Cơ hội cho một số thị trường châu Á trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Châu Á sẽ sớm hứng chịu cú sốc từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nhưng một số thị trường sẽ có thể tìm ra những cơ hội mới giữa nguy cơ chiến tranh thương mại.

Theo số liệu của ngân hàng Citibank, thương mại châu Á đã tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2017. Giai đoạn 4/2017 – 3/2018, giao dịch giữa khách hàng Hàn Quốc và Ấn Độ của ngân hàng này tăng 55%, và giữa khách hàng Trung Quốc và khối ASEAN tăng 66%. Nhìn chung, tăng trưởng tại thị trường châu Á tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng trưởng tiêu dùng đi kèm xu hướng châu Á “dùng hàng châu Á”, Munir Nanji, giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương củaCiti Global Subsidiaries Group, nói.

Theo số liệu từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), giao dịch hàng hóa thế giới tăng trưởng 1,8% năm 2016 và nhảy vọt thêm 4,7% trong năm 2017 - mức cao nhất kể từ năm 2011.

Tăng trưởng năm 2017 được thúc đẩy từ mức tăng lượng cầu nhập khẩu từ châu Á, cũng như tăng chi phí tiêu dùng và đầu tư. Năm 2017, châu Á đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về khối lượng xuất khẩu và nhập khẩu – lần lượt đạt 6,7% và 9,6%.

Các chuyên gia nhận định căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể sớm ảnh hưởng đến châu Á, đặc biệt là những thị trường mới nổi.

WTO thừa nhận rủi ro này trong dự báo kinh tế năm 2018 và 2019: “Đối lập với những dấu hiệu tích cực về kinh tế thế giới, tâm lý bảo hộ thương mại đang gia tăng và các chính phủ ngày càng sẵn sàng áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại”.

Tuy nhiên, đây có thể là vận may với một vài thị trường châu Á, khi các công ty tìm kiếm nguồn cung thay thế ngoài thị trường Mỹ.

Động lực thúc đẩy dòng chảy thương mại châu Á?

Tăng trưởng thương mại giữa Trung Quốc và khối ASEAN được thúc đẩy bởi nhu cầu về cơ sở hạ tầng, trong khi giữa Hàn Quốc và Ấn Độ xuất phát từ sự nở rộ ngành hàng ôtô và điện tử, Nanji cho biết.

Nhân tố chung là công nghệ: Các công ty Trung Quốc và Hàn Quốc đang tăng cường rải vốn đầu tư và công nghệ tại châu Á.

“Nói chung, người châu Á đang mua nhiều hàng châu Á hơn. Cả cung và cầu đều đến từ châu Á”, Nanji nhận xét. Ông cũng nhấn mạnh rằng trước đây nguồn cung chủ yếu xuất phát từ các công ty Mỹ và châu Âu.

Ông lấy ví dụ linh kiện của hầu hết các smartphone đều được sản xuất chủ yếu tại châu Á.

Các chính sách khuyến khích cũng góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng. Ví dụ như chương trình “Make in India” – khích lệ các công ty sản xuất hàng hóa tại Ấn Độ, hay Khu vực Tự do Thương mại Thượng Hải.

Ảnh hưởng từ tranh chấp thương mại

Những tuần gần đây, cả Trung Quốc và Mỹ đều đe dọa áp thuế lên hàng hóa của nhau.

Trong một ghi chú gửi khách hàng, các nhà phân tích của J.P. Morgan cho rằng nếu chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực và khiến xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sụt giảm, thị trường châu Á sẽ hứng chịu phản ứng dây chuyền.

“Cú sốc sẽ được truyền gián tiếp vào thị trường, gây ảnh hưởng đến thương mại và tăng trưởng… Sản phẩm bị ảnh hưởng chủ yếu là hàng công nghệ cao, bao gồm cả hàng điện tử”, ghi chú viết. “Những sản phẩm này vốn phụ thuộc mạnh vào chuỗi cung ứng được tích hợp chặt chẽ. Do đó, bất kỳ cú sốc thương mại nào cũng sẽ gây ảnh hưởng lên thị trường”.

Theo các nhà phân tích, các nền kinh tế như Hàn Quốc và Đài Loan sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Căng thẳng thương mại cũng có thể là tin tốt với một vài thị trường, ví dụ, xuất khẩu bông của Ấn Độ sẽ gặp thuận lợi.

Mỹ là nhà xuất khẩu sợi lớn nhất thế giới và đáp ứng phần lớn nhu cầu bông của Trung Quốc. Để đáp trả chính sách thuế quan của Mỹ, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp 25% thuế nhập khẩu lên hàng nông sản của Mỹ, bao gồm sản phẩm bông. Động thái này có thể giúp Ấn Độ xuất khẩu được nhiều bông hơn sang thị trường Trung Quốc,Reutercho biết.

Ấn Độ đã ký được hợp đồng bán 85.000 tấn bông trong mùa vụ mới cho Trung Quốc. Giao dịch này khá hiếm gặp từ trước đến nay.

“Nếu Trung Quốc không mua nông sản từ Mỹ, họ sẽ chuyển sang mua từ thị trường châu Á. Mỹ cũng cần xuất khẩu sang thị trường khác và sẽ đi tìm hành lang thương mại mới”, Nanji cho biết.

“Khi chiến tranh thương mại diễn ra, các bên liên quan phải đi tìm thị trường mới. Do vậy, sẽ có một số nước được hưởng lợi. Có thể là các nước châu Á hay Mỹ Latinh. Chúng ta sẽ chứng kiến sự chuyển dịch hành lang thương mại… câu hỏi là, các giao dịch sẽ chuyển đến đâu”.