Chiến tranh “tổng lực”

Trong ngày 8/3, giá dầu thô đã giảm hơn 30% khi Ả-rập Xê-út, quốc gia khai thác dầu thô lớn thứ hai thế giới, tuyên bố giảm mức giá bán dầu thô từ 6 USD – 8 USD/thùng và gia tăng mạnh sản lượng khai thác kể từ tháng 4/2020. Đây là những phát súng khởi đầu cuộc chiến giá dầu thô mới nhất sau khi 14 thành viên khối OPEC do Ả-rập Xê-út đứng đầu và 10 quốc gia thành viên đồng minh do Nga đứng đầu không đạt thoả thuận khai thác dầu thô mới vào ngày 6/3.

Cuộc chiến tranh dầu thô “tổng lực” không chỉ diễn ra giữa Ả-rập Xê-út và Nga – quốc gia khai thác dầu thô lớn thứ ba thế giới mà còn liên quan đến Hoa Kỳ - quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới. Cuộc chiến này đang tạo ra tình huống chưa từng có trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Mức giảm 30% của giá dầu thô trong ngày 8/3 là mức giảm mạnh thứ hai trong lịch sử giá dầu thô, chỉ sau cú sốc giá dầu hồi năm 1991 khi Chiến tranh Vùng Vịnh nổ ra. Trong thời gian gần đây, các yếu tố nền tảng hỗ trợ giá dầu thô đã trở nên rất yếu trong bối cảnh dịch virus Covid-19 bùng phát phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu kéo theo đó là khả năng tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô. Việc Ả-rập Xê-út giảm giá bán dầu thô mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây và gia tăng nguồn cung dầu thô ra thị trường chỉ là giọt nước làm tràn ly, khiến giá dầu thô sụp đổ.  

Cuộc chiến giá dầu thô do Ả-rập Xê-út phát động đã hoàn toàn thay đổi triển vọng thị trường dầu thô toàn cầu và có thể sẽ sắp xếp lại một trật tự mới trên thị trường, theo nhận định của một số chuyên gia. Trong cuộc chiến hiện tại, các quốc gia sản xuất dầu thô với chi phí sản xuất thấp sẽ theo đuổi chiến lược gia tăng sản lượng tối đa, khiến giá dầu thô giảm xuống hơn nữa qua đó buộc các quốc gia có chi phí sản xuất cao hơn phải giảm sản lượng khai thác và đánh mất thị phần. Cuộc chiến tranh “tổng lực” này về cơ bản sẽ kiểm chứng nền kinh tế nào bị đánh bật trước khi giá dầu thô chạm đáy.

Hoa Kỳ - nạn nhân bất đắc dĩ

Cuộc chiến giá dầu thô gần nhất là vào tháng 10/2014, khi ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ đạt những bước tiến vượt bậc khiến Hoa Kỳ dần chuyển vị thế từ một quốc gia thuần nhập khẩu dầu thô sang xuất khẩu dầu thô. Điều này buộc Nga khởi động cuộc chiến giá dầu, sau đó kéo theo Ả-rập Xê-út cùng đẩy mạnh sản lượng khai thác, ép giá dầu thô xuống thấp để giành thị phần với Hoa Kỳ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Hoa Kỳ sẽ là nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến giá dầu thô lần này khi mà đa phần các hãng khai thác dầu đá phiến của nước này cần giữ giá dầu thô tại mức ít nhất 68 USD/thùng để đạt điểm hoà vốn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ đang gánh số nợ lớn, với 86 tỷ USD nợ đến hạn thanh toán trong vòng 4 năm tới, 55% trong số nợ này sẽ cần thanh toán trong 2 năm nữa. Hãng tài chính Moody’s cho biết gần như tất cả số nợ này đều là nợ xấu. Điều này đồng nghĩa với việc nếu giá dầu thô tiếp tục đi xuống thì nhiều doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ sẽ không tiếp cận được các khoản vay mới để duy trì sản xuất. Việc buộc các hãng khai thác dầu đá phiến đóng cửa là mục tiêu chung của Ả-rập Xê-út và Nga.

Khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ
 Hầu hết các hãng khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ cần giá dầu thô cần đạt ít nhất 68 USD/thùng để đạt điểm hoà vốn

Một số hãng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ đã bày tỏ lo ngại sức ép của việc giá dầu thô sụt giảm trong bối cảnh thị trường chứng khoán Hoa Kỳ hỗn loạn vì tác động của dịch virus Covid-19 khiến các hãng gặp sức ép tài chính lớn. Giới phân tích nhận định nếu giá dầu thô chỉ ở mức 25 USD - 30 USD/thùng trong thời gian dài thì nhiều doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ sẽ phá sản. "Thời gian" sẽ trở thành kẻ thù của ngành khai thác dầu thô Hoa Kỳ.

Giá dầu thô Brent giao tháng 5/2020 trên thị trường hiện đã giảm về mức 32,28 USD/thùng; trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đã giảm xuống còn 28,33 USD/thùng. Trước sự sụt giảm mạnh của giá dầu thô, Tập đoàn tài chính Goldman Sachs đã cảnh báo giá dầu thô có thể giảm chỉ còn 20 USD/thùng trong ngắn hạn trước khi phục hồi về mức trung bình 30 USD/thùng trong quý 2 và quý 3/2020.

Thực lực Ả-rập Xê- út và Nga

Khi bắt đầu niêm yết trên thị trường chứng khoán vào cuối tháng 12/2019, tập đoàn Saudi Aramco – tập đoàn khai thác dầu thô quốc doanh của Ả-rập Xê-út công bố các chi phí khai thác dầu thô và dữ liệu cho thấy của hãng này chỉ cần dầu thô ở mức 17 USD/thùng để đạt điểm hoà vốn. Trong khi đó, số liệu của cơ quan thống kê Nga (Rosstat) cho thấy nếu không tính thuế thì ngành dầu khí của Nga cần giữ giá dầu thô tại mức 31,90 USD/thùng để đạt điểm hoà vốn.

Hãng tin Reuters cho biết, Ả-rập Xê-út sẽ nâng mức sản lượng khai thác từ mức 9,7 triệu thùng như hiện nay lên 10 triệu thùng/ngày trong thời gian tới. Ả-rập Xê-út vẫn còn nhiều dư địa để gia tăng sản lượng khai thác khi công suất khai thác tối đa là 12,5 triệu thùng/ngày.

Các hành đồng của Ả-rập Xê-út được đưa ra chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ sau khi mối quan hệ kiểm soát giá dầu thô vốn kéo dài 3 năm giữa Nga và Ả-rập Xê-út tan vỡ. Năng lực khai thác của các quốc gia khu vực Trung Đông và Bắc Phi cho phép cung cấp tối đa thêm 2 triệu thùng dầu thô nữa ra thị trường. Phần lớn các quốc gia trong khu vực này đều là thành viên khối OPEC do Ả-rập Xê-út đứng đầu.

Tuy nhiên, để cân bằng được ngân sách quốc gia thì Ả-rập Xê-út cần duy trì mức giá dầu thô ở mức trên 80 USD/thùng, theo tính toán của tập đoàn tài chính Fitch. Theo dữ liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), ngành dầu thô đóng góp hơn 40% tổng GDP của Ả-rập Xê-út, gần 70% tổng thu ngân sách và khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Cuộc chiến giá dầu thô OPEC và Nga

Tổng thư ký OPEC Mohammed Sanusi Barkindo (Ngoài cùng bên trái), Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Hoàng tử Abdulaziz bin Salman (Ở giữa) và Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak (Ngoài cùng bên phải) tham dự cuộc họp Opec-JMMC tại thủ đô Abu Dhabi của UAE vào ngày 12 tháng 9 năm 2019 (Ảnh: AFP/Getty Images)

Tập đoàn tài chính Fitch cho biết sự sụt giảm giá dầu thô sẽ gia tăng đáng kể áp lực tài chính lên các quốc gia Vùng Vịnh và nhận định giá dầu thô cứ giảm 10 USD/thùng thì thu ngân sách của các quốc gia Vùng Vịnh sẽ giảm từ 2% - 4% tổng GDP, tuỳ từng quốc gia. Ông Jan Friedrich, chuyên gia phân tích cấp cao khu vực Trung Đông và Châu Phi của Fitch, cho biết các quốc gia như BahrainOman sẽ cần giá dầu thô đạt trên 80 USD/thùng để cân đối ngân sách quốc gia.

Hiện ngành dầu khí và khí đốt đóng góp hơn 30% tổng GDP của Nga và hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. So sánh thực lực tài chính giữa Ả-rập Xêu-út và Nga trong dài hạn thì Nga hiện đã có vị thế tốt hơn rất nhiều so với cuộc chiến giá dầu thô hồi năm 2014. Trước thềm cuộc họp giữa khối OPEC và Nga vào ngày 6/3, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tự tin rằng nền kinh tế Nga vẫn đứng vững trong trường hợp giá dầu thô giảm về mức 40 USD/thùng.

Nga hiện đang sở hữu lượng dự trữ ngoại hối cao kỷ lục với tổng trị giá đạt 570 tỷ USD, cao hơn 100 tỷ USD so với Ả-rập Xê-út. Bên cạnh đó, Nga duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt hơn so với Ả-rập Xê-út. Chính phủ Nga cũng đã phát tín hiệu cho thấy nước này có thể cho phép đồng nội tệ Ruble trượt giá sâu so với đồng USD để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu dầu thô.

Trong ngày 9/3, Bộ Tài chính Nga đã khẳng định nguồn tài sản có tính thanh khoản cao của Quỹ phúc lơi quốc gia Nga và các quỹ khác của nước này hiện đạt 150 tỷ USD tương đương 9,2% tổng GDD và đủ để bù đắp thiệt hại trong trường hợp giá dầu thô giảm xuống còn 25 USD – 30 USD/thùng trong vòng 6 – 10 năm.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia phân tích dự báo trong bối cảnh dịch virus Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tác động mạnh đến thị trường dầu thô nói chung, cuộc chiến giá dầu thô lần này sẽ không diễn ra lâu với kỳ vọng Nga và Ả-rập Xê-út sẽ ngồi lại bàn đàm phán để duy trì mức giá dầu thô hợp lý cùng mục tiêu chung là đè bẹp ngành khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ.