Chủ động chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết

Dự báo, năm nay, nhu cầu thị trường sẽ không tăng mạnh so với năm trước do tác động của dịch Covid-19.

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô đang chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm dịp cuối năm. Dự báo, năm nay, nhu cầu thị trường sẽ không tăng mạnh so với năm trước do tác động của dịch Covid-19.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, thành phố đã lên kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 với tổng giá trị hàng hóa khoảng 39 nghìn tỷ đồng (tương đương với dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021).

Tập trung vào nhóm hàng hóa thiết yếu

Các nhóm hàng cần bảo đảm cung cầu trong dịp Tết là các thực phẩm thiết yếu như gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi... Bên cạnh đó là các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết như nông sản, lâm sản khô, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh, xăng dầu, may mặc, điện máy... Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cho nên các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch cũng nằm trong danh sách chuẩn bị nguồn cung.

Tổng Giám đốc BRG Retail (thuộc Tập đoàn BRG) Nguyễn Thái Dũng cho biết, để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, doanh nghiệp đã làm việc với các nhà cung cấp về sản lượng tiêu thụ và lên kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết tăng gấp từ 2-3 lần các tháng trong năm.

Việc chuẩn bị sẵn nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng và góp phần bình ổn giá hàng hóa, nhất là các mặt hàng nằm trong chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội sẽ không điều chỉnh tăng quá 5% khi thị trường có biến động.

Phía hệ thống bán lẻ VinMart, VinMart + cũng đã lên kế hoạch tăng từ 40% đến 50% lượng hàng hóa cung ứng, tập trung vào các nhóm hàng tươi sống, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu, các mặt hàng thời vụ Tết. Năm nay, hệ thống VinMart còn chú trọng khai thác các đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP các tỉnh, thành phố trong cả nước để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Tuy đã lên kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng các doanh nghiệp đều đánh giá, thị trường Tết năm nay sẽ chịu tác động rất lớn bởi dịch Covid-19. Người tiêu dùng tiếp tục có xu hướng tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu, chưa kể, nhiều hoạt động tập trung đông người, gặp gỡ, liên hoan sẽ bị hạn chế khi dịch diễn biến phức tạp.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga nhận định, dịch bệnh khiến thu nhập của nhiều người dân bị giảm sút. Dự báo sức mua vào các tháng cuối năm sẽ không tăng so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

hang tet
Người tiêu dùng Hà Nội mua sắm các sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền

Kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm

Nhằm góp phần kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, thành phố Hà Nội triển khai nhiều chương trình, sự kiện kích cầu mua sắm phục vụ nhân dân. Như tổ chức các điểm bán hàng, phiên chợ, các chuyến bán hàng lưu động phục vụ Tết tại các huyện, khu công nghiệp; tổ chức các chợ hoa xuân; chuỗi các hoạt động trong Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội năm 2021; các Tuần hàng Việt…

Các doanh nghiệp cũng tích cực triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng quà nhằm kích cầu mua sắm dịp cuối năm. Bên cạnh hình thức mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng, các doanh nghiệp còn đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến thông qua website của doanh nghiệp, các sàn thương mại điện tử, ứng dụng mua sắm...

“Khi người dân hạn chế việc mua sắm trực tiếp thì phía doanh nghiệp đã đẩy mạnh kênh bán hàng online, triển khai các mức giá ưu đãi, miễn phí giao hàng... cho khách khi mua hàng trực tuyến. Nhờ đó, các đơn đặt hàng online của đơn vị đã tăng gấp năm lần so với trước”, đại diện Tổng công ty May 10 cho biết.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Trần Thị Phương Lan cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 449 chợ truyền thống và 1.800 cửa hàng tiện lợi, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa; 141 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, có thể kết nối với 1.130 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 45 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ngoài ra, thành phố còn có các kênh bán hàng đa phương tiện như bán hàng qua website, hotline, app... với khoảng 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng theo hình thức trực tuyến.

Sở Công Thương Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị có phương án sản xuất, kinh doanh hợp lý, bảo đảm đầy đủ, thường xuyên nguồn cung hàng hóa phục vụ trước, trong và sau các ngày lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa lưu thông trên thị trường. Đồng thời, xây dựng phương án phòng, chống dịch Covid-19 cho người lao động và khách đến mua sắm. Hàng hóa phải bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm, phải niêm yết giá công khai và bán theo giá niêm yết.

Thành phố đang tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu và chương trình dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai. Trong trường hợp cần thiết khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn, thành phố sẽ kích hoạt 2.500 địa điểm tại các quận, huyện sẵn sàng bố trí làm kho và điểm bán hàng lưu động; chuyển các địa điểm bán các mặt hàng không thiết yếu (siêu thị, cửa hàng, nhà hàng...) sang bán hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Đồng thời, thành phố Hà Nội cũng đẩy mạnh triển khai các hoạt động liên kết vùng, kết nối cung cầu hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố để tạo nguồn cung hàng hóa ổn định, phục vụ đầy đủ nhu cầu người dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.