Cơ cấu lại không gian phát triển của ngành Công Thương

Cơ cấu lại không gian lãnh thổ phát triển của ngành Công Thương theo hướng hình thành hệ thống cụm liên kết các ngành công nghiệp chuyên môn hóa và các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao theo lợi thế của các địa phương tại một số vùng, địa bàn trọng điểm.

Hình thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn

phát triển công nghiệp Tạp chí Công Thương
Vùng Đồng bằng sông Hồng tập trung phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có lợi thế xuất khẩu để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Quyết định mới đây của Bộ trưởng Bộ Công Thương về Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 đã xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trong đó nêu rõ, cơ cấu lại không gian lãnh thổ phát triển của ngành Công Thương theo hướng hình thành hệ thống cụm liên kết các ngành công nghiệp chuyên môn hóa và các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao theo lợi thế của các địa phương tại một số vùng, địa bàn trọng điểm.

Tăng cường liên kết các địa phương trong vùng và liên vùng, các vùng động lực, cực tăng trưởng và các hành lang kinh tế để tạo lập không gian phát triển mới đối với các ngành công nghiệp, mở rộng kết nối thị trường và tham gia có hiệu quả vào các chuỗi giá trị trong nước, khu vực và toàn cầu.

Định hướng phát triển theo vùng, địa bàn trọng điểm

Chương trình hành động của Bộ Công Thương định hướng cơ cấu lại không gian phát triển các lĩnh vực công nghiệp - thương mại tập trung gắn với khai thác hiệu quả lợi thế từng vùng, địa bàn trọng điểm.

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc phát huy các lợi thế về tài nguyên khoáng sản và phát triển hiệu quả các cơ sở khai thác gắn với chế biến sâu các loại khoáng sản. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất phân bón và hóa chất, năng lượng, khai thác khoáng sản. Hình thành các chuỗi giá trị các ngành công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao tại một số địa bàn có lợi thế. Đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, dịch vụ logicstics hỗ trợ xuất khẩu.

Vùng Đồng bằng sông Hồng củng cố vị thế là trung tâm sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và là thị trường tiêu dùng lớn của cả nước. Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có lợi thế xuất khẩu để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn như ô tô, điện tử, công nghiệp môi trường, năng lượng tái tạo, chip, bán dẫn. Phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng theo hướng cụm liên kết ngành công nghiệp chuyên môn hóa.

Tập trung phát triển thương mại điện tử. Hình thành các trung tâm mua sắm và tiêu dùng có quy mô lớn, đa chức năng mang tầm khu vực và quốc tế. Phát triển các sàn giao dịch hàng hóa, chợ đầu mối hiện đại, dịch vụ logistics.

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung hình thành một số trung tâm công nghiệp lớn ngang tầm khu vực Châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại gắn với các tổ hợp công nghiệp lọc dầu, hóa dầu, hóa chất, luyện kim, công nghiệp ô tô, công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí. Hình thành một số trung tâm năng lượng tái tạo lớn, đặc biệt là điện gió và điện gió ngoài khơi; xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics. Phát triển hệ thống trung tâm mua sắm và tiêu dùng có quy mô lớn gắn liền với tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây và các địa phương có lợi thế về phát triển du lịch.

Vùng Tây Nguyên tập trung phát triển công nghiệp khai thác, chế biến bô - xít, alumin trên quy mô lớn, phát triển công nghiệp chế biến nhôm, năng lượng tái tạo. Hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối nông sản có lợi thế của vùng, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản trên thị trường quốc tế. Chú trọng phát triển năng lượng tái tạo.

Khu công nghiệp Tạp chí Công Thương
Vùng Đông Nam Bộ được định hướng tiếp tục là khu vực dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp.

Vùng Đông Nam Bộ tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp sang các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp môi trường.

Phát triển mạnh công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, hóa chất; các dịch vụ ngành dầu khí. Phát triển chuỗi công nghiệp Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á. Phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản.

Phát triển hệ thống trung tâm mua sắm và tiêu dùng có quy mô lớn, ngang tầm khu vực. Phát triển thương mại điện tử. Nâng cấp, hiện đại hóa hoạt động của các chợ đầu mối và phát triển các sàn giao dịch hàng hóa. Xây dựng và phát triển các khu thương mại tự do tại các khu kinh tế cửa khẩu.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông thủy sản, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm và phân công chuyên môn hóa theo chuỗi giá trị giữa các địa phương trong Vùng. Phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ. Phát triển năng lượng tái tạo. Nâng cấp và đồng bộ hóa hạ tầng logistics. Phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với hình thành các tổ hợp công nghiệp, thương mại, dịch vụ biên giới.

Vùng ven biển tập trung phát triển sản xuất công nghiệp quy mô lớn tại các khu kinh tế ven biển để trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của vùng và cả nước. Chú trọng phát triển các ngành sản xuất công nghiệp nặng như thép và hóa chất, chế biến sâu các loại khoáng sản có tiềm năng và trữ lượng lớn như quặng sắt, titan gắn với hình thành các khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển....

Ưu tiên phát triển các ngành sửa chữa và đóng tàu, lọc dầu, hóa dầu, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, năng lượng tái tạo.

Việt Hằng