Chủ động theo dõi sát diễn biến giá để bình ổn thị trường dịp cuối năm

Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng thiết yếu để góp phần bình ổn mặt bằng giá cả các mặt hàng tiêu dùng trong nước.

Tại kỳ họp tháng 7 của Tổ điều hành thị trường trong nước diễn ra ngày 30/7 vừa qua, tại Hà Nội, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương đánh giá, thị trường hàng hóa tháng 7/2019 tiếp tục có nhiều biến động tăng - giảm đan xen nhau do chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, đặc biệt là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài đã gây áp lực lên cung cầu, giá cả của nhiều hàng hóa trên thế giới.

Trong nước, thị trường hàng hóa tháng 7 nhìn chung nhu cầu tiêu dùng nhiều mặt hàng thiết yếu không cao nên giá tương đối ổn định. Mặt hàng xăng dầu tiếp tục được điều hành theo quy định, phù hợp với xu hướng giá thị trường thế giới, nhưng có sự điều chỉnh mức trích quỹ bình ổn để hạn chế biến động giá, góp phần bình ổn mặt bằng giá cả các mặt hàng tiêu dùng trong nước.

bình ổn thị trường những tháng cuối năm
Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa để góp phần bình ổn mặt bằng giá cả các mặt hàng tiêu dùng trong nước

Mặt hàng gạo, mặc dù đang trong giai đoạn thu hoạch rộ của vụ hè thu và nhờ tiêu thụ tốt, giá xuất khẩu tăng nên giá trong nước bắt đầu tăng nhẹ.

Mặt hàng thịt heo giá tăng tại các tỉnh phía Bắc, giảm tại các tỉnh phía Nam do dịch bệnh đang lây lan tại phía Nam, nhiều hộ chăn nuôi tranh thủ bán sớm để tránh dịch. Các mặt hàng khác, cung cầu, giá cả tương đối ổn định.

Với biến động như vậy, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 7 đạt 415,113 tỷ đồng, tăng 1,66% so với tháng trước. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 7 tháng đạt hơn 2,8 tỷ đồng, tăng 11,56% so với cùng kỳ năm 2018. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 8,74%.

Theo dự báo của Tổ điều hành thị trường trong nước, trong thời gian tới, các vấn đề về chính trị và thương mại giữa các nước lớn đang diễn biến theo chiều hướng căng thẳng nên nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu.

Tuy nhiên, với sự điều hành sát sao và phối hợp chặt chẽ của Chính phủ và các bộ, ngành cùng nguồn cung được đảm bảo tốt sẽ giúp bình ổn thị trường các tháng tiếp theo.

Cụ thể, trong những tháng cuối năm, Tổ điều hành trong nước dự báo, các bộ, ngành địa phương cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá cả hàng hóa thiết yếu; phối hợp thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với việc điều hành nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích, hỗ trợ nhà sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm Việt Nam. Ông Hoàng Anh Tuấn cho hay, từ nay đến cuối năm Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa đi liền với quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng triển khai các chương trình xúc tiến thương mại để góp phần thúc đẩy tiêu thụ và sức mua trên thị trường; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, thị trường miền núi, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đưa hàng hóa về nông thôn, vùng biên giới, hải đảo.

Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng thiết yếu.

Đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá và việc chấp hành theo quy định của pháp luật về quản lý giá.

Đặc biệt, siết chặt quản lý thị trường, tích cực ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

 

Hồng Hà