Chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận - “giấy thông hành”

Sau gần 3 năm nộp hồ sơ đăng ký với nhiều thủ tục rất phức tạp, ngày 7/10/2021, chỉ dẫn địa lý Thanh long Bình Thuận được chính thức bảo hộ tại Nhật Bản với số văn bằng 110.

Đây là sản phẩm nước ngoài thứ 3 và là sản phẩm thứ 2 của Việt Nam được Nhật Bản đồng ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận đối với thị trường này, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand...

Thanh long Bình Thuận chính thức được bảo hộ tại Nhật Bản
UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội nghị Công bố cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở Hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cho biết, việc cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa thanh long vào Nhật Bản cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này.

Đồng thời góp phần làm tăng giá trị các sản phẩm, triển vọng mới cho nông sản Việt Nam thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu sang các thị trường khác.

Cùng quan điểm, ông Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận thông tin, đây là một tín hiệu đáng mừng đối với người sản xuất và kinh doanh trái thanh long trên địa bàn tỉnh.

“Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ được người tiêu dùng ở đó tin tưởng gần như tuyệt đối và có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm không được bảo hộ tại Nhật Bản”, ông Hoàng chia sẻ.

Được biết, quả thanh long Bình Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa vào ngày 15/11/2006 theo Quyết định số 786/QĐ-SHTT, và ngày 8/7/2011, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 14/2011/QĐ-UBND kèm theo Quy chế quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho sản phẩm quả thanh long.

Hiện chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” đã được Liên minh châu Âu (EU) bảo hộ. Cùng đó, hình ảnh và nhãn hiệu “Bình Thuận DRAGON FRUIT” đã đăng ký và được 13 quốc gia, vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ như: Hoa Kỳ, Anh, Đức, Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản, Thái Lan…

Các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh thanh long gồm: Thuận Tiến, Hòa Lệ, Hồng Sơn, Hàm Minh 30 đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể.

Chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận được bảo hộ có thể nói như “giấy thông hành” để trái thanh long tiến mạnh vào các thị trường khó tính trên thế giới.

Thanh long Bình Thuận chính thức được bảo hộ tại Nhật Bản
Chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận được bảo hộ có thể nói như “giấy thông hành” để trái thanh long tiến mạnh vào các thị trường khó tính trên thế giới

Thách thức rất lớn

Cũng giống như vải thiều Lục Ngạn, việc cấp chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận có ý nghĩa rất lớn đối với việc xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản nói riêng và các nước nói chung. Ngoài tác dụng bảo vệ thương hiệu cho nông sản, tránh bị "đánh cắp" khi sang thị trường nước ngoài, những sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản thường có giá bán cao hơn thông thường và được người dân nơi đây ưa chuộng vì "họ hiểu rằng, các sản phẩm này đã được Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đứng ra bảo đảm chất lượng, do vậy, họ sẽ tin tưởng và sẵn sàng mua sản phẩm đó hơn".

Tuy nhiên, đây mới chỉ là những thành công bước đầu đối với trái thanh long Bình Thuận, sắp tới, để chinh phục thị trường Nhật Bản, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đề nghị Hiệp hội Thanh long Bình Thuận tổ chức, quản lý, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quả thanh long sử dụng tem, nhãn hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” và tem chỉ dẫn địa lý do phía Nhật Bản cấp trên trái và thùng thanh long khi xuất khẩu qua Nhật Bản.

Thanh long Bình Thuận chính thức được bảo hộ tại Nhật Bản
Việc được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho thanh long Bình Thuận

Mặt khác, Hiệp hội cần tăng cường phổ biến tuyên truyền cho hội viên tuân thủ các quy định của pháp luật về chỉ dẫn địa lý của Nhật Bản để duy trì hiệu lực văn bằng đã được công nhận; giám sát quá trình sản xuất sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý của các hội viên thuộc hiệp hội, đảm bảo các hội viên thực hiện đúng theo quy chế quản lý quá trình sản xuất đã được đăng ký với MAFF.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu thanh long mang chỉ dẫn địa lý Bình Thuận đã được bảo hộ tại Nhật Bản, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan tập trung xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất - tiêu thụ thanh long theo chuỗi giá trị; xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử cho sản phẩm thanh long; hỗ trợ phát triển mở rộng thị trường; tăng cường quản lý quy hoạch vùng trồng thanh long, xây dựng vùng chuyên canh thanh long theo hướng VietGAP…

Trái thanh long vào thị trường Nhật Bản phải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, có trọng lượng từ 300g trở lên; sản phẩm phải phù hợp với Luật Vệ sinh môi trường của Nhật Bản và qua các bước kiểm dịch động thực vật trước khi vào được thị trường Nhật Bản.

Bình Thuận đã đặt mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu thanh long từ 50-60 triệu USD vào năm 2025. Việc xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý “thanh long Bình Thuận” là một chiến lược tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm này trên các thị trường nước ngoài.