Chính sách đầu tư theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)

Nguyễn Thu Hương (Viện nhà nước và Pháp luật)

Tóm tắt:

Bài viết phân tích tính tương thích của pháp luật Việt Nam so với các cam kết về đầu tư theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số kiến nghị cụ thể về vấn đề này.

Từ khóa: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), chính sách đầu tư.

1. Các cam kết đối với chính sách đầu tư trong EVFTA

1.1. Các cam kết nhằm mục đích tự do hóa đầu tư

* Các cam kết liên quan đến nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN)

Điều 4 Chương 8 EVFTA yêu cầu nước tiếp nhận đầu tư cam kết dành cho các nhà đầu tư sự đối xử không kém thuận lợi so với các chủ thể nước khác trong trường hợp tương tự. Điều đó cũng có nghĩa là Việt Nam sẽ dành sự đối xử cho nhà đầu tư đến từ các nước khác sẽ không cao hơn so với nhà đầu tư EU.

Tuy nhiên, ở yêu cầu này, Việt Nam bảo lưu quyền phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư EU và các nhà đầu tư nước ngoài khác trong trường hợp: Thỏa thuận tránh đánh thuế 2 lần, các biện pháp công nhận chứng chỉ chuyên môn dịch vụ, các lĩnh vực liệt kê.

* Các cam kết liên quan đến nguyên tắc đối xử quốc gia (NT)

Mục đích của chế độ này là đảm bảo sự đối xử công bằng giữa các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư trong nước.

Theo Điều 3 Chương 8 EVFTA: Nước tiếp nhận đầu tư đối xử với nhà đầu tư nước ngoài ít nhất bằng với sự đối xử với nhà đầu tư nước mình trong điều kiện tương tự. Tuy nhiên, thành viên EVFTA chỉ có nghĩa vụ áp dụng nguyên tắc này cho các ngành được liệt kê trong Biểu cam kết chứ không phải áp dụng trong cho tất cả các lĩnh vực.

* Các cam kết liên quan đến yêu cầu về hoạt động đầu tư (Performance Requirements)

Theo đó, Điều 6 Chương 8 EVFTA quy định:

(a). Các quốc gia thành viên không được đặt ra các yêu cầu bắt buộc như: biện pháp về tỷ lệ xuất khẩu, tỷ lệ nội địa hóa, giới hạn giá trị nhập khẩu theo giá trị xuất khẩu, yêu cầu chuyển giao công nghệ...

(b). Các quốc gia thành viên không được đặt ra các yêu cầu, điều kiện làm tiêu chí để xem xét cho hưởng hay tiếp tục cho hưởng các ưu đãi cho nhà đầu tư.

Cam kết này cũng chỉ giới hạn trong các lĩnh vực thuộc Biểu cam kết. Tuy nhiên, có ngoại lệ dành cho Việt Nam như: Không áp dụng nguyên tắc các yêu cầu về hoạt động đầu tư với trường hợp các chương trình xúc tiến xuất khẩu; được áp dụng các yêu cầu về lãnh thổ... mới cho hưởng ưu đãi.

1.2. Các cam kết nhằm mục đích bảo hộ đầu tư

* Các cam kết về chuẩn đối xử tối thiểu (Minimum Standard of Treatment)

Chuẩn đối xử tối thiểu" trong luật đầu tư quốc tế được hiểu trước hết là “chuẩn mực đối xử công bằng và thỏa đáng" (Fair and equitable treatment - FET). Nguyên tắc này mang lại cho các nhà đầu tư nước ngoài một sự an toàn tối thiểu trong hoạt động đầu tư tại nước sở tại. Hiện nay, các tiêu chí đánh giá mức độ “đối xử công bằng và “thỏa đáng” cũng được tiếp cận ở các góc độ khá đa dạng gồm: Tiêu chí nhất quán, Tiêu chí hợp lý, Tiêu chí không phân biệt đối xử; Tiêu chí quy trình thích đáng, Tiêu chí minh bạch.

Việc các cam kết trong các FTA thế hệ cũ đều quy định chung chung về “đối xử công bằng, thỏa đáng” và “đảm bảo an ninh, an toàn” đã dẫn tới nhiều tranh chấp phát sinh trong việc giải thích thuật ngữ này giữa nước tiếp nhận đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, Điều 14 Chương 8 EVFTA đã cố gắng cụ thể, chi tiết hóa điều khoản này nhằm hạn chế các nguy cơ tranh chấp có thể xảy ra.

* Các cam kết liên quan đến vấn đề tước đoạt quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài

Theo Điều 16 Chương 8 EVFTA: Việc tước đoạt quyền sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài không bị cấm trong các cam kết đầu tư, nhưng các nhà đầu tư phải được đền bù thỏa đáng. Do đó, nước tiếp nhận đầu tư chỉ được trưng mua, trưng dụng, tước đoạt trực tiếp gián tiếp các khoản đầu tư của nhà đầu tư vì mục đích công cộng (an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia) và phải thực thi theo cách không phân biệt đối xử, tuân theo thủ tục hợp lệ, đảm bảo bồi thường nhanh chóng, chính xác, hiệu quả đúng giá trị thị trường.

Tuy nhiên, các hành vi tước đoạt quyền sở hữu để thực hiện các quy định về môi trường, y tế, đạo đức, văn hóa thì được coi là tước đoạt quyền sở hữu hợp pháp và không phải bồi thường.

* Các cam kết cho nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền tự do vào và ra nước ngoài lãnh thổ tiếp nhận đầu tư

Cam kết này cho phép các nhà đầu tư có: Quyền thanh toán, chuyển đổi, chuyển về nước các khoản tiền liên quan đến các hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư. Theo đó, Điều 17 Chương 8 EVFTA cho thấy Việt Nam cam kết cho phép các nhà đầu tư EU được chuyển các khoản thu nhập ra nước ngoài không hạn chế và không chậm chễ theo tỷ giá chuyển đổi tự do.

1.3. Cam kết về cơ chế giải quyết tranh chấp

1.3.1. Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa bên thành viên Việt Nam - EU

- Phạm vi áp dụng (Điều 2 Chương 8 EVFTA): Nhằm ngăn ngừa hoặc giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan tới các vấn đề giải thích hoặc áp dụng các quy định của Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, cơ chế này không áp dụng tất cả các vấn đề của EVFTA (Điều 4 Chương 6 EVFTA).

- Lựa chọn hệ thống giải quyết tranh chấp (Điều 24 Chương 8 EVFTA): EVFTA lựa chọn thẩm quyền chuyên biệt cho các cơ quan giải quyết tranh chấp để xử lý các vấn đề xung đột thẩm quyền xét xử. Có nghĩa là các cơ chế giải quyết tranh chấp theo WTO sẽ bị loại trừ. Rõ ràng đây chính là điểm bất lợi cho những nước yếu thế hơn các thành viên Hiệp định như Việt Nam.

- Phương thức giải quyết tranh chấp (Điều 15 đến Điều 23 và Phụ lục I Chương 8 EVFTA): EVFTA đưa ra 3 phương thức giải quyết tranh chấp là tham vấn - hòa giải - trọng tài. Trong đó, phương thức tham vấn là thủ tục bắt buộc.

Trong cơ chế này, EVFTA không thành lập một cơ quan giải quyết chuyên trách, mà vụ việc sẽ được xét xử bởi các trọng tài viên được lựa chọn trong danh sách các trọng tài viên được lập sau khi Hiệp định được ký kết.

Hội đồng trọng tài gồm 3 trọng tài viên (Điều 7 Chương 8 EVFTA), trong đó, Chủ tịch trọng tài bắt buộc không được mang quốc tịch và thường trú tại các bên thành viên (Điều 23 Chương 8 EVFTA).

- Thực thi phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp.

Các bên tranh chấp sẽ giải quyết việc không thực thi phán quyết thông qua việc thỏa thuận bồi thường. Hội đồng trọng tài chỉ được các bên nhờ tới để quyết định về thời hạn thực thi, cũng như mức độ đình chỉ các nghĩa vụ liên quan phù hợp khi các bên không thỏa thuận được bồi thường. EVFTA có quy định linh hoạt hơn so với WTO (Điều 22 DSU) khi cho phép nguyên đơn không cần phải thỏa thuận với bị đơn về bồi thường tạm thời vẫn có quyền tạm hoãn các nghĩa vụ có liên quan khi bị đơn không thực thi phán quyết.

1.3.2. Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nước tiếp nhận đầu tư

Trong các tranh chấp liên quan đến đầu tư quốc tế thì cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nước tiếp nhận đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài (Investor - State Dispute Settlement - ISDS) là phức tạp nhất.

Cơ chế giải quyết tranh chấp này theo yêu cầu EVFTA khá khác biệt so với các các điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam là thành viên. Cụ thể:

- Phạm vi áp dụng (Điều 1 Mục 3 Phần II Chương 8 EVFTA): ISDS áp dụng đối với trường hợp tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với nước nhận đầu tư liên quan đến các biện pháp có dấu hiệu vi phạm các quy định theo các cam kết của EVFTA gồm: bảo hộ đầu tư, MFN, NT...

- Phương thức: EVFTA đưa ra 3 phương thức để giải quyết tranh chấp: Tự giải quyết thông qua thương lượng hoặc hòa giải; Tham vấn; Trọng tài.

Tuy nhiên, các bên cam kết ưu tiên giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải và đàm phán để đạt được giải pháp chung. Nếu không thể giải quyết bằng hòa giải và tham vấn, tranh chấp sẽ được giải quyết qua cơ chế trọng tài.

- Trọng tài trong cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư của EVFTA.

EVFTA thiết kế một ISDS rất đặc thù đó là một Ủy ban riêng được thành lập để xử lý tranh chấp. Thành viên của cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư này do Ủy ban Thương mại EVFTA chỉ định. Cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư của EVFTA là cơ chế trọng tài thường trực với hai cấp xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm). Theo đó, Ủy ban thương mại sẽ bổ nhiệm 9 trọng tài viên trong cơ quan trọng tài.

Theo EVFTA, việc tiến hành khởi kiện bằng Trọng tài có thể theo một trong bốn quy trình tố tụng sau: (1) Trung tâm giải quyết tranh chấp đầu tư của Ngân hàng Thế giới ICSID; (2) Bộ quy tắc cơ chế phụ trợ ICSID; (3) Bộ quy tắc tố tụng Trọng tài UNCITRALvà (4) Trung tâm Trọng tài khác hoặc theo Quy tắc tố tụng Trọng tài khác do thỏa thuận của các bên tranh chấp. Phán quyết cuối cùng do Tòa đưa ra có giá trị pháp lý và bắt buộc tuân thủ với cả hai bên không kháng cáo hay bãi bỏ, hủy bỏ. Điều này là khác biệt so với công ước ICSID.

Luật áp dụng để giải quyết nội dung tranh chấp sẽ là các quy định của Hiệp định, các nguyên tắc của Luật quốc tế có thể áp dụng cho các bên (Điều 16 Mục 3 Phần 2 Chương 8 EVFTA).

Vậy, với sự hình thành một cơ quan trọng tài thường trực giải quyết tranh chấp theo hai cấp được coi là cách tiếp cận mới đối với bảo hộ đầu tư. Cơ chế giải quyết tranh chấp của EVFTA có thể dẫn đến nguy cơ việc Việt Nam bị các nhà đầu tư nước ngoài kiện nhiều hơn, nguy cơ thua lớn hơn do phạm vi và nội dung khiếu kiện cũng tăng lên do cơ chế đi kiện thông thoáng.

2. Đánh giá tính tương thích của pháp luật Việt Nam với các cam kết về chính sách đầu tư theo EVFTA

2.1. Các cam kết nhằm mục đích tự do hóa đầu tư

* Các cam kết liên quan đến việc thực thi nguyên tắc đối xử tối huệ quốc - MFN

So sánh cam kết về quy định này giữa các FTA khác nhau mà Việt Nam đã và sẽ là thành viên thì mới có thể đánh giá được rằng đã có sự công bằng giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau hay chưa. Do vậy, không thể đánh giá tính tương thích hay bất tương thích giữa pháp luật Việt Nam và EVFTA bởi đây không phải là vấn đề của pháp luật nội địa về nội dung.

* Các cam kết liên quan đến việc thực thi nguyên tắc đối xử quốc gia

Luật Đầu tư 2014 đã có quy định về việc thành lập các khoản đầu tư được áp dụng không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư EU và nhà đầu tư Việt Nam. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam vẫn có những khác biệt so với cam kết EVFTA như sau:

(i). Luật Đầu tư 2014 đã đặt ra thêm một số điều kiện khác với các nhà đầu tư nước ngoài so với các nhà đầu tư trong nước (Điều 22, 23, 25,26,27,28, và Điều 37). Nhưng điều này vẫn phù hợp với cam kết EVFTA vì Việt Nam đã bảo lưu tại Biểu cam kết (Danh mục các biện pháp không tương thích)

(ii). EVFTA yêu cầu áp dụng nguyên tắc này cho tất cả các lĩnh vực và chỉ ngoại trừ một số trường hợp (Khoản 3 Điều 3 EVFTA và phụ lục NT). Vậy các trường hợp đối với các lĩnh vực Việt Nam không có cam kết theo WTO, cũng không thuộc các trường hợp được lọai trừ theo EVFTA như quy định tại Điều 3 EVFTA thì pháp luật Việt Nam sẽ có những quy định phân biệt đối xử về điều kiện hoạt động đối với nhà đầu tư nước ngoài so với nhà đầu tư trong nước. Đây chính là quy định chưa phù hợp với cam kết EVFTA.

* Các cam kết liên quan đến yêu cầu về hoạt động đầu tư

(i). Điều 10. Bảo đảm hoạt động kinh doanh đầu tư, Luật Đầu tư 2014 có quy định tương tự như EVFTA khi có quy định áp dụng chung cho tất cả các lĩnh vực chứ không giới hạn.

(ii). Các tiêu chí về ưu đãi đầu tư được pháp luật Việt Nam xác định theo lĩnh vực kinh doanh; quy mô vốn và lao động. Các tiêu chí này được áp dụng chung mà không giới hạn lĩnh vực (Điều 15). Hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư; Điều 16. Ngành, nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư, Luật Đầu tư 2014.

Do đó, các quy định này không bất tương thích với EVFTA bởi nó không thuộc các trường hợp cấm theo cam kết.

2.2. Các cam kết nhằm mục đích bảo hộ đầu tư

* Các cam kết liên quan đến chuẩn đối xử tối thiểu

Pháp luật Việt Nam có 2 điểm khác biệt cơ bản so với các cam kết trong EVFTA. Cụ thể:

(i). Các cam kết “đối xử công bằng, thỏa đáng“ và “bảo hộ đầy đủ, an toàn“: Mặc dù pháp luật Việt Nam không có quy định trực tiếp về các nguyên tắc này. Nhưng nằm rải rác trong các Bộ luật Tố tụng, các văn bản pháp luật đầu tư có thể thấy pháp luật Việt Nam đã cơ bản tương thích với các yêu cầu của EVFTA. Tuy nhiên, đây vẫn là thách thức đối với Chính phủ Việt Nam trong quá trình thực thi cam kết khi EVFTA còn xem xét yếu tố chuẩn mực đối xử tối thiểu này ở cả khía cạnh thực thi các quy định pháp luật.

(ii). Cam kết về nghĩa vụ không được phá vỡ các thỏa thuận giữa Nhà nước và nhà đầu tư bằng các quyết định hành chính hoặc bằng pháp luật:

So với cam kết EVFTA thì Việt Nam còn thiếu các quy định về vấn đề này.

* Các cam kết liên quan đến vấn đề tước đoạt quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài

Nhìn chung, pháp luật Việt Nam đã tương thích với các cam kết EVFTA khi Khoản 2 Điều 9 Luật Đầu tư 2014, Khoản 3 Điều 5 Luật Doanh nghiệp 2014; Điều 3, Điều 5 Luật Trưng dụng, trưng mua tài sản 2008 đã có các quy định tương tự về tước đoạt quyền sở hữu.

Vấn đề xác định thời điểm, giá trị bồi thường cho nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại Luật Trưng dụng, trưng mua tài sản 2008. Hơn thế, tại Điểm b Khoản 1 Điều 18 Luật Trưng dụng, trưng mua tài sản 2008 đã cho thấy pháp luật Việt Nam còn quy định theo hướng có lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài so với các cam kết trong EVFTA.

Nhưng bên cạnh đó còn có những điểm chưa tương thích so với các cam kết EVFTA. Cụ thể:

(i). EVFTA quy định rõ về việc trưng dụng, trưng mua gián tiếp và trực tiếp tài sản của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng Luật Trưng dụng, trưng mua tài sản 2008 chỉ đưa ra khái niệm chung về thuật ngữ trưng dụng, trưng mua. Điều đó cũng đồng nghĩa là pháp luật Việt Nam mới chỉ quy định hình thức “trưng dụng, trưng mua“ trực tiếp.

(ii). Pháp luật Việt Nam chưa quy định về lãi suất trả cho nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp chậm thanh toán các khoản tiền bồi thường.

* Các quy định nhằm đảm bảo cho nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền tự do vào và ra nước ngoài lãnh thổ tiếp nhận đầu tư

Mặc dù không chi tiết cụ thể như trong cam kết EVFTA, nhưng Điều 11 Luật Đầu tư 2014 đã ghi nhận quyền chuyển tiền ra nước ngoài của các nhà đầu tư nước ngoài. Vậy, về cơ bản, pháp luật Việt Nam không có các quy định trái với các cam kết theo EVFTA.

* Các quy định liên quan đến đảm bảo giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài

Các thành viên EVFTA cam kết ưu tiên giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, đàm phán, hòa giải. Điều 14 Luật Đầu tư 2014 quy định tương thích với cam kết này. Tuy nhiên, Khoản 4 Điều 14 Luật Đầu tư 2014 cho thấy Luật Đầu tư 2014 không điều chỉnh việc tranh chấp giữa Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, mặc dù không quy định cụ thể nhưng Điều 2. Phạm vi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 về hòa giải thương mại quy định áp dụng cho cả giải quyết tranh chấp giữa Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài.

3. Một số đề xuất

Về cơ bản, các quy định trong Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 đã phần lớn phù hợp với các cam kết về đầu tư của EVFTA. Cùng với Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Chính phủ về quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế xác định trách nhiệm phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế nhanh chóng, đồng bộ và kịp thời đã cho thấy tổng thể các quy định của pháp luật Việt Nam đã phần lớn phù hợp với các cam kết EVFTA. Nhưng Việt Nam vẫn cần tiến hành xây dựng văn bản riêng thực thi EVFTA về đầu tư bởi với thực trạng đa hệ các điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam là thành viên thì khả năng xảy ra các vụ việc ISDS là rất cao. Cụ thể:

(i). Trước khi có quy định về các nguyên tắc đối xử tối huệ quốc thì cần kiểm tra các cam kết về thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện của nhà đầu tư nước ngoài theo EVFTA để đảm bảo sự đối xử như nhau theo cam kết.

(ii). Nguyên tắc đối xử quốc gia: Quy định đối với vấn đề thành lập khoản đầu tư theo hướng: (a). Nếu đã có cam kết thì thực hiện theo cam kết, (b). Nếu không có cam kết thì dẫn chiếu đến quy định áp dụng cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Luật Đầu tư 2014.

(iii). Nguyên tắc “chuẩn đối xử tối thiểu: Khi quy định về vấn đề này thì cần quy định rõ luôn về trình tự thủ tục tố tụng dân sự, hành chính, hình sự khi các nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện các vụ việc liên quan tại các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

(iv). Xác định mức bồi thường: Cần bổ sung quy định về mức lãi suất trong trường hợp chậm thanh toán cho nhà đầu tư nước ngoài.

(v). Với các cam kết nhằm đảm bảo cho nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền tự do vào và ra nước ngoài lãnh thổ tiếp nhận đầu tư thì Việt Nam cần bổ sung các quy định liên quan đến chuyển tiền và thanh toán do Việt Nam chưa có quy định về dịch vụ qua biên giới.

(vi). Giải quyết tranh chấp:

Do quy định trong EVFTA đã rất cụ thể, chi tiết nên Việt Nam có thể đề xuất áp dụng trực tiếp mà không cần nội luật hóa. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam bởi Luật Điều ước năm 2016 quy định cho áp dụng trực tiếp các điều ước quốc tế.

4. Kết luận

Đầu tư là một lĩnh vực được đánh giá là một trong những cam kết sẽ có tác động trực tiếp và làm thay đổi đáng kể hiện trạng pháp luật và chính sách nội địa của Việt Nam. Việc hoàn thiện pháp luật đầu tư cần nằm trong một chỉnh thể thống nhất nhằm tạo điều kiện thuận lợi hóa thương mại cũng như phù hợp với các cam kết quốc tế về đầu tư của Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

1. Toàn văn EVFTA được công bố trên website của Bộ Công Thương, truy cập ngày 25/9/2017.

2. Nguyễn Thu Dung và Cao Thị Lê Thương “Nguyên tắc đối xử công bằng và thỏa đáng trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế giữa nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia tiếp nhận đầu tư”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 8 năm 2017, tr.51 - 57.

3. VCCI (2016), Rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết EVFTA về đầu tư - Kết quả rà soát và đề xuất điều chỉnh từ góc độ lợi ích của doanh nghiệp.

4. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (2017), Ấn phẩm "Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU: Tác động thể chế và điều chỉnh chính sách ở Việt Nam", NXB Thế giới, tr.57.

5. Luật Đầu tư 2014.

6. Bernasconi - Osterwalder, Nathalie, Aaron Cosbey, Lise Johnson and Damon Vis - Dunbar (2012), Investment Treaties & Why they Matter to Sustainable Development: Questions & Answers, International Institute for Sustainable Development (IISD), Winnipeg, Canada.

7. Mann, Howard (2013), Reconceptualizing International Investment Law: Its Role in Sustainable Development,

Lewis & Clark Law Review vol. 17(2): 521 - 544.

8. UNCTAD (2012), Fair and Equitable Treatment - UNCTAD Series on Issues in International Investment Agreement II , phần III (B), tr. 61.

Investment policy under the Vietnam – EU Free Trade Agreement (EVFTA)

Nguyen Thu Huong

Institute of state and law

Abstract:

The paper analyzes the compatibility of Vietnam's legislation with respect to investment commitments under the Vietnam-EU Free Trade Agreement (EVFTA). Based on that, the author proposes some specific recommendations on this issue.

Keywords: Vietnam-EU Free Trade Agreement (EVFTA), investment policy.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 12 tháng 11/2017 tại đây