam, 2012.

3. Nguyễn Xuân Dũng (2013), Các giải pháp hoàn thiện chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên ở Hà Nội, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.

4. Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam (2013), Báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện chương trình tín dụng đối với HSSV theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.

5. Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam (2013), Tài liệu hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Hà Nội

6. Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (2015), Chiến lược phát triển ngân hàng chính sách xã hội đến năm 2020, Hà Nội.

7. Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam, Văn bản số 2126A/NHCS-TD ngày 02/10/2007 về việc hướng dẫn thực hiện cho vay đối với học sinh sinh viên theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội và những văn bản sửa đổi, bổ sung kèm theo

8. Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (2007-2016), Báo cáo thường niên.

9. Thủ tướng Chính phủ (2007), Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 về Chính sách tín dụng cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, Hà Nội.

10. Viện Quốc tế về Kế hoạch hóa Giáo dục - UNESCO (2004), Lựa chọn chính sách trong các chương trình cho học sinh sinh viên vay vốn: Bài học từ năm nghiên cứu điển hình ở châu Á, Hà Nội.

11. Một số website điện tử:

* Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam: http:// www.vbsp. org.vn.

* Báo Điện tử Chính phủ: http://baodientu.chinhphu.vn.

CREDIT QUALITY FOR DISADVANTAGE STUDENTS

OF VIETNAM BANK FOR SOCIAL POLICIES (VBSP)

FROM THE STUDENT'S VIEW: A RESEARCH STUDY

AT HANOI UNIVERSITY OF SCIENCE AND TECHNOLOGY

● DAO THANH BINH, THAI THU THUY, PHAN VAN THANH,

PHAM THI THANH HUONG, NGUYEN THI YEN

School of Economics and Management

SEM Hanoi University of Science and Technology

ABSTRACT:

Credit program for students who live in disadvantage is highly socialized one with a broad beneficiary, longer repayment time, while the government resource is limited. Therefore, in order to promote this program effectively and preserve capital for the next generation of students, it is very important to improve credit quality, prevent and limit risks in the credit extension process. This article analyzed and evaluated the current situation of the loans credit quality from the view of students of HUST. Based on the students evaluation about loan limit, disbursement procedure as well as information channel and supporting methods, it proposed solutions also contribute to support VBSP properly. Apart from the implementation of the program, the article also suggested means of helping students find jobs to pay their debts on time, thereby accelerating the turnover credit with the aim of "no one might drop out of school due to the financial difficulty".

This article is part of study management of scientific research topics at the grassroots level at no. TC2016-PC-170. The researchers would like to show our thankfulness to HUST for supporting continued funding to this subject.

Keywords: Vietnam bank for social policies (VBSP), Credit for students living in poverty, credit quality, Hanoi University of Science and Technology (HUST).

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 10 tháng 09/2017 tại đây