TÓM TẮT:

Với tình hình Trung Quốc ngày càng đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn gốc hoa quả nhập khẩu, chính sách truy xuất nguồn gốc hoa quả Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trong chuỗi hoa quả đặc sắc Trung Quốc - ASEAN đã được thực hiện. Truy xuất nguồn gốc hoa quả ở Việt Nam còn khá mới và chưa có hệ thống thống nhất do mạng lưới sản xuất phân tán, quy mô nhỏ lẻ. Bài viết làm rõ chính sách truy xuất nguồn gốc hoa quả của Việt Nam và Trung Quốc, phân tích thực trạng thực hiện chính sách ở các doanh nghiệp Việt Nam; từ đó đề xuất giải pháp để hoàn thiện chính sách truy xuất nguồn gốc hoa quả Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

Từ khóa: truy xuất nguồn gốc, chính sách, hoa quả, Việt Nam, Trung Quốc.

1. Đặt vấn đề

Chính sách truy xuất nguồn gốc

Ranaweera K.R. Ranaweera & cộng sự (2021) dựa trên quy định EC số 178/2002 của Ủy ban Châu Âu (EC) để đưa ra khái niệm truy xuất nguồn gốc (TXNG) thực phẩm là “khả năng truy tìm và theo dõi thực phẩm, thức ăn gia súc, động vật sản xuất thực phẩm hoặc hợp chất dự kiến ​​trở thành hoặc được kết hợp vào thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi, thông qua tất cả các giai đoạn sản xuất, chế biến và phân phối”. Theo Thông tư số 03/2011/TT-BNNPTNT và số 74/2011/TT-BNNPTNT, TXNG là: “Khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối”. Có nhiều khái niệm khác nhau về TXNG, song TXNG được hiểu khái quát là khả năng truy tìm và phát hiện một đơn vị sản phẩm qua từng giai đoạn sản xuất, từng mắt xích của chuỗi cung ứng, qua đó cung cấp thông tin về quá trình phân phối và chế biến đến người tiêu dùng.

Chuỗi hoa quả đặc sắc Trung Quốc - ASEAN

Chuỗi hoa quả đặc sắc Trung Quốc - ASEAN” là thuật ngữ được sử dụng trong hội thảo quốc tế về Logistics và hợp tác ngành nghề hoa quả ASEAN tại khuôn khổ hội chợ thương mại - du lịch quốc tế Trung - Việt ở Móng Cái năm 2018. Tiêu biểu trong chuỗi hoa quả này là các mặt hàng thanh long, dưa hấu và vải thiều.

Chuỗi trái cây đặc sản Đông Nam Á ngày càng được biết đến nhiều hơn, nhận được sự quan tâm toàn thế giới. Chuỗi trái cây đặc sắc phổ biến ở vùng nhiệt đới như sầu riêng, xoài, thanh long, vải thiều, dưa hấu,…đã thâm nhập được vào những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia. Năm 2017, trái cây ASEAN đã gây “cơn sốt” tại thị trường Trung Quốc.

Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2018, tổng sản lượng và tổng giá trị trái cây nhập khẩu tăng cao. Tổng lượng trái cây nhập khẩu đạt 5,5 triệu tấn, tăng lên 25% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, nguồn nhập khẩu trái cây lớn nhất đến từ Việt Nam, theo sau là Philippines và Thái Lan. Như vậy, phần lớn nguồn nhập khẩu trái cây của Trung Quốc đến từ các nước Đông Nam Á. Cảng Bình Hương, Quảng Tây trên biên giới với Việt Nam là cảng đất liền lớn nhất của Trung Quốc về xuất nhập khẩu trái cây và được coi là "Thủ phủ trái cây Trung Quốc - ASEAN".

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không và đường biển khó khăn, cước phí vận tải tăng lên, cùng với trận lũ lụt lịch sử ở miền Nam Trung Quốc năm 2020, sản lượng trái cây nhập khẩu của nước này giảm đáng kể. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 1,04 tỷ USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019. Một nguyên nhân khác làm cho lượng trái cây nhập khẩu của Trung Quốc giảm xuống là yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như quá trình TXNG. Hải quan Trung Quốc tăng cường giám sát kiểm nghiệm, kiểm dịch đối với trái cây nhập khẩu, quy định chặt chẽ hơn về nguồn gốc, xuất xứ của trái cây nhập khẩu nhằm kiểm soát nhập khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế.

2. Thực trạng chính sách TXNG của Trung Quốc và Việt Nam trong chuỗi hoa quả đặc sắc Trung Quốc – ASEAN

2.1. Phía Trung Quốc

Trung Quốc xây dựng khung pháp lý chung phê duyệt mặt hàng xuất khẩu vào nước này. Khung pháp lý gồm 3 thành phần chính: quy định mở cửa, quy định thông quan và chính sách thuế. Trong đó, quy định TXNG liên quan trực tiếp tới quy định thủ tục thông quan. Đối với Việt Nam, Trung Quốc xây dựng quy định TXNG có cả điểm chung và riêng đối với các đối tác khác nhập khẩu nông sản nói chung và trái cây nói riêng.

Về điểm chung, Trung Quốc yêu cầu mọi loại trái cây xuất khẩu vào nước này phải có chứng nhận kiểm nghiệm, kiểm dịch cơ quan quản lý quốc gia xuất khẩu cấp theo mẫu và tuân thủ quy định của Trung Quốc.

Về điểm riêng, phía Trung Quốc yêu cầu tiêu chí thông tin trên tem truy xuất đối với Việt Nam khác so với các quốc gia khu vực. Trung Quốc đặt ra 2 “quy định cứng” yêu cầu trái cây của Việt Nam phải thể hiện được trên tem truy xuất, là: mã vùng trồng và mã xưởng. Mã vùng trồng thể hiện các thông số về diện tích, vị trí và loại trái cây được trồng. Mã xưởng được cấp cho các xưởng thu mua, chế biến và đóng gói trái cây xuất sang Trung Quốc.

2.2. Phía Việt Nam

Nhằm giảm thiểu rủi ro và đảm bảo xuất khẩu bền vững sang Trung Quốc, Bộ Công Thương khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trái cây, đặc biệt là dưa hấu, chủ động phối hợp với các nhà nhập khẩu Trung Quốc, nghiên cứu kỹ và tuân thủ các nguyên tắc về đảm bảo chỉ tiêu chất lượng và TXNG phía Trung Quốc đưa ra. Dưới đây là các văn bản ban hành về chính sách TXNG tại Việt Nam. (Bảng 1)

 Bảng 1. Các văn bản chính sách về TXNG của Việt Nam

Số hiệu

Loại văn bản

Cơ quan ban hành

Người ký

Ngày ban hành

Tên văn bản

45/2002/QĐ-TTg

Quyết định

Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm

27/03/2002

Quy định về mã số mã vạch và Cơ quan quản lý Nhà nước về mã số mã vạch

55/2010/QH12

Luật

Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng

17/06/2010

Luật An toàn thực phẩm

80/2013/NĐ-CP

Nghị định

Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

19/07/2013

Quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng hàng hóa

74/2011/TT-BNNPTNT

Thông tư

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ trưởng Cao Đức Phát

31/10/2011

Quy định TXNG, thu hồi và xử lý thực phẩm nông, lâm, sản không bảo đảm an toàn

119/2017/NĐ-CP

Nghị định

Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

01/11/2017

Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng hàng hóa

100/QĐ-TTg

Quyết định

Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

19/01/2019

Phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG

Nguồn: Tổng hợp của nhóm nghiên cứu

“Việt Nam xây dựng hệ thống khung pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn khá đầy đủ trong lĩnh vực an toàn thực phẩm xuất khẩu, nhưng chưa có đầy đủ các văn bản pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn cho TXNG và phát triển bền vững. Quy định TXNG sản phẩm không nhất quán tại các văn bản. Việt Nam có nhiều quy chuẩn đáp ứng chuẩn mực về nội dung thông tin yêu cầu TXNG trong nội bộ đơn vị.” (Thái Hồng Lam & Vũ Thị Cương, 2020).

2.3. Tình hình doanh nghiệp Việt Nam với chính sách TXNG

Với yêu cầu khắt khe từ phía Trung Quốc, doanh nghiệp xuất khẩu phải quan tâm hơn đến chính sách TXNG để khẳng định được chất lượng của hoa quả xuất khẩu. Dưới đây là kết quả khảo sát 100 doanh nghiệp về TXNG: (Hình 1)


Thống kê cho thấy 100/100 doanh nghiệp điền phiếu khảo sát quan tâm TXNG, hơn nửa số đó cho rằng TXNG đem lại lợi ích cho cả 3 đối tượng doanh nghiệp, khách hàng và cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, số doanh nghiệp áp dụng hệ thống TXNG chưa đến một nửa. Điều này là do các doanh nghiệp thiếu kiến thức, kĩ năng và điều kiện tài chính để áp dụng hệ thống TXNG thống nhất.

2.4. Thành công và hạn chế chính sách TXNG hoa quả của Việt Nam

- Thành công

Với người tiêu dùng, chính sách TXNG mặt hàng hoa quả minh chứng quan trọng quá trình sản xuất thực phẩm sạch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong và ngoài nước. TXNG cho phép người tiêu dùng tiến gần đến với hệ thống thông tin minh bạch, đầy đủ về xuất xứ của trái cây. Khách hàng có thể an tâm khi mua hoa quả đến từ Việt Nam và cảm thấy thỏa đáng với chi phí bỏ ra tiêu dùng.

Đối với doanh nghiệp, TXNG giúp theo dõi toàn bộ đường đi khi xuất khẩu trái cây, dễ dàng phát hiện vấn đề xảy ra để kịp thời chỉnh sửa. TXNG còn là “hàng rào” bảo vệ giá trị thương hiệu doanh nghiệp, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm. Thống kê cho thấy, trái cây xuất khẩu được dán nhãn tem TXNG đều bán giá cao hơn sản phẩm truyền thống 10 % - 30 %.

Đối với cơ quan quản lý: TXNG đạt tiêu chuẩn giúp cơ qua chức năng giám sát, kiểm tra chất lượng hàng hóa, quản lý nguồn gốc xuất xứ đơn giản và hiệu quả, dễ dàng phát hiện lô hàng kém chất lượng, tránh thất thu thuế.

- Hạn chế

Việt Nam chưa áp dụng công nghệ hiện đại nhiều vào TXNG. Do trái cây được sản xuất chủ yếu qua hình thức hộ nông dân nhỏ lẻ phần lớn các hộ dân ghi chép nhật ký sản xuất bằng giấy, sau đó nhập lên hệ thống. Điều này dễ gây sai sót và nhầm lẫn trong quá trình ghi chép. Ngoài ra, hình thức tổng hợp thông tin mã vùng và mã xưởng hiện tại vẫn được thực hiện thủ công, chưa có hệ thống đấu nối liên kết với đối tác Trung Quốc. 

Số lượng mã vùng trồng và mã xưởng tại Việt Nam còn hạn chế, số lượng sản phẩm gắn tem truy xuất còn ít, chưa tương xứng so với sản lượng mặt hàng trái cây và chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của người tiêu dùng. Hiện nay, tổng mã vùng trồng và mã xưởng khoảng dưới 3.000 mã, chiếm tỉ lệ chưa đầy 1% diện tích trồng trọt xuất khẩu.

3. Một số giải pháp hoàn thiện chính sách TXNG của Việt Nam

Một là, tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã.

Cần phát triển mô hình liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu với hợp tác xã nhằm gắn kết giữa khâu sản xuất và tiêu thụ. Doanh nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin thị trường cho hợp tác xã điều tiết sản xuất. Cần tạo quan hệ hợp tác giữa hợp tác xã và hộ nông dân sản xuất nhằm kiểm soát chất lượng của trái cây thông qua việc giám sát quy trình sản xuất chặt chẽ, khoa học.

Hai là, xây dựng hệ thống thông tin đầy đủ cập nhật về TXNG.

 Nhà nước cần tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tiếp cận được hệ thống TXNG tiên tiến. Các cơ quan quản lý cần phối hợp chặt chẽ với các bên cung cấp giải pháp về TXNG, tạo miền dữ liệu lớn về thông tin trái cây xuất khẩu giúp doanh nghiệp, thị trường đối tác dễ dàng nắm bắt và chuyển giao thông tin đến cơ quan chức năng khi cần thiết.

Ba là, xây dựng chuỗi khu công nghiệp công nghệ cao sản xuất hoa quả đặc sắc phục vụ xuất khẩu theo mô hình “ngũ quả”.

Lấy việc phát triển hoa quả đặc sắc xuất khẩu lấy màu sắc làm trung tâm, nhóm nghiên cứu đề xuất về việc đến năm 2025, Việt Nam nên thành lập chuỗi liên kết gồm 5 khu công nghệ cao, chú trọng phát triển 5 loại trái cây có tiềm năng xuất khẩu lớn: dưa hấu, thanh long, vải thiều, xoài và đu đủ theo mô hình “ngũ quả”. Đề xuất này dựa trên việc xác định các vùng trồng 5 loại quả trên với quy mô lớn và nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương trong ưu tiên chi ngân sách.

4. Kiến nghị cơ quan nhà nước và chính phủ đối tác

4.1. Cơ quan Nhà nước Việt Nam

Bên cạnh xuất khẩu chính ngạch, xuất khẩu tiểu ngạch cũng cần được chú trọng hơn. Bộ Công Thương cần cùng với các bộ, ngành, địa phương ở biên giới phía Bắc phối hợp chặt chẽ để triển khai các giải pháp như đàm phán, vận động phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục pháp lý về TXNG để sớm mở cửa thêm cho các sản phẩm trái cây là thế mạnh của Việt Nam.

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lượng chất lượng tích cực hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định TXNG, cụ thể là các thông tư, quyết định tiêu chuẩn về kiểm nghiệm, kiểm dịch và TXNG các sản phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người.

4.2. Đối tác Trung Quốc

Các cơ quan chức năng Trung Quốc thường xuyên cập nhật thông tin các chính sách nhập khẩu mới đối với mặt hàng trái cây mà Trung Quốc cho phép nhập khẩu từ Việt Nam đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ít nhất là 1 năm để các nhà cung ứng Việt Nam chuẩn bị và đầu tư hạ tầng công nghệ. Việc Trung Quốc cử chuyên gia có kinh nghiệm xây dựng TXNG sang sẽ giúp Việt Nam cải thiện chất lượng hoa quả xuất khẩu thông qua việc áp dụng hệ thống TXNG tại các vùng trồng trọng điểm của cả nước. Phía Trung Quốc cần chấp nhận các tiêu chuẩn mã vùng thực hiện TXNG theo Bộ Nông nghiệp vàPhát triển nông thôn  Việt Nam cung cấp được cơ quan kiểm định thông qua theo các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường Trung Quốc.

5. Kết luận

TXNG ở Trung Quốc khá phát triển và đầy đủ, áp dụng công nghệ hiện đại cùng với những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe về vấn đề này. Việt Nam xây dựng khung pháp lý cơ bản song vẫn chưa xây dựng được hệ thống TXNG chung và TXNG chưa thực sự phát triển tương xứng. Bên cạnh những thành công đã đạt được, hệ thống TXNG hoa quả còn hạn chế.

Nghiên cứu đề xuất giải pháp đề hoàn thiện chính sách truy xuất nguồn gốc trái cây cũng như phát triển xuất khẩu trong chuỗi hoa quả đặc sắc Trung Quốc - ASEAN: tạo sự liên kết, xây dựng hệ thống thông tin minh bạch, xây dựng chuỗi khu công nghệ cao sản xuất hoa quả đặc sắc phục vụ xuất khẩu theo mô hình “ngũ quả”.

Kiến nghị cơ quan nhà nước và đối tác nước ngoài tích cực hoàn thiện hệ thống TXNG, cập nhật thường xuyên thông tin liên quan tới chính sách phát triển chuỗi hoa quả đặc sắc Trung Quốc - ASEAN. Cần tăng cường giám sát việc thực hiện TXNG của doanh nghiệp và xây dựng hệ thống TXNG thống nhất, minh bạch. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2011), Thông tư số 03/2011/TT-BNNPTNT Quy định về truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm không đảm bảo chất lượng, An toàn thực phẩm trong lĩnh vực thủy sản, ban hành ngày 21 tháng 1 năm 2011.
  2. Alejandro Cifuentes, (2021). Comprehensive Foodomics, Madrid, Spain, 452-480.
  3. Thái Hồng Lam & Vũ Thị Cương (2020), Thực trạng áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc ngành hàng rau quả tại Việt Nam và giải pháp thích ứng với thay đổi của thị trường Trung Quốc, Dự án Hỗ trợ Hợp tác Kinh tế khu vực Châu Á (SRECA).
  1. S. Food & Drugs Administration. (2020). Proposed Rule: Requirements for Additional Traceability Records for Certain Foods At-A-Glance. USA: U.S. Food & Drugs Administration.

Traceability policies for fruits exported from Vietnam to China in

the China – ASEAN unique fruit chain

Assoc.Prof. Ph.D Nguyen Thuong Lang 1

Nguyen Khanh Linh 1

Phung Thi Minh 1

Vo Thi Quynh Diep 1

Do Huu Quan 1

1 National Economics University

ABSTRACT:

As China has enforced stricter requirements on the origin of imported fruits, the traceability policy of exported fruit from Vietnam to China in the China - ASEAN unique fruit chain is deployed to meet these requirements. However, the fruit traceability in Vietnam is still quite new and there is no unified traceability system due to small - scale agriculture. This paper clarifies the fruit traceability policies of both Vietnam and China, and analyzes the impacts of these policies on Vietnamese enterprises. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to enhance the traceability mechanism of fruits exported from Vietnam to China.

Keywords: traceability, policy, fruit, Vietnam, China.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, tháng 4 năm 2021]