Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Sức lan tỏa mạnh mẽ

Ngày 18/11/2015, tại Hà Nội, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Hội Khoa học và Công nghệ Sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai t

Chương trình Mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng Tiết kiệm và hiệu quả (giai đoạn 2011-2015) gồm 04 nhóm dự án: Dự án 1: Tăng cường giáo dục, tuyên truyền phổ biến thông tin, vận động cộng đồng, nâng cao nhận thức, thúc đẩy sử dụng năng lượng TK&HQ; Dự án 2: Phát triển, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp; Dự án 3: Sử dụng năng lượng TK&HQ trong các tòa nhà; Dự án 4: Thúc đẩy TKNL trong ngành GTVT.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Theo báo cáo của Tổng cục Năng lượng, sau gần 5 năm triển khai, cùng với sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, Chương trình đã thu được nhiều kết quả tích cực: 585 dự án, nhiệm vụ đã được triển khai trong khuôn khổ Chương trình; Trên 10.000 mẫu sản phẩm thuộc 15 nhóm sản phẩm mục tiêu đã được dán nhãn năng lượng; Hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho gần 700 doanh nghiệp; Trên 100 tòa nhà đã được vinh danh tại cuộc thi "Tòa nhà hiệu quả năng lượng”. Đặc biệt, bằng việc hỗ trợ cho 30.000 dàn nước nóng năng lượng mặt trời của Chương trình, đã kích thích và tạo ra một thị trường dàn nước nóng sôi động với rất nhiều mẫu mã đa dạng của nhiều nhà cung cấp. Theo thống kê, hiện cả nước có trên 700.000 dàn nước nóng năng lượng mặt trời đã được lắp đặt. Ước tính, mỗi năm tiết kiệm khoảng 1 tỷ kWh tương đương 1.600 tỷ đồng.

Ông Trịnh Quốc Vũ trình bày báo cáo tổng kết Chương trình MTQG về SDNL TK&HQ 2011-2015 tại Hội nghị

Ông Trịnh Quốc Vũ - Chánh Văn phòng TKNL - Vụ trưởng Vụ KHCN&TKNL (Tổng cục Năng lượng) cho biết: Sau 5 năm triển khai, Chương trình đã mang lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội, có ý nghĩa và sức lan tỏa sâu rộng. Bên cạnh nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chương trình đã đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng của các ngành công nghiệp được lựa chọn (ngành sản xuất thép, xi măng, hóa chất, thực phẩm/bia, dệt may, sợi và chế biến nông sản) cho đến việc tổ chức thực hiện dán nhãn trên 10.000 mẫu sản phẩm.

Sau 5 năm, Chương trình đã thực hiện 77 nhà máy xây dựng mô hình QLNLvà hoàn thành dự án cải thiện vận hành, trong đó có 15 DN đã thực hiện Hệ thống quản lý năng lượng và được nhận chứng chỉ về Hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001; Đào tạo và cấp chứng chỉ cho 2.200 cán bộ quản lý năng lượng và 250 chứng chỉ kiểm toán viên năng lượng; xây dựng và ban hành 02 bộ tài liệu chuẩn đào tạo về kiểm toán năng lượng và quản lý năng lượng; 02 bộ tài liệu đào tạo kiểm toán năng lượng nâng cao cho các ngành Dệt, ngành Đồ uống.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình đã gặp không ít rào cản như tài chính, văn bản thực hiện dưới luật còn vướng mắc nhưng rào cản lớn vẫn là về nhận thức của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế dẫn đến báo cáo đánh giá trong việc sử dụng năng lượng tại đơn vị còn mang tính đối phó và sơ sài cho nên khi áp các giải pháp TKNL chưa triệt để. Hay trong lĩnh vực thử nghiệm, kiểm định có hạn chế về cơ sở vật chất (cả nước có 03 trung tâm kiểm định chất lượng và 02 phòng thử nghiệm của Viện KHCN Mỏ và Viện Năng lượng).

Cũng theo ông Trịnh Quốc Vũ, trong thời gian tới, để Chương trình tiếp tục mang lại kết quả và có sức lan tỏa lớn, cần sự hỗ trợ đầu tư các trang thiết bị, đào tạo nhân lực cho các phòng thử nghiệm HSNL; hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn HSNL cho các sản phẩm dán nhãn; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về dán nhãn năng lượng cho người tiêu dùng, các doanh nghiệp; nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý, giám sát thực hiện chương trình dán nhãn; đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường dịch vụ TKNL ESCO thông qua cơ chế thực hiện hợp đồng EPC, hỗ trợ kĩ thuật, tài chính và nâng cao năng lực cho các đơn vị thực hiện; thúc đẩy xây dựng các cơ chế tài chính, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư thực hiện giải pháp TKNL; xây dựng cơ chế giám sát và đánh giá M&E và xây dựng NAMA trong TKNL.