Chính sách thúc đẩy sinh viên phát huy tinh thần tình nguyện vì cộng đồng - Trường hợp điển hình tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

KS. HỒ QUỐC TUẤN (Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh) và PGS. TS. MAI NGỌC KHƯƠNG (Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Phát huy tinh thần tình nguyện vì cộng đồng của sinh viên là một hướng đi đúng đắn thể hiện trách nhiệm của sinh viên và nhà trường đối với xã hội. Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là ngôi trường kỹ thuật uy tín, có truyền thống lâu đời và đông sinh viên đã chủ động cụ thể hóa bằng quy định ngày công tác xã hội đối với sinh viên chính quy từ năm 2007 và đã gặt hái được nhiều thành công. Bài viết sẽ nêu rõ nội dung của chính sách này cũng như làm rõ một số hạn chế và khuyến nghị một số vấn đề cần lưu ý để chính sách mang lại hiệu quả tốt đẹp hơn, góp phần vào công cuộc “chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Từ khóa: Trường Đại học Bách Khoa, công tác xã hội, sinh viên, tình nguyện, chính sách.

 1. Đặt vấn đề

Sinh viên là trung tâm của các hoạt động giáo dục và đào tạo trong các trường đại học, được bảo đảm điều kiện thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền trong quá trình học tập và rèn luyện tại trường. Chính vì thế, các trường đại học phải tạo điều kiện cho sinh viên trong học tập, nghiên cứu khoa học và rèn luyện; bao gồm việc sinh viên tham gia hoạt động xã hội ở trong và ngoài trường thông qua tổ chức đoàn thanh niên và hội sinh viên trường.

Có thể thấy rằng, những quy định liên quan đến công tác sinh viên nói chung và các hoạt động tình nguyện, hoạt động xã hội nói riêng đòi hỏi các trường đại học phải có biện pháp cụ thể, thiết thực để tổ chức các hoạt động với quy mô và số lượng phù hợp với số lượng sinh viên đang theo học, đảm bảo toàn bộ sinh viên được tham gia đầy đủ và công bằng.

Vì vậy, việc ban hành quy định về tổ chức, triển khai hoạt động tình nguyện, hoạt động xã hội cho sinh viên nhằm thúc đẩy sinh viên phát huy tinh thần tình nguyện vì cộng đồng là việc cấp thiết, cần thực hiện ngay và thực hiện thật tốt với các cơ sở giáo dục đông sinh viên như Trường Đại học Bách Khoa – ĐHQG TP. HCM.

2. Khởi sự chính sách

Quy định tổ chức thực hiện chương trình công tác xã hội cho sinh viên hệ chính quy (sau đây gọi là Quy định CTXH) đã được Trường Đại học Bách Khoa - ĐHQG TP. HCM ban hành và thực hiện từ năm 2007, đã được bổ sung, sửa đổi vào các năm 2009, 2013 và năm 2015, Nhà trường tiếp tục sửa đổi và bổ sung để phù hợp với công tác đào tạo và yêu cầu thực tiễn triển khai chính sách.

Để đảm bảo cơ sở cho các nội dung sửa đổi, bổ sung, bộ phận tham mưu đã thu thập thông tin được từ: kết quả triển khai tổ chức thực hiện chương trình CTXH giai đoạn 2007 - 2009, 2009 - 2013; kết quả các buổi làm việc với Cấp ủy - Lãnh đạo, Đoàn Thanh niên, Liên Chi hội Sinh viên các đơn vị hàng năm; ý kiến của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Nhà trường về việc điều chỉnh số ngày quy đổi trong các chiến dịch tình nguyện; ý kiến của sinh viên thông qua Hội nghị sinh viên các cấp hàng năm.

3. Hoạch định chính sách

Việc xây dựng dự thảo Quy định CTXH năm 2015 dựa trên nội dung của các Quy định CTXH đã ban hành cùng một số nội dung thay đổi với các nội dung chính như sau: Quy định về số ngày CTXH sinh viên phải tích lũy để nhận luận văn tốt nghiệp và xét tốt nghiệp, quy định trách nhiệm của các đơn vị, quy định nội dung chương trình CTXH và các hoạt động không được tính CTXH, quy định về công tác đánh giá, quy đổi ngày CTXH và thống nhất công thức tính ngày CTXH cho sinh viên, quy định về quy trình thực hiện đối với lớp sinh viên, sinh viên tham gia CTXH tại địa phương, các đơn vị trong trường, quy định về quy trình tổng hợp, kiểm tra và xử lý kết quả thực hiện.

Công tác tổng hợp và hoàn thiện chính sách được thực hiện dựa trên ý kiến góp ý từ quá trình triển khai lấy ý kiến Cấp ủy - Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên các cấp, tuy nhiên một số bất cập trong công tác triển khai thực hiện, công thức quy đổi ngày CTXH, vận hành sàn hoạt động ngoại khóa và chính tả… chưa được ghi nhận đầy đủ. Việc này dẫn đến Quy định CTXH năm 2015 khi ban hành vẫn còn chưa giải quyết triệt để các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn triển khai.

Sau khi tổng hợp ý kiến biểu quyết thống nhất thông qua Quy định CTXH năm 2015 của lãnh đạo trường và các đơn vị, bộ phận tham mưu đã trình Hiệu trưởng ký ban hành Quyết định số 100/QĐ-ĐHBK-CTCT-SV ngày 15 tháng 01 năm 2015 về việc ban hành Quy định tổ chức thực hiện chương trình Công tác xã hội cho sinh viên hệ chính quy Trường Đại học Bách Khoa.

4. Thực thi chính sách

Việc thực thi chính sách được phân cấp như sau:

Phòng Công tác Chính trị - Sinh viên (sau đây gọi là CTCT-SV) là đầu mối cuối cùng để xét duyệt hoạt động sau khi có ý kiến của các bên liên quan như Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trường; Cấp ủy - Lãnh đạo, Đoàn Thanh niên, Liên Chi hội Sinh viên đơn vị.

Đoàn Thanh niên trường là đơn vị chủ trì vận hành Sàn hoạt động ngoại khóa sinh viên Bách Khoa (sau đây gọi là Sàn), các cá nhân được cấp tài khoản quản lý trên Sàn đều là viên chức, bao gồm: Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội Sinh viên trường, Bí thư Đoàn cơ sở, Phó Trưởng phòng, chuyên viên phòng CTCT-SV phụ trách CTXH.

Quy trình tổng hợp xét duyệt và xác nhận ngày CTXH đối với hoạt động của Chi đoàn/Chi hội, như sau:

Xét duyệt kế hoạch:

- Chi đoàn/Chi hội lên kế hoạch hoạt động CTXH.

- Bí thư Đoàn cơ sở (Liên Chi hội trưởng đối với kế hoạch Chi hội) xét duyệt kế hoạch.

- Cấp ủy - Lãnh đạo đơn vị xét duyệt kế hoạch (Bí thư Đoàn cơ sở ký nháy đối với kế hoạch của Chi hội).

- Thường trực Đoàn trường (Thường trực Hội Sinh viên trường là viên chức đối với kế hoạch Chi hội) xét duyệt kế hoạch.

- Lãnh đạo phòng CTCT-SV xét duyệt kế hoạch. 

- Trong trường hợp có sử dụng đến cơ sở vật chất đặc biệt như: Hội trường, nhà thi đấu, sử dụng nguồn điện lớn… phải có thêm ý kiến của các đơn vị liên quan và Ban Giám hiệu.

Xác nhận ngày CTXH:

- Sau khi kế hoạch được phòng CTCT-SV xét duyệt, Bí thư Đoàn cơ sở sẽ tạo hoạt động trên Sàn và thông báo mã số của hoạt động cho Chi đoàn/Chi hội để thông tin về hoạt động đến sinh viên.

- Sinh viên muốn tham gia hoạt động phải thực hiện đăng ký trên Sàn.

- Bí thư Đoàn cơ sở xác nhận việc đồng ý cho từng sinh viên tham gia hoạt động (do hệ thống chưa có chức năng cho phép xác nhận tất cả một lần).

- Chi đoàn/Chi hội tổ chức hoạt động và báo cáo về hoạt động kèm danh sách tham gia thực tế cho Bí thư Đoàn cơ sở.

- Bí thư Đoàn cơ sở duyệt báo cáo và xác nhận ngày CTXH cho từng sinh viên, đồng thời thông báo đến Chi đoàn/Chi hội và sinh viên để kiểm tra và phản hồi sai sót.

5. Đánh giá chính sách

Công tác đánh giá hiện đang dừng ở mức độ thu thập thông tin phản hồi thông qua kết quả các buổi làm việc với Cấp ủy - Lãnh đạo, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên các đơn vị hàng năm; ý kiến của sinh viên thông qua các Hội nghị sinh viên các cấp hàng năm. Trong thời gian tới, chính sách sẽ tiếp tục được điều chỉnh để phù hợp với công tác đào tạo của Trường khi đã dừng tuyển sinh hệ Cao đẳng từ năm 2018.

5.1. Phân tích chính sách

5.1.1. Phân tích theo mô hình lý thuyết

Trường Đại học Bách Khoa - ĐHQG TP. HCM đã thực hiện quy trình xây dựng và thực thi chính sách theo các bước khởi sự chính sách, hoạch định chính sách, thực thi chính sách và đánh giá chính sách.

Tuy nhiên, việc thực hiện quy trình trên tồn tại một số hạn chế:

Việc phản biện chính sách còn thực hiện ở phạm vi nội bộ, mặc dù Quy định CTXH năm 2015 chỉ là sửa đổi, bổ sung của các quy định đã ban hành trước, tuy nhiên, cũng cần lấy ý kiến rộng rãi hơn để có một chính sách thực sự tốt nhất.

Việc hoạch định chính sách được triển khai theo mô hình nhóm hoạch định chính sách (lãnh đạo trường, các đơn vị) và nhóm thực thi chính sách (Đoàn - Hội các cấp) độc lập là mô hình tốt có thể tránh được tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”; nhưng việc ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, góp ý của các bên cần được thực hiện đầy đủ và có giải trình việc tiếp thu cụ thể.

Việc đánh giá chính sách cần được chú trọng thực hiện, trong đó các đánh giá tác động của quy định đến xã hội, sinh viên cần cụ thể và khoa học.

5.1.2. Số liệu triển khai thực tiễn

Trong giai đoạn 2015 - 2019, giai đoạn triển khai Quy định CTXH năm 2015, Trường Đại học Bách Khoa - ĐHQG TP. HCM đã tổ chức được 5.433 hoạt động CTXH; trong đó, chủ yếu là hoạt động CTXH thường xuyên, cụ thể: năm 2015 tổ chức 1.447 hoạt động, năm 2016 tổ chức 1.243 hoạt động, năm 2017 tổ chức 923 hoạt động, năm 2018 tổ chức 838 hoạt động và năm 2019 tổ chức 982 hoạt động.

Số lượng sinh viên tham gia Chiến dịch Xuân tình nguyện giai đoạn 2015 - 2019 là 8.922 sinh viên, trong đó: năm 2015 là 1.600 sinh viên, năm 2016 là 2.403 sinh viên, năm 2017 là 1.952 sinh viên, năm 2018 là 1.346 sinh viên và năm 2019 là 1.621 sinh viên.

Số lượng sinh viên tham gia Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh giai đoạn 2015 - 2019 là 6.763 sinh viên, trong đó: năm 2015 là 1.285 sinh viên, năm 2016 là 1.569 sinh viên, năm 2017 là 1.323 sinh viên, năm 2018 là 1.353 sinh viên và năm 2019 là 1.233 sinh viên.

5.1.3. Phân tích qua thực tiễn triển khai

Quy định CTXH là một chính sách tốt của Trường Đại học Bách Khoa và qua triển khai đã có những kết quả tích cực như:

Chính sách phù hợp với các Thông tư, Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã tạo môi trường để sinh viên thể hiện trách nhiệm đối với khoa, trường, lớp, bạn bè, cộng đồng thông qua các hoạt động tình nguyện từ quy mô nhỏ đến lớn với nội dung đa dạng như: dọn dẹp phòng thí nghiệm, khuôn viên trường, sắp xếp sách tại thư viện, các hoạt động tình nguyện tại các mái ấm, nhà mở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…

Phát huy sức trẻ, chuyên môn của sinh viên Bách Khoa, lấy chuyên môn làm tình nguyện góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh miền Tây Nam bộ: Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp… thông qua các chiến dịch tình nguyện.

Thông qua các hoạt động CTXH, sinh viên được trau dồi, rèn luyện thêm các kỹ năng ngoài kiến thức chuyên môn để hoàn thiện bản thân, trong đó Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh là minh chứng tiêu biểu nhất như phát biểu của đồng chí Võ Thành Hạo - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre trong Buổi họp mặt Kỷ niệm 20 năm chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh Trường Đại học Bách Khoa tại tỉnh Bến Tre giai đoạn 1999 - 2019 ngày 19/7/2019 tại tỉnh Bến Tre: “Giá trị cốt lõi nhất mà hoạt động Mùa hè xanh mang lại không chỉ ở các công trình xã hội của Trường ĐH Bách Khoa xây dựng cho tỉnh mà là tình cảm gắn bó giữa sinh viên tình nguyện và người dân nơi đây. Các em sinh viên với chúng tôi như những người con trong gia đình. Nhiều thế hệ sinh viên tình nguyện đi qua, dù đi đâu, làm gì, những ngày lễ tết, các em đều quay lại để thăm hỏi, sum họp với các gia đình mà các em đã hoạt động tình nguyện tại địa phương năm xưa. Những tình cảm quý báu ấy là minh chứng sống động cho giá trị nhân văn mà hoạt động Mùa hè xanh đã mang lại cho chúng ta”.

Chính sách đã phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của sinh viên, thông qua các hoạt động sinh viên tự rèn luyện, hoàn thiện bản thân và phát triển, góp phần mang lại các thành tích tốt đẹp cho Nhà trường như: đạt kiểm định HCERES và AUN-QA cấp cơ sở giáo dục, đạt kiểm định ABET 02 chương trình đào tạo, AUN-QA 13 chương trình đào tạo, CTI 07 chương trình đào tạo; Đoàn Trường Đại học Bách Khoa được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh góp phần tích cực vào phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Bên cạnh đó, trong Buổi họp mặt Kỷ niệm 20 năm Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, Trường Đại học Bách Khoa tại tỉnh Bến Tre, PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cũng nhận định rằng: “Một trong những tiêu chí xếp hạng của Tổ chức Giáo dục QS Anh quốc đối với các đại học trên thế giới là vấn đề phục vụ cộng đồng. Kết quả xếp hạng của ĐHQG TP. HCM tổ chức này công bố vừa qua, không thể thiếu những đóng góp từ hoạt động mùa hè xanh của sinh viên ĐHQG TP. HCM mang lại. Trong đó, Trường ĐH Bách Khoa là một trong những đơn vị thành viên tiêu biểu của hoạt động Mùa hè xanh”.

5.2. Một số hạn chế

Tuy nhiên, chính sách cũng tồn tại một số hạn chế cần khắc phục:

Quy định CTXH tạo nên sự bất cân bằng giữa số lượng sinh viên tham gia hoạt động CTXH và hoạt động không được xác nhận CTXH như: tham gia chào cờ, văn nghệ, thể thao, tham dự hội thảo, hội nghị, lễ kỷ niệm…, trong đó, có một số buổi lễ quan trọng cần số lượng lớn sinh viên tham gia để thể hiện hình ảnh của Nhà trường. Các hoạt động không được xác nhận CTXH chưa có chính sách khuyến khích sinh viên tham gia, chỉ được quy định cộng điểm trong đánh giá điểm rèn luyện khi tham gia hoạt động từ cấp khoa trở lên, tuy nhiên về điểm rèn luyện cũng có nhiều vấn đề:

- Mức chuẩn chung về điểm rèn luyện cho sinh viên học tập trung bình trở lên, không vi phạm quy định của Nhà trường, địa phương nơi cư trú: được đánh giá từ mức 75/100 điểm - mức khá. Mức chuẩn chung này có thể được hiểu rằng, nếu sinh viên không tham gia bất kỳ hoạt động chính trị, văn hóa, văn nghệ nào thì cũng không ảnh hưởng đến sinh viên, do đó sẽ dẫn đến việc sinh viên không quan tâm đến điểm rèn luyện vì điểm rèn luyện chỉ quan trọng với sinh viên học lực xuất sắc, giỏi, khá để kiếm học bổng hoặc các danh hiệu sinh viên.

- Trong bảng tính điểm rèn luyện tại mục III đánh giá về “Tham gia các hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể thao, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội”, theo Khoản 1, Điều 6, Chương II, Quy chế ban hành kèm theo Thông tư số 16/2015/TT-BGDĐT,  các nội dung đánh giá bao gồm “Ý thức và hiệu quả tham gia các hoạt động rèn luyện về chính trị, xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể thao; Ý thức tham gia các hoạt động công ích, tình nguyện, công tác xã hội; Tham gia tuyên truyền, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội”. Điều này tạo nên sự “thực dụng” của sinh viên khi lựa chọn tham gia hoạt động, vì khi tham gia hoạt động CTXH, vừa được cộng điểm rèn luyện vừa tích lũy ngày CTXH để tốt nghiệp theo Quy định.

Theo quy trình tổng hợp xét duyệt và xác nhận ngày CTXH, công việc của Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường và Bí thư Đoàn cơ sở là rất nhiều (ví dụ hoạt động có 1.000 sinh viên đăng ký phải xác nhận đồng ý cho từng người trong 1.000 sinh viên tham gia và xác nhận ngày CTXH cho từng người trong 1.000 sinh viên đã tham gia hoạt động).Trong khi đó Bí thư Đoàn cơ sở tất cả đều là viên chức kiêm nhiệm, công tác Đoàn chỉ là nhiệm vụ khác ngoài nhiệm vụ chính là giảng dạy và nghiên cứu được lãnh đạo đơn vị giao. Chính vì vậy, để đảm bảo tiến độ, đôi lúc sẽ phát sinh trường hợp đưa tài khoản quản lý cho “thân cận” thực hiện để kịp cập nhật CTXH cho sinh viên. Điều này dẫn đến sự “không chính chủ” trong quản lý tài khoản và tiềm ẩn nguy cơ tạo kẽ hở cho tiêu cực phát triển.

Quy trình tổng hợp hướng đến việc triển khai hoạt động CTXH trên Sàn theo thời gian thực tế để tạo tính chủ động cho sinh viên, tuy nhiên vì công cụ hỗ trợ chưa tốt dẫn đến có nhiều khoảng thời gian Sàn vận hành theo chế độ “Hoạt động chết” - hoạt động diễn ra xong mới tạo hoạt động và cập nhật trên Sàn. Điều này không đảm bảo sự công khai, minh bạch và công bằng khi triển khai hoạt động.

6. Một số giải pháp đề xuất

Tạo thêm tính năng phân quyền quản lý hoạt động trên Sàn hoạt động Ngoại khóa, thay vì Bí thư Đoàn cơ sở phải thao tác quản lý hoạt động từ đầu đến cuối thì có thể phân quyền cho 01 nhóm trưởng phụ trách hoạt động (người tổ chức, quản lý hoạt động), Bí thư Đoàn cơ sở chỉ thực hiện tạo hoạt động, phân quyền nhóm trưởng và duyệt xác nhận ngày CTXH sau khi nhóm trưởng đề xuất và báo cáo bằng minh chứng theo quy định. Như vậy, sẽ chuyên môn hóa công việc, giảm tải cho Bí thư Đoàn cơ sở, đảm bảo Sàn vận hành theo thời gian thực tế.

Cải thiện các công cụ hỗ trợ của Sàn hoạt động ngoại khóa nhằm tăng tính tương tác người dùng, giảm thời gian người quản lý phải bỏ ra để hoàn thành công việc cũng như dễ dàng tổng hợp, thống kê, theo dõi hoạt động hướng đến hiệu quả, hiệu suất của công tác quản lý. Ví dụ: tính năng chọn tất cả sinh viên để xác nhận đồng ý cho tham gia hoạt động, tính năng thống kê danh sách hoạt động diễn ra trong 1 ngày để phục vụ công tác quản lý, giám sát…

Xây dựng cơ chế khuyến khích, phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong Trường thông qua việc duy trì hoạt động hiệu quả, sức hút của các câu lạc bộ, đội, nhóm; phát triển các phong trào văn nghệ, thể thao mang tính đại chúng, dễ tiếp cận như chạy bộ nâng cao sức khỏe… góp phần thúc đẩy sinh viên chủ động tham gia các hoạt động trên cùng với các hoạt động tình nguyện, xã hội hướng đến sự phát triển toàn diện của sinh viên.

7. Kết luận

Chính sách thúc đẩy sinh viên phát huy tinh thần tình nguyện vì cộng đồng thông qua quy định chương trình công tác xã hội của Trường Đại học Bách Khoa - ĐHQG TP. HCM là một chính sách tốt vì tạo ra động lực mạnh để sinh viên tham gia hoạt động tình nguyện, xã hội, lấy chuyên môn làm tình nguyện, phục vụ cộng đồng, hướng đến sự phát triển toàn diện của sinh viên; phù hợp với yêu cầu thực tiễn, có tính khả thi cao và mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống xã hội; tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần được lưu ý và quan tâm khắc phục để chính sách hoàn thiện hơn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT về Ban hành Quy chế công tác sinh viên đối với Chương trình đào tạo đại học hệ chính quy, 2016.
  2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư số 16/2015/TT-BGDĐT về Ban hành Quy chế Đánh giá Kết quả rèn luyện của người học được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy, 2015.
  3. Trường Đại học Bách Khoa, Quyết định số 100/QĐ-ĐHBK-CTCT-SV về Ban hành Quy định tổ chức thực hiện chương trình Công tác xã hội cho sinh viên hệ chính quy Trường Đại học Bách Khoa, 2015.
  4. Trường Đại học Bách Khoa, Hướng dẫn đánh giá điểm rèn luyện, 2016.
  5. http://oqa.hcmut.edu.vn/thanh-tuu-chung-nhan.html
  6. https://vnuhcm.edu.vn/sinh-vien_33386864/truong-dh-bach-khoa-ky-niem-20-nam-mua-he-xanh-tai-ben-tre/323135326864.html

 

POLICY TO PROMOTE STUDENTS’ VOLUNTARY SPIRIT

FOR THE COMMUNITY - TYPICAL CASE OF

HO CHI MINH CITY UNIVERSITY OF TECHNOLOGY 

Eng. HO QUOC TUAN

Department of Science and Technology of Ho Chi Minh city

Prof. MAI NGOC KHUONG (PhD.)

International University - Vietnam National University Ho Chi Minh city

ABSTRACT:

Promoting the voluntary spirit for the community of students is the right way to show the responsibility of students and the university to society. Ho Chi Minh City University of Technology (HCMUT) - Vietnam National University Ho Chi Minh city (VNUHCM), a prestigious engineering university with a long tradition and a large number of student has been proactively implementing by social work day regulations for students since 2007 and has achieved much success. The paper will analyze the content of this policy and recommend some issues need to be fixed to make policy more effective, and contribute to “strongly shifting the education equips knowledge to comprehensive development of learners' capabilities and qualities; learning together with practicing, reasoning is tied to reality” according to the resolution of the 12th National Party Congress of the Communist Party of Vietnam.

Keywords: Ho Chi Minh city University of Technology, HCMUT, social work day, students, volunteer, policy.