Cơ hội cho cơ khí xuất khẩu

Hai Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp cơ khí tại một số địa phương trên cả nước như hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh; nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế…

cơ khí xuất khẩu

Thị trường lớn

Cơ khí xuất khẩu và cơ khí nói chung có thị trường khá lớn. Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định: Thời gian tới, chúng ta sẽ triển khai nhiều dự án lớn quan trọng có tổng mức đầu tư lớn như: Quy hoạch điện giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 133 tỷ USD, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam 50 đến 60 tỷ USD, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt nội đô, các công trình giao thông, thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ô-tô, xe máy…

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), với khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam và tập trung ở ba phân ngành, gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ô-tô và phụ tùng ô-tô. Ba phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.

Thời gian qua, một số sản phẩm cơ khí được sản xuất đạt chất lượng tốt, tương đương với chất lượng sản phẩm của một số quốc gia trong khu vực. Hiện doanh nghiệp sản xuất linh kiện ngành cơ khí trong nước có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: Khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật... Nhu cầu của thị trường công nghiệp hỗ trợ rất lớn nên nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, phục vụ doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, hướng vào xuất khẩu sản phẩm cơ khí.

Với những nỗ lực đó, linh kiện kim loại sản xuất trong nước đã đáp ứng được 85-90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15-40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô (tùy chủng loại xe), khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ và 40-60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng. Cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.

Đồng thời, đã hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp cơ khí tư nhân trong nước có tiềm lực tốt. Điển hình là các Tập đoàn VinGroup, Trường Hải, Thành Công; Hoa Sen, Hòa Phát, Công ty TNHH Hòa Bình Minh, Công ty thép Pomina, Công ty CP thép Nam Kim... Đây là những tín hiệu tốt cho thấy các chủ trương chung của Đảng, cơ chế chính sách của Chính phủ đã tạo được niềm tin tưởng và hứng khởi cho các doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển lớn, dài hạn trong các ngành công nghiệp trọng điểm của đất nước.

Hỗ trợ cơ khí xuất khẩu

Mặc dù vậy, năng lực tự chủ của ngành công nghiệp nói chung, trong đó có cơ khí xuất khẩu còn chưa cao. Về thị trường, ngành Cơ khí đa dạng về sản phẩm nhưng cạnh tranh từ sản phẩm nhập khẩu tương đối gay gắt. Việc mở rộng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu thông tin thị trường và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước chưa đủ mạnh. Ngay tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp cơ khí cũng khó có thể tham gia được vào các dự án đầu tư lắp đặt trang thiết bị trong các ngành thép, hóa chất, năng lượng, chủ yếu do thiếu hệ thống kiểm định chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế; Các doanh nghiệp, sản phẩm cơ khí trong nước cũng chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng tiềm năng biết đến.

Về công nghệ, ngành Cơ khí Việt Nam có rất ít các phát minh, sáng chế được đăng ký, trang thiết bị và trình độ công nghệ toàn Ngành chậm đổi mới. Các doanh nghiệp cơ khí thiếu đầu ra cho sản phẩm nên cũng không có cơ hội tích lũy và đầu tư đổi mới công nghệ. Về nguyên phụ liệu, chủ yếu là sắt thép và các loại hợp kim màu, hầu hết các nguyên phụ liệu này trong nước chưa sản xuất được nên phải nhập khẩu.

Về nguồn nhân lực, còn thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Số thợ cơ khí có tay nghề cao giảm sút, lao động chuyên môn thiếu chứng chỉ nghề quốc tế và kỹ năng ngoại ngữ. Lực lượng nghiên cứu triển khai, trước hết là đội ngũ tư vấn thiết kế chưa đạt trình độ, đáp ứng yêu cầu của các công trình, dự án về thiết bị cơ khí đồng bộ.

Trên thực tế, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu các sản phẩm cơ khí mà đại diện là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng hiện là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, năm 2022 có kim ngạch 45,72 tỷ USD; và nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng có kim ngạch 12,06 tỷ USD. Giá trị kim ngạch hai nhóm hàng cơ khí xuất khẩu này là 57,78 tỷ USD, chiếm 15,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhiều doanh nghiệp cơ khí ngày càng mở rộng được thị trường xuất khẩu của mình. Điển hình như Thaco đã xuất khẩu ô tô, xe máy, và các linh kiện như: Khung ghế xe đua, nhíp, két dàn nóng, thùng xe, bồn xe chuyên dụng, cần cẩu xe tải, thân vỏ, áo ghế, cốp xe, khung chassis xe bán tải, thùng giữ nhiệt, bồn nhựa, ống nhựa thủy canh… đến các thị trường trọng điểm như: Bắc Mỹ, Bắc Âu, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Campuchia, Israel. Năm 2022, doanh thu xuất khẩu của Tập đoàn gần 190 triệu USD và kế hoạch năm 2023 là hơn 375 triệu USD.

Hướng tới mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 sản lượng cơ khí xuất khẩu đạt 40% tổng sản lượng ngành, đến năm 2035 đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí, theo Quyết định 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, để hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí, trong những năm tới, Bộ tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của 2 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam. Hiện nay, 2 Trung tâm này đã có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp cơ khí tại một số địa phương trên cả nước như hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh; nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Các Trung tâm đang tích cực hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam như Toyota, Mitsubishi, Canon nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn này.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn; trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển... Đặc biệt, tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, ưu tiên triển khai các nhiệm vụ theo chuỗi giá trị, khuyến khích làm chủ và chuyển giao công nghệ thuộc ngành cơ khí như công nghệ nhiệt luyện; công nghệ chế tạo khuôn mẫu chính xác cao, máy công cụ, máy nông nghiệp, phụ tùng, động cơ ô tô và phụ tùng cơ khí, giao thông đường sắt, thép chế tạo, cơ khí chính xác và tự động hóa; công nghệ chế biến và bảo quản…

Đồng thời, Bộ chủ động hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó có công nghiệp cơ khí. Cụ thể, Bộ Công Thương phối hợp với đại diện phía Bộ Năng lượng, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) để lên kế hoạch triển khai hoạt động hợp tác thuộc lĩnh vực công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ trong những năm tới. Hai bên thống nhất có các hợp tác hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt nam, như: Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” (SME Promotion & Industrial Development project) do JICA thực hiện; Chương trình “Đào tạo cho các nhà sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô Việt Nam” do tổ chức hợp tác kỹ thuật nước ngoài và đối tác bền vững (The Association for Overseas Technical Cooperation and Sustainable Partnerships -AOTS) thực hiện; và cử một số chuyên gia hỗ trợ các Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp thuộc Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) trong công tác vận hành và nâng cao nguồn nhân lực.

Hợp tác trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Bộ Công Thương đã tham gia Cuộc họp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì về việc đánh giá lại sự phù hợp của 6 ngành ưu tiên phát triển (Điện tử; Máy nông nghiệp; Chế biến nông, thủy sản; Đóng tàu; Môi trường và tiết kiệm năng lượng; Sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô) và điều chỉnh nội dung Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2025, tầm nhìn 2035. Bộ Công Thương đã đề xuất Chiến lược cần tiếp tục thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên bao gồm Điện tử, Sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô thông qua việc hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách ưu đãi tín dụng, ... và tổ chức thực hiện các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cụ thể cho các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển.

Những hỗ trợ cùng các chương trình hợp tác nói trên sẽ góp phần nâng cao sức cạnh tranh và mở ra những cơ hội cho cơ khí xuất khẩu và thị trường cơ khí nói chung.

Theo dự báo sơ bộ, tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam từ nay đến năm 2030 có thể đạt hơn 300 tỷ USD. Nhưng hiện nay ngành cơ khí Việt Nam hiện nay mới chỉ đáp ứng khoảng gần 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước.

Trần Khánh Thành