Cô bé ỏi mèo (truyện ngắn)

Tân xuân Tân Mão, Kính chúc sức khỏe, an khang, thịnh vượng. Kính tặng bạn đọc trang www.tapchicongnghiep.vn truyện ngắn.





Trong ngõ nhà tôi có cái Mùi, con ông Tiệp bà Mẫn, đang học đại học Giải Phóng. Phải thừa nhận qua tuổi 19, sang ngoài đôi mươi của nó xinh đẹp kém gì thiên thần. Cây cỏ mùa trổ bông tươi xinh quyến rũ. Mèo, chó đủ tuổi lông mượt mà, bớt hung dữ. Cái đẹp trong sáng luôn đồng hành với cái thiện, có khả năng “ khủng bố” cái ác.

Bà Mùi bán cá, ông Tiệp coi nhà. Sau vụ thành phố thất thu mấy mùa chó cảnh, một hôm đẹp trời tháng Xuân, Mùi ôm về vài ba con mèo mới cai sữa mẹ, nó dành hết tiền mừng tuổi của bao nhiêu cái Tết, lên chợ Bưởi ôm mèo. Mỗi lượt chợ, đàn mèo nhà nó đông đàn, đến mức ngõ nhỏ nhà tôi gọi nó là “Mùi mèo”. Người mua bán vào ra, bác sĩ thú y đến thăm hỏi, chích thuốc phòng dịch dại. Tôm tép ươn ế, đầu ruột, đuôi vây vẩy cá mú bà Mẫn mang về cho bố con ông Mùi nướng thơm khét ngõ, át cả mùi khói than tổ ong.

Mấy mẹ lái mèo bắt đầu qua lại cung ứng, thu mua mèo của Mùi. Mấy tay chơi đầu đinh dẫn gái quần cộc, cả mấy ông tây xồm đưa bà đầm đến mua mèo nhà nó để chứng minh “lòng mến yêu vẻ đẹp loài vật”, để dậy cho con cái cảm xúc nhân ái với thế giới động vật, làm chỉ báo cho quá trình dạy bảo, giáo dưỡng đứa có mầm ác.

Đa phần khách mua mèo là những bà góa, gái muộn chồng. Giá mèo theo giá trị nhân cách người, dân phố trố mắt nghe tin Mùi bán con mèo tứ thể giá 1000 đô la Mỹ.

Mùi luyện mèo như trạng Quỳnh luyện miu, nó chú ý đến ăn, ở, chuồng vườn sạch, chiều chuộng sở thích, đặc điểm mỗi loài, mỗi con mèo. Nó thương yêu quý mến những con mèo nhỏ bị lạc mẹ, những con mèo bị bọn bẫy trộm, bọn dùng chó săn cắn bắt đem đến bán, Mùi ôm hết và chăm sóc đặc biệt, kể cả dùng sữa ngoại mấy trăm ngàn một hộp, những đứa trẻ đồng quê thuộc “Chương trình 135”* có mơ cũng không được chơi ống bơ loại sữa đó. Mùi nấu cháo gạo lức với đầu đuôi cá, cà rốt, rau xanh, vắt lấy nước hòa sữa vào, bọn mèo húp như “nhà giàu húp tương”.

Nuôi ăn cùng với roi vọt, lũ mèo hoang dại, lạc mẹ, xa đàn răm rắp theo lệnh cô giáo “Mùi mèo”. Những con mèo hoang lớn tuổi bị roi vọt đau đớn cũng phải cắn răng chịu đựng. Được cái, vườn mèo hoang dã, chúng tha hồ vờn đuổi, cắn nhau, tình tứ thác loạn vào những đêm trăng, sau bữa ăn khoái khẩu.

Cùng với khách mua bán mèo là khách bán chuột sống thu gom từ các bẫy lồng ở đồng quê. Mỗi con chuột sống như những ngày thực phẩm đắt đỏ bởi bệnh cúm gà và tăng giá dầu mỏ trên thế giới đẩy giá lên tới 11.000 đồng con, Mùi vẫn mua gom, trừ chuột cống và chuột chù.

Bố Mùi làm chuồng, vườn, căng lưới như công viên Thủ Lệ, trong đó trồng cây thấp, tạo hang hốc, ổ cho mèo đẻ. Một lần, Mùi miễn phí du lịch sinh thái cho trường tiểu học gần đó. Hôm ấy, cô giáo dẫn trò tới coi vườn mèo, trẻ chỉ trỏ vui thích, mặt đứa nào đứa ấy người hơn. Tiết mục cô Mùi vào vườn, đàn mèo đuổi theo vờn nó. Đến cái hốc, nó lấy cái túi vải giấu trong bụng, mở túi ra, thả bọn chuột chạy vào các hốc. Lũ mèo nhìn thấy, chồm lên rượt đuổi, hù dọa, kêu thét hoang dại. Chuột chạy từ hang này qua hang khác, trẻ reo lên sung sướng với màn diễn thiên địch ngoạn mục. Lúc sau một mèo vồ được một chuột, lũ mèo khác đuổi theo đúng kiểu “quần miu tranh chuột”. Một đứa trẻ bất giác kêu lên “Cô Mùi ác quá!”, Mùi lừ mắt xanh lè nhìn đứa bé, khiến đứa bé tái dại mặt, miệng mím chặt.

Mấy đứa con gái trong phố cùng trang lứa đã ghen với nét xinh đẹp, nói hát hay của Mùi, nay lại lồng lên tức với Mùi ở chỗ nó thu được nhiều tiền và sống vui như Tết. Một vài đứa cũng bắt chước nuôi mèo hòng cạnh tranh nhưng không thể hội nhập với đàn “Mèo Mùi”.

Một bữa vắng khách xe ôm, bà Mẫn nhờ tôi mang mớ cá vụn về để Mùi nuôi mèo. Tôi vào, thấy Mùi đang ôm nâng con mèo mắt to trong xanh, mặt đẹp, ria dài, chân cao, dạng mèo ngũ thể. Mùi cưng nựng mèo rồi lấy son ra tô mũi mèo màu tím, lấy bút phẩy phẩy để tạo bộ lông ngũ thể. Sau đó, em lấy chiếc váy ngắn mặc cho mèo rồi thả nó chạy trên sân. Mùi nhìn mèo ngộ nghĩnh, em cười dễ thương. Bất ngờ, em gặp tôi đứng ngây dại xem em chơi mèo. Chúng tôi nhìn nhau có vẻ xa lạ!

- Chào anh H! hôm nay dỗi việc thế - Mùi cố lảng chuyện phục trang cho mèo.
- Mẹ gửi em đồ ăn cho mèo, có gì cho anh không?
- Hồng xiêm! Anh leo hái cho em luôn.

Tôi lấy gậy chèo, chọc hồng xiêm, em hứng trái nhưng không giống tranh hái dừa. Em gọt trái, chúng tôi ăn, lúc đó tôi mới được gần Mùi. Thấy em xinh đẹp dễ thương hơn tiếng đồn đại, ghen tuông.

Lúc sau, em gọi con mèo mũi tím, ra hiệu cho học trò, mèo mũi tím trèo tót lên ngọn cây hồng xiêm bứt hai trái mang xuống đặt vào lòng cô giáo. Tôi thực sự kinh ngạc và hơi giận trò chơi của cô khác gì bảo tôi “anh không hơn con miu nhà em món võ trèo cây cắn quả”

Khổ thế. Ở đời kém người thì bị khinh, sinh tự ti. Nếu hơn người lại bị ghen ghét, có thể cũng vì kiêu. Mà bằng người thì chỉ có đám cá mè một lứa mà bà Mẫn đang bán ở đầu ngõ, ra mà mua sự công bằng, về nhà không biết chế biến thì mèo ăn vào cũng mửa.

***

Mèo đang ăn khách, mấy tay bợm nhậu “tiểu hổ” chỉ có thể xơi đám mèo hoang dại chứ mèo của Mùi có huấn luyện chỉ bán cho bọn xuất khẩu tiểu ngạch. Nhiều lồng mèo được trùm vải xẫm màu từ vườn nhà lên xe, tít về cửa khẩu. Bố con ông Tiệp xâu tiền cả chuỗi, bà Mẫn cười phe phé. Mấy đứa cạnh tranh không được, chuyển sang ủy thác xuất khẩu, bố Mùi không dám nhận, sợ hàng không có ISO sẽ bị khách tẩy chay, trừng phạt như mấy tay buôn long nhãn trộn bột đất nặng, bọn xuất tôm đông lạnh gài đinh vào đầu tôm để tăng cân, thắng đôi chuyến thì chuyến thứ ba bị ém bùa bả, sáu tháng lăn ra ốm đến chết mà không biết bị bệnh gì.

Biết tôi được nghỉ phép chờ chuyển ngạch “cầm lái” sang ngạch “đầy tớ” Mùi chặn đầu xe ở ngõ ướm:
- Em muốn nhờ anh chuyến xe đánh mèo đi cửa khẩu?
- Sợ em ngồi sau ôm lồng mèo thì vất quá.
- Anh kỳ quá, em nhờ anh chạy xe Mẹc cơ mà. Bao năm ôm vô lăng, em nhờ anh một chuyến được hông?
- Vô tư - tôi nói đại chiều em.
- Cuối tuần, anh đi với em.
- OK!

Tôi đề nghị đội trưởng xe sau khi dò xét chương trình công tác của sở. Tay đội xe sẵn sàng chiều lòng. Tôi đón hai chuyên viên sau đó đón Mùi và hai lồng mèo đúc cốp, đi về biên giới. Tôi quen hết chuyên viên trong sở, biết sở thích của họ, giúp họ mua hàng, xuống tải măng, mật, cá khô,... tụt tạt đưa họ đi chùa chiền, thăm người quen, họ hàng và đương nhiên được bồi dưỡng. Nhiều phong bì đủ ly bia bụi và tiền thuê thợ làm sạch thơm xe. Sếp lên xe lúc nào cũng có mùi như phòng VIP của khách sạn 5 sao. Do vậy, tôi cho mèo, và em Mùi xinh đẹp lên xe là chuyện cỏn con.

Đưa xe vào điểm đón hàng, đưa các “sếp” đi công vụ, buổi tối hôm đầu tôi đưa em đi siêu thị Kỳ Lừa. Em trúng hàng, hay lần đầu xỏ mũi được chú xế mà nét mặt tươi như dáng hồng đào trên tuyết Mẫu Sơn! Chúng tôi bách bộ đến siêu thị, một chỗ dừng tôi nói:

- Anh gửi em quà, em đồng ý nhận thì anh đi cùng, không đồng ý thì em đi về Hà Nội theo đường “Liễu Thăng”
- Anh hay làm em bất ngờ quá, em đã nhận chuyến xe khứ hồi là quà rồi.
- Em nhắm mắt vào.
Mùi khoanh tay nhắm mắt, ngửa mặt lên với tôi.
- Chìa tay ra.
Em chìa hai tay. Tôi đặt lên chiếc phong bì mà chuyến trước đưa sếp đi họp được người ta quà. Chẳng biết trong đó có gì, đôi khi là tiền, là thư, là phiếu nhận hàng, phiếu nhậu cũng có, phiếu cà phê, mát xa, sauna,... Mùi mở mắt, hờ hững nhìn tôi có vẻ buồn, nhưng em vẫn cảm ơn, chúng tôi vào siêu thị Kỳ Lừa. Đến quầy hàng dòng sản phẩm của liên doanh bên nước bạn, em ngắm chọn đồ:
- Anh nhắm mắt vào.
Tôi nhắm mắt một lúc, thấy em quàng lên cổ tôi chiếc khăn màu xám, chấm tím nhỏ mờ.
- Cảm ơn em, xích cổ anh sớm quá.
- Màu này hợp với “trí quái, tâm sâu” của anh. Khi nào thấy lạnh lòng, chạnh lòng, anh quàng vào sẽ ấm áp.

Chúng tôi cười, nhác thấy cô bán hàng và mấy khách cũng cười. Đúng là chợ Kỳ Lừa. Xách đồ cho em ra bãi xe. Còn sớm, tôi mời em đi về Mẫu Sơn, đến một nhà hàng ở bản lớn dưới chân núi, ăn “thắng cố”

Trên đường, em cho hay chuyện phía bên kia biên giới họ mua mèo về nuôi, bắt chuột, vui nhà. Mèo tốt được lai ghép nhân giống sinh sản lại bán mèo sang bên ta nhưng em không đánh mèo nhập khẩu tiểu ngạch. Bên họ cũng nhậu mèo, lấy xương nấu cao hổ gắn chữ Diến Điện, Thái Lan, bán búa sua.

- Nghề ỏi ** mèo của nhà em được đấy, nếu được bố em ưng, anh sẽ thuê xe chạy mèo cho em.
- Em đang huấn luyện mèo bắt chuột, và mèo sinh sản để bảo vệ mùa màng, nghe nói trong vỉ thuốc chuột nhập lậu có vài hai ống thuốc kích thích chuột sinh sản để họ bán được thuốc và có thể bán mèo lai cạnh tranh với mèo bản địa của chúng ta.

***
Đến chỗ nhậu, chủ đon đả đón chào khách đi xe đẹp, mời vào phòng “VIP”, tôi xin ngồi góc ngoài để quan sát văn hóa nhậu. Từng đám “cần Tày-Nùng- Keo” ngồi chới với chai, bát, ly rượu, nghiêng ngả với nhau. Chỗ có mấy cô gái Tày má hồng đông khách hơn. Mùi ngạc nhiên, ý tứ coi quán nhậu và tôi. Cô chủ quán đưa tới đĩa tiết, vó, đuôi, tai trâu bò và hai bát “thắng cố” bốc hơi thơm ngái. Chúng tôi uống rượu Mẫu Sơn, từng ly, từng ly. Mùi hát: “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu anh thế nào, mặc cho ai thét gào, thì thân thể em đây chưa hề thương tích, sẽ có ngày anh hái hoa tặng em…”. Ca từ cứng nhưng môi, lưỡi, thanh quản, huyết quản, ánh mắt gương mặt em đã làm tiết tấu mềm ra như những con mèo hoang dã phải tuân theo mẹo thuật của em. Tôi hát tiếp “Dù xa cách nhau bờ tường mới dựng, anh sẽ chèo hái quả nhà em, ơi trái tim rượu vào loạn nhịp nhìn chị hằng chỉ một thành hai…”

- Đồ dại gái, đứng núi Nùng cứ tưởng dốc Bò***cao hơn.
Mùi cắt lời tôi, má em ửng đỏ có vẻ nóng mặt muốn thét gào, tôi gắp cho em miếng tiết trâu luộc, ngọn rau rừng xanh, để hạ hỏa.
- Khúc đuôi bò, mời anh.
Em đã ngấm hơi men, không thể chuyện hơn nữa, tôi nóng người, cởi khăn quàng, gọi chủ quán lấy thùng nậm rượu đặc sản mang về làm quà cho ông Tiệp và bà con trong ngõ. Cô chủ quán nhận ra sẹo mờ trên cổ tôi:
- Anh H, có nhận ra em không?- Tôi lơ mơ nhớ lại tháng năm hành quân, ăn ngủ vật vã nhà vườn, trường học hoang vắng, hầm hang, hốc, chân đèo, bờ bụi, nhà dân,… khắp nẻo đường biên giới.
- Em, Sắn đây mà, anh nhớ ngày anh say sắn, cảm sốt ở nhà em mấy ngày.
- Em, Sắn đấy à, lớn thế này ư, mế khỏe chứ, nhà em vẫn ở bản Pó?
Tôi muốn nắm tay cảm ơn Sắn nhớ về kỷ niệm của một thời gian khổ, thực ra chúng tôi nhiều lần say sắn, say dứa, rau quả dại, say rượu và say tình các em trên những nẻo đường chiến chinh bụi bặm, tăm tối, hào hùng đã qua… Mùi chứng kiến điều đó, em lắng nghe.

Hôm sau, lúc các “sếp” họp, tôi đưa em đi cửa khẩu Tân Thanh chơi, qua bên chợ Pò Chài nước bạn. Hóa ra ở bên đó chỉ là những kho hàng, hàng mộc, hàng khô sơ chế, nhân viên bán hàng rỗi việc chơi bài bạc vô tư. Lại ngược đoạn dốc, chụp hình ở mốc số 0- ải Nam quan, xưa Nguyễn Trãi tiễn cha đi Kim Lăng, ôm hận trở về, nơi cột mốc ngày 28 tháng mùa Thu năm xưa xảy vụ nạn kiều, ẩu đả.

Trên đường về, bánh xe lăn trên những kỷ niệm của một thời oanh liệt, hết đồn trú lại hành quân xuôi ngược trong khói lửa, chết chóc, bắt bớ, cướp bóc,…ở vùng biên giới - Kỳ Lừa - Cao Lộc - Chi Ma - Lộc Bình - Chậu Cảnh- Thâm Ô - địa đạo 474 - đồi không tên - cao điểm 800 - rừng quýt - Tam Lung - Đồng Đăng - Thụy Hùng - Còn Coọng - Nà Đươi- Còn Pheo rồi về cầu Khánh Khê, bình độ 400 đỏ lửa mùa hè năm 1981… đi bộ phồng dộp bàn chân. Hướng con đường vẫn thế nhưng trên đường và bên đường đã khác xưa. Đến một quán nhỏ ven đường, tôi dừng xe, muốn đặt chân lên vệ cỏ nơi mà tôi tin rằng đêm hành quân về Cao Lộc, chúng tôi đã ngủ quên, đành phải cắt đường rừng, đồi cho kịp đội hình. Nơi có vạt đồi mà những người lính bên kia tránh cái chết đã đào khoét hàm ếch trú thân, đến mức nhìn từ xa chúng tôi gọi là đồi “Tổ ong”.

Trên xe, Mùi đã ngủ để tôi ngắm thiên thần qua gương, cổ nó cao, trắng, nhớ bài nhân dạng học tôi tin rằng nét mặt khi ngủ lành thế kia thì không bao giờ làm điều ác, nhưng dấu hiện của buồn sầu đã chớm lộ. Ngủ khó mà làm bộ, làm dạng được.

Những ngày đầu chuyển sang làm công chức, tôi mời Mùi đi cà phê đầu phố Thành cổ, dạo này em diện quá, đang lớn xinh càng phải ý thức mình hơn, bộ đồ đã cộng hưởng với dáng hình em, tôn vinh vẻ đẹp tiến về thành đô. Đúng là gái đẹp bắt mắt chúng sinh, “hành hình” gốc rễ thần si.

- Anh lấy vợ đi, an cư, lạc nghiệp, yên bề gia thất để…gia trưởng.
- Lấy ai?
- Lấy em đây này.

Tôi suýt làm đổ ly cà phê về cách tỏ tình của “Mùi mèo”. Em nói thật, em mến tôi, em hay quà cho tôi lúc nắm xôi sáng, khi trái hồng xiêm gọt vỏ, và chiếc khăn trói cổ. Tôi cũng không quên đáp lại tấm lòng em gái, đi đâu tôi cũng nhớ quà ăn, quà mặc, quà lưu niệm cho em đến mức gần trọn bộ sưu tập về các miền quê đất nước. Nhưng em bé hơn tôi một giáp, trong tôi hình ảnh cô bé Mùi học mẫu giáo mà tôi đón em từ nhà trẻ trở về, cõng em ngày mưa, em ôm cổ tôi mà không quên bóc kẹo ấn vào miệng “anh ăn đi”… tôi ra đi em biết khóc, tôi về em biết cười vui, và em không lớn hơn, hình ảnh đó đã khung lại trong tâm trí tôi, tuyệt vời. Cô Mùi mèo không phải là cô bé trên lưng tôi ngày mưa. Không phải, thời gian đã phủ nhận điều đó.

- Em mãi mãi trên lưng anh, ngày đưa đón em đến trường.
- Kinh thành, phố cổ của chúng ta nhưng nhà mình ngoại ô anh ạ, đừng hướng về nơi đó, đừng anh H ạ, ở đó cạm bẫy, gò bó khó thở. Một người tự do như anh không thể cột tâm hồn vào 36 phố phường chật hẹp xưa cũ.
- Đô thị hóa hết rồi, nơi thị thành đầu tiên có thể còn dấu xưa hoang dã đích thực của Kinh thành phố chợ. Anh gửi hồn anh ở chân Thành cổ từ sau buổi cuối cùng được mẹ nhờ anh đón em ở trường mẫu giáo trở về. Anh không thể là anh ngày xưa nữa, và cũng không được phép làm điều em vừa nói.

Hai ly cà phê đã đổ, nước tràn trên bàn. Mùi đứng dậy kêu lên như mèo hoang : “đồ quái trí”. Khách trong quán ngơ ngác./.

* Chương trình 135 hỗ trợ xã khó khăn vùng biên giới hải đảo...
** Ỏi: Gom động vật, nuôi lớn rồi bán.
*** Núi Nùng trong thành cổ Thăng Long, vị trí điện Kính Thiên hiện nay; dốc Bò là ngõ nối phố Đội Cấn với phố Núi Trúc qua phố Kim Mã thuộc quân Ba Đình, Hà Nội, xưa dốc cao, phu kiệu phải bò.

  • Tags: