Chính phủ theo đuổi mục tiêu đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững

Chính phủ đưa ra lộ trình thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030, trong đó có đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 841/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.

Quyết định đưa ra lộ trình cụ thể, cơ quan chủ trì để thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 với 117 chỉ tiêu.

Trong đó, Chính phủ theo đuổi mục tiêu đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người. Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì thực hiện.

điện gió - phát triển bền vững
Điện gió - nguồn năng lượng sạch đầy tiềm năng

Cụ thể, đến năm 2025, 100% hộ gia đình tiếp cận điện. Đến năm 2030 đảm bảo tiếp cận toàn dân đối với các dịch vụ năng lượng trong khả năng chi trả, đáng tin cậy và hiện đại.

Tăng đáng kể tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp của quốc gia, cụ thể đạt 15 - 20% năm 2030. Giảm 1 - 1,5%/năm mức tiêu hao năng lượng so với Tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 2021 - 2030.

Mở rộng cơ sở hạ tầng và nâng cấp công nghệ để cung cấp dịch vụ năng lượng hiện đại và bền vững cho tất cả mọi người, đặc biệt cho các vùng kém phát triển, vùng sâu, vùng xa, vùng núi và hải đảo. 

Công suất lắp đặt điện tái tạo đến năm 2030
Mặt trời 12.836 MW
Gió 27.880 MW
Năng lượng sinh khối 2.270 MW
Thuỷ điện 29.346 MW

Theo Quyết định, Bộ Công Thương duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên 10%/năm giai đoạn 2021 - 2030. Tỷ trọng giá trị gia tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt trên 25% vào năm 2025 và đạt 30% vào năm 2030.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cần tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng trong xuất khẩu. Trị giá hàng hoá xuất khẩu tăng trưởng bình quân 8 - 9%/năm giai đoạn 2021 - 2025, tăng trưởng bình quân 5 - 6%/năm giai đoạn 2026 - 2030.

Quyết định 841/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 14/7/2023 và thay thế Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 04/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.

17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam

(1) Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi

(2) Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững

(3) Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi

(4) Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người

(5) Đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái

(6) Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người

(7) Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người

(8) Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người

(9) Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới

(10) Giảm bất bình đẳng trong xã hội

(11) Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn, phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng

(12) Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững

(13) Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai

(14) Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững

(15) Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất

(16) Thúc đẩy xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp

(17) Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững

Ngọc Châm