Có lẽ, một câu hỏi được rất nhiều người quan tâm là Việt Nam vốn được coi là một nước tiên phong mở cửa nhất trong khu vực khi có trong tay 10 FTA đang thực thi với 60 nền kinh tế, chiếm tới 90% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước; là 1 trong 3 nước Asean ký kết FTA thế hệ mới CPTPP; 1 trong 2 nước Asean hoàn tất đàm phán FTA với EU; vậy thì tại sao lại nhập siêu với 2 đối tác FTA lớn của châu Á là Trung Quốc, Hàn Quốc?

Câu trả lời là do những chuỗi cung ứng mới đã hình thành sau các FTA. Lợi ích cơ bản của FTA là giảm thuế. Muốn giảm thuế, phải đáp ứng điều kiện xuất xứ, thông thường khoảng 40% xuất xứ từ các nước thành viên tham gia FTA. Đối với Trung Quốc, đối tác có nhiều cam kết thương mại song phương và FTA đa phương (Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc) với Việt Nam; trong Top 10 nhóm hàng nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc có Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; Điện thoại các loại và linh kiện; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Vải các loại; Sắt thép; Nguyên phụ liệu dệt may; Nguyên phụ liệu da giày; Sản phẩm từ chất dẻo; Hóa chất; Sản phẩm từ sắt thép thì đều là những nhóm hàng Việt Nam cần nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, trong đó có 7 nhóm hàng nằm trong Top 10 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất 11 tháng đầu năm, bao gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; Điện thoại các loại và linh kiện; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; da giày; sắt thép; sản phẩm từ sắt thép.

samsung
Dây chuyền sản xuất của Samsung tại Bắc Ninh

 

Riêng 2 nhóm hàng Điện thoại các loại và linh kiện; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc, tiếp theo mới là Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ. 3 nhóm hàng dệt may, da giày, đồ gỗ được coi là có kim ngạch tăng trưởng mạnh nhất sang thị trường Trung Quốc. Đó cũng là lý do các mặt hàng công nghiệp chế biến xuất khẩu sang Trung Quốc sử dụng trên 50% ưu đãi C/O, trong khi nông sản chưa qua chế biến chủ yếu xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên không thường xuyên sử dụng ưu đãi này.

Đối với Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tương tự. Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai, Nhật Bản lớn thứ tư của Việt Nam trong nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may và da giày. Đổi lại, Việt Nam là nước có thị phần dệt may gia tăng nhanh nhất ở Hàn Quốc, do có trên 60% kim ngạch sử dụng ưu đãi C/O. Hiện Việt Nam là nhà cung cấp hàng may mặc lớn thứ 2 vào thị trường Hàn Quốc chỉ sau Trung Quốc với thị phần bám đuổi sít sao  là 32,67% so 34,46%. Con số tương quan này cực kỳ ấn tượng, bởi chỉ 3 năm trước thôi, khoảng cách thị phần giữa Trung Quốc và Việt Nam từ mức lớn trên 10%, lần lượt là 40,18% và 29,52%. Cũng không phải ngẫu nhiên mà tại thị trường Nhật Bản, nơi hàng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nước ta có tỷ lệ sử dụng ưu đãi chung 37%; thì tỷ lệ  nhựa và sản phẩm nhựa lên tới 88%, giày dép 96%; dệt may 80%.

Trong tương lai, khi CPTPP và EVFTA đi vào thực thi, sẽ lại hình thành thêm những chuỗi cung ứng mới từ liên minh châu Âu, Canada, Mehico. Đó là lý do căn bản để chúng ta tiếp tục đàm phán và ký kết 4 FTA nữa gồm Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA ASEAN- Hồng Kông, FTA với Israel và FTA với Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA).