Châu Âu có thể cạn kiệt dự trữ khí đốt vào đầu năm sau

Dữ liệu của hãng nghiên cứu và tư vấn Wood Mackenzie (Anh) cho biết kho dự trữ khí đốt của châu Âu đã giảm thêm 1% trong bối cảnh nguồn cung khí đốt tại đây đang thiếu hụt trầm trọng.

Hãng Wood Mackenzie cảnh báo nếu như nguồn cung khí đốt từ Nga qua hệ thống đường ống Nord Stream 1 bị ngưng hoàn toàn thì Liên minh châu Âu sẽ không thể tích luỹ đủ lượng khí đốt cần thiết cho mùa Đông năm nay và lượng dự trữ khí đốt hiện có sẽ cạn kiệt vào tháng 1/2023 – cao điểm tiêu thụ khí đốt.   

Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) vừa thông báo giảm nguồn cung khí đốt của Nga qua hệ thống đường dẫn khí đốt chạy qua Ukraine.  Trong tuần trước, tập đoàn này cũng giảm lượng khí đốt cung cấp cho Đức qua hệ thống đường ống dẫn khí Nord Stream 1 đến 60% so với kế hoạch với lý do hãng Siemens của Đức “chậm trả lại các thiết bị cần thiết sau sửa chữa” cho đường ống dẫn khí.

Công ty điều hành hệ thống phân phối khí của Pháp GRT cho biết Pháp đã không nhận được khí đốt của Nga qua hệ thống dẫn khí từ Đức trong hơn 1 tháng qua. Tập đoàn năng lượng Eni (Italy) cũng cho biết Gazprom đã giảm gần 50% lượng khí đốt cung ứng cho Italy so với kế hoạch.

Giá khí đốt TTF tại châu Âu
 Diễn biến giá khí đốt giao tháng 7/2022 trên sàn TTF trong 30 ngày gần đây (Đồ hoạ: barchart.com)

Rủi ro thiếu hụt nguồn cung đã đẩy giá khí đốt giao tháng 7/2022 trên sàn giao dịch TTF (Hà Lan) đạt 124,1 EUR/MWh, tăng tới 42,78% trong vòng 5 phiên giao dịch gần đây. Giá khí đốt TTF được xem là giá tham khảo chuẩn cho các giao dịch khí đốt tại châu Âu.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc giảm nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu trong thời gian gần đây không phải được lên kế hoạch từ trước mà xuất phát từ các vấn đề liên quan đến việc bảo dưỡng hệ thống trạm bơm khí đốt, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến việc sửa chữa các thiết bị cần thiết kéo dài hơn dự kiến.

Theo tập đoàn Gazprom, khối lượng khí đốt mà tập đoàn này xuất khẩu cho các nước không thuộc Liên Xô trước đây trong giai đoạn từ ngày 1/1-15/6 vừa qua đã giảm 28,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Châu Âu hiện đang đối mặt với rủi ro thiếu hụt khí đốt ngày càng lớn sau khi cơ sở hoá lỏng khí tự nhiên hàng đầu Hoa Kỳ Freeport LNG gặp sự cố và có thể phải ngưng hoạt động đến cuối năm nay. Khoảng 68% sản lượng khí LNG của Freeport LNG được xuất khẩu sang khu vực châu Âu và đây được xem là nguồn cung ứng năng lượng cần thiết để giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Một số nhà phân tích nhận định châu Âu có thể tạm thời chống đỡ việc đứt gãy nguồn cung khí LNG từ Freeport LNG bằng cách sử dụng lượng khí đốt dự trữ hiện có. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc nếu thời gian sửa chữa tại Freeport LNG càng kéo dài thì lượng khí dự trữ tại châu Âu sẽ càng sụt giảm. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu đang phải tìm cách tăng cường dự trữ để chuẩn bị cho mùa Đông tới đây trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga có thể suy giảm bất kỳ lúc nào.

Giới quan sát cũng cảnh báo bất kỳ sự sụt giảm nguồn cung khí đốt nào sẽ càng khiến tình trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường toàn cầu trở nên trầm trọng hơn và đẩy giá mặt hàng năng lượng này, vốn ở mức cao kỷ lục, tăng cao hơn nữa.

Tường Vy