Chuyển đổi số hoạt động marketing, nghiên cứu ngành nhôm Việt Nam

ThS. TRẦN BẢO CHÂU (Giám đốc Marketing, Tập đoàn Austdoor) - PGS. TS. Vũ Huy Thông (Trường Đại học Kinh tế quốc dân)

TÓM TẮT:

Bài báo được viết dưới dạng nghiên cứu, tổng quan các công trình nghiên cứu trước đây nhằm tìm hiểu về khái niệm, các hoạt động chính trong marketing số: Insight (thấu hiểu) và phân tích khách hàng qua việc thu thập và phân tích dữ liệu lớn (Big Data): tiếp thị theo hướng dữ liệu (Data driven marketing; nâng cao trải nghiệm khách hàng. Bài viết cũng đề cập đến bối cảnh về thị trường ngành Nhôm Việt Nam. Phương pháp nghiên cứu tài liệu và nghiên cứu tình huống qua 3 công ty lớn trong ngành Nhôm cho thấy, các doanh nghiệp Nhôm đang quan tâm với môi trường, bước đầu có những sự thay đổi trong hoạt động marketing nhờ công nghệ.

Từ khóa: marketing số, chuyển đổi số, nền tảng công nghệ, ngành Nhôm Việt Nam, marketing vật liệu xây dựng.

1. Đặt vấn đề

Chuyển đổi số hoạt động marketing là sự tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào các quy trình marketing trong doanh nghiệp để nâng cao doanh số bán hàng, tăng hiệu quả marketing (Shpak và cộng sự, 2020). Trước đây công nghệ được sử dụng để giảm chi phí và cải thiện quy trình kinh doanh trong doanh nghiệp. Ngày nay, công nghệ được sử dụng để đáp ứng những thay đổi cơ bản trong hành vi và lối sống của người tiêu dùng, cũng như thiết lập các mối quan hệ kinh tế. Do đó, trong các doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi kỹ thuật số, công nghệ được xem như một công cụ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của tổ chức, không ảnh hưởng đến khuôn khổ và nguyên tắc hoạt động trước đây. Công nghệ mang lại tiềm năng lớn hơn và ở dạng tiên tiến nhất, nó có thể dẫn đến sự thay đổi hoàn toàn về tổ chức dựa trên các công cụ hiện đại (Mazurek, 2019).

Truyền thông marketing trong tương lai sẽ tạo một cuộc chuyển đổi toàn diện trong doanh nghiệp bằng cách tích hợp và đồng bộ các nền tảng số vào hệ thống vận hành, tối ưu hiệu quả quản lý dữ liệu, thương mại điện tử và trải nghiệm người dùng đa kênh. Trước bối cảnh nảy, chuyển đổi số hoạt động marketing chính là cánh cửa mở ra cơ hội để doanh nghiệp chuyên nghiệp hóa hệ thống vận hành, thúc đẩy hiệu quả kinh doanh, tạo trải nghiệm khách hàng tại các điểm chạm đa kênh phong phú hơn. Chuyển đổi số trong marketing giúp tối ưu hóa việc sử dụng các kênh kỹ thuật số để có được những “Insights” (sự thấu hiểu) sâu sắc hơn và cải thiện hành trình của khách hàng.

Do vậy, bài nghiên cứu tìm hiểu khái niệm chuyển đổi số hoạt động marketing và ứng dụng chuyển marketing ngành Nhôm nói riêng và ngành Vật liệu xây dựng tại Việt Nam nói chung trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Khái niệm về chuyển đổi số hoạt động marketing

Chuyển đổi số hoạt động marketing cung cấp các công cụ mới để tiếp cận khách hàng hiệu quả trên quy mô lớn, đồng thời chủ động phát triển và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Bản thân các công nghệ kỹ thuật số cũng là một động lực thay đổi, vì chúng đã trở thành một phần quan trọng của xã hội và trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta (Ukko, J, 2019).

Theo Công ty Nghiên cứu và Tư vấn công nghệ thông tin Gartner (2014), chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ trong thay đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó tạo thêm nhiều cơ hội và giá trị mới, giúp doanh nghiệp gia tăng tốc độ tăng trưởng và đạt doanh số tốt hơn.

Còn theo Microsoft (2015), chuyển đổi số chính là tái cấu trúc tư duy trong phối hợp giữa dữ liệu, quy trình và con người nhằm tạo ra nhiều giá trị mới.

Phân tích chuyển đổi số hoạt động marketing, cũng cần hiểu rõ về thuật ngữ “số hóa tài liệu marketing” và “marketing số”. Số hóa là quá trình đổi mới hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số, vì vậy số hóa tài liệu marketing có thể hiểu là phương pháp chuyển đổi dữ liệu từ analog hay vật lý sang dạng kỹ thuật số.

Marketing số là thuật ngữ đã xuất hiện từ những năm 1990, khi internet ra đời, trở thành công cụ giao tiếp và kinh doanh có giá nhằm tác động đến công chúng (Damyan Ryan, 2012). Đến những năm 2000, sự xuất hiện của điện thoại di động và các mạng xã hội đã làm cho nội hàm của marketing kỹ thuật số thay đổi. Markeitg kỹ thuật số cho phép các khách hàng và doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng các chiến lược marketing nhằm thỏa mãn các nhu cầu hiện tại của người dùng và khơi gợi các nhu cầu trong tương lai (Yadav&Pavlou, 2014; Brosnan F., 2012). Theo Bruyn (2008), marketing kỹ thuật số bao gồm 4 khía cạnh chính ứng dụng trong kinh doanh: marketing trên web/thiết bị di động; tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), mạng xã hội và quản lý quan hệ khách hàng (CRM).

Chuyển đổi số trong marketing có nghĩa là tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào các quy trình truyền thông - marketing để phát triển danh tiếng, nâng cao doanh số bán sản phẩm dịch vụ và tăng trải nghiệm tích cực cho khách hàng (Accenture, 2017).

2.2. Các hoạt động chính trong chuyển đổi số hoạt động marketing

Trong marketing, chuyển đổi số tập trung vào 3 hoạt động chính:

- Insight (thấu hiểu) và phân tích khách hàng qua việc thu thập và phân tích dữ liệu lớn (Big Data): Phân tích khách hàng hay thông tin khách hàng là quá trình thu thập và phân tích dữ liệu để có được những hiểu biết sâu sắc về hành vi của khách hàng. Với các công nghệ khác nhau thu thập dữ liệu khách hàng như phân tích hành vi trên website và các ứng dụng, hệ thống quản lý quan hệ khách hàng CRM (Customer Relationship Management), nền tảng dữ liệu khách hàng CDP (Customer Data Platform),… giúp doanh nghiệp có những hiểu biết sâu săc về hành vi của khách hàng, phân tích được các tương tác, đo đếm được thông tin và phản ứng tại các điểm chạm tiếp xúc với khách hàng, từ đó nâng cao hành trình mua hàng của khách hàng và quản lý được dữ liệu khách hàng một cách tập trung.

Tiếp thị theo hướng dữ liệu (Data driven marketing): là các chiến lược marketing được xây dựng dựa trên các thông tin chi tiết thu được từ việc insight khách hàng và phân tích dữ liệu lớn Big Data. Đây là phương pháp tối ưu hóa các hoạt động marketing dựa trên tất cả các loại và nguồn dữ liệu để đưa ra quyết định, triển khai và quản lý chiến dịch marketing. Data driven marketing sử dụng các kỹ thuật phân tích và công nghệ mới nhất (Data analytics and lastest technology) để đánh giá nhu cầu và dự đoán hành vi của khách hàng dựa trên dữ liệu về khách hàng, thị trường và bản thân hoạt động kinh doanh.

- Nâng cao trải nghiệm của khách hàng với các đề xuất được cá nhân hóa: Khách hàng được tiếp thị với các nội dung sáng tạo dành riêng cho mình, các công ty cũng có thể tăng hiệu quả của nội dung tiếp cận đến khách hàng bằng các phân tích văn bản, hình ảnh, video,… với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), sử dụng thực tế tăng cường (Augmented Reality - AR), sử dụng Chatbots để hỗ trợ khách hàng 24/7 mà không cần sự can thiệp của con người.

3. Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện bài báo này, nhóm tác giả đã sử dụng 2 phương pháp đó là nghiên cứu tài liệu và phương pháp Case Study tại 3 doanh nghiệp trong ngành Nhôm.

Với phương pháp nghiên cứu tài liệu, tác giả đã nghiên cứu các công trình nghiên cứu trước đây để tìm hiểu về khái niệm và đặc điểm cũng như các hoạt chính của chuyển đổi số trong hoạt động marketing của doanh nghiệp.

Phương pháp Case Study để nghiên cứu tình hình chuyển đổi số hoạt động marketing trong các doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng nhôm tại Việt Nam, gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Austdoor (doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng công nghệ cao, sở hữu thương hiệu nhôm Topal - Đại diện cho nhóm Nhà sản xuất nhôm), Công ty Hoàng Thịnh (doanh nghiệp phân phối nguyên vật liệu xây dựng - đại diện cho nhóm nhà phân phối nhôm), Công ty Qswindow (doanh nghiệp nhập hàng các nguyên vật liệu về sản xuất thành sản phẩm cuối sử dụng cho các công trình - đại diện cho đơn vị sản xuất cửa nhôm).

4. Thực trạng áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động marketing của các doanh nghiệp ngành Nhôm Việt Nam

4.1. Bối cảnh

Trong 20 năm qua, “cuộc cách mạng kỹ thuật số” đã thay đổi hoàn toàn trải nghiệm của khách hàng (Tivasuradej và cộng sự 2019).

Trước đây, khi internet chưa phát triển chiến lược marketing và trải nghiệm khách hàng được diễn ra bắt đầu từ việc các mặt hàng vật liệu xây dựng như thanh nhôm được sản xuất tại các nhà máy sau đó được quảng cáo thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và phổ biến nhất là quảng cáo truyền miệng door-to-door trực tiếp từ đội ngũ nhân viên kinh doanh của nhà sản xuất tới hệ thống các nhà phân phối vật liệu xây dựng trên toàn quốc.

Khi internet bắt đầu sự phát triển thì chiến lược marketing và trải nghiệm khách hàng trong ngành Nhôm Việt cũng dần thay đổi: khách hàng cuối sẽ được tiếp cận với sản phẩm và doanh nghiệp qua nhiều kênh mới làm tăng sự giải trí và tương tác, như: website, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, mua hàng trực tuyến,… Phương tiện truyền thông xã hội và các công cụ của nó để chia sẻ văn bản, hình ảnh và video đã tạo ra các mạng xã hội giữa người tiêu dùng và nội dung theo cá nhân hóa nhu cầu của người dùng. Do đó, việc mua sắm trở nên thú vị, dễ dàng và thuận tiện hơn.

Chuyển đổi số marketing giúp doanh nghiệp thu thập nhiều hơn thông tin của khách hàng, đồng thời chuyển đổi nó thành những phân tích nhờ có ý nghĩa trong marketing một các dễ dàng và chính xác. Điều này tạo ra một mạng thông tin khách hàng chuyển đi khắp các phòng ban và đồng nhất hoạt động marketing với toàn bộ các chức năng khác trong doanh nghiệp.

4.2. Xu hướng áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động marketing của các doanh nghiệp ngành Nhôm Việt Nam

4.2.1. Xu hướng công nghệ xanh trong sản xuất - đổi mới về sản phẩm

Sản phẩm xanh, sạch, thân thiện với môi trường đang là xu hướng mới mà khách hàng rất quan tâm vì một sự phát triển bền vững cho xã hội. Là nguyên vật liệu xanh, nhôm được ưu tiên sử dụng vì khả năng tái chế lên tới 90%. Xu hướng công nghệ xanh được ứng dụng trong ngành Nhôm Việt thông qua việc nghiên cứu phát triển các công nghệ bề mặt mới. Các công ty sản xuất lớn như nhôm Topal (thuộc Tập đoàn Austdoor), đầu tư trang bị những dây chuyền đùn ép và xử lý bề mặt tự động, đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật cao đồng thời hệ thống xử lý thải được kiểm soát chặt chẽ.

4.2.2. Xu hướng phá vỡ các silos để minh bạch giá - đổi mới về giá

Silo là nơi chứa đựng nguyên liệu như lương thực, than, xi măng, gỗ, thực phẩm, mùn cưa,… cần bảo quản với số lượng lớn, ở trạng thái kín hoặc lạnh khi cần thiết. Dưới góc độ doanh nghiệp, Silo là trạng thái tâm lý khi một số bộ phận không muốn hợp tác và chia sẻ thông tin với những người khác trong cùng một công ty.

Khi các công cụ marketing hoạt động ở trạng thái silos, nhà tiếp thị (marketer) sẽ không bao quát được hết hoạt động hiện tại (Erin O’Mallay, 2019). Việc chuyển đổi số sẽ giúp phá vỡ các sillo này, thống nhất hoạt động của các kênh như một chuỗi kết nối, cung cấp cho các marketer một cái nhìn toàn diện về dữ liệu khách hàng. Nghiên cứu case study về chính sách giá từ nhà sản xuất nhôm Topal - Đại lý Phân phối Hoàng Thịnh - Đại lý sản xuất QS Window, ta thấy: trước khi chuyển đổi số, chính sách giá bán lẻ không thống nhất, khách hàng không có cơ sở để kiểm tra giá. Hiện tại, khách hàng hoàn toàn có thể kiểm tra giá thống nhất của nhôm hệ Topal trên cả website của Topal hay website của Hoàng Thịnh và của QS window.

Ứng dụng công nghệ vào ngành Nhôm có thể giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn các thương hiệu nhôm, hệ nhôm khác nhau cho công trình của mình và so sánh giá, so sánh chất lượng trên cùng một công trình với các lựa chọn khác nhau. Kỹ thuật học máy sẽ phân tích và đưa ra kết quả khách quan dựa trên tính toán cấu trúc công trình thực tế với hệ nhôm lựa chọn để đưa ra những tư vấn cho khách hàng, phá vỡ các silo về giá trong kinh doanh truyền thống.

4.2.3. Xu hướng tiêu dùng trực tuyến - đổi mới về hoạt động phân phối

Trong ngành Nhôm Việt, các doanh nghiệp sản xuất áp dụng chuyển sang cạnh tranh bằng cách tối ưu và mở rộng chuỗi giá trị tới khách hàng. Ứng dụng chuyển đổi số hoạt động marketing tại đây được chia thành 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Thu thập dữ liệu về sản phẩm, khách hàng, địa điểm bằng cách số hoá việc giao dịch với khách hàng.

Giai đoạn 2: Tối ưu các khâu dựa trên insight từ dữ liệu, ví dụ như tối ưu quy trình xử lý đơn hàng và chuyển xuống đặt lịch sản xuất chủ động bằng nền tảng đặt hàng online.

Giai đoạn 3: Thiết kế lại chuỗi giá trị và mô hình kinh doanh: mở rộng các dịch vụ mới nhằm gia tăng giá trị, kết hợp với các mô hình kinh doanh khác tạo thành hệ sinh thái. Ví dụ, Nhôm Topal thiết lập lại mô hình kinh doanh không chỉ tập trung vào các nhà phân phối, mà tạo ra các ứng dụng thu hút đại lý thương mại, đại lý sản xuất, thợ nhôm kính cho chính những đại lý phân phối hợp tác với Topal ở các khu vực.

4.4.4. Xu hướng ứng dụng marketing techlology (martech) - đổi mới về xúc tiến

Marketing technology (Martech) là sự hợp nhất giữa công nghệ với các hoạt động marketing. Cụ thể, Martech là tập hợp các giải pháp, nền tảng công nghệ phục vụ doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chiến lược tiếp thị, quảng bá sản phẩm/thương hiệu đến với khách hàng mục tiêu trên hàng loạt các kênh thông tin khác nhau (John Koetsier, 2017).

Các xu hướng ứng dụng nền tảng kỹ thuật số vào marketing của một số doanh nghiệp trong ngành Nhôm Việt:

(1) Nền tảng Marketing đa kênh - Tại giai đoạn tiếp cận tạo nhu cầu: Bao gồm các kênh website chính thức, email, mạng xã hội, tổng đài điện thoại, các công cụ dẫn như Google Adword, SEO, SEM,… nhằm tăng độ phủ sóng của thương hiệu, giúp doanh nghiệp quan tâm tới khách hàng ở nhiều môi trường tương tác hơn và nâng cao giá trị thương hiệu.

(2) Nền tảng Marketing tự động (Automation Marketing) - tại giai đoạn phân tích theo dõi dữ liệu khách hàng: sử dụng phần mềm để tối ưu hóa những quá trình phân tích và tổng hợp thông tin khách hàng.

(3) Nền tảng quản lý khách hàng trung thành: là nền tảng giúp doanh nghiệp thu thập và lưu trữ, quản trị dữ liệu khách hàng của mình trong suốt hành trình của họ để có thể đưa ra những cách thức truyền thông tiếp thị phù hợp, nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng và tạo ra sự trung thành của khách hàng.

(4) Một số nền tảng công nghệ khác như công nghệ thực tế tăng cường, thực tế ảo (AR, VR), công nghệ livestream video trực tiếp, công nghệ tiếp thị giọng nói, công nghệ AI Video (các Video với MC ảo), hoặc sử dụng công nghệ chatbots để tư vấn khách hàng tự động.

5. Kết luận và khuyến nghị

Trong thời đại Internet và các thiết bị kỹ thuật số đang thống trị thế giới, chuyển đổi số hoạt động marketing trở thành điều kiện bắt buộc phải có để giành ưu thế chiếm lĩnh thị trường. Do đó, chúng ta cần phải ứng dụng công nghệ mạng máy tính, các phương tiện điện tử, các nền tảng giải pháp công nghệ mới vào việc nghiên cứu thị trường, hỗ trợ phát triển sản phẩm, cải tiến phương thức phân phối, cách thức GTM (Go to market) và phát triển các chiến lược, chiến thuật marketing.

Một nghiên cứu của Ogilvy năm 2019 chỉ ra rằng, ngân sách của hoạt động marketing chuyển dịch từ truyền thông (marcom) sang các nền tảng (martech) lên tới 30 - 40%. Thêm vào đó, sự tăng trưởng trong chi tiêu digital marketing tiếp tục vượt xa marketing truyền thống. Chuyển đổi số marketing ứng dụng trong ngành Nhôm Việt không chỉ giúp các doanh nghiệp sản xuất nhôm nắm bắt các trải nghiệm của khách hàng trên môi trường số, mà còn giúp tối ưu hóa vận hành, dễ dàng quản lý hệ thống, phát triển đội ngũ nhân sự, đem lại năng suất lao động cao hơn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh. Một số biện pháp ứng dụng chuyển đổi số marketing các doanh nghiệp sản xuất nhôm tập trung vào như sau:

Thứ nhất, xây dựng một chiến lược chuyển đổi số tổng thể hoạt động marketing trong bức tranh toàn cảnh về hệ thống nền tảng và ứng dụng công nghệ chung của doanh nghiệp.

Thứ hai, tinh chỉnh các kênh kỹ thuật, đánh giá, xem xét lại các công cụ và kênh tiếp thị hiện tại như website, SEO, social media, cơ sở dữ liệu khách hàng,… tích hợp nền tảng marketing đa kênh để thống nhất nội dung và tăng cường nhận hiện thương hiệu tại các điểm chạm.

Thứ ba, xây dựng và hoàn chỉnh nền tảng quản lý khách hàng, hiểu dữ liệu khách hàng và các thông tin xung quanh nó là giá trị cốt lõi, trung tâm cho sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.

Thứ tư, tăng cường trải nghiệm khách hàng bằng công nghệ AR, VR, trí tuệ nhân tạo AI, chatbots,… giúp trải nghiệm mua sắm sản phẩm nhôm khô cứng trở nên thú vị hơn. Vận dụng big data và các giải pháp AI để tạo ra các trải nghiệm cá nhân hóa, đồng thời đem lại nhiều ý tưởng marketing mới.

Thứ năm, phát triển những cộng đồng khách hàng đặc thù trên nền tảng số (ví dụ cho nhóm đại lý sản xuất, thợ nhôm kính), phát triển hình thức đặt hàng online và những hình thức thanh toán, cho phép hạn mức công nợ và những tiện ích hiệu quả hơn với khách hàng.

Thứ sáu, triển khai các chiến dịch marketing theo hướng dữ liệu, được cá nhân hóa với các nội dung sáng tạo thông minh, có khả năng thu hút leads và tối ưu hoá tỷ lệ chuyển đổi (CRO).

Tóm lại, chuyển đổi số trong marketing là quan trọng và cấp thiết, phù hợp với một thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trong ngành Nhôm Việt nói riêng phải không ngừng nỗ lực, bằng cách luôn cập nhật các xu hướng marketing tương lai để thay đổi tư duy, cải thiện tầm nhìn nhằm có được chiến lược marketing phù hợp trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Rodney D., Dana-Mihaela P., Iliuta-Costel N. and Tudor E. (2019). Effect of YouTube Marketing Communication on Converting Brand Liking into Preference among Millennials Regarding Brands in General and Sustainable Offers in Particular. Evidence from South Africa and Romania. Sustainability, 11, 604-628.
  2. Lucˇic´, A. (2020). Measuring Sustainable Marketing Orientation - Scale Development Process. Sustainability, 12, 1734-1757.
  3. Borin, N.; Metcalf, L. (2010). Integrating Sustainability into the Marketing Curriculum: Learning Activities That Facilitate Sustainable Marketing Practices. J. Mark. Educ., 32, 140-154.
  4. Chaffey, D.; Ellis-Chadwick, F. (2016). Digital Marketing, Strategy, Implementation and Practice. Pearson: Harlow, UK.
  5. Shpak, N.; Kuzmin, O.; Dvulit, Z.; Onysenko, T.; Sroka, W. (2020). Digitalization of the Marketing Activities of Enterprises: Case Study. Information, 11, 109-123.
  6. Mazurek, G. (2019). Transformacja Cyfrowa. PWN: Warsaw, Poland.
  7. Zhang, A.; Saleme, P.; Pang, B.; Durl, J.; Xu, Z. (2020). A Systematic Review of Experimental Studies Investigating the Effect of Cause-Related Marketing on Consumer Purchase Intention. Sustainability, 12, 9609-9622.
  8. Ziółkowska, M.J. (2019). Co-Creation of Value in Sustainable Marketing in SMEs. In Entrepreneurship, Economic Development and Public Policy - In Search of Synergies; Parker, E., Ed. (pp. 181-191). SGH Warsaw School of Economics: Warsaw, Poland.
  9. El Hilali, W.; El Manouar, A.; Janati Idrissi, M.A. (2020). Reaching sustainability during a digital transformation: A PLS approach. Int. J. Innov. Sci., 12, 52-79.
  10. Dumitriu, D.; Militaru, G.; Deselnicu, D.C.; Niculescu, A.; Popescu, M.A.-M. (2019). A Perspective over Modern SMEs: Managing Brand Equity, Growth and Sustainability Through Digital Marketing Tools and Techniques. Sustainability, 11, 2111-2135.
  11. Li, L.; Su, F.; Zhang, W.; Mao, J.-Y. (2018). Digital transformation by SME entrepreneurs: A capability perspective. Inf. Syst. J., 28, 1129-1157.
  12. Ukko, J.; Nasiri, M.; Saunila, M.; Rantala, T. (2019). Sustainability strategy as a moderator in the relationship between digital business strategy and financial performance. J. Clean. Prod., 236, 1-9.
  13. Bounfour, A. (2016). Digital Futures, Digital Transformation: From Lean Production to Acceluction. Springer International Publishing: Cham, Switzerland.

Digital transformation in marketing: Case study of Vietnam’s aluminium industry

Master. Tran Bao Chau1

Assoc.Prof.Ph.D Vu Huy Thong2

1Marketing Director, Austdoor Group

2National Economics University

ABSTRACT:

This paper presents an overview about previous studies on the concept and main activities of digital marketing including: Insight and customer analysis through big data collection and analysis, data-driven marketing, and customer experience improvement. This paper also presents the current situation of Vietnam’s aluminum industry. By examining case studies of three big companies in Vietnam’s aluminum industry, this paper finds out that Vietnamese aluminum manufacturers are paying attention to the environment and they are starting to change their marketing activities thanks to the technological advances. 

Keywords: digital marketing, digital transformation, technology platform, Vietnam’s aluminium industry, marketing for building materials.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 4 năm 2022]