TÓM TẮT:

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bắt đầu từ giữa năm 2018, đã và đang ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, việc nhìn rõ những tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến thị trường xuất khẩu (XK) của Việt Nam sẽ giúp các doanh nghiệp hoạch định các kế hoạch và lên phương án giải quyết một cách kịp thời và hiệu quả nhất. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bên cạnh những tác động tích cực từ cơ hội trong khai thác và mở rộng thị trường Mỹ, thì XK của Việt Nam, nhất là những mặt hàng XK sang thị trường Trung Quốc cũng gặp không ít khó khăn khi đồng Nhân dân tệ giảm giá. Để khai thác cơ hội, vượt qua thách thức, cần có sự hỗ trợ về chính sách của Nhà nước về công tác dự báo, tổ chức kết nối doanh nghiệp, xúc tiến thị trường... và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong chiến lược đa dạng hóa thị trường XK, nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, mở rộng kết nối.

Từ khóa: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xuất khẩu Việt Nam, thị trường Trung Quốc, cộng đồng doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Chiến tranh thương mại (CTTM) giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khởi đầu vào ngày 22/3/2018, khi Tổng thống Hoa Kỳ - Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 50 tỷ đô la Mỹ (USD) cho hàng hóa Trung Quốc để ngăn chặn những gì họ cho là hành vi thương mại không công bằng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ. Đáp trả hành động trên của Mỹ, ngày 02/4/2018, Bộ Thương mại Trung Quốc đã áp đặt thuế đối với 128 sản phẩm của Mỹ. Bắt đầu từ đây, CTTM Mỹ - Trung liên tục có những bước leo thang mới khi hai bên liên tục có những hành động tăng mức thuế suất lên hàng hóa XK của nhau. Sự leo thang căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã gây ra những bất ổn trong môi trường kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam được dự đoán sẽ chịu nhiều tác động, nhất là lĩnh vực XK, khi Trung Quốc và Mỹ là 2 thị trường xuất nhập khẩu chủ lực... Vì vậy, bài viết nghiên cứu những tác động của CTTM Mỹ - Trung tới thị trường XK của Việt Nam, chỉ rõ những cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, nhằm có thêm một góc nhìn giúp DN, cơ quan quản lý nhận diện được những khó khăn, thuận lợi trong bối cảnh hiện nay.

2. Diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

2.1. Cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung

Sau nhiều lần đề cập đến việc sẽ có biện pháp mạnh nhằm trả đũa trong lĩnh vực thương mại đối với Trung Quốc, ngày 23/3/2018, với lý do Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ một cách có hệ thống, Mỹ đã tuyên bố áp dụng mức thuế 50 tỷ USD cho hàng hóa Trung Quốc dựa theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 và hạn chế các DN Trung Quốc đầu tư vào Mỹ. Cụ thể, Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với thép, 10% đối với nhôm nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc. Trong một tuyên bố chính thức, Tổng thống Mỹ cho rằng các mức thuế được đề xuất là "một phản ứng đối với các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc trong những năm qua".

Để đáp lại, ngày 02/4/2018, Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố danh sách 128 mặt hàng của Mỹ sẽ bị áp thuế 25% khi XK vào thị trường Trung Quốc như thịt lợn, trái cây và các sản phẩm liên quan, tổng giá trị lên đến 3 tỷ USD. Ngày 5/4/2018, sau khi Trung Quốc công bố tiếp tục áp mức thuế 25% bổ sung cho máy bay, ô tô và đậu tương vào danh mục hàng hóa Mỹ, đáp lại, Mỹ đã chỉ đạo Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (United States Trade Representative - USTR) xem xét 100 tỷ USD trong các mức thuế bổ sung.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đột ngột bị đẩy lên cao trào khi vào cuối tháng 5/2018, Mỹ đột ngột tuyên bố sẽ tiến hành kế hoạch đã đưa ra ngày 23/3 nhằm đánh thuế 25% trên 50 tỷ USD hàng Trung Quốc NK. Ngay sau đó, Trung Quốc cũng tiến hành gói đáp trả tương xứng khi đánh thuế 25% với 659 mặt hàng NK từ Mỹ cũng có giá trị 50 tỷ USD, đồng thời tuyên bố các thỏa thuận thương mại đã đạt được giữa 2 bên đều không còn hiệu lực.

Ngày 6/7/2018, chính quyền Mỹ chính thức "khai hỏa" CTTM với Trung Quốc, bằng việc áp thuế quan 25% đối với 818 mặt hàng NK từ quốc gia này, trị giá 34 tỷ USD vào thị trường Mỹ. Trung Quốc lập tức đáp trả ngay bằng cách áp thuế 25% lên 545 mặt hàng NK từ Mỹ, bao gồm ô tô, nông phẩm, thủy sản. Ngày 30/10/2018, Mỹ tuyên bố sẽ công bố danh sách áp thuế lên tất cả những mặt hàng còn lại chưa bị áp thuế của Trung Quốc, trị giá 257 tỷ USD vào đầu tháng 12/2018 nếu cuộc gặp bên lề G20 không đạt được tiến triển.

Đầu tháng 12/2018, Mỹ hoãn lại kế hoạch tăng thuế trong danh sách 3 từ 10% lên 25% dự kiến áp dụng vào ngày 01/1/2019 và không áp thuế mới lên 267 tỷ USD hàng hóa NK còn lại từ Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc cam kết sẽ mua nhiều hàng hóa từ Mỹ hơn, đặc biệt là các mặt hàng nông nghiệp và năng lượng.

Bất chấp các cuộc đàm phán diễn ra liên tiếp, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố sẽ áp thuế 10% với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa và sản phẩm NK Trung Quốc kể từ ngày 01/9/2019, khiến căng thẳng thương mại leo thang.

2.2. Những diễn biến tỷ giá USD/CNY

Sau giai đoạn cuộc khủng hoảng tài chính thế giới giữa năm 2008, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (People's Bank of China - PBOC) quyết định neo tỷ giá cố định của USD/CNY ở mức 6.84, thì đến tháng 6/2010, PBOC đã điều chỉnh thị trường ngoại hối bằng việc thêm vào biên độ cho tỷ giá USD/CNY ở mức 1% (tháng 4/2012), 2% (tháng 3/2014) và đạt mức cao nhất ở 6.02 vào năm 2014 (tương đương mức tăng 13%).

Đà tăng của tỷ giá USD/CNY kết thúc vào khoảng cuối năm 2014 và đầu năm 2015. Cuối năm 2015, đồng CNY đã mất giá so với USD khá nghiêm trọng, ở mức 2% nếu lấy mốc là tỷ giá USD/CNY. Năm 2016, giá đồng Nhân dân tệ được ấn định ở mức 6.4937 đổi 1 USD và đến cuối năm đã tăng lên mức 1 USD đổi được 6.9615 CNY. Năm 2017, giữ đà ổn định và có phần tăng, theo đó tỷ giá này cơ bản ổn định ở mức 6,5 CNY đổi 1 USD. So với tỷ giá 6,9615 CNY đổi 1 USD của các ngày giao dịch cuối năm 2016, tỷ giá tham chiếu giữa đồng NDT với USD cả năm 2017 tăng 0,4028 (khoảng 5,8%).

Hình 1: Tỷ giá USD/CNY năm 2008 - 2019

Tỷ giá USD/CNY năm 2008 - 2019

Nguồn: Tổng hợp từ dữ liệu của Tổng cục Thống kê

Tháng 3/2018, "CTTM Mỹ - Trung" bùng nổ sau sự kiện Mỹ đánh thuế lên 50 tỷ USD  hàng hóa Trung Quốc, đồng CNY bắt đầu giảm giá nhanh. Trong diễn biến căng thẳng thương mại leo thang khi tuyên bố sẽ áp thuế 10% với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa và sản phẩm NK Trung Quốc kể từ ngày 01/9/2019, ngày 5/8/2019, lần đầu tiên trong 11 năm, tỷ giá USD/CNY vượt mức kỷ lục 7 CNY đổi lấy 1 USD, sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hạ giá nội tệ xuống thấp nhất kể từ cuối năm 2018. Ngày 30/8/2019, tỷ giá USD/CNY tiếp tục tăng mạnh lên mức 7.1565 CNY đổi 1 USD. Đây cũng chính là thời điểm Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức gọi Trung Quốc là "quốc gia thao túng tiền tệ", lần đầu tiên kể từ năm 1994. 

Hình 2: Diễn biến sự thay đổi tỷ giá USD/CNY giai đoạn 2016 - 2019

Diễn biến sự thay đổi tỷ giá USD/CNY giai đoạn 2016 - 2019

Nguồn: Bloomberg

PBOC giải thích động thái này chủ yếu để phản ánh sự lo ngại của thị trường về "Các biện pháp bảo hộ và thuế NK mới nhằm vào Trung Quốc". Đồng CNY yếu đi sẽ giúp hàng XK Trung Quốc có lợi thế so với Mỹ. Tiền tệ yếu đi còn có thể giúp các hãng XK Trung Quốc vượt qua thách thức từ thuế NK của Mỹ. Với mức thuế 25% lên hàng hóa của Trung Quốc, việc đồng CNY yếu đi 10%, tiền thuế sẽ giảm đáng kể, giúp tác động thực sự của thuế NK sẽ không còn nhiều.

3. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam

3.1. Thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam

Theo phân tích của bộ phận nghiên cứu độc lập của Financial Times (FT Confidential Research - FTCR), Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển vượt bậc trong khu vực ASEAN, nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào XK. Từ ngày 31/3/2017 đến ngày 31/3/2018, kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam chiếm đến 99.2% GDP và gần đây nhất đã chạm mức 200% GDP. Từ năm 2015 tới năm 2018, kim ngạch XK của Việt Nam đã tăng dần qua từng năm (tăng tổng cộng 50% trong vọng 3 năm qua). Kết thúc năm 2018, kim ngạch XK của Việt Nam đạt 243,483 tỷ USD tăng 13% so với năm 2017 (tương đương với khoảng 28.3 tỷ USD). 

Hình 3: Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam

ĐVT: Tỷ USD

Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam

Nguồn: Tổng cục Hải quan

3.2. XK của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc

Trung Quốc là một trong 3 thị trường XK lớn của hàng hóa Việt Nam với kim ngạch XK năm 2018 đạt 41,3 tỷ USD, tăng 16,6% so với năm 2017. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, các mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cụ thể: điện thoại các loại và linh kiện (đạt 9,4 tỷ USD, tăng 31,1%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 8,4 tỷ USD, tăng 21,9%); máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (đạt 2,8 tỷ USD, tăng 34,1%); hàng rau quả (đạt 2,8 tỷ USD, tăng 34,1%); xơ sợi dệt các loại (đạt 2,2 tỷ USD, tăng 8,5%); hàng dệt may (1,5 tỷ USD, tăng 39,6%). Việt Nam đã vượt qua Malaysia trở thành đối tác số 1 của Trung Quốc trong ASEAN và vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Trung Quốc vào năm 2018, là thị trường XK lớn thứ 5 và là thị trường cung cấp hàng hóa lớn thứ 9 cho Trung Quốc trên thế giới. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn và sự bổ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực thương mại giữa hai nước. Việt Nam còn XK sang Trung Quốc nhiều mặt hàng khác nhau và được chia thành 4 nhóm hàng chính, gồm: (1) Nhóm nguyên nhiên liệu: Dầu thô, than, quặng kim loại, các loại hạt có dầu, dược liệu (cây làm thuốc); (2) Nhóm nông sản: Lương thực (gạo, sắn khô), rau củ quả (đặc biệt chuối, xoài, chôm chôm, thanh long…), chè, hạt điều; (3) Nhóm thủy sản: Thủy sản tươi sống, thủy sản đông lạnh, một số loại mang tính đặc sản (rắn, rùa, ba ba…); (4) Nhóm hàng tiêu dùng: Hàng thủ công mỹ nghệ, giày dép, đồ gỗ cao cấp, bột giặt, bánh kẹo… Trong đó, riêng nhóm hàng nông - lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng trên 31.2% trong tổng kim ngạch XK Việt - Trung và chiếm trên 20.9% trong tổng kim ngạch XK nhóm hàng của cả nước. Việt Nam tiếp tục duy trì tỷ trọng ổn định trong những năm gần đây ở việc XK nhóm hàng nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc. Với những ưu thế về lợi thế so sánh được dự báo, trong thời gian tới, vị trí địa lý và nhu cầu của thị trường Trung Quốc với những mặt hàng nông thủy sản có thế mạnh của Việt Nam, nhóm hàng này sẽ tiếp tục duy trì thị phần ổn định tại thị trường Trung Quốc.

4. Những tác động đến xuất khẩu Việt Nam

4.1. Những cơ hội với thị trường Mỹ

Một số hàng hóa Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội thị trường bị bỏ ngỏ từ các lệnh áp thuế để tăng XK vào cả 2 nước, đặc biệt Mỹ vốn là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam. Hiện tại, XK dệt may của Việt Nam vào Mỹ đang xếp thứ hai sau Trung Quốc với khoảng 11.5% thị phần. Tuy nhiên, trong bối cảnh hàng dệt may Trung Quốc bị áp thuế suất cao, các DN dệt may có thể tận dụng cơ hội để gia tăng XK. Bên cạnh ngành Dệt may, các DN thủy sản cũng được hưởng lợi trực tiếp từ cuộc CTTM này.

Đối với cá tra Việt Nam, các DN hy vọng có thể giành thêm thị phần cá thịt trắng, trong đó có sản phẩm cạnh tranh mạnh nhất là cá rô phi Trung Quốc trên thị trường Mỹ. Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) là những DN thủy sản XK cá tra và tôm lớn nhất Việt Nam sẽ có cơ hội để gia tăng thị phần tại Mỹ. Ngoài ra, ngành gia công và vận tải cũng có thể được hưởng lợi trong cuộc chiến này. Điển hình là Công ty cổ phần Phú Tài (PTB), Nhà sản xuất đồ nội thất cho WalMart Stores tại Mỹ, đã lên kế hoạch tăng 30% XK năm 2019. Ngoài ra, trong một số ngành hàng, như: các loại chip, lắp ráp đồ điện tử, chất bán dẫn, hàng may mặc, da giày, sản xuất đồ chơi trẻ em, đồ nội thất, đồ dùng thể thao,... Việt Nam có cơ hội rất lớn trong việc giành thêm thị phần từ Trung Quốc tại thị trường Mỹ.

Hình 4: XK dệt may của Việt Nam giành thị phần từ Trung Quốc tại Mỹ

XK dệt may của Việt Nam giành thị phần từ Trung Quốc tại Mỹ

Nguồn: VNDIRECT, OTEXA

4.2. Những tác động đến thị trường XK Trung Quốc

Việc Trung Quốc liên tục hạ giá đồng Nhân dân tệ nhằm đối phó với Mỹ trong cuộc chiến thương mại đã ảnh hưởng khá nhiều đến XK của Việt Nam, nhất là nông sản. Khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ tạo nên áp lực cạnh tranh hàng hóa XK giữa Trung Quốc và Việt Nam vào các thị trường ngoài Mỹ ngày càng gay gắt; mặt khác, XK hàng hóa của Việt Nam vào Trung Quốc sẽ khó khăn hơn vì giá hàng ở thị trường Trung Quốc rẻ hơn so với hàng XK từ Việt Nam. Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), đồng CNY liên tục bị phá giá và mất giá nhiều hơn so với mức mất giá của đồng VND trước đồng USD, sẽ tạo ra chênh lệch mất giá giữa đồng CNY so với VND là rất lớn. Dẫn đến giá hàng hóa XK từ Việt Nam nói chung, các mặt hàng thủy sản XK nói riêng sang Trung Quốc sẽ cao hơn, gây khó khăn cho việc XK của Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tăng trưởng XK tính đến giữa tháng 6/2019 của Việt Nam đạt 7,1% - mức khá thấp trong các năm trở lại đây. Trong năm 2019, tăng trưởng XK có thể chỉ đạt 8% và cũng là “lần đầu tiên trong thập kỷ qua”, tỷ lệ này thấp hơn mức tăng trưởng GDP danh nghĩa. Theo Bộ Công Thương, hai mặt hàng XK chủ lực sang Trung Quốc giảm mạnh là gạo - giảm gần 330 triệu USD; điện thoại - giảm gần 550 triệu USD, khiến cho XK Việt Nam giảm gần 1 tỷ USD. Khi mặt hàng điện thoại giảm XK, đã kéo tốc độ tăng trưởng chung của XK chậm lại. Cụ thể XK trong năm 2018 như sau: Gạo đạt 638,3 triệu USD, giảm 33,4% so với 2017, có thị phần tại thị trường Trung Quốc trên 50%, đối thủ cạnh tranh chính gồm Thái Lan, Campuchia...; Cao su đạt 1,37 tỷ USD, giảm 5%, đối thủ cạnh tranh chính là Thái Lan, Indonesia…; Rau quả đạt 2,78 tỷ USD, tăng 5,08%, đối thủ cạnh tranh gồm Thái Lan, Philippines...; Thủy sản 995,9 triệu USD, giảm 8,1%, thị phần khoảng 2%, đối thủ cạnh tranh gồm Nga, Mỹ, Canada, New Zealand...

Bên cạnh những khó khăn về tỷ giá, việc Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ, Trung Quốc sẽ chuyển hướng một phần chiến lược XK vào phục vụ thị trường nội địa, tạo áp lực cạnh tranh đối với hàng XK của Việt Nam sang Trung Quốc; đồng thời Trung Quốc có thể chuyển hướng XK sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.

5. Một số gợi ý chính sách

Những tác động từ CTTM Mỹ - Trung đến hoạt động XK của Việt Nam đến nay đã khá rõ ràng. Phát huy lợi thế, tập dụng cơ hội và ứng phó với những thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động để tiếp tục phát triển hoạt động này trong tương lai là một trong những trọng tâm. Để thực hiện điều đó, cần có sự phối hợp trong cả chính sách của Nhà nước và sự nỗ lực của cộng đồng DN.

Về phía Nhà nước: Với diễn biến trong chính sách thương mại và những biến động trong tỷ giá từ cuộc CTTM Mỹ - Trung, các cơ quan quản lý nhà nước cần theo dõi và bám sát tình hình chặt chẽ để đưa ra phân tích và dự báo, đề xuất các kịch bản ứng phó khác nhau để ứng phó với biến động kinh tế thế giới, tăng cường cung cấp thông tin một các đầy đủ, kịp thời đến các đối tượng tham gia trong chuỗi giá trị hàng hóa XK để chủ động hơn trong kế hoạch sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, đưa ra các chính sách phù hợp khuyến khích DN đa dạng hóa, tiếp cận và mở rộng thị trường XK, tận dụng lợi thế của các Hiệp định mậu dịch dịch tự do mà Việt Nam là thành viên. Nhà nước, cần có sự định hướng và cơ chế hỗ trợ cho các DN trong việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, giá cả cạnh tranh mới có thể tham gia vào thị trường Mỹ một cách bền vững, lâu dài. Song song với việc hỗ trợ các DN nắm bắt cơ hội XK vào Mỹ, cơ quan quản lý của Việt Nam cũng cần có cơ chế để bảo vệ nền kinh tế Việt Nam trước nguy cơ chuyển tải hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam. Cụ thể, cần kiểm soát tốt việc NK hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam, đặc biệt là các cửa khẩu trên đất liền; có tiêu chí cụ thể, chặt chẽ, trong việc xác nhận hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam khi XK sang Mỹ để ngăn chặn các rủi ro không đáng có.

Về phía doanh nghiệp: (1) Cần thay đổi hình thức XK thông qua việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường XK sang Trung Quốc bằng con đường chính ngạch. Việc đẩy mạnh XK qua đường chính ngạch hạn chế những bất ổn từ XK theo đường tiểu ngạch không chính thức; (2) Cần chủ động liên kết với DN Trung Quốc để xây dựng kế hoạch xuất nhập khẩu và ký kết các hợp đồng xuất nhập khẩu dài hạn; phát triển hệ thống phân phối trên thị trường Trung Quốc; thâm nhập kênh phân phối bán buôn thông qua việc thiết lập công ty liên doanh với DN Trung Quốc. (3) Với thị trường Mỹ, các DN lớn đã XK tại Mỹ cần nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của đối tác, tận dụng cơ hội để gia tăng đơn hàng hoặc khai thác triệt để các thị trường ngách, nhằm chiếm ưu thế về thị trường. Cùng với đó, các DN nhỏ cần tăng cường liên kết, tổ chức lại hoạt động sản xuất, để tạo ra sức mạnh chung, thương hiệu chung cho từng ngành hàng. Cần lưu ý rằng, Hoa Kỳ là thị trường có nhu cầu rất đa dạng về nông sản, nhất là những nông sản nhiệt đới mà Việt Nam đang có lợi thế. Tuy nhiên, những yêu cầu cao về nguồn gốc xuất xứ, các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng rất gắt gao. Để XK được vào Mỹ, DN Việt Nam cần nâng cao nhận thức, năng lực thực thi các quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ và các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm.

  1. Kết luận

Cuộc CTTM Mỹ - Trung đến nay vẫn đang ngày càng gay gắt và chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này đã và đang gây tác động không nhỏ đến Việt Nam. Những ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh này đối với Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, trên những góc nhìn khác từ giới phân tích cho rằng, Việt Nam có thể hưởng lợi nếu biết nắm bắt cơ hội. Nhà nước cần nâng cao vai trò quản lý, điều hành. Bên cạnh đó, các DN Việt Nam cũng cần biết nâng cao chất lượng dịch vụ, tận dụng và cập nhật để biến khó khăn thành cơ hội cho chính mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bloomberg. https://www.bloomberg.com/quote/USDCNY:CUR

2. Bộ Công Thương (2018). Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2018.

3. Tổng cục Thống kê (2018), Tổng quan kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2018.

4. Tổng cục Hải quan (2018), Trị giá xuất, nhập khẩu phân theo nước và vùng lãnh thổ chủ yếu sơ bộ các tháng năm 2018.

5. Tổng cục Hải quan (2019), Trị giá xuất, nhập khẩu phân theo nước và vùng lãnh thổ chủ yếu sơ bộ các tháng năm 2019.

6. VASEP (2019): Đồng NDT mất giá, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc gặp khó.

7. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (2018), Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2018.

8. https://www.vndirect.com.vn

THE US-CHINA TRADE WAR AND ITS IMPACTS

ON VIETNAM’S EXPORTS

Ph.D NGUYEN THE BINH

Faculty of Finance, Banking University of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

The US-China trade war, which began in mid-2018, has affected the global economy, including Vietnam’s economy. Therefore, understanding effects of the US-China trade war on Vietnam's exports would help businesses to have appropriate solutions and respond to market volatility in a timly maner. This research finds that besides the positive impacts from opportunities in exploiting and expanding the US market, Vietnam's exports, especially exports to China, also face many difficulties when the Chinese currency drops. In order to exploit opportunities and overcome challenges from the ongoing US-China trade war, the Government of Vietnam should provide supports from market forecast, business connect to promote exports, and the business community of Vietnam should put more effort in diversifying export markets, improving the quality of products to increase competitiveness and expanding connections.

Keywords: US - China trade war, Vietnam’s exports, Chinese market, business community.