Vốn FDI lập đỉnh từ các "điểm cộng" về môi trường đầu tư

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, FDI 5 tháng đầu năm 2019 đã đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký trong vòng 4 năm trở lại đây. Tính đến ngày 20/5, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 16,74 tỷ USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2018.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã “rót tiền” đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực của Việt Nam, trong đó đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 12 tỷ USD, chiếm hơn 71% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 1,138 tỷ USD, chiếm 6,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.

s
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Synopex Việt Nam (vốn đầu tư Hàn Quốc)

 

Đây có thể coi là một tín hiệu tích cực khi dòng vốn đầu tư đã chuyển từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản sang lĩnh vực chế biến, chế tạo vốn được coi là mang lại giá trị bền vững hơn cho kinh tế trong nước.

Xét theo đối tác đầu tư, sau 4 tháng liên tiếp dẫn đầu, Trung Quốc đã tụt xuống vị trí thứ 2 về vốn đầu tư mới trong tháng 5 với 250 triệu USD (xếp sau Hàn Quốc với 357 triệu USD). Tuy nhiên, tính lũy kế 5 tháng, Trung Quốc vẫn đứng đầu với 1,56 tỷ USD với 233 dự án, con số này gấp 5,5 lần so với đầu tư FDI của Trung Quốc vào Việt Nam cùng kỳ năm 2018. Đây cũng là năm đầu tiên Trung Quốc có số vốn đăng ký mới vào Việt Nam lớn nhất.

Các chuyên gia nhận định, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra, dòng vốn sẽ dịch chuyển từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là một trong những trung tâm, để tránh “lệnh trừng phạt” của Mỹ. Đó không chỉ là các nhà đầu tư của Trung Quốc, mà cả các nhà đầu tư nước khác “tháo chạy” khỏi Trung Quốc.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mang lại cho Việt Nam cơ hội thu hút dòng vốn FDI từ Trung Quốc do Việt Nam có môi trường kinh doanh thông thoáng, an ninh, chính trị ổn định và các nước đang sắp xếp lại chiến lược đầu tư ra nước ngoài. Các công ty lớn trên thế giới đang hoạt động đầu tư ở Trung Quốc sẽ tìm giải pháp giảm thiểu rủi ro bằng cách chuyển một số cơ sở sản xuất hay thương mại sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng, đây chỉ là một trong những lý do đem đến kết quả thu hút FDI tăng cao trong 5 tháng qua. Bên cạnh đó, Hiệp định CPTPP bắt đầu thực hiện từ năm 2019 cũng mở ra cơ hội lớn về thu hút vốn đầu tư FDI.

Đặc biệt, tiềm năng, triển vọng về xuất khẩu, hội nhập của Việt Nam cao hơn so với các nước, đặc biệt là vấn đề ổn định kinh tế trong nước cũng là “điểm cộng” để Việt Nam hút mạnh vốn FDI.

Chọn lọc dự án FDI, tránh áp lực cho DN nội

Mặc dù dòng vốn FDI đang tăng kỷ lục nhưng theo các đại biểu Quốc hội, Việt Nam cần chọn lọc dự án và nhà đầu tư chứ không nên tiếp nhận đầu tư bằng mọi giá. Đồng thời, không nên ưu đãi quá nhiều cho khối FDI, sẽ khiến các DN trong nước khó cạnh tranh.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh), từ năm 2018 đến 2019 đã diễn ra làn sóng FDI đổ vào Việt Nam, với sự dẫn đầu của Trung Quốc có số lượng dự án đầu tư cao.

f
Dây chuyền sản xuất giày dép tại Công ty Midori Safety Footwear Việt Nam (vốn đầu tư Nhật Bản)

 

"Vấn đề đặt ra là chúng ta phải kiểm soát FDI vào Việt Nam như thế nào. Chúng ta phải làm sao để chọn lọc nhà đầu tư có công nghệ tốt, đảm bảo yếu tố môi trường, tránh những sự việc tương tự như Formosa Hà Tĩnh, phải lập hàng rào kỹ thuật để ngăn ngừa những công nghệ lỗi thời, chọn lọc những công nghệ tốt", đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị.

Đồng quan điểm, ông Dương Minh Tuấn, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho rằng, Việt Nam phải khéo léo, linh hoạt và thận trọng để tránh hàng hóa Trung Quốc “quá cảnh” Việt Nam để vào nước khác. DN Trung Quốc hay DN nước ngoài đầu tư thì ủng hộ, nhưng phải phân loại rõ cái nào đầu tư xuất khẩu, cái nào sản xuất hàng chính hiệu Việt Nam.

“Chủ trương của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là lựa chọn nhà đầu tư, ưu tiên dự án đầu tư công nghệ cao, sử dụng ít lao động, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao. Tỉnh trải thảm mời gọi đầu tư, thủ tục hành chính thông thoáng, tháo gỡ vướng mắc cho DN nhưng với những DN vốn ít, công nghệ lạc hậu sẽ thận trọng thẩm định và lựa chọn đầu tư”, đại biểu Dương Minh Tuấn chia sẻ.

Theo PGS. TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp, khi các DN chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tác động không nhỏ tới DN trong nước. Đầu tiên, khi dòng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm kiếm đối tác bản địa để liên kết, hợp tác. Liệu DN Việt Nam có đủ sức liên kết hay không?

PGS. TS Nguyễn Mạnh Quân chia sẻ kết quả khảo sát tại một địa phương với 200 DN đóng thuế đầy đủ thì cho thấy, số DN có khả năng trở thành đối tác của các DN nước ngoài chỉ khoảng 20%. Các DN khác chỉ cố gắng để trụ lại, tồn tại trước áp lực cạnh tranh của DN nước ngoài. Trong số 20% DN đó, chỉ có 1 DN ứng dụng đổi mới sáng tạo có hiệu quả.

“Khi không tự chủ được, DN Việt Nam dễ bị đối tác ngoại dẫn dắt, làm chủ. Thế là dòng vốn chuyển vào Việt Nam nhưng dòng lợi nhuận lại chuyển đi. Điều đó khiến Việt Nam trở thành nước đi làm thuê, không phát triển lên được ngang tầm với DN ngoại”, ông Quân lo ngại.

Cũng theo chuyên gia kinh tế này, hiện chưa có cơ chế ràng buộc để giữ lại tiền cũng như công nghệ của DN ngoại ở lại Việt Nam. Điều này khác với Trung Quốc, khi DN nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc thì công nghệ bị rơi vào tay DN Trung Quốc ngay.

Thứ hai, khi DN ngoại vào đầu tư sẽ thu hút nguồn nhân lực của DN Việt Nam. Nguồn nhân lực của DN Việt vốn đã yếu, lại bị hút sang DN nước ngoài thì DN Việt Nam thêm khó khăn.

Việc lựa chọn DN và dự án FDI càng bức thiết hơn bởi dù vốn đầu tư nhiều nhưng đóng góp của DN FDI vào tăng trưởng GDP chỉ 18%, thu ngân sách chỉ 14%... Có đến hơn một nửa trong tổng số 16.000 DN FDI khai báo lỗ, thậm chí mất vốn nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh.