Chủ tịch Hồ Chí Minh - Cả một đời vì nước vì non

Sinh thời, trên cương vị Chủ tịch Nước, lãnh tụ tối cao của Đảng, nhưng cứ đến dịp 19/5, kỷ niệm Ngày sinh của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đi công tác để khỏi phiền các cơ quan đến chúc mừng, tổ chức sinh nhật linh đình, tốn kém. Đúng như câu “Cả một đời vì nước vì non” trong bài hát Trồng cây lại nhớ tới Người của nhạc sỹ Đỗ Nhuận.
Bác Hồ trò chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm ngày 19/5/1955
Bác Hồ trò chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm ngày 19/5/1955

Dưới đây là những lần sinh nhật đặc biệt của Người:

 19/5/1955

 “3 giờ 15’, chiều ngày 19-5 trong lúc anh chị em công nhân công chức nhà máy Xe lửa Gia Lâm đang họp mít tinh kỷ niệm ngày sinh nhật Hồ Chủ tịch thì từ ngoài cổng có tin báo tới nhà máy, là Hồ Chủ tịch đến.

Tin bất ngờ làm mọi người sửng sốt và vui mừng vô hạn.

“Mọi người phấn khởi chạy đến vây quanh Bác. Không còn khoảng cách của vị Chủ tịch nước và anh em công nhân, mà như người cha lâu ngày về gặp đàn cháu con. Bác vui vẻ hỏi chuyện mọi người về công việc của mình, công việc của nhà máy.

Thấy công nhân của nhà máy còn phải lao động trong môi trường nóng nực, Người không vui, dặn dò đồng chí Ngô Gia Khảm, Giám đốc và các đồng chí cán bộ của nhà máy phải quan tâm hơn nữa đến điều kiện làm việc của anh chị em công nhân.

Ngày 19/5/1959

Chủ tịch thăm nhà máy Rượu Hà Nội. Qua các phân xưởng sản xuất, thấy công nhân phải làm việc nặng nhọc, Người nói với cán bộ nhà máy “Các chú phải cải tiến để tăng năng suất, giảm bớt sức lao động”.

Cùng ngày, Người đến thăm Núi Thầy và vãn cảnh Chùa Tây Phương ở xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Tây. Người gửi tặng Huy hiệu cho 1 học sinh ở trường tiểu học Trung Hoa (Hà Nội) nhặt được của rơi, trả lại người mất.

Ngày 19/5/1960

Trong lúc Hoà thượng Thích Thanh Chân, trụ trì chùa Hương, đang chuẩn bị vào Phủ Chủ tịch để chúc thọ Hồ Chủ tịch tròn 70 tuổi, thì 5 giờ sáng hôm đó, Người lại vào thăm chùa Hương.

Tại đây, Người đã chỉ thị cho chính quyền địa phương phải sửa lại những con thuyền, bắc thêm cầu phao và làm thêm một con đường mới, để các Tăng Ni, Phật tử đi lại chiêm bái được dễ dàng và an toàn.

- Chùa Hương - và nói rộng ra là hang động Hương Tích - là nơi cảnh đẹp nhất nhì của đất nước ta, ta phải biết quý trọng mà giữ gìn, vun đắp cho con cháu mình được thưởng thức, thêm yêu đất nước.

Chú Uông về báo cáo với chính quyền Tỉnh phải chăm lo chỉ đạo việc khôi phục khu vực Chùa Hương, nhất là phải có sự vun trồng đạo đức con người, làm cho con người đi thăm Chùa Hương thì thêm yêu đất nước, quê hương, thêm giúp nhau vượt qua nghèo đói và khó khăn để cùng được sống yêu thương, no ấm, lành mạnh.

Tất nhiên là rồi ra cần xây lại chùa, cần trồng thêm nhiều cây cho mát, nhưng quan trọng hơn hết là xây dựng đạo đức sống với nhau đoàn kết, thuận hoà, chăm lo cho hạnh phúc của gia đình và cho mọi người chung quanh mình.

Ngày 18/5/1963

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt các nhà khoa học tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam.

Những điều đem phổ biến phải thiết thực, phải chính xác, phải làm sao cho quần chúng có thể hiểu được và làm được.

Sau khi đã phổ biến, ta phải theo dõi, giúp đỡ quần chúng học tập và áp dụng cho tốt. Nếu chỉ phổ biến rồi bỏ mặc quần chúng, không quan tâm theo dõi họ thực hiện được hay là không, kết quả tốt hay là xấu, như vậy là thiếu tinh thần trách nhiệm.

Các đồng chí phải đi xuống tận các xí nghiệp, các hợp tác xã, hỏi han công nhân, nông dân yêu cầu gì, họ làm ăn và sinh sống như thế nào và phổ biến những điều cần thiết giúp đỡ họ cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.

Các đồng chí phải là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa và khoa học, kỹ thuật; phải góp tài góp sức để cải biến bộ mặt nước ta, làm cho nhân dân ta sản xuất và công tác theo khoa học và đời sống của nhân dân ta văn minh, tức là khoa học, lành mạnh và vui tươi.

Ngày 19/5 các năm 1960, 1961, 1962, 1963, 1967

Bác đi công tác nước ngoài.

Từ ngày 10 đến 18/5/1968

Bác viết và sửa Di chúc ở nhà sàn. Ngày 19/5/1968, lúc này sức khỏe đã yếu, tuy Bác không đi công tác xa như những năm trước, nhưng từ tối ngày 18/5/1968, Bác lên nhà nghỉ ở Hồ Tây, ở lại đó qua ngày sinh nhật mới về

Năm 1969

Từ ngày 10/5 đến ngày 20/5, Bác vẫn đều đặn dành mỗi ngày 1 giờ, từ 9h đến 10h, để xem lại và sửa chữa Di chúc. 

Chiều 18/5, các đồng chí trong Bộ Chính trị và một số Ủy viên Trung ương Đảng vào chúc thọ Bác ở nhà họp Bộ Chính trị, ngay sau nhà sàn.

10 giờ 30 ngày 19/5, Bác tiếp chị Phan Thị Quyên (vợ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi).

Trong ngày này Bác gửi tặng tỉnh Nghệ An tấm ảnh chân dung có ghi phía dưới ảnh ''Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong mọi công tác, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân''.

Nam Sách