Chính sách thương mại biên giới Việt Nam và Trung Quốc những khác biệt và giải pháp hạn chế

ThS. Hoàng Tuấn Anh (Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh - Đại học Thái Nguyên), ThS. Dương Thị Thùy Linh (Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp - Đại học Thái Nguyên)

TÓM TẮT:
Sự khác nhau về quan điểm, đường lối và đặc điểm kinh tế - xã hội dẫn đến những khác biệt trong các chính sách hợp tác thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc, do đó tạo ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng cũng như sự mất cân bằng trong cán cân thương mại biên giới của hai nước. Bài viết tập trung phân tích những khác biệt trong chính sách thương mại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời đánh giá những hạn chế và đề xuất các kiến nghị hoàn thiện chính sách biên giới cho phù hợp với tình hình thực tế và bối cảnh chung của thế giới nhằm đảm bảo cho việc phát triển mạnh mẽ quan hệ hợp tác kinh tế vùng biên giới hai bên cùng có lợi của Việt Nam và Trung Quốc.
Từ khóa: Chính sách thương mại biên giới, hợp tác kinh tế vùng biên giới, thương mại biên giới.

1. Đặt vấn đề
Các Hiệp định song phương Việt Nam - Trung Quốc đặc biệt là Hiệp định thương mại biên giới (TMBG) vừa được ký kết vào tháng 9/2016 thay thế cho Hiệp định về mua bán hàng hóa ở vùng biên giới Việt - Trung năm 1998, là những cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho các ngành, các địa phương biên giới, doanh nghiệp hai nước tiến hành hợp tác kinh tế và trao đổi hàng hóa mở ra một thời kỳ mới cho giao lưu kinh tế qua biên giới Việt - Trung.
Tuy nhiên, những khác biệt, tồn tại của chính sách biên giới làm hạn chế hoạt động TMBG của nước ta, tăng sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Mặt khác, các thông tin về TMBG phục vụ công tác quản lý đặc biệt là những thông tin nhạy cảm của TMBG với Trung Quốc, các sự việc xảy ra tại khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới không được cập nhật kịp thời cho các cơ quan quản lý. Điều này dẫn đến việc thu thập, xử lý, cung cấp thông tin nhằm khuyến cáo cho các doanh nghiệp Việt Nam về sự thay đổi điều hành, quản lý biên mậu của phía Trung Quốc còn nhiều bất cập.
2. Những khác biệt trong chính sách TMBG Việt - Trung
2.1. Quản lý nhà nước đối với mậu dịch biên giới
Việt Nam đang gặp phải nhiều bất cập trong cơ chế quản lý TMBG như: (1) chưa có chính sách cụ thể về xuất khẩu (XK) hàng hóa phù hợp với từng cửa khẩu và khu vực biên giới; (2) chưa có quy định cụ thể về thủ tục XK hàng hóa TMBG với hoạt động thương mại thông thường đặc biệt là quy định về XNK qua đường tiểu ngạch, cho nên chưa khai thác được lợi thế để tăng kim ngạch XK của nước ta; (3) việc phân cấp quản lý hoạt động TMBG chưa gắn kết giữa quyền lợi, quyền hạn và trách nhiệm của các tỉnh có đường biên giới, nên chưa phát huy được tính chủ động và sáng tạo của các địa phương trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; (4) quy định về điều kiện đối với thương nhân, chính sách mặt hàng, đặc thù về cửa khẩu, điểm thông quan hàng hóa, phương thức thanh toán… đối với hoạt động TMBG chưa được quy định cụ thể, phân tán ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau ( (5) chính sách miễn thuế cho cư dân vùng biên giới đang tạo ra nhiều lỗ hổng cho tình trạng trốn thuế, buôn lậu. Thực trạng của các chính sách quản lý TMBG trên đã khiến chúng ta bị lệ thuộc vào Trung Quốc khá lớn trong hoạt động XNK.
Các chính sách ưu đãi về thuế và bảo hộ hàng hóa trong nước dẫn đến việc thương nhân Trung Quốc chủ yếu thực hiện XNK hàng hóa của Việt Nam qua đường tiểu ngạch giúp họ tiết kiệm thuế và các chi phí liên quan. Điều này dẫn đến việc XNK hàng hóa với Trung Quốc thiếu ổn định, gây thiệt hại cho phía Việt Nam do phía Trung Quốc có thể thay đổi đột ngột chính sách biên mậu như tăng hoặc giảm mức phí biên mậu từng thời điểm, mùa vụ mà không thông báo cho DN Việt Nam hay gây ứ đọng hàng XK của chúng ta để giảm giá nhập khẩu.
Theo thống kê của phía Trung Quốc, năm 2015, XK của Trung Quốc sang Việt Nam đạt 66,1 tỷUSD, nhập khẩu đạt 29,7 tỉ USD. Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê Việt Nam ước tính XK sang Trung Quốc chỉ 17 tỷUSD và nhập khẩu chỉ đạt 49,3 tỷUSD.
Các cơ quan chức năng Trung ương của Trung Quốc thường xuyên kiểm tra hoặc đưa ra các yêu cầu đối với hàng nhập khẩu qua đường tiểu ngạch như liên tục điều tiết hàng XK và hàng tạm nhập tái xuất của Việt Nam qua các lối mở, điểm thông quan qua các mốc mới; chuyển tải hàng hóa theo hình thức chợ biên giới trong khi đó phía Việt Nam cho phép XK và tạm nhập tái xuất qua các khu vực đó phải xin ý kiến của Bộ Công Thương và Chính phủ, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động XK. Hoạt động XNK đường tiểu ngạch này cũng là nguyên nhân dẫn đến thâm hụt thương mại và sự mất cân đối rất lớn trong thống kê giao dịch thương mại Việt Nam - Trung Quốc.
2.2. Các chính sách ưu tiên dành cho các địa phương biên giới
Chính sách ưu tiên mà Chính phủ Trung Quốc dành cho các địa phương biên giới thể hiện ở các nội dung sau:
Thứ nhất: Các địa phương được quyền phê chuẩn các dự án hợp tác, gia công, biên mậu trong phạm vi lãnh thổ của mình.
Thứ hai: Miễn giảm thuế cho các các dự án đầu tư vào ngoại thương, vào sản xuất, xây dựng, giao thông, thông tin liên lạc với các mức khác nhau, các dự án đầu tư nước ngoài được miễn thuế nhập khẩu đối với toàn bộ máy móc, thiết bị văn phòng, thiết bị phục vụ sinh hoạt.
Thứ ba: Các địa phương vùng biên có thể lập các khu hợp tác mậu dịch biên giới, xây dựng các xí nghiệp gia công XK là chính, tùy theo quy mô sẽ được trao quyền chủ động kinh doanh XNK với quốc gia láng giềng và hưởng ưu đãi về thuế; Giảm giá thuê đất tại các khu kinh tế vùng biên từ 20% đến 30%, thời hạn cho thuê; các cửa khẩu hàng năm được Nhà nước cấp một khoản tiền thích ứng để xây dựng, tu bổ, ngoài ra, các địa phương còn được sử dụng số tiền thu lệ phí hàng hóa qua biên giới để xây dựng, tu bổ cơ sở hạ tầng ở vùng biên giới;
Thứ tư: Đẩy mạnh mậu dịch biên giới theo cả 3 hướng:(1). Trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới; (2). Buôn bán ở quy mô của các huyện, thị xã ven biên giới như: Đông Hưng, Bằng Tường,...; (3). Buôn bán qua biên giới của các Tổng công ty mậu dịch biên giới cấp tỉnh, thành phố với quy mô lớn, bao gồm cả hợp tác kinh tế - kỹ thuật, đầu tư. Như vậy, phía Trung Quốc huy động, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia mậu dịch biên giới với quy mô và khối lượng hàng hóa lớn, không hạn chế.
Cũng như Trung Quốc, đánh giá tầm quan trọng của khu vực biên giới trong những năm qua, Việt Nam thực hiện các chính sách ưu đãi trên các lĩnh vực sau:
Uu đãi đầu tư: Theo Luật Đầu tư năm 2014, các dự án đầu tư tại các vùng biên giới khó khăn được áp dụng các ưu đãi đầu tư: Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư; miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất. Thời hạn hoạt động của Dự án đầu tư được quy định tối đa 70 năm trong khi các dự án khác 50 năm.
Ưu đãi về thuế: Áp dụng mức thuế suất thấp hơn cho các dự án và các doanh nghiệp hoạt động ở vùng biên giới.
Ưu đãi về đất đai: Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước sau thời gian được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước của thời gian xây dựng cơ bản; giảm tiền sử dụng đất phải nộp NSNN đối với các dự án đầu tư.
Ưu đãi về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước: Các dự án thực hiện đầu tư trên các địa bàn biên giới còn khó khăn đều có thể được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước. Ngoài các chính sách ưu đãi áp dụng chung đối với các doanh nghiệp đầu tư tại địa bàn có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn, trong các lĩnh vực cụ thể còn có các chính sách ưu đãi bổ sung.
Những bất cập và khác biệt trong chính sách ưu tiên của Việt Nam thể hiện trong các nội dung:
Thứ nhất: Các chính sách này vẫn chỉ đang quy định trong các văn bản áp dụng chung các địa phương vùng sâu, vùng xa còn khó khăn mà chưa có quy định riêng cho các tỉnh biên giới.
Thứ hai: Cơ chế đầu tư và thu hút vốn đầu tư phát triển dịch vụ TMBG còn bất cập và chưa được chú trọng; cơ sở hạ tầng cửa khẩu xuống cấp, kém năng lực, thiếu đồng bộ và không tương xứng với cơ sở hạ tầng cửa khẩu của nước có chung đường biên giới. Điều này làm giảm chất lượng hàng XK, bị thương nhân của nước có chung đường biên giới ép giá, gây thiệt hại lớn cho thương nhân.
Thứ ba: Chưa có các chính sách cụ thể phát triển các cơ sở hợp tác kinh tế-kỹ thuật đầu tư nhất là các khu chế biến, gia công XK ngay tại khu vực biên giới nhằm giảm thời gian vận chuyển cũng như nâng cao chất lượng hàng XNK. Đặc biệt chưa có chính sách cụ thể nhằm đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho đồng bào nghèo trong các khu kinh tế cửa khẩu để họ có cơ hội tìm kiếm việc làm giúp ổn định kinh tế - xã hội các tỉnh vùng biên.
2.3. Quản lý cửa khẩu biên giới
Hiệp định cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc (2009) xác định trên tuyến có 22 cặp cửa khẩu, trong đó có 09 cặp cửa khẩu đã mở (gồm 05 cửa khẩu quốc tế, 04 cửa khẩu song phương) và 13 cặp cửa khẩu sẽ mở khi đủ điều kiện. Có thể thấy quy định về hệ thống cửa khẩu của Việt Nam còn nhiều điểm tồn tại:
Thứ nhất là, quy định về loại hình cửa khẩu giữa Hiệp định Cửa khẩu và văn bản nội luật chưa thống nhất và không phù hợp hoạt động tại các cửa khẩu phụ, lối mở đang diễn ra trên biên giới. Hiệp định Cửa khẩu quy định hai loại hình cửa khẩu (cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu song phương), nhưng Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền lại quy định thêm hình thức (cửa khẩu phụ, lối mở biên giới) và thực tiễn là hoạt động thương mại vẫn đang diễn ra sôi động tại các cửa khẩu phụ, lối mở đang diễn ra trên biên giới. Đặc biệt là do quy định quản lý khác nhau nên phía Trung Quốc còn liên tục điều tiết hàng XK và hàng tạm nhập tái xuất của Việt Nam qua các lối mở, điểm thông quan qua các mốc mới. Trong khi đó, phía Việt Nam việc cho phép XK và tạm nhập tái xuất qua các khu vực đó phải xin ý kiến của Bộ Công Thương và Chính phủ, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động XK.
Thứ hai là, trên thực tế có 69 địa điểm phía Việt Nam xác định là cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đây các địa điểm qua lại biên giới là các lối đi truyền thống, đường qua lại cặp chợ biên giới, điểm thông quan, XK hàng hóa trên biên giới. Trong khi đó, một số địa phương biên giới công bố các cửa khẩu phụ, lối mở, điểm thông quan, điểm xuất hàng trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc mà chưa tuần tự thực hiện các bước mở mới, nâng cấp cửa khẩu theo hiệp định, luật và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đã gây không ít khó khăn trong quản lý hàng hóa XNK qua biên giới...
Thứ ba là, Ủy ban Cửa khẩu là mô hình mới, công tác phối hợp, trao đổi, chỉ đạo của các bộ, ngành về lĩnh vực này chưa rõ ràng; một số văn bản nội luật quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về cửa khẩu biên giới còn chồng chéo...
3. Các kiến nghị hoàn thiện các chính sách biên giới Việt Trung
Việc hoàn thiện chính sách biên giới Việt - Trung là yêu cầu cấp thiết nhằm tạo động lực thúc đẩy TMBG nói chung và đảm bảo quyền chủ động của Việt Nam nói riêng:
Một là hoàn thiện chính sách quản lý về mậu dịch biên giới.
Xây dựng khung pháp lý riêng biệt quy định về quản lý mậu dịch biên giới. Đối với thương mại biên giới, nên thiết lập kênh thông tin chuyên biệt để nắm bắt kịp thời chính sách mậu dịch biên giới linh hoạt nhưng bất thường của phía Trung Quốc để chủ động, ứng phó kịp thời. Cụ thể:
Tổ chức lại việc buôn bán biên giới với Trung Quốc theo hướng: Lựa chọn một số mặt hàng có dung lượng lớn và Trung Quốc cũng có nhu cầu lớn không cho phép buôn bán tiểu ngạch (cao su, bột sắn…), các mặt hàng này chỉ được buôn bán và thanh toán theo thông lệ quốc tế; xây dựng cơ chế điều tiết lượng hàng buôn bán qua biên giới để tránh bị ép giá; xây dựng danh mục và có chính sách hỗ trợ phát triển các mặt hàng chủ lực XK sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng tỉnh biên giới, hỗ trợ đẩy mạnh XK hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc; xây dựng hàng rào kỹ thuật đủ mạnh để ngăn hàng hóa kém chất lượng vào Việt Nam.
Mở rộng thỏa thuận về hài hòa tiêu chuẩn và công nhận lẫn nhau đã ký giữa Việt Nam và Trung Quốc, tạo thuận lợi cho XK. Điều chỉnh và bổ sung các chính sách giữa Việt Nam và Trung Quốc theo hướng tạo cơ chế mở hơn nữa cho hoạt động thương mại trên các hành lang; hoàn thiện chính sách thuế tạo môi trường thuận lợi cho thương mại và đầu tư như áp dụng chính sách ưu đãi tài chính đối với vùng kinh tế cửa khẩu; cải thiện hệ thống thanh toán, tăng cường sự phối hợp trao đổi định kỳ các biện pháp quản lý và giám sát buôn bán biên giới.
Tổ chức các công ty lớn chuyên XK vào thị trường Trung Quốc. Bộ Công Thương tập hợp những công ty này và bàn về cách tổ chức buôn bán với Trung Quốc, ưu tiên sử dụng Quỹ Xúc tiến thương mại để hỗ trợ các công ty này.
Ủy ban Cửa khẩu cần tiếp tục phối hợp với phía Trung Quốc thúc đẩy việc đầu tư phát triển hạ tầng thương mại khu vực cửa khẩu biên giới nhất là hệ thống bến bãi tập kết giao nhận hàng hóa XNK, tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa dịch vụ nhất là XK hàng nông sản qua thương mại biên giới trong thời gian vào vụ thu hoạch.
Cuối cùng, về lâu dài, cần chuyển từ XK tiểu ngạch sang chính ngạch. Hình thức xuất tiểu ngạch không chỉ rất rủi ro mà còn khiến chất lượng hàng hóa Việt Nam không có động lực để cải thiện, năng lực cạnh tranh của nhiều hàng hóa XK không được nâng cao. Do vậy, cần có chính sách phù hợp để hạn chế dần XK tiểu ngạch và tăng cường XK chính ngạch.
Hai là thay đổi, bổ sung chính sách ưu tiên cho các địa phương biên giới.
Để thúc đẩy TMBG, bên cạnh các cơ chế điều tiết biên mậu linh hoạt, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương, cần ban hành chính sách cụ thể để các địa phương có điều kiện triển khai thực hiện Hiệp định TMBG.
Tập trung đồng bộ hạ tầng vùng biên giới và cần ưu tiên cho vùng có điều kiện phát triển trước. Cần có cơ chế đặc thù cho các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu.
Song song với việc quy hoạch vùng sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao, có thể tham gia XK ở khu vực biên giới; cần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp chuyên hợp tác hoạt động biên mậu gắn với ngành hàng và các địa bàn biên giới. Trong đó, tạo nguồn vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số...
Ba là thay đổi các quy định về quản lý cửa khẩu.
Thống nhất quy định về cửa khẩu giữa Hiệp định song phương và văn bản của Nhà nước nhằm thống nhất cách thức quản lý tránh rườm rà các thủ tục, đồng thời tạo nhiều lỗ hổng trong quản lý hoạt động XNK.
Xây dựng quy chế phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan chức năng Trung ương và UBND các tỉnh biên giới trong quản lý, điều hành hoạt động TMBG, nhằm nâng cao hiệu quả và đẩy mạnh XK sang Trung Quốc. Có thể xem xét thí điểm phân quyền cho Chủ tịch các tỉnh biên giới được chủ động quyết định hàng xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu phụ, lối mở nào, nhằm tăng tính linh hoạt trước việc phía Trung Quốc liên tục thay đổi điều tiết.
Kiện toàn, phân định rõ trách nhiệm của Ủy ban Liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc với Ủy ban Cửa khẩu trong triển khai thực hiện Hiệp định cửa khẩu và quản lý biên giới; tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, tạo thuận lợi cho các ủy ban và địa phương khi thực hiện.
Ủy ban Cửa khẩu cần chủ động nghiên cứu, đề xuất Bộ Quốc phòng phối hợp các bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ bổ sung, sửa đổi Hiệp định Cửa khẩu để phù hợp tình hình thực tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Hiệp định Cửa khẩu, các văn bản pháp lý liên quan và các thỏa thuận hai bên liên quan. Thường xuyên duy trì chế độ thông tin liên lạc, kịp thời báo cáo cấp trên về những vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn hoạt động.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Công Thương (2011), Đề án Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, tầm nhìn đến 2030.
2. Bộ Công Thương (2016), Thông tư số 34/2016/TT-BCT quy định chi tiết hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân tại Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động TMBG với các nước có chung biên giới.
3. Chính phủ (2009), Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.
4. Chính phủ (2014), Nghị định số 112/2014/NĐ-CP quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền.
5. Chính phủ (2016), Hiệp định TMBG Việt-Trung.
6. Lâm Thanh Hà (2016), Phát triển quan hệ TMBG Việt - Trung thành hình mẫu của quan hệ hữu nghị, láng giềng và hợp tác trong thế kỷ XXI, Tạp chí Cộng sản.
7. Quốc hội (2014), Luật Đầu tư.
8. Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định số 247/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020 và định hướng đến năm 2030.
9. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 45/2013/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế điều hành hoạt động tại các cửa khẩu biên giới đất liền áp dụng tại các cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính.
10. Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg về việc quản lý hoạt động TMBG với các nước có chung biên giới.
11. Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, các số trong các năm 2014 - 2017.

TRADE POLICIES BETWEEN VIETNAM AND CHINA: DIFFICULTIES AND RESTRICTIONS

MA. Hoang Tuan Anh

Center for Defense and Security Education - Thai Nguyen University

MA. Duong Thi Thuy Linh

Thai Nguyen University of Technology

ABSTRACT:

Differences in viewpoints, strategies and socio-economic characteristics lead to differences in the policies of border trade cooperation between Vietnam and China, thus creating many difficulties and obstacles in practical application as well as imbalance in the border trade balance of the two countries. The paper focuses on analysing the differences in border trade policy between China and Vietnam, while assessing constraints and proposing recommendations for improving border policy to suit with the real situation and the general context of the world to ensure the strong development of bilateral economic cooperation between Vietnam and China.

Keywords: Border trade policy, border economic cooperation, border trade.