Trong những năm qua, Trung Quốc đã thực hiện chính sách mở cửa từng bước, khuyến khích đầu tư nước ngoài theo quy hoạch phát triển vùng lãnh thổ phù hợp với từng giai đoạn phát triển:

    Năm 1979, Đảng cộng sản và Quốc vụ viện Trung Quốc đã quyết định  hai tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến thực hiện chính sách kinh tế đối ngoại đặc thù, nhằm tích cực thu hút nguồn vốn của Hoa Kiều và kinh nghiệm quản lý kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài; Năm 1980, ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc thông qua “Điều lệ về Đặc khu kinh tế Quảng Đông” và quyết định thành lập 3 Đặc khu kinh tế: Thẩm Quyến, Chu Hải, Sán Dầu, đồng thời quyết định cho tỉnh Phúc Kiến xây dựng Đặc khu kinh tế Hạ Môn; Năm 1984, Trung Quốc thành lập tỉnh đảo Hải Nam và toàn tỉnh thành lập khu kinh tế thứ 5 (Đặc khu kinh tế Hải Nam); Năm 1988, Trung Quốc mở cửa tiếp 14 thành phố ven biển (Thiên Tân, Thượng Hải, Đại Liên, Tân Hoàng Đảo...) với tổng diện tích 10 vạn km2, dân số khoảng  45,38 triệu người, 14 thành phố này đều là nơi có nền kinh tế phát triển. Việc Trung Quốc mở cửa những thành phố này là nhằm mở rộng hơn việc hợp tác kỹ thuật và giao lưu kinh tế với nước ngoài, tận dụng FDI, nhằm đưa khoa học kỹ thuật tiên tiến vào Trung Quốc. Bước sang thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Trung Quốc đã đẩy nhanh tốc độ cải cách nền kinh tế thị trường, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư.

   Thành công của Trung Quốc trong lĩnh vực thu hút nguồn vốn FDI còn do Trung Quốc đã phát triển và mở rộng hệ thống khuyến khích đầu tư đa dạng như: Chủ động sử dụng nguồn vốn nước ngoài một cách hợp lý, hiệu quả; Coi đầu tư nước ngoài là một nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng thông thoáng và hấp dẫn; Khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các vùng khó khăn của Trung Quốc (miền Trung và miền Tây). Khi đầu tư vào các khu vực khó khăn, các nhà đầu tư sẽ được hưởng chính sách thuế ưu đãi hơn trong 10 năm sau khi bắt đầu thực hiện dự án...Cụ thể:  Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở các ngành được khuyến khích đầu tư, thì mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp (15%), đối với những vùng khó khăn được khuyến khích đầu tư (miền Tây và miền Trung của Trung Quốc), thì doanh nghiệp không phải nộp thuế thu nhập trong 2 năm sau khi có lãi và chỉ nộp 50% thuế thu nhập trong 6 năm tiếp theo; Mở cửa các thị trường tài chính được thực hiện trên nguyên tắc tin cậy và thận trọng từng bước. Năm 2002, các ngân hàng nước ngoài đã mở 175 công ty với tổng số vốn là 31,7 tỷ USD, 9 công ty bảo hiểm nước ngoài thuộc 8 quốc gia đã mở 12 công ty tại Trung Quốc, các tổ chức tài chính thu hút vốn FDI tập trung nhiều ở các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thẩm Quyến, Hạ Môn, Chu Hải, Thiên Tân và các đặc khu kinh tế và các thành phố phát triển ở vùng Duyên hải; Thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư vào các ngành: Thời kỳ đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Trung Quốc đã mở cửa ngành công nghiệp nhẹ cho các nhà đầu tư nước ngoài là chủ yếu, sau đó từng bước mở rộng sang các lĩnh vực khác như : năng lượng, nguyên liệu thô, xây dựng cơ sở hạ tầng. Cuối những năm 80 của thế kỷ XX, Trung Quốc có sự điều chỉnh chính sách thu hút FDI hướng về xuất khẩu, nên cơ cấu FDI có những thay đổi lớn, các dự án công nghiệp chiếm hơn 90% tổng số dự án và trên 70% tổng số vốn FDI cam kết. Trong những năm 90 của thế kỷ XX, cơ cấu FDI được khuyến khích mở rộng, chuyển sang các hoạt động dịch vụ như kinh doanh tiền tệ, ngoại thương, tư vấn, bảo hiểm…

  Từ năm 1993 đến nay, Trung Quốc liên tục trở thành nước đứng đầu về thu hút FDI thuộc các nước đang phát triển với tổng số vốn FDI vào Trung Quốc ngày càng tăng. Trong giai đoạn 1979-2002, Trung Quốc đã cấp giấy phép cho khoảng 450.000 dự án có vốn FDI, với tổng số vốn cam kết là 886,3 tỷ USD.

      Về nguồn vốn FDI, có khoảng 60% vốn FDI vào Trung Quốc là của Hoa Kiều từ Hồng Công, Đài Loan, Xingapo. Hiện có khoảng 180 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Trung Quốc, trong đó có một số nước và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Trung Quốc, bao gồm: Hồng Công, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Xingapo, Hàn Quốc, Anh, Đức, Pháp. Đặc biệt, Trung Quốc đã thu hút được 400 trong số 500 công ty xuyên quốc gia hàng đầu thế giới đầu tư vào các ngành quan trọng như sản xuất ô tô, chế tạo máy, điện tử, viễn thông...

  Cơ cấu FDI đầu tư ở Trung Quốc cũng liên tục được cải thiện, Chính phủ Trung quốc đã ban hành và sửa đổi Văn bản hướng dẫn về đầu tư nước ngoài và đặc biệt là tập trung vào hướng dẫn đầu tư nước ngoài đối với các ngành được khuyến khích phát triển. Việc Trung Quốc gia nhập WTO đã tạo điều kiện tăng mức sử dụng vốn FDI và nâng cấp các ngành công nghiệp của nước này. Trong những năm tới, Trung Quốc còn khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các công ty xuyên quốc gia đầu tư vào các ngành công nghệ cao và xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích các công ty này thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), tham gia vào việc tái cơ cấu và đổi mới Nhà nước. 

  Trong nỗ lực thu hút đầu tư, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều hình thức đầu tư khác nhau như cho phép thành lập các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc thành lập liên doanh với các doanh nghiệp Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn cho phép đầu tư gián tiếp, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh chứng khoán, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Từ năm 1995, Trung Quốc cho phép thành lập các công ty quản lý tài chính và từ năm 2002, Trung Quốc thực hiện thí điểm các hình thức đầu tư mới như Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp…

   Tóm lại, sau hơn 20 năm cải cách và mở cửa, nhờ quan điểm nhất quán về phát triển dựa vào các nguồn lực trong nước và ngoài nước, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật về thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn FDI.