Chỉ còn 11 ngân hàng duy trì lãi suất tiết kiệm trên 6%/năm

Hiện nay, với các khoản tiền gửi thông thường lĩnh lãi cuối kỳ, không còn mức lãi suất 7%/năm, chỉ còn 11 ngân hàng duy trì lãi suất tiết kiệm trên 6%/năm.
Lãi suất tiết kiệm

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm kể từ quý 2/2023 đến nay liên tục hạ nhiệt. Lý do chính vẫn là các ngân hàng thương mại đang dư thừa tiền nhưng gặp khó khăn do nhu cầu trong nước và thế giới thấp.

Trên thị trường nước ngoài, đơn hàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu sụt giảm. Ở trong nước cũng không khá gì hơn,  nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, giãn việc khiến thu nhập của người lao động giảm, dẫn đến tổng cầu trong nước giảm theo. Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, trong 3 lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và tiêu dùng trong trong nước thì tăng trưởng tiêu dùng trong nước khả quan nhất, nhưng mức tăng thấp hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, tính chung 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.567,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,6%).

Tổng cầu sụt giảm, nên nền kinh tế hấp thụ vốn kém. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 29/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,05% cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh thừa tiền mà cho vay thấp, các ngân hàng thương mại giảm lãi suất tiết kiệm là điều đặng chẳng đừng. Hiện nay, với các khoản tiền gửi thông thường lĩnh lãi cuối kỳ, không còn mức lãi suất 7%/năm.

Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng

Bảng lãi suất tiết kiệm tại 35 ngân hàng thương mại với kỳ hạn 1 tháng đã rời mốc 5%. Cao nhất tại kỳ hạn này là 3 Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài gòn (SCB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Tế Việt Nam (VIB) cùng có mức lãi suất tiết kiệm 4,75%/năm. Nhiều ngân hàng còn rời mốc 4% như MB, ACB cùng 3,5%. Thậm chí Vietcombank chỉ còn 3%/năm.

Kỳ hạn 3 tháng

Tương tự như kỳ hạn 1 tháng, lãi suất các ngân hàng đã rời mốc 5%. Cao nhất là NCB, Bảo Viet Bank, SCB, VIB, và Kien Long Bank cùng 4,75%/năm. Kỳ hạn này nhiều ngân hàng cũng đã rời mốc 4% như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank, Techcombank… với khung lãi suất từ 3,3%/năm đến 3,95%/năm.

Kỳ hạn 6 tháng

Phần lớn các ngân hàng duy trì mức lãi suất tiết kiệm trong khung 5%. Trong khi đó, có 2 ngân hàng duy trì lãi suất trên 6% , gồm PVcomBank 6,4% và NCB 6,3%. Các ngân hàng dưới 5% là nhóm Big 4, cùng Techcombank, Seabank, ABBank.

Kỳ hạn 9 tháng

Tương tự như kỳ hạn 6 tháng, phần lớn các ngân hàng duy trì mức lãi suất tiết kiệm trong khung 5%. Trong đó, 3 ngân hàng duy trì mức lãi suất trên 6%, gồm: PVcomBank 6,4%/năm, NCB 6,35%/năm, CBBank 6,1%. Có 6 ngân hàng rời mốc 5%, cũng vẫn là nhóm Big 4 cùng Abbank và Seabank với mức lãi suất từ 4,3 đến 4,9%/năm.

Kỳ hạn 12 tháng

Tương tự như kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, phần lớn các ngân hàng duy trì mức lãi suất tiết kiệm trong khung 5%. Có 11 ngân hàng duy trì mức lãi suất trên 6%, gồm: Pvcom Bank 6,5%/năm, NCB 6,4%/năm, CBBank 6,3%/năm; Sacombank 6,2%/năm. 4 ngân hàng HDBank, Viet A Bank, Bao Viet Bank, và Oceanbank cùng có mức  lãi suất 6,1%/năm. 3 ngân hàng SCB, BVBank, Dong A Bank cùng 6,05%/năm.

Tại kỳ hạn này, phần lớn các ngân hàng vượt mốc mốc 5%, kể cả nhóm Big 4, vốn được cho là có mức lãi suất huy động thấp. Duy nhất có ngân hàng ABBank rời mốc 5% (4,7%/năm) .

Như vậy, tổng hợp các kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng - là các kỳ hạn được khách hàng gửi tiết kiệm nhiều nhất hiện nay, chỉ còn 11 ngân hàng duy trì mức lãi suất trên 6%/năm.

Phương Nga