Châu Âu từ chối xem xét hiệp định đầu tư toàn diện với Trung Quốc

Ngày 20/5, Nghị viện Châu Âu đã thông qua nghị quyết từ chối xem xét Hiệp định đầu tư giữa Liên minh châu Âu (EU)-Trung Quốc (CAI) trong bối cảnh Trung Quốc áp lệnh trừng phạt chống lại một số nghị sĩ thuộc Nghị viện Châu Âu cũng như một số đơn vị tại Châu Âu.

Nghị viện Châu Âu đã thông qua nghị quyết từ chối việc xem xét Hiệp định đầu tư toàn diện giữa Liên minh châu Âu (EU)-Trung Quốc (CAI) với 599 phiếu ủng hộ, 30 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Theo Nghị quyết này, Nghị viện Châu Âu yêu cầu Trung Quốc phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhắm vào một số tổ chức và cá nhân tại Châu Âu, bao gồm 5 nghị sĩ thuộc Nghị viện Châu Âu trước khi tiếp tục xem xét về hiệp định CAI.

Nghị viện Châu Âu cũng cảnh báo việc Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt cũng không đảm bảo việc hiệp định CAI sẽ được phê chuẩn và nhấn mạnh sẽ đánh giá tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc, bao gồm cả vấn đề Hồng Kông khi quyết định có thông qua hiệp định CAI hay không.

Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Ursula von der Leyen
 Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu trong một phiên họp giữa Liên minh Châu Âu và Trung Quốc hồi tháng 9/2020 (Ảnh: European Council)

Trước đó, EU và Trung Quốc đã đạt được các nhất trí về nguyên tắc của hiệp định CAI hồi tháng 12/2020 sau 7 năm đàm phán kéo dài. Tuy nhiên, hiệp định này vẫn chưa được 27 quốc gia thành viên EU cũng như Nghị viện Châu Âu phê chuẩn. Giới quan sát nhận định mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc đang xuống thấp trong những tháng gần đây sau những đòn trừng phạt trả đũa giữa hai bên vì vấn đề nhân quyền.

“Chừng nào các trừng phạt trả đũa của Trung Quốc còn tồn tại, chúng tôi buộc phải đóng băng Hiệp định đầu tư toàn diện giữa Liên minh Châu Âu (EU)-Trung Quốc”, nghị sĩ Hilde Vautmans thuộc Nghị viện Châu Âu cho biết.

Hiệp định CAI được kỳ vọng sẽ giúp các công ty Châu Âu tiếp cận thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn. Hiệp định này nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng cho các các doanh nghiệp châu Âu kinh doanh tại Trung Quốc với việc tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các công ty tại Châu Âu và cấm ép buộc chuyển giao công nghệ. Hiệp định CAI cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc cần đảm bảo quyền lợi của người lao động và thực thi các cam kết chống biến đổi khí hậu.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU vào Trung Quốc đã đạt hơn 140 tỷ EUR trong 20 năm qua, trong khi đó lượng đầu tư từ Trung Quốc vào EU đạt gần 120 tỷ EUR. Các lĩnh vực chính mà doanh nghiệp Châu Âu đầu tư vào Trung Quốc chủ yếu là ô tô, công nghiệp sản xuất vật liệu, dịch vụ tài chính, nông nghiệp thực phẩm và các sản phẩm tiêu dùng.

Quang Đặng