Chuyển dịch cơ cấu vật nuôi cây trồng ở một huyện miền núi

Huyện Phù Yên có 27 xã, thị trấn, gồm 12 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc Mông, đồng bào Thái chiếm tỷ lệ cao nhất. Những năm qua, Phù Yên triển khai thực hiện nhiều đề án chuyển đổi cây trồng trên đất dốc; sản xuất lúa hữu cơ; chăn nuôi đại gia súc. Đến nay, các sản phẩm nông nghiệp đa dạng, có sức cạnh tranh của đồng bào các dân tộc trên địa bàn được đánh giá cao trên thị trường.

chuyen dich co cau

Chăn nuôi đại gia súc

Theo Nghị quyết của Huyện ủy Phù Yên “Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Huy động các nguồn lực tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, gắn xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện cho thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là đồng bào các dân tộc vùng cao, vùng lòng hồ sông Đà, từng bước ổn định và nâng cao đời sống nhân dân”; xã Tường Thượng đã triển khai nhiều mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, từng bước giúp bà con vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng

Bản Khoa 2 là bản có nhiều mô hình chăn nuôi đại gia súc quy mô lớn. Trong đó có những, trang trại có 130 con bò, 30 con trâu, mỗi năm cho lợi nhuận 600 - 700 triệu đồng. Từ chăn nuôi quy mô nhỏ phục vụ nhu cầu gia đình, nhiều hộ dùng tiền tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông mở trang trại nuôi trâu, bò lấy thịt và con giống. Có hộ học tập, tham khảo kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi tiêu biểu trên địa bàn và các tỉnh Yên Bái, Lạng Sơn... để trang bị kiến thức chăm sóc đàn vật nuôi đảm bảo sinh trưởng tốt, không mắc bệnh.

Với xã Mường Bang, việc tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi đất trồng bạc màu, độ dốc lớn, kém hiệu quả sang trồng cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò đã đạt được những kết quả tích cực. Bản Chùng, là một trong những bản đi đầu trong phát triển đàn gia súc. Cả bản hiện có 480 con trâu, bò, được nuôi theo hình thức bán chăn thả tại các bãi có rào chắn, dựng lán có mái che cho gia súc tránh mưa gió. Hằng năm, bản đã phối hợp với cán bộ thú y xã tổ chức tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; vận động bà con làm chuồng nuôi nhốt gia súc trong thời gian rét đậm, rét hại. Người dân trong bản đã chuyển đổi gần 2 ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ voi để chủ động thức ăn cho đại gia súc.

Có hộ gia đình ở đây nuôi tới 35 con trâu, bò, ngựa, vừa nuôi sinh sản vừa nuôi vỗ béo bán thịt, mỗi năm bán từ 5 - 6 con trâu, bò, ngựa thịt, 4 - 5 con trâu, bò, ngựa giống, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Tham quan vườn cam tại xã Mường Thải.
Tham quan vườn cam tại xã Mường Thải.

Sản xuất gạo hữu cơ

Từ cuối năm 2018, huyện Phù Yên triển khai "Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm gạo theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm" trong thời gian 2 năm 2019-2020. Dự án được thực hiện tại 2 xã Quang Huy, Huy Tân, nơi cư trú chủ yếu của đồng bài dân tộc Thái, với quy mô 210 ha; năm 2019 thực hiện 130 ha (Quang Huy, 105 ha, Huy Tân, 25 ha) với sự tham gia của gần 1.100 hộ; năm 2020 thực hiện 80 ha tại xã Quang Huy với 245 hộ tham gia. Các hộ tham gia Dự án được đầu tư giống, phân bón hữu cơ; được tập huấn kỹ thuật trước khi giao giống, phân bón; được tư vấn kỹ thuật trực tiếp từ khi gieo mạ đến khi thu hoạch; được ký kết bao tiêu sản phẩm…

Các hộ được chọn tham gia thực hiện dự án phải đảm bảo diện tích tối thiểu 500 m2 trở lên, liền vùng, liền thửa; có khả năng lao động, đầu tư, đối ứng giống, vật tư, phân bón. Khi tiến hành gieo trồng, chăm sóc phải theo đúng quy trình kỹ thuật được tập huấn dưới sự kiểm tra giám sát chặt chẽ của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện; cán bộ kỹ thuật tư vấn trực tiếp tại hiện trường theo phương pháp "cầm tay, chỉ việc" cho các hộ tham gia Dự án kể từ khi gieo mạ đến khi thu hoạch.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, hiệu quả kinh tế của mỗi ha tham gia Dự án sau khi trừ đi chi phí đã phát huy hiệu quả rõ rệt, mỗi ha cho thu nhập khoảng 30,5 triệu đồng/năm (tăng 20%), góp phần làm gia tăng giá trị cho sản phẩm, tăng việc làm và thu nhập cho bà con; đồng thời phục hồi các loài côn trùng và vi sinh vật có lợi cho đất, đưa nông nghiệp phát triển bền vững.

Trồng cây ăn quả

Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, Phù Yên đã có hơn 1.600 ha cây ăn quả các loại, gồm: cam, bưởi, nhãn, xoài, chuối, sơn tra, mận, chanh leo...; các loại cây giống đều được chiết ghép trước khi trồng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng, chăm sóc nên cây phát triển tốt. Đặc biệt, cây chanh leo cho thu hoạch sau khi trồng từ 4-6 tháng, sản lượng trung bình 10 tấn quả/ha (năm 2019 sản lượng ước hơn 5 nghìn tấn quả).

Huyện cũng đã chỉ đạo thành lập các HTX liên kết các hộ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thay đổi tư duy của người nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ, quảng canh sang thâm canh, sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; đầu tư hệ thống tưới ẩm nhỏ giọt... Hiện, đã thành lập 5 HTX trồng cây ăn quả: HTX trồng cam Văn Yên, HTX Mường Tấc, HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng, HTX chanh leo bản Lằn, HTX chanh leo Khu Han, HTX Dịch vụ nông nghiệp Minh Châu.

Với quyết tâm đưa cây cam trở thành nông sản mũi nhọn, huyện Phù Yên đã có nhiều giải pháp trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu cam.

Dọc các tuyến đường của xã Mường Thải, có bạt ngàn những đồi cam sai trĩu quả. Càng đáng mừng hơn, khi cuối năm 2017, sản phẩm cam Phù Yên được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cam Phù Yên cho huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Việc cấp giấy chứng nhận này sẽ mở hướng ổn định đầu ra cho sản phẩm cam trong huyện. Cam Phù Yên được cấp nhãn hiệu chứng nhận đã mở hướng ổn định cho đầu ra, động viên, khích lệ người trồng cam yên tâm đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cam, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Đây là động lực thúc đẩy nhiều hộ gia đình ở các xã Mường Thải, Mường Cơi, Tân Lang đều mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cam, quýt thay thế cho cây ngô, cây chè cho hiệu quả thấp. Trên địa bàn huyện có khoảng hơn 200 ha cam đã cho thu hoạch, sản lượng cam, quýt ước khoảng gần 3.000 tấn.

Nói rộng ra trên địa bàn tỉnh Sơn La, nhờ cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch mạnh theo hướng phát huy lợi thế so sánh, gắn với thị trường, nhất là các thị trường cao cấp, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế; một số sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường trong nước và nước ngoài. Hiện Sơn La có 18 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ. Cụ thể: 3 chỉ dẫn địa lý, gồm: Chè Shan tuyết Mộc Châu; Quả xoài tròn Yên Châu; Cà phê Sơn La; 13 nhãn hiệu chứng nhận, gồm: Chè Olong Mộc Châu; Rau an toàn Mộc Châu; Chè Phổng Lái Thuận Châu Sơn La; Nếp Mường Và Sốp Cộp; Cá tầm Sơn La; Cá Sông Đà Sơn La; Cam Phù Yên; Nhãn Sông Mã; Khoai sọ Thuận Châu; Táo Sơn tra Sơn La; Na Mai Sơn; Bơ Mộc Châu; Chuối Yên Châu; 02 nhãn hiệu tập thể, gồm: Mật ong Sơn La; Chè Tà Xùa Bắc Yên.

Với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn bền vững, Sơn La nói chung và huyện Phù Yên nói riêng trong thời gian tới tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư phát triển các vùng sản xuất chuyên canh sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Trong đó, tập trung xây dựng các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, cây ăn quả có múi, nuôi cá lồng; duy trì và phát triển các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm; quy hoạch vùng sản xuất gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, nhằm cải thiện đời sống, nâng cao mức thu nhập của đồng bào các dân tộc anh em trên địa bàn.

Nhóm phóng viên