Chuyển đổi tổ chức phi chính phủ thành doanh nghiệp xã hội: Nhìn từ kinh nghiệm tại Campuchia

Nguyễn Thị Như Ái (Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÓM TẮT:

Trong khi các Tổ chức phi chính phủ (TCPCP) truyền thống nhìn chung còn thiếu tính sáng tạo, hiệu quả chưa cao và quá lệ thuộc vào các nhà tài trợ, doanh nghiệp xã hội (DNXH) lại nổi lên như một thành phần kinh tế-xã hội mới. Các DNXH thể hiện rõ xu hướng tự chủ về tài chính, hoạt động kinh doanh hiệu quả. Trước thực tế này, nhiều TCPCP trên thế giới nói chung và Campuchia nói riêng đã nhận thấy rõ sự cần thiết của việc chuyển đổi thành DNXH. Bài viết nghiên cứu về sự “Chuyển đổi TCPCP thành DNXH: Nhìn từ kinh nghiệm tại Campuchia” và gợi ý cho Việt Nam những bài học kinh nghiệm về việc chuyển đổi TCPCP thành DNXH trong giai đoạn mới hiện nay.

Từ khóa: tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp xã hội, chuyển đổi.

1. Đặt vấn đề

Mặc dù có sự khác biệt lớn giữa các TCPCP trên thế giới, nhưng hầu hết TCPCP ở các quốc gia đều có chung một thách thức là thiếu hụt nguồn vốn hoạt động. Điều đó đồng nghĩa với sự suy giảm số lượng hoặc chất lượng các dự án xã hội thực hiện. Nhu cầu giải quyết các vấn đề xã hội ở khắp nơi trên thế giới là không giới hạn và cần phải được đáp ứng bằng các nguồn vốn không giới hạn. Nguyên tắc này chi phối đến các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc cho đến các TCPCP địa phương quy mô nhỏ, từ các tổ chức phát triển nông thôn đến các tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng... Do vậy, ngày nay, các TCPCP khắp thế giới rất chú trọng đến công tác tìm kiếm và huy động nguồn vốn bổ sung để có thể duy trì hoạt động xã hội bền vững.

Trước thực tế này, kịch bản tốt nhất (nếu có thể) là các TCPCP vẫn có thể tìm kiếm nguồn vốn viện trợ để duy trì sứ mệnh xã hội của tổ chức. Các TCPCP đang phải đối mặt với quá nhiều thách thức khi một mặt phải tìm kiếm nguồn vốn thay thế nguồn vốn viện trợ truyền thống, mặt khác không được phép đánh đổi hoặc hy sinh sứ mệnh xã hội để đạt được mục tiêu tài chính bền vững.

Các TCPCP khác nhau sẽ thực hiện sứ mệnh xã hội khác nhau, có tôn chỉ hoạt động khác nhau, có đối tượng khách hàng khác nhau và có kỹ năng, kinh nghiệm khác nhau. Nhưng tìm kiếm nguồn tài chính bền vững lại là mục tiêu chung của mọi TCPCP trong bối cảnh hiện tại. Đó là mục tiêu độc lập tự chủ, không bị phụ thuộc vào các nhà tài trợ và có khả năng tự phát triển nguồn vốn của TCPCP một cách bền vững.

Tại nhiều quốc gia, các TCPCP bắt đầu có xu hướng tìm kiếm cơ chế nguồn vốn hỗn hợp trong tổ chức, bao gồm nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và nguồn vốn từ hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD).

2. Xu hướng vận động và phát triển từ TCPCP thành DNXH trên thế giới vì mục tiêu bền vững

Phần lớn các TCPCP trên thế giới ngày nay đều phải đối mặt với những thách thức về nguồn vốn tài trợ. Một số TCPCP đã tiên phong giải quyết vấn đềnhư hoạch định lại chiến lược hoạt động, xây dựng các chương trình xã hội bao gồm hợp phần có thu phí từ người hưởng lợi. Việc thu phí nhằm thu hồi một phần hoặc toàn bộ chi phí đã đầu tư cho dịch vụ xã hội của các TCPCP. Ngày nay, trên khắp thế giới, rất nhiều TCPCP có thể sở hữu nhà hàng, công ty du lịch, ngân hàng, phòng khám và các ngành nghề thuộc các lĩnh vực kinh doanh khác…

Khi các chương trình xã hội của TCPCP đem lại giá trị đích thực cho các đối tượng hưởng lợi, rất nhiều người hưởng lợi (không tính đến những người rất nghèo không có khả năng thanh toán) sẵn sàng chi trả chi phí để được hưởng dịch vụ của chương trình xã hội do TCPCP cung cấp. Các TCPCP giờ đây có xu hướng bán dịch vụ của tổ chức thay vì cung cấp dịch vụ miễn phí như trước đây. Nhờ đó, các TCPCP có thể lấy lại một phần chi phí đã đầu tư và họ lại tiếp tục tái đầu tư vào các chương trình xã hội với quy mô nhân rộng hơn. Một số TCPCP tiên phong xây dựng chiến lược hoạt động theo xu hướng mới, đưa hợp phần “chi phí được bồi hoàn” theo hình thức cung cấp dịch vụ trả phí hoặc ký thỏa thuận cung cấp dịch vụ trả sau hoặc cho vay để trả phí dịch vụ áp dụng riêng cho các đối tượng hưởng lợi mục tiêu.

Một ví dụ điển hình về TCPCP thực hiện dự án thu phí bồi hoàn như Tổ chức “Les Centres pour le Developpement et la Sante (CDS)” tại Haiti. TCPCP này nhận được một khoản viện trợ thực hiện dự án lắp đặt hệ thống cung cấp nước uống ở khu “ổ chuột” của Thủ đô Port-au-Prince. Những cư dân ở đây phải thanh toán phí cho nước uống và mức phí này đủ để chi trả cho toàn bộ chi phí hoạt động và chi phí bảo dưỡng hệ thống cung cấp nước uống sạch. Đồng thời, chi phí này còn đem lại một phần lợi nhuận cho tổ chức và lợi nhuận này được tái đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý rác thải rắn ở khu vực lân cận (Nguồn: Strategies to strengthen NGO capacity in resource mobilization through business activities - Mechai Viravaidya and Jonathan Hayssen).

Một ví dụ khác về TCPCP thực hiện thu phí bồi hoàn như Tổ chức “Sarvodaya Shramadana Movement” tại Sri Lanka. TCPCP này hoạt động trong lĩnh vực phát triển nông thôn áp dụng nguyên tắc “món quà của sức lao động”, theo đó, hàng trăm nghìn người hưởng lợi cùng tham gia vào các chương trình/ dự án xã hội của họ. Giá trị của sức lao động đôi khi không thể đo lường được. Các hợp đồng tín dụng hoặc cung cấp khoản vay cho các đối tượng hưởng lợi mua dịch vụ xã hội cũng được TCPCP này áp dụng. Người vay vốn có thể trả nợ gốc dần trong một khoảng thời gian và được miễn trả lãi; hoặc họ được áp dụng mức lãi suất rất thấp so với lãi suất của các ngân hàng/ tổ chức tín dụng đang áp dụng trên thị trường (Nguồn: Strategies to strengthen NGO capacity in resource mobilization through business activities - Mechai Viravaidya and Jonathan Hayssen).

Tất cả các hoạt động có tính phí bồi hoàn đã cấu thành một hợp phần dự án có tính chất thương mại của TCPCP. Nhân viên của các TCPCP còn có tư duy kinh doanh, họ học hỏi nhiều kỹ năng chuyên môn như giá cả, kênh phân phối, kế toán chi phí,… Họ cũng nghiên cứu dòng tiền vào - ra của khách hàng vay vốn để đảm bảo các chương trình vay vốn vận hành hiệu quả.

Nhiều TCPCP trên thế giới đã nhận thức được những cơ hội và thách thức gắn liền với chiến lược huy động nguồn lực thay thế, với trọng tâm đặc biệt là các hoạt động kinh doanh nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Các nhà hoạch định chính sách, các nhà tài trợ và các bên liên quan cũng đặc biệt quan tâm và hỗ trợ các TCPCP đạt được sự bền vững tài chính từ hoạt động kinh doanh.

3. Chuyển đổi từ TCPCP thành DNXH vì mục tiêu bền vững - kinh nghiệm tại Campuchia

Campuchia có số lượng TCPCP cao nhất tính theo đầu người trên thế giới, trung bình 1 TCPCP/3.000 (Nguồn: British Council, Asian social enterprise structuring guide, tháng 2/2018). Tuy nhiên, trong những trong những năm gần đây, kinh phí của TCPCP đã được nhắm vào ngân sách hạn chế của Chính phủ hơn là các nguồn tài trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế do sự khan hiếm nguồn vốn viện trợ phi chính phủ. Điều này đã gây áp lực tài chính cho các TCPCP. Nhiều tổ chức trong số đó đang tìm kiếm một chiến lược tài trợ khác nhau để cho phép họ tiếp tục theo đuổi sứ mệnh xã hội. Đây có thể là một trong những lý do Quỹ Tài chính Quốc tế (IFC) khẳng định “Campuchia có cơ hội phát triển DNXH tích cực nhất trong khu vực” (Nguồn: http://socialenterprisecambodia.org).

Thực trạng về kinh tế - xã hội ở Campuchia khiến các nguồn vốn viện trợ cho các hoạt động xã hội, cộng đồng ngày càng trở nên khan hiếm. Các TCPCP tại Campuchia đã bước đầu nhận thức về nhu cầu phát triển “bền vững” và tầm quan trọng của việc giảm thiểu rủi ro khi hoạt động quá phụ thuộc vào nguồn vốn viện trợ. Đó là lý do tại sao rất nhiều TCPCP truyền thống tại Campuchia y đã bắt đầu tìm kiếm những phương thức kinh doanh hiệu quả, nhằm đem lại doanh thu và nguồn vốn hoạt động cho tổ chức. Các TCPCP tại Campuchia áp dụng nhiều phương thức kinh doanh khác nhau với quy mô khác nhau, từ việc sản xuất cung cấp các sản phẩm ở quy mô nhỏ cho các tiểu thương địa phương cho đến việc đầu tư vào các mô hình kinh doanh đặc thù.

Về bản chất, hoạt động của các TCPCP chuyển đổi thành DNXH ở Campuchia đều có những đặc điểm tương đồng như sau: (i) tạo ra thu nhập bằng cách bán hàng hóa hoặc dịch vụ; (ii) hoạt động để đáp ứng một nhu cầu xã hội cụ thể; (iii) tái đầu tư lợi nhuận để mở rộng ảnh hưởng sứ mệnh xã hội của tổ chức.

Trên thực tế, một số TCPCP Campuchia hiện nay đã và đang thực hiện các hoạt động đem lại thu nhập cho tổ chức và ngược lại cũng có những DNXH đang phải hoạt động nhờ vào các khoản viện trợ, đặc biệt trong giai đoạn đầu tư khởi nghiệp. Tuy nhiên, tầm nhìn dài hạn của các tổ chức này sẽ khác nhau. Trong khi các TCPCP vẫn chủ yếu lệ thuộc vào nguồn vốn viện trợ bên ngoài để thực hiện các hoạt động của tổ chức thì các DNXH phấn đấu được độc lập và bền vững từ việc sử dụng doanh thu để bù đắp toàn bộ chi phí sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ. Lý tưởng hơn nữa, các TCPCP khi tham gia sản xuất, kinh doanh đều hy vọng có thể tạo ra thặng dư hay lợi nhuận cho tổ chức nhằm mở rộng quy mô hoạt động và nâng cao năng lực tiếp cận ảnh hưởng xã hội.  

Một ví dụ điển hình như TCPCP “Artisans d’Angkor”. Artisans Angkor có thể nói là một DNXH lớn nhất Campuchia với xuất phát điểm chỉ là một chương trình đào tạo nghề nghiệp (có tên gọi “Les Chantiers-Ecoles de Formation Professionnelle” (CEFP). Tổ chức này được thành lập với sự hỗ trợ của tổ chức French Cooperation nhằm đào tạo kỹ năng thủ công cho những người trẻ tuổi ở Campuchia tại Tỉnh Siêm Riệp để họ có thể tìm việc làm như những thợ thủ công chuyên nghiệp. Artisans d’Angkor đã tìm hướng đi mới, tiếp cận thị trường khách du lịch và phát triển để đáp ứng nhu cầu hàng thủ công mỹ nghệ của khách du lịch phương Tây. (Nguồn: From NGO to Social Enterprise - Impact Hub, Phnom Penh).

Bên cạnh Artisans d’Angkor, có thể tham khảo một số TCPCP chuyển đổi thành DNXH thành công tại Campuchia như TCPCP Food4Good, TCPCP Enfants du Mekong (EDM), TCPCP SGFE, TCPCP Phare Ponleu Selpak (PPS) với những câu chuyện về sự chuyển đổi và tham gia hoạt động kinh doanh nhằm đảm bảo nguồn vốn bền vững duy trì sứ mệnh xã hội của các tổ chức này (Nguồn: From NGO to Social Enterprise - Impact Hub, Phnom Penh).

Một số chính sách hỗ trợ chuyển đổi TCPCP thành DNXH tại Campuchia điển hình có thể kể đến:

* Quy định về ưu đãi thuế

Chính phủ Campuchia nhận thức rõ việc tham gia hoạt động kinh doanh để duy trì sự bền vững của các TCPCP. Do vậy, Chính phủ miễn thuế cho các hoạt động kinh doanh được thực hiện bởi các TCPCP. Luật pháp tại Campuchia quy định “các hoạt động từ thiện và các hoạt động có liên quan đến từ thiện thì được miễn thuế”. Ngoài ra, TCPCP được miễn thuế nhập khẩu hàng hóa, thiết bị phục vụ các chương trình, dự án của TCPCP. Mặc dù các hoạt động thiện nguyện và các hoạt động liên quan vì mục đích thiện nguyện được miễn thuế, các TCPCP vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân cho người lao động làm việc cho tổ chức.

Ngược lại với TCPCP, DNXH vẫn bị áp thuế tại quốc gia này với các mức khác nhau nếu đăng ký dưới các hình thức pháp nhân khác nhau (Công ty TNHH, Công ty liên danh...). Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo biểu thuế lũy tiến được áp dụng căn cứ trên doanh thu vượt mức tối thiểu quy định cho từng quy mô doanh nghiệp khác nhau (doanh nghiệp quy mô nhỏ, doanh nghiệp quy mô vừa, doanh nghiệp quy mô lớn). Thuế tối thiểu 1% tính trên doanh thu có thể được áp dụng nếu cách tính này số thuế TNDN phải nộp cao hơn biểu thuế lũy tiến. Thuế giá trị gia tăng (GTGT) tính 10% trên giá trị hàng hóa, dịch vụ cung ứng. Thuế GTGT không áp dụng với DNXH có hoạt động xuất khẩu (trừ xuất khẩu kim loại quý, vàng bạc đá quý,…). Ngoài ra, còn có một số loại thuế khoán nhỏ như thuế bằng sáng chế (khoảng $350/ năm)…

* Vườn ươm tạo DNXH tại Campuchia

Một số lượng đáng kể các DNXH ở Campuchia có xuất phát điểm là TCPCP đang được ươm tạo bởi các tổ chức trung gian hoặc chính quyền sở tại với vai trò là các “Vườn ươm doanh nghiệp”. Bên cạnh đó, chính quyền cũng ghi nhận sự hỗ trợ quốc tế đang đóng góp vào chiến dịch ươm tạo DNXH mạnh mẽ tại Campuchia. Ví dụ điển hình là “Stay Another Day in Cambodia” - một chương trình du lịch được tạo ra để giúp đỡ người nghèo ở Campuchia, được hỗ trợ bởi tổ chức International Finance Corporation (Ngân hàng Thế giới) và nhà tài trợ GTZ của Đức.

Chương trình này đã giúp số lượng các DNXH tăng nhanh trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, sự đổi mới của chương trình “Chợ đêm” ở Phnom Penh và Siem Reap bằng cách mở không gian kinh doanh xã hội phổ biến cho thương nhân, hỗ trợ tài chính cho các DNXH dẫn đầu như Aritsans d’Angkor, Digital Divide Data, Hagar International… đã chứng minh các nhà tài trợ quốc tế đang dành sự quan tâm đáng kể trong đầu tư hỗ trợ DNXH tại Campuchia.

* Quy định cấu trúc pháp lý linh hoạt

Tại Campuchia, việc thực hiện hoạt động kinh doanh theo pháp nhân của một TCPCP mà không cần đăng ký kinh doanh đang được linh hoạt áp dụng bởi sự chấp thuận của chính quyền sở tại. Trên thực tế, TCPCP có thể đăng ký với Bộ Nội vụ về việc bổ sung chức năng của tổ chức trên “Giấy phép hoạt động” để thực hiện các hoạt động kinh doanh một cách hợp pháp. Tuy nhiên, việc này dường như không bắt buộc trong quá trình thực thi và cũng không có sự kiểm soát bởi cơ quan quản lý Nhà nước. Do vậy, rất nhiều TCPCP thực hiện các hoạt động kinh doanh và không cần đăng ký thành lập DNXH. Các TCPCP đang tận dụng “vùng pháp lý ưu đãi linh hoạt” ở Campuchia, theo đó TCPCP có thể thực hiện hoạt động kinh doanh mà không cần đăng ký kinh doanh.

Có thể liệt kê một số ưu điểm thực hiện kinh doanh theo pháp nhân của TCPCP như dưới đây:

+ Không phát sinh các vấn đề pháp lý phức tạp khi giữ nguyên TCPCP để thực hiện kinh doanh.

+ Các TCPCP được miễn thuế (do vậy sản phẩm của TCPCP tại Campuchia bán ra thị trường có thể rẻ hơn 11% do không phải trả thuế GTGT và thuế doanh thu).

+ Nhà nước chưa quy định các văn bản pháp lý áp dụng riêng cho các TCPCP chuyển sang hoạt động kinh doanh.

4. Hàm ý kinh nghiệm chuyển đổi từ TCPCP thành DNXH tại Việt Nam

Tại Việt Nam, khi nền kinh tế tăng trưởng tốt, đưa Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình (theo công bố của Ngân hàng Thế giới năm 2010), cũng là lúc nguồn vốn viện trợ chính thức (ODA) và nguồn vốn viện trợ phi chính phủ đều bắt đầu xu hướng giảm. Một số quốc gia và tổ chức quốc tế đã công bố lộ trình rút dần các chương trình tài trợ ra khỏi Việt Nam để dành cho các khu vực khác có nhu cầu hơn như Ngân hàng Thế giới (WB) đang xem xét ngừng ưu đãi gói viện trợ phát triển chính thức cho Việt Nam trong vài năm tới (www.worldbank.org ngày 23/3/2016); Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cắt giảm ưu đãi nguồn vốn phát triển chính thức cho Việt Nam từ 1/1/2019 (www.adb.org ngày 30/3/2016);...

Theo kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia trên thế giới, một số lĩnh vực chủ yếu các TCPCP tại Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng thị trường và chuyển đổi thành DNXH, bao gồm:

- Môi trường: Tái chế, giáo dục, du lịch sinh thái, sử dụng chung ô tô… là những mô hình DNXH nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường.

- Giảm tỉ lệ đói nghèo: Giải quyết đói nghèo bằng cách cung cấp dịch vụ đào tạo, kĩ năng, nguồn lực và các cơ hội liên quan đến thu nhập cho đối tượng hưởng lợi, nhà ở thu nhập thấp, hệ thống hỗ trợ sinh hoạt phù hợp để giúp đỡ những người có thu nhập thấp thoát khỏi đói nghèo,…

- Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe: Ở những vùng nông thôn, dịch vụ chăm sóc sức khỏe rất cấp thiết với những người nhập cư, những gia đình có thu nhập thấp, người già và cả những trường hợp khác.

- Cung cấp dịch vụ và hàng hóa cho những cộng đồng chưa được quan tâm: Giúp đỡ đáp ứng những nhu cầu cơ bản cho những đối tượng yếu thế trong cộng đồng,...

Dưới đây là một số loại hình TCPCP có các hoạt động tiềm năng để có thể phát triển thành DNXH tại Việt Nam:

- Các TCPCP có hoạt động có thị trường tiềm năng. Các sản phẩm và dịch vụ có thể được tiêu thụ và đem lại nguồn thu cho tổ chức. Ví dụ, một TCPCP thực hiện hoạt động đào tạo hướng nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu, theo đó sản phẩm được sản xuất bởi những người được đào tạo (là một phần của chương trình đào tạo) sẽ được bán ra thị trường.

- Các TCPCP có hoạt động bao gồm sản xuất và bán sản phẩm hoặc dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của chính TCPCP nhưng những hoạt động này có thể được nhân rộng nhằm cung cấp cho cả cộng đồng.

Các TCPCP cũng có rất nhiều cơ hội huy động nguồn vốn đầu tư cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam dưới hình thức vốn vay ưu đãi hoặc các khoản tài trợ không hoàn lại như: Quỹ Thách thức Doanh nghiệp Việt Nam (VBCF), Dự án Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp (SVIIP),… Các quỹ đầu tư mạo hiểm như Dragon Capital, Indochina Capital, VinaCapital đang tìm kiếm các thương vụ đầu tư tài chính có thể vừa tạo ra các giá trị xã hội và cả lợi nhuận đầu tư. Ngoài ra, còn có một số nguồn tài trợ hoặc vốn vay quy mô nhỏ như: Chương trình Hỗ trợ DNXH của CSIP, Chương trình cho doanh nghiệp nhỏ vay vốn không lãi suất trả nợ bằng cách làm từ thiện của Chương trình Thriive,…

5. Kết luận

Mặc dù có sự khác biệt về bối cảnh kinh tế - xã hội giữa các TCPCP tại Campuchia và Việt Nam, nhưng hầu hết TCPCP ở 2 quốc gia đều có chung một thách thức, đó là sự cạnh tranh và khan hiếm nguồn vốn viện trợ phi chính phủ. Sự suy giảm nguồn vốn viện trợ cho các TCPCP đồng nghĩa với sự suy giảm số lượng hoặc chất lượng các dự án xã hội thực hiện tại các quốc gia này.

Rõ ràng, nhu cầu giải quyết các vấn đề xã hội ở khắp nơi trên thế giới là không giới hạn, vì vậy cần được đáp ứng bằng các nguồn vốn không giới hạn. Điểm chung tại Campuchia và Việt Nam là các TCPCP bắt đầu có xu hướng tìm kiếm cơ chế nguồn vốn hỗn hợp trong tổ chức (bao gồm nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và nguồn vốn từ hoạt động sản xuất, kinh doanh) nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Rõ ràng, khi nền kinh tế càng phát triển, các vấn đề xã hội sẽ càng đa dạng và phức tạp hơn. Chính vì vậy, học hỏi kinh nghiệm các nước trên thế giới nói chung và kinh nghiệm tại Campuchia nói riêng, áp dụng linh hoạt và có chọn lọc vào hoàn cảnh kinh tế - xã hội tại Việt Nam để xây dựng mô hình chuyển đổi từ TCPCP thành DNXH là vấn đề cần thiết hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Alex Nicholls (2006), Social Entrepreneurship: New Models of Sustainable Social Change.
  2. Abdirahman Hussein Guleid (2014), Understanding the Challenges Facing Social Enterprise Sustainability.
  3. Bill Morton (2013), An overview of International NGOs in development cooperation.
  4. D Kim, U Lim - Sustainability (2017), Social enterprise as a catalyst for sustainable local and regional development.
  5. Durst, S. L., and Newell, C. - Non-profit Management and Leadership (2001). The who, why and how of reinvention in non-profit organizations.
  6. Fetola (2012), Social Enterprise: the key to financial sustainability of NGOs? A practioners perspective” - presentation at the 2nd Business of Social and Environmental Innovation Conference: Social Entrepreneurship and Informal Sector Entrepreneurship.
  7. Frank Moulaert, Diana MacCallum, Abid Mehmood and Abdeliillah Hamdouch (2013), The International Handbook on Social Innovation.
  8. Gloria Astrid Guraieb Izaguirre (2015), Social enterprises: Examining accountability for social and financial performance.
  9. H Haugh, F Lyon, B Doherty (2018), Social entrepreneurship: Entrepreneurship and social value creation.
  10. Issac Lyne (2012), Social Enterprise and Social Entrepreneuship as models of sustainability for local NGO’s: “learning from Cambodia”.
  11. Impact Hub Organisation (2016), From NGO to Social Enterprise.
  12. Ingrid Burketti Foresters Community Finance, Sustainable Social Enterprise: What does this Really Mean?
  13. I Lyne, S Khieng, C Ngin- ICSEM Working Papers (2015), Social enterprise in Cambodia: an overview.
  14. Jossey - Bass (2010), Succeeding at Social Enterprise, Hard – Won lessons for non-profits and social entrepreneurs.
  15. Juan J. Alarcon, Project Director (2012), From “NGO” to Social Enterprise.
  16. Lanisia Rhoden (2014), The Capacity of NGOs to become sustainable by creating Social Enterprises.
  17. Mechai Viravaidya and Jonathan Hayssen (2001), Strategies to strengthen NGO capacity in resource mobilization through business activities.
  18. Net worker. (2012). Socialenterprise a new tool in the NGO sector.
  19. Pilotlight (2012), Why Social Enterprise – a guide for charities.
  20. P Jenner - The Journal of New Business Ideas & Trends (2016), The role of the intermediary in social enterprise sustainability: an international comparative study.
  21. TA Truong (2018), How can social enterprises create social value while maintaining financial sustainability?

The transformation from non-governmental organizations to social enterprises: Experience from Cambodia

Ph.D Nguyen Thi Nhu Ai

Faculty of International Business and Economics

University of Economics and Business, Vietnam National University – Hanoi Campus

ABSTRACT:

While traditional non-governmental organizations (NGOs) lack creativity, low efficiency and over-reliance on donors, social enterprises (SEs) have emerged as a new socio-economic component with strong pervasiveness and participation in social fields. SEs clearly show a tendency to be financially self-sufficient thanks to their effective social initiatives and business activities, creating more social values ​​for the community and beneficiaries. In fact, many NGOs in the world in general and Cambodia in particular have realized the necessity of transforming to SEs. This research studies the transition from NGOs to SEs in Cambodia and highlights valuable lessons for Vietnam about the transformation from NGOs to SEs in the current period.

Keywords: non-governmental organizations, social enterprises, transition.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13, tháng 6 năm 2021]