Chính sách kinh tế Abenomics của Nhật Bản và một số hàm ý chính sách cho Việt Nam

ThS. HOÀNG THỊ MAI HỒNG (Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÓM TẮT:

Sau khi quay lại cương vị Thủ tướng Nhật Bản từ cuộc tổng tuyển cử năm 2012, ông Shinzo Abe đã ban hành Chiến lược Kinh tế mới - Abenomics vào vào đầu năm 2013 nhằm khơi dậy sức sống cho nền kinh tế Nhật Bản. Với chính sách này, nền kinh tế Nhật Bản đã từng bước vượt qua khó khăn, thử thách, đang dần lấy lại đà phục hồi tăng trưởng.  Trên cơ sở nghiên cứu chính sách Abenomics của Nhật Bản, bài viết đưa ra một số gợi ý chính sách phát triển kinh tế cho Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: Abenomics, Nhật Bản, Việt Nam, kinh tế Abenomics.

1. Nội dung cơ bản của chính sách Abenomics

Abenomics là cách gọi chương trình kinh tế đa hướng của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Thuật ngữ Abenomics là sự kết hợp giữa “Abe” là họ của Thủ tướng Nhật Bản và từ “economics”. Abenomics được ban hành từ năm 2013. Nội dung của chính sách Abenomics là tập hợp các cải cách tiền tệ, tài chính, cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài trong nhiều thập kỷ qua.

Một là, chính sách nới lỏng tiền tệ: Đây là chính sách thực hiện giảm lãi suất thực được Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) áp dụng nhằm nới lỏng tiền tệ, hạ giá đồng Yên, cũng như thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa Nhật Bản trên thị trường nước ngoài.

Hai là, chính sách thúc đẩy chi tiêu công: Từ năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ban hành các gói kích thích kinh tế trị giá 20,2 nghìn tỷ Yên (210 tỷ USD), trong đó có 10,3 nghìn tỷ Yên (116 tỷ USD) là chi tiêu trực tiếp của Chính phủ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng (cầu, đường hầm và đường chống động đất). Tiếp theo đó, Nhật Bản công bố thêm gói kích thích 5,5 nghìn tỷ Yên vào tháng 4/2014 và gói kích thích trị giá 3,5 nghìn tỷ Yên sau cuộc bầu cử tháng 12/2014. Giai đoạn 2015 - 2017, do kinh tế phục hồi chưa được như kỳ vọng, nên Nhật Bản tiếp tục thực hiện các gói kích thích, cụ thể như: Ngày 02/8/2016, Chính phủ Nhật Bản thông qua gói kích thích trị giá 28.100 tỷ Yên (274 tỷ USD) tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội; Ngày 11/10/2016, Nhật Bản phê chuẩn gói kích thích thứ hai trong năm 2016 trị giá hơn 4.000 tỷ Yên (40 tỷ USD) nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích cầu đầu tư và tiêu dung; Ngày 27/3/2017, Thượng viện Nhật Bản thông qua ngân sách cho năm tài khóa 2017 trị giá 97.400 nghìn tỷ Yên (880 tỷ USD)[1]. Đây là quy mô ngân sách lớn nhất từ trước đến nay, với mục tiêu tiếp tục tăng chi tiêu cho an sinh xã hội, quốc phòng và những lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ba là, chính sách tăng trưởng kinh tế sâu rộng: Đây là trụ cột mang tính dài hạn nhằm tạo đà phát triển bền vững cho nền kinh tế Nhật Bản. Để tăng trưởng kinh tế sâu rộng, chính sách này đã hướng tới các mục tiêu như: giảm tỷ lệ thất nghiệp khoảng 20%, thu hút lao động nữ để bù đắp cho sự thiếu hụt về nguồn lao động, đứng thứ nhất thế giới về những đổi mới trong phát triển kinh tế, đưa nông nghiệp trở thành “ngành Công nghiệp thứ 6”, thực hiện tự do thương mại.

Từ tháng 10 năm 2015, chính sách Abenomics được sửa đổi, bổ sung với 3 trụ cột: (1) Tăng trưởng kinh tế thêm khoảng 20% GDP đạt mức 600 nghìn tỷ Yên (5.000 tỷ USD) vào năm 2020; (2) Tăng cường các biện pháp hỗ trợ nuôi và sinh con nhằm tăng tỷ lệ sinh lên mức bình quân từ 1,4 lên 1,8 trẻ/bà mẹ. Đồng thời cam kết duy trì dân số luôn ở mức 100 triệu dân từ nay đến năm 2065; (3) Cải thiện an sinh xã hội, như: xây dựng thêm nhiều nhà dưỡng lão để giảm bớt gánh nặng cho lao động trẻ, giúp họ yên tâm làm việc hơn, giảm được hàng chục ngàn lao động phải ở nhà chăm sóc cha mẹ già.

2. Tác động của chính sách Abenomics đến nền kinh tế Nhật Bản

Để thấy rõ những tác động tích cực của chính sách Abenomics đối với nền kinh tế Nhật Bản, trước hết phải nói về thực trạng nền kinh tế Nhật Bản trước khi chính sách này được triển khai. Giai đoạn 1990 - 2012, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng tiệm cận mức 0 trong vòng 2 thập kỷ, chi tiêu tiêu dùng đình trệ do giảm phát và sự già hóa dân số thúc đẩy xu hướng tiết kiệm ở người dân. Thảm họa động đất năm 2011 cùng những hệ lụy kéo dài sau đó, cộng thêm khoản nợ công khổng lồ từ các đời Thủ tướng trước đã gây sức ép nặng nề lên nền kinh tế Nhật Bản. Trong lĩnh vực tiền tệ, đồng Yên mạnh dẫn đến xuất khẩu suy giảm. Trên thị trường lao động, tỷ lệ lao động nữ giới thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao, nhiều ngành chứng kiến lực lượng lao động giảm mạnh.

Chính sách cải cách kinh tế Abenomics do ông Shinzo Abe khởi xướng đã chấm dứt thời kỳ giảm phát kéo dài nhiều thập niên của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Từ cuối năm 2012, đầu năm 2013, ông Shinzo Abe nhanh chóng đạt được thỏa thuận nới lỏng chính sách tiền tệ chưa từng có với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), đưa lãi suất xuống mức âm nhằm giảm chi phí cho vay, thúc đẩy tiêu dùng cá nhân và đầu tư kinh doanh, đồng thời đẩy lạm phát lên mức mục tiêu 2%. Nhờ đó, kinh tế Nhật Bản đã dần phục hồi và thoát khỏi vòng xoáy giảm phát. Nền kinh tế Nhật Bản chứng kiến tăng trưởng trong 71 tháng liên tiếp, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức dưới 3%, thấp nhất trong hơn 2 thập kỷ. Chỉ số chứng khoán Nikkei 225 liên tục tăng điểm.

Tính đến cuối năm 2017, chỉ số Nikkei 225 đã tăng hơn 150%. Bước sang đầu năm 2018, giá cổ phiếu đã lên đến mức 24.000 Yên lần đầu tiên trong khoảng 26 năm, dấu hiệu của sự thoát khỏi giảm phát càng rõ nét[2]. Hoạt động của các doanh nghiệp phục hồi, tỷ lệ lợi nhuận thông thường trong ngành công nghiệp sản xuất từ 4,6% tăng lên 8,9%, trong lĩnh vực phi sản xuất lên mức cao kỷ lục tăng từ 3,7% lên 6,0%. Mức thuế hữu hiệu cho các doanh nghiệp trong năm 2017 là 29,97%, đã giảm đáng kể từ mức 37,00% của năm 2012. Số doanh nghiệp phá sản đã giảm 30,3% so với năm 2012[3].

Abenomics góp phần quan trọng vào hạ giá đồng Yên trên thị trường hối đoái và kích thích xuất khẩu. Tiền tệ của Nhật Bản đã mất giá khoảng 30% so với tháng 11/2012. Nếu như năm 2011, xuất khẩu của Nhật Bản ở mức âm 0,246% thì năm 2017 đã đạt 6,793%, ước tính năm 2018 đạt 4,975%. Xuất khẩu tăng tạo thuận lợi cho đà phục hồi kinh tế đất nước.

Tốc độ tăng trưởng GDP ổn định. Trong quý I/2013, tốc độ tăng trưởng GDP đã tăng 1,3%, (lớn hơn nhiều so với con số âm 0,115% trong năm 2011). Tính đến hết quý IV/2017, GDP tăng 0,1% so với quý III và đây là quý tăng trưởng thứ 8 liên tiếp của kinh tế Nhật Bản; đưa tốc tăng trưởng kinh tế cả năm 2017 đạt 1,713%. Tuy quý I/2018, tốc độ tăng GDP có giảm 0,2% so với quý trước tuy nhiên, theo ước tính cả năm 2018, vẫn đạt 1,213%. Xét về quy mô, nền kinh tế Nhật Bản đã tăng từ 491.408 nghìn tỷ Yên năm 2011 lên 546.848 nghìn tỷ Yên vào năm 2017, 555.607 tỷ Yên vào năm 2019. Về việc làm, tỷ lệ người có việc làm tăng 4,5%, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4,325% xuống còn 2,875%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trẻ (25-29 tuổi) cũng giảm từ 5,7% xuống còn 4,7%. Số lao động toàn thời gian đã tăng 2,8%[4].

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chính sách Abenomics vẫn đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể là “bài toán” giải quyết việc làm cho người lao động vẫn chưa được giải quyết triệt để trong ngắn hạn. Chính phủ Nhật Bản đang đứng trước sức ép phải đảm bảo mức sống ổn định cho người dân, giảm bớt những tác động tiêu cực đến nền kinh tế do mục tiêu theo đuổi lạm phát của nước này. Chi phí sản xuất đầu tư có xu hướng tăng lên do việc đồng Yên yếu đi, những lợi thế trong xuất khẩu có thể bị mất đi nếu không hạn chế được mức tăng của chi phí sản xuất; nợ công ngày càng tăng. Nhật Bản hiện có số nợ công cao nhất thế giới. Mặc dù nền kinh tế Nhật Bản đã được cải thiện đáng kể từ khi áp dụng chính sách Abenomics, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này vẫn chưa bền vững. Điều này cho thấy, sự hạn chế của tính thiếu bền vững trong thực thi chính sách Abenomics.

3. Một số gợi ý chính sách cho Việt Nam

Một là, tiếp tục đổi mới chính sách tài khóa đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế.

Chính sách tài khóa là một công cụ của chính sách kinh tế vĩ mô được Chính phủ sử dụng để huy động, phân phối và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Trong giai đoạn hiện nay, chính sách tài khóa của Việt Nam cần tiếp tục đổi mới theo hướng mở rộng; thực hiện tốt thu, chi ngân sách để niềm tin cho các nhà đầu tư và các tổ chức tài trợ quốc tế. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý nợ công, đẩy mạnh cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững; Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, triển khai các giải pháp phát triển cân bằng và toàn diện thị trường tài chính, cùng với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thông qua việc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thu đủ số cổ tức, lợi nhuận sau thuế, tiền bán vốn tại các doanh nghiệp theo nghị quyết Quốc hội,... Hạn chế tối đa các khoản chi cho tiêu dùng, trong đó chi hành chính cho bộ máy chính phủ được xem là khá “cồng kềnh” hiện nay bằng cách đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giảm biên chế, chuyển các đơn vị sự nghiệp sang cơ chế tự chủ tài chính để giảm bớt gánh nặng chi sự nghiệp từ nguồn vốn ngân sách. 

Hai là, phát triển kinh tế phải đi đôi với đảm bảo công bằng về mặt xã hội.

 Cần tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XII về phát triển kinh tế, văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội thành các chính sách, pháp luật của Nhà nước, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị với phát triển văn hóa; khắc phục tình trạng chạy theo lợi ích kinh tế, không quan tâm đúng mức các giá trị văn hóa. Thực hiện tốt quan điểm kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Mỗi chính sách phát triển kinh tế phải hướng tới phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Quản lý phát triển xã hội phải tập trung vào việc xây dựng mô hình phát triển xã hội hợp lý, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.

Quan tâm, giải quyết tốt những mâu thuẫn trong quá trình phát triển, như: thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong điều kiện kinh tế phát triển chưa cao, nguồn lực còn hạn chế; tăng trưởng kinh tế với xây dựng văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất của nhân dân được nâng lên, nhưng một số lĩnh vực văn hóa, giáo dục phát triển không tương xứng; giữa chủ trương phát triển, quản lý xã hội với việc tổ chức thực hiện; giữa yêu cầu phát triển xã hội, phát triển con người với thực trạng hạn chế về nguồn nhân lực; giữa thực tiễn thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội với công tác lý luận, định hướng phát triển.

Ba là, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Cơ cấu lại đầu tư công: Hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công, bảo đảm hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế, ưu tiên đổi mới cách thức thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư.

Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước: Đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tăng cường chiều sâu và tốc độ cổ phần hóa, nâng cao thực chất trình độ quản trị, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý doanh nghiệp nhà nước.

Cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng: Xử lý nợ xấu, xây dựng thị trường vốn nhằm bảo đảm hiệu quả trung gian tài chính, cân bằng giữa phát triển thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Giảm dần tốc độ tăng trưởng tín dụng đến mức phù hợp so với tăng trưởng GDP (tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 14-16% vào năm 2020. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công để đạt mục tiêu chi thường xuyên dưới 64% tổng chi ngân sách.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp: Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn; huy động các nguồn lực xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Cơ cấu lại các ngành công nghiệp, tập trung các giải pháp nhằm thúc đẩy nâng cao năng suất lao động trong ngành công nghiệp; Phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh như công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo thông minh. Cơ cấu lại các ngành dịch vụ, tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, giá trị gia tăng cao, phát triển du lịch và phát triển thương mại nội địa.

Chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nghiên cứu bổ sung sửa đổi, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ cần thiết đối với các khởi nghiệp sáng tạo; đồng thời, tạo cơ chế, động lực kết nối hữu hiệu giữa nhà trường, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và các bên có liên quan khác xây dựng, phát động phong trào khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, gắn với xây dựng Chính phủ điện tử; tinh giản bộ máy, tổ chức, biên chế gắn với xây dựng Nhà nước kiến tạo, Chính phủ liêm chính, năng động, sáng tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.   

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Nguyễn Thị Bích Hồng (2018), Chính sách phát triển du lịch của Nhật Bản và một số gợi ý cho phát triển du lịch Việt Nam hiện nay, Viện Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật.

[2] Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, http://ncif.gov.vn.

[3] Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, http://ncif.gov.vn.

[4] Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, http://ncif.gov.vn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Thị Vân Anh (2016), “Chiến lược kinh tế của Nhật Bản: Những mũi tên chưa tới đích”, Tạp chí Tài chính, số tháng 4/2016.
  2. “Abenomics Vs. The Deflation Monster”, Bloomberg Briefs, tháng 7/2014.
  3. Nguyễn Thị Bích Hồng (2018), Chính sách phát triển du lịch của Nhật Bản và một số gợi ý cho phát triển du lịch Việt Nam hiện nay, Viện Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật.
  4. Thông tấn xã Việt Nam (2017), Thành tựu và thách thức sau 5 năm cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản, Tin tham khảo thế giới, ngày 30/9/2017.
  5. Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, http://ncif.gov.vn.

 

THE ABENOMICS AND SOME SUGGESTIONS

FOR ECONOMIC DEVELOPMENT POLICIES OF VIETNAM

Master. HOANG THI MAI HONG

Faculty of Japanese Linguistics and Culture

University of Languages and International Studies

Vietnam National University - Hanoi

ABSTRACT:

After being elected th Prime Minister of Japan in the 2012 General Election, Shinzo Abe issued his new economic strategy (also known as the Abenomics) in early 2013 to reform and promote the Japanese economy. This economic strategy has helped the economy of Japan gradually overcome difficulties and challenges and the country’s economic recovery gains momentum. By studying the Abenomics, this paper presents some suggestions for economic development policies of Vietnam in the coming time.

Keywords: Abenomics, Japan, Vietnam, Abenomics.