Chính sách hiệu suất năng lượng của Hàn Quốc

Năm 2017, Hàn Quốc đã nhập khẩu tới 94,7% nguồn cung để sản xuất năng lượng, tiêu tốn tới 80,94 tỉ USD.

Hàn Quốc là quốc gia phụ thuộc lớn vào năng lượng nhập khẩu. Năm 2017, Hàn Quốc đã nhập khẩu tới 94,7% nguồn cung để sản xuất năng lượng, tiêu tốn tới 80,94 tỉ USD. Ngành công nghiệp phát triển kéo theo việc tiêu tốn rất nhiều năng lượng, chiếm tới 61,4% nguồn cung từ dầu mỏ, gas, năng lượng nhiệt và chiếm tới 54,3% nguồn điện quốc gia.

Vì vậy, đối với quốc gia này, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là sự sống còn đối với cả nền kinh tế. Ngay từ năm 1980, Hàn Quốc đã thành lập Cơ quan Năng lượng Hàn Quốc, đồng thời ban hành Luật Sử dụng hiệu quả năng lượng. Chức năng chính của Cơ quan Năng lượng Hàn Quốc là xây dựng chính sách hiệu quả năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo. Năm 2017, nguồn Quỹ của Cơ quan này tương ứng với 1,05 triệu USD.

Chính sách hiệu quả năng lượng Hàn Quốc được xây dựng dựa trên 7 lĩnh vực, bao gồm: Hiệu suất năng lượng ngành công nghiệp; Hiệu suất năng lượng ngành vận tải; Hiệu suất năng lượng tòa nhà; Hiệu suất năng lượng thiết bị điện; Xây dựng cơ sở dữ liệu giảm khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu; Phát triển năng lượng tái tạo; Hợp tác quốc tế và quảng bá, đào tạo.

Triển khai từng lĩnh vực cụ thể

Để việc quản lý năng lượng triển khai hiệu quả, Chính phủ và doanh nghiệp cùng lựa chọn mục tiêu cắt giảm năng lượng và giảm khí nhà kính, với các doanh nghiệp tiêu thụ 50,000tCO2, 200TJ và cơ quan hành chính là 15,000tCO2, 80TJ, trong 3 năm gần đây.

chính sách hiệu suất năng lượng Hàn Quốc

Masdar và Cơ quan Năng lượng Hàn Quốc hợp tác phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: iStock

 

Các công ty mục tiêu (doanh nghiệp vừa-nhỏ-trung) phân bổ hệ thống giao dịch khí thải ngành phát triển công nghiệp nhằm mục đích mang đến hiệu quả giảm khí nhà kính thiết thực thông qua hỗ trợ các thiết bị để giảm khí nhà kính, năng lượng

Hệ thống bắt buộc kiểm toán năng lượng hoạt động theo chu kỳ trên 3 năm với các doanh nghiệp có lượng tiêu thụ năng lượng trên 2000 toe/năm. Giai đoạn 2007- 2017, Hàn Quốc có khoảng 6.400 nhà máy và tòa nhà kiểm toán năng lượng.

Thông qua quỹ hỗ trợ cho vay phí đầu tư lắp đặt các thiết bị tiết kiệm năng lượng, nhằm giảm năng lượng và nâng cao hiệu suất. Chỉ tính riêng năm 2018, Quỹ đã hỗ trợ 230 tỉ won cho vay phí đầu tư lắp đặt các thiết bị tiết kiệm năng lượng.

Với chính sách hỗ trợ rất rõ ràng như vậy, nên các công ty dịch vụ năng lượng  (ESCO) đang có xu hướng tăng, từ 4 doanh nghiệp năm 1992 lên 328 doanh nghiệp năm 2017. Giai đoạn 1993-2017, các dự án ESCO của Chính phủ đã hỗ trợ khoảng 29.000 tỉ won và giúp giảm 1.165 toe năng lượng trong giai đoạn 2010-2017.

Tại Hàn Quốc, hiện có 29 danh mục sản phẩm bắt buộc phải dán nhãn hiệu suất năng lượng, ứng dụng tiêu chuẩn hiệu suất tiêu thụ tối thiểu và biểu thị 5 cấp độ theo hiệu suất tiêu thụ năng lượng của thiết bị điện. Bên cạnh đó có 21 danh mục sản phẩm được chứng nhận thiết bị hiệu suất cao, tức là đăng ký hiệu suất tiêu thụ năng lượng trên tiêu chuẩn qui định. Đăng ký này không bắt buộc mà chỉ là góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm và tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, Hàn Quốc còn bắt buộc doanh nghiệp xây dựng chế độ để hướng tới giảm thiểu công suất điện dự phòng- không sử dụng các thiết bị điện.

Riêng đối với các tòa nhà, từ năm 2001, Hàn Quốc đã chia các tòa nhà ra thành 10 cấp độ theo tính năng tiêu thụ năng lượng thông qua bản vẽ thiết kế của toà nhà. Từ năm 2010, khi đăng ký giấy phép xây dựng toà nhà mới trên 500m2, doanh nghiệp bắt buộc phải nộp bản kế hoạch tiết kiệm năng lượng để các đơn vị có thẩm quyền tư vấn về tính hợp lý của bản kế hoạch. Và bắt đầu từ tháng 5/2016, Hàn Quốc  xây dựng và vận hành hệ thống quản lý năng lượng tòa nhà (BEMS) với những toà nhà công cộng mới và xây mở rộng trên 10,000m2.

Đối với ngành vận tải, ngay từ năm 1988, Hàn Quốc đã thiết lập và tiến hành hệ thống biểu thị hiệu suất nhiên liệu trên xe ô tô cho xe cỡ nhỏ dưới 15 chỗ, đồng thời xây dựng lộ trình cho các nhà sản xuất dòng xe ô tô này là năm 2016 chạy 18,6 km tiêu thụ 1 lít xăng và đến 2020 là 21,4 km/lít. Chính phủ cũng bắt đầu quan tâm hỗ trợ phát triển xe điện bằng các dự án hỗ trợ công nghiệp dịch vụ sạc xe điện. Đến tháng 2/2018 đã hoàn thành xây dựng 102 trạm sạc cấp tốc tại các trạm đổ xăng, bãi đỗ xe.

Khi các ngành công nghiệp càng phát triển, Hàn Quốc lại tiến hành thu thập thống kê phát thải khí nhà kính quốc gia thông qua việc mở rộng dữ liệu sử dụng năng lượng ở từng nơi làm việc, nhu cầu của ngành công nghiệp… để xây dựng kịch bản và các chính sách nhằm giảm khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chính phủ còn thành lập cơ quan vận hành Cơ chế phát triển sạch (CDM) nhằm đánh giá tính hợp lệ của dự án CDM và kiểm tra, chứng nhận lượng giảm khí thải nhà kính của các dự án CDM đã đăng ký. Trong giai đoạn 2006-2017, Chính phủ đã đánh giá và cấp 114 chứng nhận CDM cho các dự án trong và ngoài nước.

Đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo

Năng lượng tái tạo là mảng hoạt động rất mạnh của Hàn Quốc. Chính phủ chi tiền hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo hộ gia đình, toà nhà, Feed-in-Tariffs (FIT), khu vực, dự án nước ngoài, dự án phức hợp năng lượng tái tạo. Ngoài ra, còn hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp dài hạn, chi phí vận hành và lắp đặt thiết bị năng lượng tái tạo và sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo. Đồng thời qui định, những công ty phát điện có thiết bị phát điện trên 500MW phải cung cấp một phần của tổng lượng phát bằng năng lượng tái tạo. Những toà nhà công cộng trên 1.000m2 khi xây dựng mới, xây dựng thêm, xây dựng lại buộc phải sản xuất trên 24% của tổng lượng sử dụng năng lượng dự phòng bằng năng lượng tái tạo.

chính sách hiệu suất năng lượng hàn quốc

Một phần của Nhà máy năng lượng mặt trời Yeongwol nhìn từ phía xa thung lũng. Ảnh: koreaexpose.com

 

Hàn Quốc cũng đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, hỗ trợ khảo sát tính khả thi dự án giảm khí nhà kính ở nước ngoài nhằm quảng bá cho các chiến dịch tiết kiệm năng lượng, triển lãm năng lượng, vận hành khu trải nghiệm năng lượng xanh. Đồng thời phát triển mạnh mẽ mảng đào tạo nuôi dưỡng nhân lực chuyên môn năng lượng, biến đổi khí hậu, đào tạo năng lượng thế hệ tương lai và đào tạo chuyên gia năng lượng quốc tế.

Trong tương lai, Hàn Quốc đặt mục tiêu cung cấp được 20% năng lượng tái tạo trong tổng điện năng tiêu thụ vào năm 2030. Năm 2016, tổng công suất thiết bị năng lượng tái tạo của Hàn Quốc đạt 13,3GW, chiếm 12,1% của tổng công suất thiết bị phát là 110GW. Vì vậy, để đạt được mục tiêu 20% đến năm 2030, cần mở rộng quy mô khoảng 64GW (năng lượng quy chuẩn luỹ kế). Theo tính toán, tiềm năng cung cấp năng lượng tái tạo vào năm 2030 của Hàn Quốc có thể đạt 173GW, trong đó: năng lượng mặt trời 114GW, năng lượng gió trên bờ 15GW và gió ngoài khơi 44GW.

Điều này sẽ đảm bảo các cam kết của Chính phủ Hàn Quốc trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thân thiện môi trường.

Hồ Nga (Theo TL của Cơ quan Năng lượng Hàn Quốc)