Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam và tác động của chính sách

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam và tác động của chính sách của ThS. Bùi Thị Huệ (Giảng viên, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Với lợi ích nâng cao năng lực cạnh tranh và tối ưu hóa hiệu suất hoạt động, chuyển đổi số đang là giải pháp nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp tại Việt Nam trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Chính phủ đã, đang và tiếp tục thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ toàn diện các DNNVV từ cấp trung ương đến cấp địa phương từ ban hành các văn bản pháp lý, đóng vai trò trung gian kết nối doanh nghiệp và các chuyên gia đơn vị chuyển đổi số  đến hỗ trợ tư vấn và cung cấp dịch vụ chuyển đổi số. Sự đồng hành của Chính phủ thông qua các chính sách hỗ trợ toàn diện và tích cực về chuyển đổi số trong doanh nghiệp vừa và nhỏ đã giúp nhóm này có thể chủ động vượt qua các thách thức khó khăn để chuyển đổi số thành công.

Từ khóa: chuyển đổi số, doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính sách của Chính phủ.

1. Đặt vấn đề

Chính phủ Việt Nam nhận thức rất rõ vai trò của chuyển đổi số trong tổng thể tất cả các hoạt động của quốc gia minh chứng qua việc ban hành các văn bản: Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;…

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid 19, chuyển đổi số là lựa chọn sống còn của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Việt Nam. Đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ đã có nhiều chính sách và giải pháp để thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số  đặc biệt quan tâm đến DNNVV, nhóm dễ bị tổn thương và chịu tác động ảnh hưởng nặng nề khi gặp những khó khăn, bất ổn.

2. Tổng quan về chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam

2.1. Định nghĩa chuyển đổi số và doanh nghiệp nhỏ và vừa

2.1.1. Định nghĩa chuyển đổi số

Theo Siebel, trên góc nhìn của một công ty hay doanh nghiệp, chuyển đổi số còn được định nghĩa là việc sử dụng công nghệ số và phương pháp phân tích tiên tiến để cải thiện hoạt động của doanh nghiệp về các tiêu chí giá trị kinh tế, sự linh hoạt và tốc độ [1]

Nhóm tác giả Đại học Groningen trình bày các khái niệm về số hóa dữ liệu (Digitization) và số hóa quy trình (Digitalization) so với chuyển đổi số (Digital Transformation) [2]. Các khái niệm này đã thể hiện phần nào 3 giai đoạn khi thực hiện chuyển đổi số xét về khía cạnh xây dựng nền tảng kỹ thuật số của một tổ chức.

Bảng 1. Các giai đoạn của chuyển đổi số tại một tổ chức

chuyển đổi số

Nguồn: [3]

2.1.2. Định nghĩa về doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam      

Điều 6 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 11/3/2018 Quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV đã xác định các tiêu chí của DNNVV tại Việt Nam cụ thể trong Bảng 2.

Bảng 2. Tiêu chí xác định DNNVV tại Việt Nam

chuyển đổi số

Theo Diễn đàn chuyển đổi số Việt Nam 2021, tính đến tháng 12/2020, Việt Nam có hơn 811.000 doanh nghiệp, trong đó DNNVV chiếm tới 98,1%, đóng góp tới 45% GDP. Điều này cho thấy DNNVV chiếm một tỷ trọng lớn, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và là mũi nhọn trong chuyển đổi số để hướng đến xây dựng nền kinh tế số.

2.2. Hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam

Theo kết quả khảo sát DNNVV do nhóm nghiên cứu Walkins thực hiện, mục tiêu của DNNVV tại Việt Nam khi thực hiện chuyển đổi số  tập trung vào: nâng cao trải nghiệm của khách hàng nhằm duy trì dòng tiền kinh doanh (chiếm 54%); gia tăng các tính năng sản phẩm (45%); tối ưu hóa quy trình làm việc (39%) [4].

Để thực hiện chuyển đổi số thành công, DNNVV cần xác định một lộ trình rõ ràng gồm các bước cụ thể sau:

Bước 1. Xác định hiện trạng của doanh nghiệp

Bước này nhằm giúp doanh nghiệp xác định các nội dung: mục đích, động lực chuyển đổi số; cách thức vận hành, quản trị doanh nghiệp; mô hình kinh doanh của doanh nghiệp… Trong đó, phần trọng tâm quyết định toàn bộ hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp gồm:

- Chuỗi giá trị của doanh nghiệp: định hình các công đoạn mang lại giá trị lớn nhất của doanh nghiệp, từ đó tập trung nguồn lực vào các giá trị cốt lõi, tăng hiệu quả và chất lượng chuyển đổi số.

- Các cấp độ chuyển đổi số (chiến lược, mô hình kinh doanh, mô hình quản trị): nhìn nhận lại hoạt động tổng thể của doanh nghiệp từ hoạt động kinh doanh chính, dòng tiền, cấu trúc chi phí, quan hệ khách hàng và đối tác chính, các nguồn lực… Từ đó, doanh nghiệp xác định các góc độ cần ưu tiên chuyển đổi số như định hướng kinh doanh để tăng cường dòng tiền lợi nhuận hay định hướng quản trị để tối ưu hóa chi phí và hiệu suất quản trị.

Bước 2. Đặt ra mục tiêu chuyển đổi số và tìm phương hướng phù hợp

Căn cứ vào kết quả đánh giá hiện trạng ở Bước 1, doanh nghiệp xác định mục tiêu của chuyển đổi số đối với hoạt động doanh nghiệp và nên chia thành nhiều mục tiêu theo khung thời gian gồm: mục tiêu ngắn hạn (dưới 01 năm), mục tiêu trung hạn (01-03 năm), mục tiêu dài hạn (trên 03 năm). Việc chia các mục tiêu theo khung thời gian tạo sự dễ dàng trong việc đánh giá chất lượng chuyển đổi số, cũng như tạo động lực khích lệ doanh nghiệp tiếp tục thực hiện, tránh việc nản lòng bỏ dở giữa chừng. Tiếp theo là tìm kiếm phương pháp thực hiện phù hợp tùy thuộc doanh nghiệp, trong đó có hai lựa chọn là chuyển đổi số theo hai dạng là mô hình kinh doanh và mô hình quản trị với các phương hướng được trình bày ở Bảng 3.

Bảng 3. Một số phương hướng chuyển đổi số điển hình

chuyển đổi số

Nguồn: [5]

Bước 3. Thiết kế, chọn lựa giải pháp và xây dựng lộ trình thực hiện

Doanh nghiệp cần căn cứ vào mục tiêu và phương hướng ở Bước 2 để thiết kế, chọn lựa các giải pháp phù hợp trong đó cần chú ý việc phân bổ nguồn lực phù hợp với đặc điểm, năng lực của doanh nghiệp. Các giải pháp này có thể là tự xây dựng phần mềm, thuê công ty ngoài tư vấn hay sử dụng một nền tảng dùng chung có sẵn và nhiều cách khác. Điểm cốt lõi cần chú ý là thực hiện từng mục tiêu ngắn hạn để tạo động lực nhưng vẫn phải đồng bộ theo nguyên tắc mục tiêu ngắn hạn hỗ trợ hoàn thành mục tiêu trung hạn, mục tiêu trung hạn hỗ trợ cho mục tiêu dài hạn.

Theo Báo cáo chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2022, DNNVV tại Việt Nam chỉ có 2,2% đang ở giai đoạn 2 và 48,8% đã từng sử dụng giải pháp số nhưng hiện tại không còn sử dụng [6]. Nguyên nhân do doanh nghiệp chưa xác định mục tiêu và chiến lược chuyển đổi số đúng đắn, thiếu nhân sự và các nguồn lực, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều biến động hiện nay. Vì vậy, các chính sách của Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chuyển đổi số của nhóm DNNVV.

3. Chính sách của Chính phủ về chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa

3.1. Chính sách của Chính phủ

Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của các DNNVV trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhất là trụ cột kinh tế số. Trên tinh thần của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Quyết định số 749/QĐ-TTg, hàng loạt văn bản pháp lý đã được ban hành với sự tập trung vào nhóm DNNVV, cụ thể là: Quyết định số 12/QĐ-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2021 về phê duyệt Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 377/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 26/3/2021 về việc phê duyệt Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Các văn bản trên đã tạo hành lang pháp lý và huy động nguồn lực Chính phủ để hỗ trợ cho hoạt động chuyển đổi số của DNNVV (bao gồm cả hợp tác xã và hộ gia đình) đồng thời cũng cho thấy sự tiệm cận về quan điểm chuyển đổi số của Chính phủ Việt Nam với lý luận, nghiên cứu và triển khai CĐS trên thế giới.

Bên cạnh đó, Quyết định số 1970/QĐ- BTTTT đặt ra các tiêu chuẩn và thang đánh giá giúp các DNVVN có thể tự đánh giá và kiểm định hiệu quả chuyển đổi số trong đơn vị thông qua website https://dbi.gov.vn/. Trong đó, mức độ chuyển đổi số được chia thành 6 mức tương đương với 3 giai đoạn phát triển được trình bày phía trên gồm: giai đoạn 1 bao quát mức 0 (chưa chuyển đổi số), mức 1 (khởi động), mức 2 (bắt đầu) và mức 3 (hình thành); giai đoạn 2 là mức 4 (nâng cao); giai đoạn 3 là mức 5 (dẫn dắt). Thang đo đánh giá 6 trụ cột gồm (1) Trải nghiệm khách hàng; (2) Chiến lược số; (3) Hạ tầng và công nghệ số; (4) Vận hành; (5) Chuyển đổi số văn hóa doanh nghiệp; (6) Dữ liệu và tài sản thông tin [7].

3.2. Tác động của chính sách Chính phủ đối với chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa

Các chương trình hỗ trợ DNNVV đã tác động tích cực và tạo được nhiều kết quả trong hoạt động chuyển đổi số trong DNNVV. Các DNNVV đã được kết nối và nhận được nhiều hỗ trợ thông qua các cổng điện tử https://www.smedx.vn/ (Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số - Bộ Thông tin và Truyền thông) và cổng điện tử https://digital.business.gov.vn/ (Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 - Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Các hỗ trợ này bao gồm: đào tạo, hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp và nhân sự của doanh nghiệp; hỗ trợ tự đánh giá nhu cầu, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số; cung cấp dịch vụ tư vấn, giải pháp và các gói hỗ trợ chuyển đổi số theo nhu cầu doanh nghiệp;… Số lượng DNNVV tiếp cận với nền tảng SMEdx đã tăng mạnh, từ 190 nghìn doanh nghiệp vào tháng 4/2022 đã tăng lên mức hơn 490 nghìn doanh nghiệp vào tháng 9/2022, tăng 250%. Theo thống kê của nền tảng Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, đến tháng 12/2022 đã đạt được:

- Gần 2 triệu lượt tiếp cận thông tin.

- Hơn 500.000 lượt tiếp cận tài liệu, video đào tạo, chia sẻ hướng dẫn chuyển đổi số.

- 150 doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn, đào tạo chuyên sâu 1-1 về tư vấn xây dựng lộ trình chuyển đổi số, chuyển đổi, hoàn thiện quy trình, sản phẩm, hỗ trợ ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số.

- Mạng lưới với 100 tổ chức, cá nhân cung cấp giải pháp, tư vấn, đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu gánh nặng cho doanh nghiệp, các Bộ đã chủ động xây dựng các nền tảng dùng chung hỗ trợ doanh nghiệp như nền tảng điện toán đám mây doanh nghiệp, nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng, nền tảng sàn thương mại điện tử, nền tảng kế toán dịch vụ…

Ở cấp độ địa phương, chính quyền địa phương tích cực áp dụng nhiều chính sách và giải pháp về xây dựng cơ sở pháp lý, tổ chức đào tạo, truyền thông, cung cấp các hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp ví dụ như ban hành Kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số cho DNNVV trên địa bàn; tổ chức các hội thảo và đối thoại về chuyển đổi số trong doanh nghiệp; thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp trên địa bàn. Điển hình tại Đồng Tháp, theo Thông tấn xã Việt Nam, tỉnh có 57% DNNVV tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; 56,67% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 100% sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) có mặt trên các sàn thương mại điện tử; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 13,77%.

4. Kết luận

DNNVV tại Việt Nam với đặc điểm số lượng đông, tỷ trọng nhỏ và siêu nhỏ cao với sự hạn chế về nguồn lực, nhân lực và khả năng chống chịu thấp khi gặp khó khăn, biến động đã hình thành nhiều trở ngại trong quá trình thực hiện chuyển đổi số - sự chuyển mình mang tính sống còn của doanh nghiệp trong thời đại hiện nay. Nhận thức điều này nên Chính phủ đã, đang và tiếp tục thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ toàn diện các DNNVV từ cấp trung ương đến cấp địa phương từ ban hành các văn bản pháp lý, đóng vai trò trung gian kết nối doanh nghiệp và các chuyên gia đơn vị chuyển đổi số đến hỗ trợ tư vấn và cung cấp dịch vụ chuyển đổi số. Các chính sách này mang lại nhiều kết quả khả quan với sự tham gia tích cực của DNNVV dù chỉ mới triển khai trong một khoảng thời gian không dài từ năm 2021 đến nay (4/2023) và cho thấy đây là một động lực lớn giúp DNNVV có thể thực hiện thành công chuyển đổi số. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Siebel Thomas. (2019). Digital Transformation: Survive and thrive in an era of mass extinction. New York: RosettaBooks.
  2. Baalmans Bas, Broekhuizen Thijs & Fabian Nicolai (eds). (2022). Digital Transformation: A Guide for Managers. Groningen: Groningen Digital Business Centre (GDBC) .
  3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (2021). Sổ tay chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại Việt Nam. Truy cập tại http://dl2.fast.com.vn/FMK/2021.FAST-Huong-dan-chuyen-doi-so-VN.pdf
  4. J.Watkins và cộng sự (2021). Báo cáo chuyển đổi số ở Việt Nam: Khảo sát các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nhà nước. Đại học RMIT, truy cập tại: https://www.rmit.edu.vn/vi/gioi-thieu-chung/cac-khoa-va-trung-tam/trung-tam-xuat-sac-ve-ky-thuat-so/du-an/chuyen-doi-so-o-viet-nam-khao-sat-cac-doanh-nghiep
  5. Hải. Đ (2021). Chuyển đổi số - Kinh nghiệm xây dựng chiến lược, lộ trình. Wicom Technology. Truy cập tại: https://digital.business.gov.vn/learning/xay-dung-lo-trinh-chuyen-doi-so-cho-doanh-nghiep-viet-nam/
  6. Cục Phát triển Doanh nghiệp (2022). Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp 2022. Truy cập tại: https://digital.business.gov.vn/document/bao-cao-thuong-nien-chuyen-doi-so-2022-muc-do-san-sang-chuyen-doi-so-cua-doanh-nghiep-viet-nam/
  7. Bộ Thông tin và Truyền thông (2021), Quyết định số 1970/QĐ- BTTTT phê duyệt Đề án Xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số. 

DIGITAL TRANSFORMATION

IN VIETNAMESE SMALL AND MEDIUM-SIZED ENTERPRISES

AND IMPACTS OF POLICIES

Master. BUI THI HUE

Lecturer, National Academy of Public Administration - Ho Chi Minh City Campus

ABSTRACT: 

As digital transformation can improve competitiveness and optimize operations of businesses, it becomes a suitable solution for Vietnamese businesses, especially small and medium-sized enterprises (SMEs). The Government of Vietnam has promulgated comprehensive central and local policies supporting the digital transformation of SMEs. The government's companionship has helped SMEs proactively overcome difficult challenges to successful digital transformation.

Keywords: digital transformation, small and medium-sized enterprises (SMEs), government policy.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2023]

Tạp chí Công Thương