Chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu thấp, Bộ Công Thương lý giải 2 nguyên nhân

Nhận diện hai nguyên nhân này, Bộ Công Thương đã nhiều lần đề xuất với các cấp có thẩm quyền, với Chính phủ để góp phần hỗ trợ giải quyết vấn đề liên quan đến mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải giải đáp một số thắc mắc của báo chí liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu và công tác quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu thời gian qua
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải giải đáp một số thắc mắc của báo chí liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu và công tác quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu thời gian qua

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2022, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Người phát ngôn Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương có vai trò phối hợp với Bộ Tài chính trong 2 vấn đề quan trọng: 

Thứ nhất, đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện vấn đề này khá tốt, đã đảm bảo đủ nguồn cung trong bối cảnh cả thế giới cũng như khu vực gặp rất nhiều khó khăn để có thể đảm bảo được nguồn cung về xăng dầu.

Thứ hai, điều hành giá xăng dầu. Trong vấn đề này, Chính phủ đã chỉ đạo rất sát sao và rất rõ là cần bám sát vào giá của thị trường thế giới, sử dụng quỹ bình ổn giá một cách linh hoạt. Nhờ vậy, tại kỳ điều hành gần nhất ngày 21/9/2022 vừa qua, giá các loại xăng đã tương đương với giá xăng hồi tháng 7/2021, giá dầu FO (dầu mazut) tương đương tháng 4/2021 và dầu DO (dầu diesel) tương đương tháng 3/2022, tức là khi cuộc chiến Nga - Ukraine bắt đầu.

“Như vậy, cả về nguồn cung và giá xăng dầu, theo chúng tôi đánh giá, đều tương đối phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam trong thời điểm hiện nay”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định.

Thực tế, công tác điều hành, quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu tác động đến 3 nhóm lợi ích chính: (i) Lợi ích của các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào và khoảng 100 triệu người tiêu dùng, người dân Việt Nam; (ii) Lợi ích của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; (iii) Tổng thể nền kinh tế vĩ mô: chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số lạm phát,…

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Chính phủ, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã bám sát vào 3 nhóm lợi ích này và điều hành thị trường xăng dầu hài hòa, hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế. 

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2022 diễn ra chiều 1/10/2022
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2022 diễn ra chiều 1/10/2022

Liên quan đến câu hỏi của báo chí về việc “doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu liên tục kêu càng bán, càng lỗ vì mức chiết khấu thấp, nhiều doanh nghiệp chỉ mở cửa bán nhỏ giọt để không bị phạt”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, mức chiết khấu mà phóng viên đề cập đến là mức giảm giá của đơn vị bán xăng dầu (có thể là doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý, đại lý, thương nhân phân phối) bán cho các đối tượng khác.

Hiện nay, tại các quy định hiện hành không có quy định về mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu. Việc điều hành giá xăng dầu được thực hiện theo cơ chế kinh tế thị trường và có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, chỉ quản lý giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu.

“Chúng ta có thể hiểu đây là mức giá trần, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bán theo mức giá này, nhưng sẽ có mức chiết khấu nào đó cho người mua”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Mức chiết khấu được thỏa thuận giữa các doanh nghiệp thông qua hợp đồng kinh tế và được điều chỉnh linh hoạt trong từng thời điểm. Công tác điều hành mặt hàng xăng dầu hiện nay đang được công khai rất minh bạch, do đó các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể nắm bắt xu hướng thị trường. Khi nguồn cung xăng dầu dồi dào, hoặc giá thế giới có xu hướng giảm, các doanh nghiệp đầu mối và các doanh nghiệp bán xăng dầu có xu hướng tăng mức chiết khấu để đẩy lượng bán ra; và ngược lại, khi giá tăng lên, các doanh nghiệp này lại giảm mức chiết khấu đi.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Thời gian vừa qua, trên thị trường có hiện tượng mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu thấp, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng chủ yếu có 2 nguyên nhân:

Thứ nhất, từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn. Những yếu tố trên đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước. 

Trong giai đoạn Quý II, do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng mạnh lượng nhập khẩu xăng dầu. Tuy nhiên, sang Quý III, giá xăng dầu thế giới lại có xu hướng giảm liên tục. Nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ do đã nhập khẩu khối lượng xăng dầu tương đối lớn với giá cao, sau đó, giá xăng dầu trong nước (được điều hành bám sát theo xu hướng biến động của giá thế giới) đã giảm liên tục. 

Để tiết giảm chi phí và giảm thiệt hại trong kinh doanh, các doanh nghiệp phải giảm mức chiết khấu trong hệ thống phân phối. 

Thứ hai, từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng (chi phí vận chuyển, premium…). Tuy nhiên, để kiểm soát lạm phát, hạn chế mức tăng cao của giá xăng dầu giai đoạn giữa năm, những chi phí này chưa được Bộ Tài chính - đơn vị trực tiếp phụ trách giá mặt hàng này - công bố điều chỉnh kịp thời trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do Nhà nước điều hành. 

Để bảo đảm duy trì kinh doanh, các doanh nghiệp đầu mối buộc phải cắt giảm các khoản chi phí, trong đó có mức chiết khấu cho hệ thống phân phối xăng dầu.

Để góp phần hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã nhiều lần đề xuất với các cấp có thẩm quyền, với Chính phủ.

Ngày 23/9/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, cho rằng việc xem xét, quyết định chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, premium đối với nguồn trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu về cảng (nếu có), chi phí kinh doanh định mức thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị có liên quan thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước trong mọi tình huống; hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, trong chức năng thẩm quyền của mình, để thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Thy Thảo