Chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại tỉnh Bình Dương

PHẠM THỊ SƠN TRÀ (Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương, Học viên cao học Quản lý Công -Trường Đại học Quốc tế - Đại học quốc gia - TP. Hồ Chí Minh) và PGS. TS. MAI NGỌC KHƯƠNG (Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Quốc tế - Đại học quốc gia - TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích các bước trong quy trình xây dựng chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại tỉnh Bình Dương. Kết quả cho thấy, việc tích cực thực hiện chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã giúp Bình Dương có vị trí đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 34,33 tỉ đô la Mỹ. Dựa vào kết quả phân tích, bài viết đã đưa ra một số nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chính sách và chia sẻ kinh nghiệm cho những nhà nghiên cứu, những nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng một chính sách có tính ứng dụng cao trong thu hút FDI, phù hợp với thực tiễn của địa phương.  

Từ khóa: phân tích chính sách, thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, tỉnh Bình Dương, FDI.

1. Đặt vấn đề

Tỉnh Bình Dương có xuất phát điểm ban đầu với nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, đã chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là hội nhập quốc tế với nhiều chủ trương, chính sách sáng tạo. Trong đó, chính sách thu hút FDI là chính sách nổi bật và mang lại hiệu quả tích cực, góp phần làm cho Bình Dương trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một trong những điểm sáng trong “tứ giác kinh tế phát triển”. Bình Dương hiện đứng thứ 2 cả nước về thu hút FDI, đồng thời, là một trong những địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất của cả nước (82%) với 3 thành phố và 2 thị xã và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về vốn, về định hướng đầu tư, tạo sự chuyển biến về chất lượng dự án theo định hướng hiện đại.

Khu vực FDI đã tạo ra việc làm cho hơn 500.000 lao động, chiếm 40% tổng số lao động trên địa bàn tỉnh, trực tiếp phục vụ trong khu vực dịch vụ và xây dựng, góp phần nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống một bộ phận trong cộng đồng dân cư, đưa tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trên đầu người tăng lên hàng năm. Các nhà đầu tư đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đều có mặt tại Bình Dương. Đây là những cơ sở cần thiết cho sự phát triển của nền sản xuất hiện đại trong giai đoạn mới, vì vậy khi phân tích chính sách này sẽ rút ra các yếu tố tối ưu nhằm chia sẻ cho các tỉnh thành khác trong cả nước tham khảo, học tập và xây dựng chính sách thu hút FDI hiệu quả, phù hợp cho từng địa phương.

2. Khởi sự chính sách

Việc xây dựng chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở tỉnh Bình Dương đã áp dụng chặt chẽ mô hình quy trình xây dựng chính sách. Giai đoạn khởi sự của chính sách được thực hiện một cách bài bản với 3 bước: Tìm hiểu xác định nguyên nhân - thu thập thông tin - thiết lập chương trình nghị sự.

2.1. Xác định nguyên nhân vấn đề

Sau khi tách ra từ tỉnh Sông Bé vào năm 1997, Bình Dương thời điểm đó vẫn là một tỉnh thuần nông, việc quản lý, khai thác nguồn tài nguyên đất đai, lao động hiệu quả chưa cao; kết cấu hạ tầng chưa hoàn thiện; kinh tế quốc doanh chưa mạnh;… Nhận thấy, con đường phát triển chỉ dựa vào vốn nhà nước và nông nghiệp là không hiệu quả, chính quyền tỉnh Bình Dương mong muốn đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, gắn với phát triển văn hóa - xã hội, trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu đẹp. Vì vậy, thu hút FDI và đầu tư trong nước trở thành lựa chọn mang lại lợi ích phát triển kinh tế cao nhất đối với chính quyền tỉnh Bình Dương.  

2.2. Thu thập thông tin

Theo số liệu báo cáo, vào năm 1997, tỉnh Bình Dương có cơ cấu công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp với tỷ lệ tương ứng là 50,45% - 26,8% - 22,8%. Tuy giá trị công nghiệp chiếm 50,45% nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh chỉ đạt khoảng 4.000 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 3.042 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 363 triệu USD trong các ngành hàng công nghiệp nhẹ và thủ công mỹ nghệ, thu ngân sách đạt 817 tỷ đồng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước còn khiêm tốn, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 24%.

Ngoài việc xem xét những số liệu thống kê cụ thể nêu trên, trong giai đoạn thu thập thông tin này, tỉnh Bình Dương đặc biệt chú trọng lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp trên địa bàn và những chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, tham khảo những mô hình thu hút đầu tư thành công ở các quốc gia trên thế giới. Điều này không những phù hợp với quy trình, mà trên thực tế cách làm này còn cụ thể, toàn diện hơn, giúp chính quyền địa phương xây dựng chính sách đảm bảo tính khoa học và thực tiễn.

2.3. Thiết lập chương trình nghị sự

Trong giai đoạn thiết lập chương trình nghị sự, chính quyền tỉnh Bình Dương đã luôn nhận thức và nhất quán quan điểm để phát triển cần phải đẩy mạnh công nghiệp hóa gắn với khai thác có hiệu quả các lợi thế về thiên thời, địa lợi, nhân hoà của tỉnh, thông qua việc cụ thể hóa trong từng chủ trương, chỉ đạo, điều hành đến các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển của từng ngành, từng cấp. Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ VI (năm 1997) đã đưa ra chủ trương “Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, phát huy mạnh hơn nữa các lợi thế địa lý, nguồn lực, tiềm năng trong dân, các doanh nghiệp trong tỉnh, thu hút mạnh các nguồn lực ngoài tỉnh và nước ngoài, tạo động lực phát triển; hình thành kinh tế mở, mở rộng các quan hệ với bên ngoài; phát huy tối đa các nguồn lực nước ngoài đầu tư phát triển công nghiệp”.

3. Hoạch định chính sách

Theo quy định tại Chương II, mục 1, 2, 3, Chương IV, Chương V của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, quy trình hoạch định chính sách được hợp nhất vào quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, quy trình hoạch định chính sách gồm 3 giai đoạn: (1) Thiết lập chương trình xây dựng văn bản chính sách; (2) Xây dựng dự thảo văn bản chính sách; (3) Ban hành và công bố văn bản chính sách.

Điểm đặc biệt trong việc hoạch định chính sách thu hút FDI đó là, Bình Dương đã thiết lập và xây dựng một chính sách thu hút rất năng động và linh hoạt, tạo cơ chế thông thoáng để thu hút FDI. Hàng năm, tỉnh Bình Dương đều tổ chức đối thoại trực tiếp theo từng nhóm doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp Hàn Quốc, doanh nghiệp sử dụng tiếng Anh, doanh nghiệp Nhật Bản, doanh nghiệp Đài Loan, các hiệp hội,… Trước các buổi đối thoại, chính quyền tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cấp sẽ tập hợp các ý kiến, kiến nghị, cũng như đóng góp của doanh nghiệp.

Đối với những câu hỏi liên quan đến sở ngành nào thì sẽ được đơn vị đó trả lời cụ thể, rõ ràng. Tại buổi đối thoại, những vấn đề mà doanh nghiệp thắc mắc sẽ được lãnh đạo tỉnh trực tiếp trả lời ngay tại chỗ, góp phần quan trọng giải quyết nhiều vướng mắc, bất cập trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ở Bình Dương có 3 cơ quan xét cấp phép các dự án đầu tư, đó là: Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, Ban quản lý các khu công nghiệp Bình Dương, Ban Quản lý khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP). Các nhà đầu tư khi đến Bình Dương chỉ cần liên hệ tại cơ quan đầu mối (1 trong 3 nơi này) để được hướng dẫn giải quyết các thủ tục về đầu tư.

4. Thực thi chính sách

Phương pháp tiếp cận thực thi chính sách sử dụng hướng tiếp cận “từ trên xuống dưới” thông qua chỉ đạo, định hướng của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Bình Dương ngay từ Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ VI (năm 1997) đã đưa ra chủ trương: “Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, phát huy mạnh hơn nữa các lợi thế địa lý, nguồn lực, tiềm năng trong dân, các doanh nghiệp trong Tỉnh, thu hút mạnh các nguồn lực ngoài tỉnh và nước ngoài, tạo động lực phát triển; hình thành kinh tế mở, mở rộng các quan hệ với bên ngoài; phát huy tối đa các nguồn lực nước ngoài đầu tư phát triển công nghiệp”.

Sau đó, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X về đổi mới trong thu hút các nguồn đầu tư đưa vào sản xuất - kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, trong giai đoạn 2016- 2020 và Chương trình số 34-CTr/TU về đổi mới thu hút đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Dương ban hành ngày 15/12/2016, Tỉnh ủy Bình Dương đặt mục tiêu tập trung thu hút đầu tư vào các đối tác có tiềm lực kinh tế mạnh, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới; tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường; tập trung thu hút vào các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch.

 Ngoài ra, còn kết hợp hướng tiếp cận “từ dưới lên trên” khai thác sự tương tác giữa cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp, thể hiện rõ nét trong việc thực hiện thành công chính sách “trải thảm đỏ thu hút đầu tư” tạo nên một ấn tượng sâu sắc khi các nhà đầu tư đến Bình Dương. Tiếp nối thành công trên, những năm gần đây, Tỉnh đã xây dựng chính sách “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” tiếp tục cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư, đồng thời, mong muốn doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền tỉnh trong việc tìm ra những giải pháp cụ thể, khắc phục các vướng mắc, khó khăn, nhằm giải quyết từng vấn đề cấp bách và lâu dài để phát triển kinh tế, xã hội.

5. Đánh giá chính sách

Quá trình đánh giá chính sách áp dụng “Mô hình đánh giá kỹ thuật” kết hợp phân tích mục tiêu, công cụ thực thi chính sách, thông qua những báo cáo đánh giá tác động và báo cáo tổng kết về việc thực thi chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài ở địa phương.

 Đồng thời, quá trình đánh giá cũng áp dụng “Mô hình học hỏi”, với phương châm “Năng động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả”. Những năm qua, tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh giao lưu, kết nghĩa, trao đổi học tập với các địa phương và các bên đối tác nước ngoài.

Bình Dương đã có mối quan hệ hợp tác hữu nghị với 10 địa phương nước ngoài, bao gồm: tỉnh Kratie (Campuchia), tỉnh Chămpasắc (Lào), Thành phố Daejeon (Hàn Quốc), Thành phố Quảng Châu (Trung Quốc), Vùng Emilia - Romagna (Ý), tỉnh Yamaguchi (Nhật Bản), tỉnh Đông Flanders (Bỉ), Thành phố Eindhoven và Thành phố Emmen (Hà Lan), tỉnh Oryol (Nga). Bình Dương cũng đang là thành viên chính thức, là đối tác đáng tin cậy của Hiệp hội Đô thị khoa học Thế giới (WTA), Diễn đàn Cộng đồng thông minh Thế giới (ICF), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Horasis và Hiệp hội Trung tâm Thương mại Thế giới (WTCA).  

Khác với giai đoạn khởi sự, hoạch định và thực thi, giai đoạn đánh giá chính sách phụ thuộc vào yếu tố thời gian, đặc biệt là chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài cần có một khoảng thời gian dài hơn những chính sách khác. Thời gian đánh giá chính sách mất ít nhất 5 - 10 năm sau khi ban hành chính sách.

Do chính sách dành cho việc thu hút đầu tư nước ngoài, trước hết cần xây dựng cơ sở hạ tầng và khung pháp lý thống nhất, phù hợp. Chính sách này là một chính sách lớn có phạm vi trên toàn tỉnh, nhiều đối tượng trong và ngoài nước chịu sự tác động nên cần sự tham gia đồng bộ của các cấp các ngành tại địa phương.

5.1. Đánh giá tác động của chính sách

Theo số liệu từ Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, năm 2019, Bình Dương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 34,33 tỉ USD, 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đăng ký đầu tư tại Bình Dương. Các khu công nghiệp Bình Dương thu hút 23,1 tỉ USD vốn đầu tư, chiếm 67% vốn đầu tư nước ngoài trên toàn tỉnh. Tuy đạt được những thành tựu quan trọng nhưng hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn cũng gây ra những tác động tiêu cực:

 - Sự mất cân đối về ngành nghề, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thường tập trung vào các dự án thâm dụng nhiều lao động.

- Các công nghệ sản xuất và máy móc thiết bị trong giai đoạn đầu chuyển giao đầu tư tại tỉnh Bình Dương là các máy móc có công nghệ cũ.

- Một số các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có nguy cơ gây ô nhiễm lớn cho địa phương; công tác bảo vệ môi trường chưa được qua tâm đúng mức.

Mặt khác, Bình Dương quy tụ khoảng 50.000 chuyên gia nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp, hơn 1 triệu người lao động từ các tỉnh, thành. Lực lượng này sẽ ngày một tăng nhờ sự đổ về của dòng vốn ngoại hàng tỉ đô la Mỹ, tiềm năng phát triển kinh tế và chính sách thu hút nhân tài của tỉnh. Tuy nhiên, lực lượng lao động tăng kéo theo nhu cầu nhà ở tại Bình Dương tăng cao. Nguồn cung nhà ở chỉ có khoảng 30.000 sản phẩm, thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng và chất lượng của người người lao động.

5.2. Đánh giá việc thực hiện chính sách

Việt Nam đã ban hành sửa đổi và thay thế hàng loạt các văn bản Luật, dưới luật trong việc thể chế hóa các chính sách về Thuế cũng như triển khai thực hiện cải cách hành chính thuế, nhằm xây dựng một khung pháp lý đồng bộ, thông thoáng, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, do chính sách chưa ổn định đã gây khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài.

Đa số các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được đánh giá là có ý thức chấp hành kê khai và nộp thuế theo quy định. Tuy nhiên, qua thực tế, công tác quản lý vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp nước ngoài có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế như kê khai lỗ hoặc không hiệu quả kéo dài liên tục trong nhiều năm trong khi tốc độ tăng doanh thu hàng năm liên tục tăng và mở rộng quy mô, vốn đầu tư,… Điều này không những gây thất thu ngân sách nhà nước mà còn tạo ra sự không công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến môi truờng đầu tư và nhiều hệ quả xã hội khác.

5.3. Đánh giá quản lý thực hiện chính sách

Cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật về đầu tư không ngừng được bổ sung, hoàn thiện song chưa thực sự đồng bộ. Các văn bản pháp luật còn chồng chéo, không rõ ràng, tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện tại tỉnh Bình Dương. Công tác cải cách hành chính được cải thiện nhưng vẫn còn tồn tại thủ tục rườm rà, chưa theo kịp yêu cầu phát triển trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nguồn nhân lực cán bộ thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các quy định về đầu tư, bảo vệ môi trương, thuế,… đối với doanh nghiệp FDI chưa tương ứng với số lượng doanh nghiệp FDI trên địa bàn.

6. Đề xuất nhóm giải pháp

6.1. Giải pháp đối với tác động của chính sách

- Tập trung thu hút FDI vào các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu phát triển cây trồng, dược liệu phù hợp với địa phương và có những ưu đãi như giảm thuế, tăng thời gian thuê đất canh tác,… Đối với ngành công nghiệp, tập trung phát triển nhanh các ngành dịch vụ chất lượng cao, có hàm lượng tri thức và giá trị gia tăng cao.

- Lập danh mục các ngành nghề gây ô nhiễm cao, không được đầu tư sản xuất ngoài khu công nghiệp và trong khu dân cư. Quy hoạch phát triển công nghiệp hướng vào những ngành công nghiệp sử dụng công nghệ thiết bị hiện đại, ít tác động đến môi trường. Tăng mức xử lí đối với những doanh nghiệp vi phạm về vấn đề ô nhiễm môi trường như: tạm đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp,…

- Chú trọng quy hoạch các khu dân cư và khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở để phục vụ phát triển nhà ở cho người lao động.

6.2. Giải pháp đối với thực hiện chính sách

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần cải cách hành chính, đơn giản hóa và công khai quy trình, thủ tục hành chính đối với đầu tư nước ngoài, xây dựng nền hành chính hiện đại, nâng cao hiệu quả chất lượng phục vụ nhà đầu tư, tiến đến chính quyền điện tử tại tỉnh Bình Dương. Chuyển hướng thu hút đầu tư theo mô hình phát triển bền vững, chú trọng nâng cao chất lượng dự án đầu tư, gắn với an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

6.3. Giải pháp đối với việc quản lý thực hiện chính sách

Phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, tăng cường đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý, nâng cao năng lực thực thi của nhà nước và các phòng nghiệp vụ của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, hợp tác với các cơ quan tổ chức trong và ngoài  nước đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư. Thành lập đường dây nóng chuyên biệt về đầu tư tại cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, nhằm kịp thời nắm bắt, xử lý vướng mắc của nhà đầu tư, khắc phục và xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với nhà đầu tư.

7. Kiến nghị

Công tác xây dựng và thực thi chính sách đảm bảo theo mô hình quy trình trong lý thuyết các mô hình chính sách, tuy nhiên, trong thực tiễn, để phù hợp, địa phương có tăng cường bổ sung và rút gọn một số yếu tố, nhưng vẫn đảm bảo tính hợp lý, hiệu quả. Điều này chứng minh, để tìm ra cách làm hợp lý, không nhất thiết phải tuân thủ máy móc các mô hình chính sách mà phải tùy vào tình hình địa phương, từ đó sử dụng quy trình một cách linh hoạt để mang lại hiệu quả cao nhất. 

Đối với chính sách thu hút FDI, điều quan trọng nhất ngoài việc xác định được nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách còn phải đánh giá cụ thể tác động của chính sách lên tình hình kinh tế, xã hội của Tỉnh. Bởi vì, chính sách thu hút FDI liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều tầng lớp trong xã hội và sử dụng hầu hết các nguồn tài nguyên, vì vậy phải có sự đánh giá khách quan đúng đắn, như: hạn chế thu hút mới các dự án công nghiệp gia công sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu, tiêu hao nhiều năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường và thâm dụng lao động,… Đồng thời, phải áp dụng khéo léo, linh hoạt, đúng đắn các chủ trương chính sách, quy định của pháp luật. Như vậy, mới có thể đảm bảo tầm nhìn chiến lược cho những giai đoạn phát triển sau.

Khi muốn xây dựng và thực thi chính sách đạt hiệu quả, phải có sự tham gia của các bên liên quan: những người ban hành chính sách, những người chịu tác động trực tiếp và đại diện các nhóm lợi ích. Chính quyền tỉnh phải đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên, có chế độ đãi ngộ riêng đối với từng nhóm nhà đầu tư, lên kế hoạch đào tạo chuyên sâu đội ngũ lao động trực tiếp làm việc trong khu vực FDI,… Hỗ trợ để người lao động đã được đào tạo ở nước ngoài trở về phục vụ cho Tỉnh.

8. Kết luận

Chính sách thu hút FDI trên địa bàn tỉnh Bình Dương là một trong những ví dụ điển hình cho một chính sách thành công. Chính quyền đã đi theo các bước trong quy trình xây dựng chính sách và có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình tại địa phương. Bên cạnh mặt tích cực, chính sách thu hút FDI cũng còn một số yếu tố nên thay đổi và điều chỉnh, cần có sự theo dõi, giám sát thực thi chính sách để kịp thời phát hiện và giải quyết những bất cập phát sinh, nhằm ngày càng nâng cao chất lượng thu hút FDI trên địa bàn Tỉnh; qua đó tích lũy kinh nghiệm trong vấn đề xây dựng một chính sách có tính ứng dụng cao và hiệu quả để chia sẻ đến những nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách có thể làm tư liệu tham khảo.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. UBND tỉnh Bình Dương (2017). Báo cáo tổng kết 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
  2. UBND tỉnh Bình Dương (2015). Bình Dương 20 năm phát triển, Hội khoa học lịch sử tỉnh Bình Dương.
  3. Tỉnh ủy Bình Dương (2016). Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X về đổi mới trong thu hút các đầu tư nguồn đầu tư đưa vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, trong giai đoạn 2016 - 2020.
  4. Nguyễn Hữu Hải, Lê Văn Hòa (2013). Đại cương về phân tích chính sách công. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  5. Tỉnh ủy Bình Dương (2016). Chương trình số 34-CTr/TU về đổi mới thu hút đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
  6. UBND tỉnh Bình Dương (2019). Báo cáo kết quả triển khai, thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11/NQ-TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Trung ương năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII.

 

 

POLICIES TO ATTRACT FOREIGN DIRECT INVESTMENT

IN BINH DUONG PROVINCE

PHAM THI SON TRA 1

1 Department of Justice of Binh Duong provice

- Master Student, Public Management Program

International University, Vietnam National University - Ho Chi Minh City Campus

Assoc. Prof. MAI NGOC KHUONG (PhD.) 2

2 School of Business, International University, Vietnam National University - Ho Chi Minh City Campus

ABSTRACT:

This paper analyzes each step in the process of developing a policy in order to attract more foreign direct investment (FDI) in Binh Duong Province. Thanks to effectively implementing policies toward attracting foreign direct investment, Binh Duong Province ranks second nationwide in terms of FDI attraction with 34.33 billion USD. Based on the paper’s results, some groups of solutions are proposed to improve the effectiveness of policy implementation to attract more FDI. This paper is expected to support researchers and policy makers to develop appropriate policies to attract FDI in other provinces.

Keywords: policy analysis, attracting foreign direct investment, Binh Duong Province, FDI.