Chi trả dịch vụ môi trường - Tiếp cận khái niệm và vai trò

TS. PHẠM THỊ LINH (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÓM TẮT:

Chi trả dịch vụ môi trường hiện nay được coi là một công cụ hiệu quả trong bảo vệ môi trường và duy trì nguồn tài chính ổn định cho hoạt động bảo vệ môi trường ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Được thực hiện trước hết ở hệ sinh thái rừng từ những năm 2008, đến nay, chi trả dịch vụ môi trường ở Việt Nam đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bài viết nghiên cứu về cách tiếp cận khái niệm và vai trò của chi trả dịch vụ môi trường.

Từ khóa: dịch vụ môi trường, chi trả dịch vụ môi trường, bảo vệ môi trường.

1. Tiếp cận khái niệm chi trả dịch vụ môi trường

Chi trả dịch vụ môi trường (PES) không phải là một khái niệm quá mới, ngay từ những năm 90 của thế kỷ XX chi trả dịch vụ môi trường đã được nhận thức và thực hiện trên thế giới và đã chứng tỏ sự hiệu quả của nó so với các chương trình phát triển và bảo tồn tích hợp (ICDPs[1]). Sự phát triẻn mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp dù mang lại nhiều ích lợi cho kinh tế thế giới nhưng cũng đang trực tiếp gây ra những vấn đề về môi trường.  Theo Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN), chi trả dịch vụ môi trường được hiểu là “Người mua (tự nguyện) đồng ý trả tiền hoặc các khuyến khích khác để chấp nhận và duy trì các biện pháp quản lí tài nguyên thiên nhiên và đất bền vững hơn mà nó cung cấp dịch vụ hệ sinh thái xác định”. Khái niệm này đã làm rõ quan hệ kinh tế (mua-bán và chi trả) giữa người cung cấp dịch vụ môi trường và người sử dụng dịch vụ đó. Theo cách hiểu này, để thực hiện việc chi trả dịch vụ môi trường, đòi hỏi phải có được một thỏa thuận tự nguyện giữa người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ.

Swen Wunder[2] thì hiểu chi trả dịch vụ môi trường là bất kỳ sự bồi hoàn nào đối với dịch vụ, công sức hoặc nỗ lực, và/hoặc bất kỳ sự đền đáp nào cho việc duy trì và nâng cao dịch vụ môi trường. Sự bồi hoàn đó có thể dưới hình thức chi trả trực tiếp bằng tiền mặt hoặc hiện vật. Nó bao gồm 5 yếu tố chính là: giao dịch tự nguyện; một dịch vụ môi trường được xác định rõ ràng; có ít nhất một người mua dịch vụ; có ít nhất một người bán dịch vụ và phải có tính điều kiện (người mua chỉ chi trả khi người cung cấp đảm bảo cho việc cung cấp dịch vụ được diễn ra liên tục. Cũng theo quan điểm của Sven Wunder và một số các nhà khoa học khác thì có 4 loại chi trả dịch vụ môi trường nổi bật:

  1. Chi trả cho dịch vụ hấp thụ và lưu trữ cacbon (thông qua việc mua bán các tín chỉ các bon).
  2. Chi trả cho dịch vụ bảo tồn đa dạng sinh học (ví dụ như các nhà tài trợ bảo tồn chi trả cho người dân địa phương yêu cầu hủy bỏ hoặc khôi phục lại khu vực để tạo ra một hành lang sinh học tự nhiên).
  3. Chi trả cho dịch vụ bảo vệ rừng đầu nguồn (ví dụ người sử dụng nước ở hạ nguồn chi trả cho nông dân ở thượng nguồn về việc thông qua hoạt động sử dụng đất mà hạn chế việc phá rừng, xói mòn đất, rủi ro lũ lụt,…).
  4. Chi trả cho dịch vụ cung cấp vẻ đẹp cảnh quan (ví dụ một nhà điều hành du lịch phải trả cho một cộng đồng địa phương khi không săn bắn trong một khu rừng đang được sử dụng để khách du lịch xem động vật hoang dã).

Tại Việt Nam, việc chi trả dịch vụ môi trường cũng đã được nhiều người quan tâm nghiên cứu. Tác giả Lê Huỳnh Mai và Nguyễn Minh Phong[3] quan niệm, “Chi trả dịch vụ môi trường hay còn gọi là chi trả dịch vụ sinh thái là công cụ kinh tế sử dụng để những người hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái chi trả cho những người duy trì, bảo vệ và phát triển các chức năng của hệ sinh thái đó”. Theo đó, có thể hiểu đây là cơ chế chuyển giao nguồn tài chính từ những người được hưởng lợi từ hệ sinh thái nhất định cho những người cung cấp các dịch vụ sinh thái.

Chi trả dịch vụ môi trường là sự giao kèo, ký kết tự nguyện và cùng có lợi giữa những người được hưởng lợi từ môi trường và những nhà cung cấp dịch vụ môi trường. Trong đó, bên cung cấp dịch vụ môi trường nắm quyền sở hữu hàng hóa, dịch vụ môi trường mang lại những lợi ích cho bên có nhu cầu. Bên được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường sẽ sẵn sàng chi trả một mức giá thấp so với phúc lợi của họ do hệ sinh thái mang lại.

Bên cung cấp dịch vụ môi trường sẵn sàng chấp nhận một mức chi trả cao hơn chi phí của việc cung cấp các dịch vụ môi trường. Bởi vậy, việc thành lập PES là dựa trên cơ sở thương lượng giữa những người sẵn sàng chi trả để giảm những mối nguy hại về môi trường và những người sẵn sàng chấp nhận các khoản bồi thường cho việc giảm hoạt động mà tạo ra các gánh nặng môi trường.

Theo tác giả Lê Văn Hưng[4]: “Chi trả dịch vụ môi trường là công cụ kinh tế, sử dụng để những người được hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái chi trả cho những người tham gia duy trì, bảo vệ và phát triển các chức năng của hệ sinh thái đó”. Quan điểm này cũng có nhiều điểm chung với quan niệm về PES của Wunder và Roldan, nghĩa là coi PES, bản chất của nó là công cụ kinh tế, tạo cơ chế khuyến khích và mang lại lợi ích cho cộng đồng cung cấp dịch vụ môi trường, nhằm tạo nguồn lực tài chính bền vững cho công tác bảo tồn tài nguyên và đa dạng sinh học.

Tác giả Hoàng Minh Hà và các cộng sự[5] đưa ra khái niệm, chi trả dịch vụ môi trường là cam kết tham gia hợp đồng trên cơ sở tự nguyện có ràng buộc về mặt pháp lý. Với hợp đồng này thì một hay nhiều người mua chi trả cho dịch vụ hệ sinh thái xác định bằng cách trả tiền mặt hoặc các hỗ trợ cho một hoặc nhiều người bán và người bán này có trách nhiệm đảm bảo một loại hình sử dụng đất nhất định cho một giai đoạn xác định để tạo ra các dịch vụ hệ sinh thái thỏa thuận.

 Khái niệm này đã làm rõ chi trả là gì, chi trả cho cái gì và nó liên quan đến cơ chế nào? Theo đó, chi trả dịch vụ môi trường là sự bồi thường cho việc cung cấp các dịch vụ môi trường. Sự bồi thường này được thể hiện dưới nhiều hình thức (tiền mặt, hỗ trợ hiện vật, miễn thuế, đảm bảo quyền hưởng dụng…). Người bán là người sẵn lòng (hoặc bị bắt buộc) tạo ra các hàng hóa và dịch vụ môi trường; Người mua là người sẵn lòng (hoặc bị bắt buộc) phải trả cho các lợi ích từ việc nhận được hàng hóa và dịch vụ môi trường. Để hoạt động này diễn ra thuận lợi cần xác định rõ các dịch vụ môi trường, hợp đồng/cam kết được lập phải rõ ràng và dựa trên cơ sở pháp lý cùng với sự tiếp cận thông tin thị trường dịch vụ môi trường đầy đủ từ cả hai phía: phía người mua và phía người bán.

Từ các quan niệm trên, có thể rút ra bản chất của chi trả dịch vụ môi trường như sau:

+ Chi trả dịch vụ môi trường là chi trả cho một loại hàng hóa đặc biệt. Cần xem dịch vụ môi trường như những dòng chảy từ hệ sinh thái, nghĩa là sản lượng tiêu thụ sẽ không làm suy giảm nguồn tài nguyên sinh thái và thường cũng không làm suy giảm dòng chảy sinh thái. Nhiều dịch vụ sinh thái là những tài sản đáng giá của cộng đồng và bao hàm những dịch vụ như góp phần duy trì bầu khí quyển, duy trì những chu trình thủy văn, chu trình dinh dưỡng, kiểm soát lũ lụt, bảo tồn đa dạng sinh học... Cụ thể, chi trả cho dịch vụ môi trường thường được thiết kế như những khoản bồi thường cho người cung cấp một số dịch vụ bảo tồn. Điều này góp phần hạn chế những hoạt động làm suy giảm chức năng của hệ sinh thái thông qua các cam kết mang tính ràng buộc, chẳng hạn như trồng rừng ở những khu vực được chỉ định.

+ Chi trả dịch vụ môi trường được xem như một công cụ quản lý môi trường, chẳng hạn như thuế Pigou, trợ cấp ngoại ứng theo lý thuyết của Pigou[6], trợ cấp một lần hoặc một loại thuế (phí) khan hiếm. Ví dụ điển hình là khi những người sở hữu đất nhận một khoản tiền chi trả cho việc hạn chế sử dụng đất để thúc đẩy những dịch vụ hệ sinh thái phát sinh từ chính mảnh đất đó, hoặc phát sinh từ bản thân nguồn nước bị ảnh hưởng bởi hình thức sử dụng đất của chủ đất. Trong trường hợp này, PES rõ ràng là một khoản trợ cấp, được thiết kế dựa trên từng đơn vị hecta rừng được trồng mới hoặc dưới dạng những khoản thanh toán trọn gói cho việc áp dụng một số biện pháp chống xói mòn. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cũng nhận định: Chi trả dịch vụ môi trường đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra những động lực bảo vệ môi trường và những tác động xã hội, cho phép người dân địa phương nhận được các khoản chia sẻ về kinh tế từ những nguồn tài nguyên mà họ là người gìn giữ.

+ Chi trả dịch vụ môi trường góp phần mang lại sự công bằng cho xã hội trong vấn đề hưởng thụ tài nguyên, nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với vấn đề bảo vệ môi trường, tăng cường ý thức trách nhiệm đối với các vấn đề chung của quốc gia và nhân loại.

Từ bản chất của chi trả dịch vụ môi trường nêu trên, có thể đưa ra khái niệm: Chi trả dịch vụ môi trường/hay dịch vụ hệ sinh thái là việc người mua (người sử dụng) được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường phải trả tiền dịch vụ cho người bán (người cung ứng). Về bản chất, chi trả dịch vụ môi trường, thể hiện mối quan hệ kinh tế giữa người sử dụng các dịch vụ môi trường và người cung ứng các dịch vụ môi trường. Đây là cơ chế chi trả dựa trên nguyên tắc người được hưởng lợi phải chi trả bằng tiền cho các lợi ích hay dịch vụ mà người đó tiếp nhận.  Như vậy, cũng có thể nói, chi trả dịch vụ môi trường là một công cụ kinh tế nhằm bảo vệ môi trường một cách bền vững, trong đó người sử dụng dịch vụ môi trường phải chi trả cho người cung cấp dịch vụ môi trường trên cơ sở giao dịch tự nguyện.

2. Vai trò của chi trả dịch vụ môi trường

Môi trường là một lĩnh vực rộng lớn, bao trùm cuộc sống của tất cả các cá nhân và cộng đồng trong xã hội, ảnh hưởng của môi trường không loại trừ bất kỳ một cá nhân hay một cộng đồng nào, do vậy, những dịch vụ mà môi trường mang lại là dành cho toàn xã hội. Với góc độ tiếp cận khái niệm chi trả dịch vụ môi trường trong bài báo này, chi trả dịch vụ môi trường đóng vai trò là một cơ chế nhằm tạo lợi ích cho các cá nhân và các cộng đồng bảo vệ dịch vụ môi trường bằng cách bồi hoàn cho họ khoản chi phí phát sinh từ việc quản lý và cung cấp các dịch vụ môi trường. Cụ thể:

Thứ nhất, PES tạo ra nguồn tài chính bền vững và lâu dài.

 PES được coi là một công cụ kinh tế hữu hiệu cho hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. So với các công cụ kinh tế khác như thuế tài nguyên hay các khoản phí nước thải, phí xả thải thì PES thay vì dựa trên cơ chế “người gây ô nhiễm phải trả tiền” thì PES dựa trên cơ chế “người hưởng lợi phải trả tiền” và cơ chế “sẵn lòng chi trả”. Điều này sẽ tạo nên một cơ chế tự nguyện chi trả từ phía người sử dụng dịch vụ đến người cung cấp dịch vụ môi trường. Trong điều kiện kinh phí dành cho hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng đòi hỏi lớn hơn trong khi ngân sách nhà nước có hạn thì PES được coi là một giải pháp đột phá để tạo nguồn thu cho hoạt động bảo vệ môi trường. Các hợp đồng chi trả PES đã tạo ra một nguồn thu mới cho các hoạt động quản lý, phục hồi, bảo tồn và sử dụng đất bền vững, qua đó tăng cường tiềm năng quản lý hệ sinh thái bền vững. Theo đó, PES sẽ hỗ trợ việc thực hiện mục tiêu của Công ước Bảo tồn Đa dạng sinh học, nhằm chặn đứng và giảm tốc độ suy giảm đa dạng sinh học.

PES không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người cung cấp dịch vụ môi trường mà nó còn mang lại lợi ích bền vững cho cả đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường và toàn xã hội. Bởi việc bảo vệ tài nguyên, môi trường và hệ sinh thái bền vững mang lại cả lợi ích kinh tế lẫn nhiều lợi ích khác cho toàn xã hội… Trong nhiều trường hợp, việc tham gia vào các dự án PES sẽ góp phần nâng cao hình ảnh cho các doanh nghiệp, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh bền vững, đặc biệt cơ hội kinh doanh, hợp tác với các đối tác nước ngoài.

Thứ hai, PES có tác động lớn đến bảo vệ môi trường.

PES tạo ra một khoản thu không nhỏ cho người cung cấp dịch vụ môi trường và đó là một động lực to lớn để các cộng đồng dân cư, các cá nhân gìn giữ và bảo vệ môi trường. Đồng thời khiến người thụ hưởng dịch vụ môi trường có ý thức gìn giữ và bảo vệ môi trường hơn vì họ phải trả tiền cho những dịch vụ môi trường đó (thay vì sử dụng một cách miễn phí khi PES chưa được áp dụng khiến cho môi trường bị ô nhiễm, suy thoái, đa dạng sinh học bị phá vỡ). Việc hình thành PES sẽ góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm nguồn nước và vùng đất ngập nước, và giảm các mối đe dọa đến sinh cảnh các loài có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu.

Các chương trình PES khi được áp dụng đặc biệt có ý nghĩa trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về các giá trị mà hệ sinh thái mang lại, điều đó sẽ tạo nên sự thay đổi trong các mô thức tiêu dùng cũng như trong các phương thức sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường.

Thứ ba, PES có tác động tích cực đến sinh kế, các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội.

PES có thể tạo ra nhiều cơ hội cho người có thu nhập thấp nâng cao mức thu nhập của mình bằng cách phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái. Thậm chí nếu khoảng chi trả này chỉ ở một mức độ khiêm tốn thì nó vẫn là nguồn thu ổn định trong nhiều năm và trong một số hoàn cảnh nhất định nó là một nguồn thu nhập rất có ý nghĩa bổ sung cho thu nhập thực tế của người có thu nhập thấp. Các chương trình PES tại các quốc gia như Costa Rica, Mexico, Hoa Kỳ, Ecuador đều mang lại kết quả góp phần giảm nghèo, tạo sinh kế ổn định cho một bộ phận dân cư. PES cũng tạo sự công bằng trong tiếp cận các thông tin môi trường thông qua cơ chế những người sử dụng dịch vụ môi trường phải chi trả cho người cung cấp dịch vụ môi trường bằng các thỏa thuận tự nguyện. Theo đó, bản thân người cung cấp dịch vụ môi trường phải được tiếp cận thông tin môi trường đầy đủ để tránh việc bị chi trả dưới giá thị trường cho các dịch vụ mình cung cấp. Trong thực tế, thông qua các chương trình PES, người dân đã được tăng cường tiếp cận các thông tin môi trường và hệ thống pháp luật về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. PES cũng tạo sự bình đẳng xã hội khi người nghèo có cơ hội được tiếp cận với y tế, giáo dục và các giá trị văn hóa, giải trí khác thông qua việc nâng cao thu nhập và các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng.

PES góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của dịch vụ môi trường được cung cấp, cải thiện sinh kế bền vững cho những người cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống toàn xã hội.

Ngoài ra, cơ chế PES còn góp phần hình thành thị trường giá cả cho các dịch vụ môi trường thông qua việc lượng giá giá trị các dịch vụ môi trường được cung cấp, quan hệ mua bán, trao đổi giữa người hưởng lợi từ hệ sinh thái (người mua) và người cung cấp dịch vụ môi trường (người bán), từ đó hình thành thị trường chi trả dịch vụ môi trường và tạo ra nguồn tài chính bền vững để duy trì các chức năng của hệ sinh thái nhằm cung cấp các dịch vụ môi trường và phát triển bền vững.

3. Kết luận

Trong bối cảnh các hoạt động sống đã gây ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường ngày càng gia tăng thì cần thiết phải có những giải pháp để bảo vệ môi trường bền vững. Bên cạnh hệ thống luật pháp có tính răn đe thì việc tìm kiếm một giải pháp mang lại nguồn lợi cho chính những người đang tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái là một điều cần thiết để thúc đẩy mọi cá nhân tham gia vào công cuộc bảo vệ môi trường.

PES ra đời với bản chất là một công cụ kinh tế, đem lại nguồn lợi cho các bên liên quan. Trong điều kiện ngân sách nhà nước có hạn, lại phải chi trả cho nhiều hoạt động khác nhau, thì việc tạo lập một nguồn tài chính cho bảo vệ môi trường là cần thiết và PES được coi như một giải pháp đột phá mà trong thời gian tới, cần có sự quyết tâm hơn nữa từ phía chính phủ để vận hành hệ thống PES đồng bộ và hiệu quả.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] ICDP (Intergrated Conservation and Projects - Chương trình phát triển và bảo tồn tích hợp): Là dự án bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp với phát triển vùng nông thôn. Mục tiêu của ICDP là kết hợp giữa phát triển xã hội với mục tiêu bảo tồn. ICDP hướng tới việc giải quyết vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học dựa trên những công cụ kinh tế - xã hội. ICDP lần đầu được giới thiệu bởi WWF vào giữa những năm 1980 với việc sử dụng cách tiếp cận “fines and fences” trong bảo tồn - Theo https://en.wikipedia.org/wiki/Integrated_Conservation_and_Development_Project.

[2]Sven Wunder (2005). Payments for Environmental services: Some nuts and bolds. CIFOR Occasional Paper No.42: Indonesia.

[3] Lê Huỳnh Mai, Nguyễn Minh Phong (2008). Xã hội hóa đầu tư bảo vệ môi trường - Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Tạp chí Tài chính, số 5, Tr.57-60.

[4] Lê Văn Hưng (2011). Báo cáo tổng kết đề tài: Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đề xuất các nội dung của cơ chế chi trả dịch vụ môi trường liên quan đến đa dạng sinh học. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường.

[5] Hoàng Minh Hà và Cộng sự (2013). Chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam - Từ chính sách đến thực tiễn. Tổ chức Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR).

[6] Thuế Pigou (Pigovian tax): Là một loại thuế đánh vào người sản xuất do tạo ra một ngoại ứng theo một cách mà sau khi thuế này được áp dụng thì các chi phí cá nhân do bên tạo ra ngoại ứng cảm nhận được bằng với chi phí xã hội của hoạt động này. Đây là loại thuế thay vì đánh vào đầu ra sản phẩm, người ta đánh cho mỗi đơn vị phát thải ô nhiễm đầu vào.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hoàng Minh Hà và Cộng sự (2013). Chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam - Từ chính sách đến thực tiễn. Tổ chức Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR).
  2. Lê Văn Hưng (2011). Báo cáo tổng kết đề tài: Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đề xuất các nội dung của cơ chế chi trả dịch vụ môi trường liên quan đến đa dạng sinh học. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường.
  3. Lê Huỳnh Mai, Nguyễn Minh Phong (2008). Xã hội hóa đầu tư bảo vệ môi trường - Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Tạp chí Tài chính, số 5, Tr.57-60.
  4. Sven Wunder (2005). Payments for Environmental services: Some nuts and bolds. CIFOR Occasional Paper No.42: Indonesia.

 

THE CONCEPTUAL APPROACH

AND THE ROLE OF ENVIRONMENTAL SERVICE FEES

Ph.D PHAM THI LINH

School of Economics and Business, Vietnam National University –

Hanoi Campus

ABSTRACT:

Environmental service fee is now considered an effective tool to protect the environment and to maintain a stable financial source for environmental protection activities in many countries around the world including Vietnam. In Vietnam, environmental service fee which has been implemented firstly for the forest ecosystem since 2008 has gained many remarkable results. This paper presents the conceptual approach and the role of environmental service fees.

Keywords: environmental services, payment for environmental services, environmental protection.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 10, tháng 5 năm 2021]