Chống buôn lậu và gian lận thương mại: Phải hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân

Chỉ có sự kết hợp hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng mới tạo được môi trường kinh tế ổn định, nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại vẫn hết sức phức tạp

Đó là khẳng định của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên trong Hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, phát triển thị trường trong hội nhập quốc tế” do Bộ Công Thương, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) ngày 5/3/2019.

Trong Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng liên quan đến sức khỏe người dân ngày càng có diễn biến phức tạp, nhất là phương thức và thủ đoạn của các đối tượng luôn thay đổi và manh động, sẵn sàng chống trả các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.

Lý giải về thực trang trên, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, đó là do nhận thức làm luật về hàng giả, gian lận thương mại còn chưa có sự thống nhất trong bối cảnh hội nhập, tương thích với thông lệ quốc tế.

Ông dẫn chứng, ở Việt Nam chưa có luật riêng về chống buôn lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, mà nằm rải rác ở các văn bản khác nhau gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong thực thi pháp luật. Đơn cử như khái niệm về gian lận thương mại, hàng lậu chưa được phân định rõ ràng với khái niệm buôn lậu. Khung hình phạt đối với buôn lậu đặt ra trong hệ thống pháp luật còn hạn chế. Hay như Luật Hình sự 2015 đã có quy định xử lý hình sự với pháp nhân thương mại phạm tội (trốn thuế, kinh doanh trái phép, buôn lậu, vi phạm môi trường…). Do đó, những phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, khó lường.

Báo cáo về tình hình buôn lậu và gian lận thương mại trong thời gian qua, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh cũng cho biết, trong năm 2018, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý gần 92 nghìn vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 490 tỷ đồng; ước trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 93 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng tình hình thực tế, chưa đáp ứng mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của người dân. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng liên quan đến sức khỏe người dân, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, tình hình vi phạm an toàn thực phẩm, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại dù đã dần kiểm soát nhưng hoạt động vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn tồn tại, nhất là ở các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ tại các chợ tạm gần các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư tập trung...

Đáng chú ý, một số cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận đã tổ chức sản xuất, kinh doanh trái phép các hóa chất, phân bón, vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng nhằm mục đích kiếm lời bất chính, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Những hành vi gian lận thương mại được phát hiện trong thời gian qua chủ yếu là: quay vòng hoá đơn, mua bán hoá đơn để hợp thức hoá hàng nhập lậu, gian lận trong kê khai giá trên hoá đơn, gian lận về đo lường, gian lận về chất lượng hàng hoá, giả mạo nhãn hiệu hàng hoá, tẩy xoá, sửa hạn sử dụng... tập trung vào các mặt hàng như xăng dầu, phân bón, đồ điện gia dụng, đường cát, thức ăn chăn nuôi, phụ tùng xe máy, bột ngọt, bánh kẹo, thực phẩm đóng gói, sản phẩm gia súc gia cầm.

chống buôn lậu
Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, hiện nay phương thức và thủ đoạn của các đối tượng luôn thay đổi và manh động, sẵn sàng chống trả các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên được Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh chỉ ra đó là phương thức thủ đoạn của đối tượng luôn thay đổi để đối phó với các lực lượng chức năng, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ. Trong khi lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại còn mỏng; kinh phí hạn hẹp, trang thiết bị, phương tiện thiếu và lạc hậu.

Bên cạnh đó, vai trò chỉ đạo của các cấp lãnh đạo của một số đơn vị, địa phương chưa thật sự quyết liệt, thiếu kiểm tra, đôn đốc; Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong và ngoài địa bàn chưa đồng bộ, một số nơi còn mang tính cục bộ... Ngoài ra, công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân ở một số địa bàn chưa có chiều sâu, thiếu thường xuyên. Tình trạng quần chúng ở khu vực sát biên giới tham gia buôn lậu, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn phức tạp. Nhận thức của một bộ phận người dân và doanh nghiệp về hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế.

Phải hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp

Trước những thách thức trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, phát triển thị trường trong hội nhập quốc tế, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dự báo sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng...

chống buôn lậu
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh đưa ra những giải pháp của lực lượng QLTT trong công tác chống buôn lậu, và gian lận thương mại

Do vậy, trong thời gian tới, lực lượng QLTT trong cả nước cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các lực lượng chức năng như công an, hải quan, bộ đội biên phòng, đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để việc kiểm tra, xử lý tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả.

Tiếp tục thực hiện nghiêm việc gắn trách nhiệm người đứng đầu và xử lý nghiêm nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm an toàn vệ sinh an thực phẩm phức tạp, nghiêm trọng, kéo dài không có giải pháp khắc phục…

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, lực lượng QLTT cần tăng cường việc giám sát kinh doanh ngay tại kho tàng, nhà xưởng cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn toàn quốc; tăng cường quản lý, giám sát hoạt động về điều kiện hoạt động thương mại điện tử dựa trên ứng dụng công nghệ số về kinh doanh; đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền làm rõ nhận thức cho doanh nghiệp, người dân về tác hại của các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại tới môi trường sản xuất kinh doanh trong nước.

chống buôn lậu
Kết hợp hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng để tạo được môi trường kinh tế ổn định, nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại

“Các doanh nghiệp muốn bảo vệ mình cần chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước. Chỉ có sự kết hợp hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng mới tạo được môi trường kinh tế ổn định, nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại”, ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt về phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ... trong đó đã nhận rõ tình hình, chỉ ra các giải pháp triển khai cụ thể. Qua đó, các lực lượng chức năng cũng đã vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, xử lý nghiêm minh.

Tuy nhiên kết quả chưa đạt được kỳ vọng về mục tiêu phát triển được một thị trường lành mạnh thị trường, bảo vệ tốt doanh nghiệp chân chính cũng như người tiêu dùng còn nhiều cam go, thách thức, thậm chí phải “đổ máu”, do tình hình ngày càng diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, các đối tượng manh động, trong khi con người, phương tiện đấu tranh còn bị hạn chế.

chống buôn lậu
Thứ trưởng Đặng Hoàng An yêu cầu lực lượng QLTT cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhất là nhận thức về hàng giả, hàng nhái, hàng lậu và quyền sở hữu trí tuệ...

Công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trong thực tiễn còn bất cập, do hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, chồng chéo; Các chế tài xử lý vi phạm còn chưa đủ mạnh, quy định chưa rõ ràng, cụ thể… khiến việc xử lý các vi phạm cũng như công tác phối hợp đấu tranh giữa các lực lượng còn gặp khó khăn, vướng mắc...

Do đó, trong thời gian tới, Thứ trưởng Đặng Hoàng An yêu cầu, lực lượng QLTT cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhất là nhận thức về hàng giả, hàng nhái, hàng lậu và quyền sở hữu trí tuệ...

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng mong muốn, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nhận được sự phối hợp của các Bộ, ban ngành, địa phương liên quan trong công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Hội thảo "Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại-Phát triển thị trường trong hội nhập quốc tế" là kênh thông tin tuyên truyền quan trọng đối với doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng cả nước về kết quả đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại.

Hội thảo cũng là nơi để lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, chuyên gia... để tiếp tục tìm ra các giải pháp hữu hiệu, quyết tâm đẩy lùi tình trạng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Hạ An