Nhìn lại thị trường thép trong nước trong năm 2016, ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nhấn mạnh: Thuận lợi của ngành thép là đã ký kết 12 FTA song phương và đa phương, đang đàm phán 4 FTA và đang xem xét 1 FTA. Theo đó, thuế suất nhập khẩu trung bình của thép và các sản phẩm thép vào Việt Nam sẽ chỉ dao động ở 0,69% - 7,55% trong giai đoạn 2015 - 2018 và sẽ tiếp tục giảm trong giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, ông Sưa cho rằng, ngành công nghiệp thép Việt Nam vẫn chưa vận hành tối đa công suất. Cụ thể, sản lượng thép nhập khẩu vẫn tăng mạnh, đặc biệt là các sản phẩm thép cuối cùng như thép dẹt, tôn mạ và thép hợp kim. Tổng lượng thép nhập về trong năm 2016 tăng tới 25% lên 17,5 triệu tấn.

Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam

Trong khi đó, tại thị trường thế giới, lượng thép sản xuất tăng 0,5% so với năm trước lên hơn 1,6 triệu tấn. Ngược lại, lượng thép tiêu thụ toàn cầu mới chỉ đạt 1,5 triệu tấn khiến cho tình trạng cung vượt cầu. Đáng chú ý, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu về sản xuất thép với sản lượng khoảng 808 triệu tấn và tiêu thụ chỉ khoảng 700 triệu tấn nên nước này đang gia tăng xuất khẩu thu về lãi hơn 4 tỷ USD. Nguyên nhân giúp thép Trung Quốc có thể cạnh tranh mạnh về giá chính là nhờ vào các chính sách thúc đẩy xuất khẩu thép của nước này như: Từ 1/1/2016 thuế xuất khẩu một số sản phẩm được hạ xuống với sản phẩm gang giảm xuống 10% và phôi thép xuống 20% so với mức 25% của trước đây.

Cũng trong năm 2016, thép và nguyên liệu thép đã đang có xu hướng tăng trở lại vào quý IV và đầu năm 2017 gây ảnh hưởng tới lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất thép nếu như quản trị hàng tồn kho không tốt. Trong đó, sản xuất gang tăng tới 80% lên 4,5 triệu tấn; phôi thép tăng hơn 47% lên 11,5 triệu tấn và thép thành phẩm tăng 12% lên 19,97 triệu tấn. Ngoài ra, sau khi nhà máy Formosa đi vào hoạt động, thị trường sẽ đón nhận lượng lớn thép cây và thép cuộn cán nóng nên thâm hụt thương mại cán cân thương mại của ngành cũng sẽ giảm.

Các diễn giả tham dự hội thảo

Chia sẻ tại hội thảo, ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám đốc trung tâm Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Công Thương nhận định: Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp sản xuất thép Việt Nam vẫn được dự báo ở mức 15% trong giai đoạn 5 năm tới. Trong năm 2017, tuy cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quốc tế quyết liệt; ngành thép cũng phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại song cơ hội tăng trưởng của các doanh nghiệp thép Việt còn rất lớn nếu tìm được hướng đi phù hợp. Trong đó, hướng đi tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao về giá, kể cả so với sản phẩm nhập khẩu. Đồng thời, với chu trình sản xuất khép kín cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp quản lý, đảm bảo chất lượng sản phẩm ở từng khâu sản xuất chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn có tiềm năng phát triển thì cần đầu tư nghiên cứu các sản phẩm chưa sản xuất được như phôi dẹt, thép cuộn cán nóng, hay các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như thép cơ khí chế tạo...