Đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia tại Hội thảo trực tuyến “Tìm hiểu các hiệp định thương mại tự do để thâm nhập hiệu quả thị trường EU và Vương quốc Anh: Cơ hội hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Singapore” diễn ra sáng nay 28/8. Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm Halal và thực phẩm chế biến Việt Nam – Singapore 2021 thuộc Chương trình Cấp quốc gia về xúc tiến thương mại 2021.

Hội thảo là sáng kiến của Thương vụ Việt Nam tại Singapore, với sự tham gia đồng tổ chức của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), sự phối hợp hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) và sự ủng hộ của các cơ quan tổ chức tại Singapore và Việt Nam như: Liên đoàn sản xuất Singapore, Phòng Thương mại và công nghiệp Singapore, Trung tâm Thương mại châu Á, Eurocham Việt Nam, PwC Singapore. Hội thảo nhằm mục đích để các nhà nghiên cứu, các chuyên gia hàng đầu về FTAs của Việt Nam và nước ngoài chia sẻ với các doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Singapore những thông tin về cách thức tận dụng những lợi thế mà các FTAs với EU và Anh mang lại cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, hội thảo cũng giải đáp cách tận dụng mức thuế ưu đãi và hạn ngạch xuất khẩu; cách thức đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thị trường EU và Anh. Thông qua hội thảo, các doanh nghiệp hai nước sẽ hiểu rõ hơn cách thức hợp tác để cùng khai thác các FTAs và tiếp cận thị trường EU và Vương quốc Anh.

Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, Singapore thâm nhập vào thị trường EU, Vương quốc Anh
Cục trưởng Vũ Bá Phú cho rằng, nền kinh tế của hai nước Việt Nam - Singapore mang tính bổ trợ cao nên việc hợp tác, cùng khai thác và thâm nhập thị trường EU, Vương quốc Anh là hướng đi đúng đắn

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, Việt Nam và Singapore là hai quốc gia ASEAN có sự hợp tác trên rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Lũy kế đến tháng 7/2021, Singapore là đối tác đầu tư FDI lớn thứ 3 của Việt Nam. Bên cạnh đó, Singapore còn là đối tác thương mại lớn thứ 10 trên toàn cầu và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong số các nước Đông Nam Á.

Tính đến thời điểm này Việt Nam đã tham gia ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 14 hiệp định đã có hiệu lực. 9 trong số này có sự tham gia của đồng thời cả Việt Nam và Singapore. Đối với thị trường EU và Vương quốc Anh, Việt Nam và Singapore là 2 quốc gia năng động tham gia ký kết các FTA với 2 thị trường này.

Với vị trí địa lý đặc thù của mình, Singapore đã trở thành một trạm trung chuyển thương mại lớn của thế giới. Trong khi đó, gần đây Việt Nam đang phát triển là một nền kinh tế sản xuất và xuất khẩu mới nổi với nhiều sản phẩm có năng lực cạnh tranh đáng kể của ASEAN và thế giới. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã được mở rộng; nhiều doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Với những lợi thế tương đồng, Cục trưởng Vũ Bá Phú nhận định, nền kinh tế của hai nước Việt Nam - Singapore mang tính bổ trợ cao nên việc hợp tác, cùng khai thác và thâm nhập thị trường EU, Vương quốc Anh là hướng đi đúng đắn.

Đồng thuận quan điểm trên, ông Mai Phước Dũng - Đại sứ Việt Nam tại Singapore cũng cho rằng, trong khu vực ASEAN, Việt Nam và Singapore là 2 nước duy nhất ký các FTAs với các đối tác trên và là 2 nước ở có độ mở kinh tế cao nhất.

Điều này chứng tỏ Lãnh đạo Chính phủ và doanh nghiệp 2 nước đều cùng chia sẻ mục tiêu tham gia các liên kết kinh tế để đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và cải thiện đời sống của người dân.

Chúng ta đã biết, vào tháng 8/2020 Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu EU-Việt Nam đã chính thức có hiệu lực và mới đây, tháng 5/2021, Hiệp định FTA Việt Nam-UK cũng chính thức được thực thi. FTA EU-Singapore và FTA UK-Singapore cũng đã có hiệu lực lần lượt vào tháng 1/2020 và tháng 1/2021.

Ngay sau khi các FTAs trên có hiệu lực, cả hai nước đều chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ xuất khẩu của mình sang các thị trường EU, Vương quốc Anh.

Với Việt Nam là các mặt hàng nông sản, thủy sản, dệt may, da giày và đồ gỗ nội thất.

Với Singapore là các mặt hàng hóa chất và sản phẩm y sinh. Năm 2020 xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng khoảng 18%; còn của Singapore là khoảng 12%.

Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, Singapore thâm nhập vào thị trường EU, Vương quốc Anh
Dù có nhiều lợi thế, song việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, Singapore sang EU, Anh còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc

Dù có nhiều lợi thế, song Đại sứ Việt Nam tại Singapore vẫn thẳng thắn chỉ ra những thách thức đối với doanh nghiệp hai nước Việt Nam, Singapore khi muốn thâm nhập hiệu quả vào thị trường EU và Vương quốc Anh.

Theo ông Mai Phước Dũng, chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid 19, xuất khẩu của Việt Nam sang EU và Anh gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn hàng, thiếu nhân lực thu hoạch và chế biến, giá nguyên liệu và nhiên liệu tăng cao và đặc biệt chi phí vận chuyển bằng đường thủy tăng gấp 5 lần so với năm 2019. Trong khi đó, Singapore không tận dụng hết hạn ngạch miễn thuế cho các loại thực phẩm chế biến sang EU và Anh.

Mặt khác, doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là ở Việt Nam cũng chưa hiểu biết rõ các lợi ích của các FTAs vừa ký, chưa biết cách khai thác các lợi thế của các FTAs mang lại và cũng chưa hiểu rõ các quy định hết sức chặt chẽ của các nhà nhập khẩu EU và Anh khi nhập hàng vào thị trường của họ, đặc biệt là các quy định về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực phẩm organic và truy xuất nguồn gốc.

Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU, Vương Quốc Anh, ông Frank Debets - Đối tác quản lý, Công ty PricewaterhouseCoopers WMS Holdings Pte. Ltd lưu ý, các doanh nghiệp hai nước Việt Nam, Singapore cần thấu hiểu các quy tắc, nguyên tắc cơ bản trong các hiệp định thương mại tự do đã ký kết như Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA, Hiệp định EUSFTA và UKSFTA…

Không chỉ vậy, các doanh nghiệp phải lựa chọn những dòng sản phẩm thế mạnh; nắm bắt và hiểu rõ được quy tắc xuất xứ trong các Hiệp định; hiểu rõ chính sách, quy định liên quan đến nguồn xuất xứ… để tận dụng tối ưu những lợi thế từ các FTA mang lại.