Chile – đối tác thương mại lớn của Việt Nam

Sau hai năm kể từ ngày Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Chi-le chính thức có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang Chi Lê đạt 655,7 triệu USD, tăng 197,2% so với năm 2013 (đạt 220,6 triệu USD) và

Ngày 15/7/2016 tại trụ sở Bộ Công Thương đã diễn ra Phiên họp lần thứ II Hội đồng thương mại tự do Việt Nam – Chi-le. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và Thứ trưởng phụ trách Ngoại thương Chi-le đồng chủ trì Phiên họp.

Phát biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chia sẻ sự vui mừng khi nhận thấy sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Chi-lê trên nhiều lĩnh vực. Hai Bên đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, ký nhiều thỏa thuận, hiệp định hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiêp, khoa học công nghệ..., trong đó nổi bật là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Chi-lê ký ngày 11/11/ 2011 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/ 2014.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu tại Phiên họp

Hai Bên luôn ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương. Việt Nam và Chile phối hợp tương đối chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trong khuôn khổ APEC. Việt Nam mong Chi-le tiếp tục ủng hộ và phối hợp chặt chẽ trong tiến trình Việt Nam chuẩn bị và đăng cai APEC năm 2017.

Thứ trưởng cho biết, sau hai năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch thương mại song phương đã tăng đáng kể. Năm 2016, ước kim ngạch hai chiều sẽ vượt 1 tỷ USD. Điều này cho thấy Hiệp định FTA Việt Nam – Chi-le đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của hai nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng trao đổi thương mại song phương.

Sau cuộc họp kỹ thuật của hai Tiểu ban Hợp tác và Tiểu ban về các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) và Tiểu ban Thương mại hàng hóa diễn ra ngày hôm qua, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh hoan nghênh kết quả hai Bên đã đạt được một số thỏa thuận quan trọng để giải quyết các vấn đề vẫn còn tồn tại trong thời gian vừa qua.

Đồng thời sẽ nghiêm túc kiểm điểm những các vấn đề hợp tác đã được thỏa thuận giữa hai nước, chỉ ra những khó khăn và nguyên nhân dẫn đến một số hạn chế, qua đó đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trong mọi lĩnh vực trong giai đoạn tới.

Phát biểu tại Phiên họp, ông Andres Rebolledo, Thứ trưởng phụ trách Ngoại thương Chi-le, Trưởng đoàn Chi-le tham dự Phiên họp lần thứ II Hội đồng thương mại tự do Việt Nam – Chi-le cho biết, việc tổ chức Phiên họp để cùng rà soát lại những thỏa thuận hợp tác là vấn đề quan trọng nên nhận được sự quan tâm của cả hai phía. Sau hai năm Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Chi-le có hiệu lực đã mang lại cho cả hai nước những thành quả rất thú vị và quan trọng.

Ông Andres Rebolledo cũng khẳng định,Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ tối đa từ phía Chi-le trong việc đăng cai tổ chức Hội nghị APEC.


ông Andres Rebolledo, Thứ trưởng phụ trách Ngoại thương Chi-le: Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ tối đa từ phía Chi-le trong việc đăng cai tổ chức Hội nghị APEC

Đánh giá về hiệu quả sau hai năm thực hiện Hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam – Chi-le, ông Pablo Urria Hering – Vụ trưởng đàm phán kinh tế song phương Chi-le nhấn mạnh, Chi-le là nước có chính sách kinh tế mở. Sau hai năm kể từ ngày Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Chi-le chính thức có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang Chi Lê đạt 655,7 triệu USD, tăng 197,2% so với năm 2013 (đạt 220,6 triệu USD) và tăng 29,3% so với năm 2014 (đạt 507,3 triệu USD). 6 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 510,3 triệu USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2015.

Các sản phẩm xuất khẩu hiện nay của Việt Nam sang Chile chủ yếu vẫn là hàng tiêu dùng như: giày dép các loại; nguyên phụ liệu dệt may da giầy; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sản phẩm dệt may; hàng thủy sản; sản phẩm từ sắt thép; máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng; xi măng; dây điện và dây cáp điện; sản phẩm từ sắn; gạo; túi xách, ví, vali, mũ, ô dù; sản phẩm từ chất dẻo; sản phẩm từ gỗ; linh kiện ô tô từ 9 chỗ trở xuống...

Lễ ký kết Biên bản Phiên họp lần II Hội đồng thương mại tự do Việt Nam – Chi-le.

Việt Nam nhập khẩu từ Chile chủ yếu là nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu như đồng để làm dây và cáp điện, gỗ rừng trồng để sản xuất đồ gỗ, bột cá để chế biến thức ăn gia súc, gia cầm và nuôi tôm cá, bột giấy. Ngoài ra, ta cũng nhập khẩu một số sản phẩm khác như rượu vang, hoa quả tươi, thịt gia cầm.

Tuy nhiên, ông Pablo Urria Hering cũng lưu ý, hiện tại Chi-le gặp vấn đề khó khăn, đó là khi FTA đi vào hiệu lực, Việt Nam đã đơn phương giảm thuế MFN cho nhiều mặt hàng, dẫn đến có 579 dòng hàng được ưu đãi trong FTA có mức thuế cao hơn mức thuế MFN hiện hành của Việt Nam, và FTA trở nên kém hấp dẫn đối với Chi-le. Bên cạnh đó, 84,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Chi-le được hưởng thuế suất 0%, trong khi đó, chỉ có 28,4% xuất khẩu của Chi-le vào Việt Nam được hưởng thuế suất 0%. Phía Chi-le mong muốn Việt Nam cân nhắc và xử lý bất cập này.

Trong thời gian tới, hai Bên sẽ thúc đẩy hợp tác nhiều hơn trong lĩnh vực kinh tế, thương mại

“Việt Nam sẽ nghiêm túc xem xét những vấn đề phía Chi-le đã đề cập, đồng thời, tin rằng, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước trong thời gian tới sẽ có nhiểu chuyển biến tích cực”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Kết thúc Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và Thứ trưởng phụ trách Ngoại thương Chi-le Andres Rebolledo đã cùng nhau ký kết Biên bản Phiên họp lần II Hội đồng thương mại tự do Việt Nam – Chi-le.