Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Cuba.

Theo đó, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ cơ bản.

Về tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định, tăng cường phổ biến về Hiệp định cho các đối tượng có liên quan (nhân dân, cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương, hiệp hội ngành nghề, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp), thông qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử, các lớp tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực thi hiệu quả Hiệp định.

Thiết lập đầu mối thông tin về Hiệp định tại Bộ Công Thương để cung cấp thông tin, hướng dẫn và làm rõ các nội dung cam kết và các vấn đề có liên quan đến Hiệp định.

Củng cố mạng lưới, tăng cường năng lực và đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, dự báo xuất nhập khẩu, thương mại - đầu tư để các doanh nghiệp Việt Nam có thể kịp thời nắm bắt các thông tin, yêu cầu về kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của Cuba, cũng như dự báo được nhu cầu của thị trường trong nước và ứng phó với sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu.

Về công tác xây dựng pháp luật, thể chế, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả các cam kết và nghĩa vụ khác của Việt Nam tại Hiệp định; đảm bảo việc thực hiện cơ chế tham vấn, lấy ý kiến các đối tượng có liên quan trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật.

Tiếp tục phối hợp với Cuba để xây dựng, hoàn thiện các thiết chế cần thiết để thực thi Hiệp định (hoạt động của Ủy ban Hỗn hợp về thực thi Hiệp định và Ủy ban Quy tắc xuất xứ; thành lập và hoạt động của Ủy ban Tiêu chuẩn, Quy chuẩn Kỹ thuật và Đánh giá Sự phù hợp (Ủy ban STRACAP) và Ủy ban về Các biện pháp Vệ sinh và Kiểm dịch Động thực vật (Ủy ban SPS); chỉ định và thông báo về cơ quan đầu mối của Việt Nam tham gia các Ủy ban chuyên môn, các nhóm công tác theo từng Chương của Hiệp định.

Kiện toàn, củng cố các cơ quan đầu mối phụ trách việc thực thi Hiệp định tại các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước địa phương để phối hợp chặt chẽ với cơ quan đầu mối quốc gia về thực thi Hiệp định, đảm bảo việc thực thi được hiệu quả và đầy đủ.

Cùng với các nhiệm vụ nêu trên là nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, xây dựng các chương trình phát triển thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng và lợi thế của Việt Nam vào Cuba; tập huấn cho các doanh nghiệp về các cam kết cụ thể có liên quan trong Hiệp định Thương mại Việt Nam-Cuba; cung cấp các thông tin về môi trường và cơ hội hợp tác kinh doanh tại Cuba; dự báo về thị trường và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Cuba.

Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện doanh nghiệp triển khai thực hiện Kế hoạch này.

Kinh phí thực hiện Kế hoạch được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ và các nguồn tài chính hơp pháp khác. Bộ Tài chính bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Hiệp định Thương mại Việt Nam – Cuba ký tại Hà Nội ngày 9/11/2018, thay thế Hiệp định giữa hai Chính phủ về trao đổi thương mại và các hình thức hợp tác kinh tế khác được ký vào năm 1996.

Hiệp định với nhiều cam kết ưu đãi thương mại mới được kỳ vọng sẽ từng bước nâng quan hệ hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai nước ngang tầm với quan hệ chính trị song phương tốt đẹp.

Theo đó, hai bên cam kết xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế đối với gần 100% mặt hàng đang nhập khẩu từ thị trường của nhau trong vòng 5 năm.