Cơ hội và thách thức từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đối với ngành Cao su Việt Nam

ThS. Võ Hoàng An (Hiệp hội Cao su Việt Nam)

TÓM TẮT:

Bên cạnh các thuận lợi, ngành Cao su Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bài viết này phân tích những cơ hội và thách thức của ngành Cao su Việt Nam hiện nay và đề xuất một số giải pháp cần tháo gỡ để tận dụng những cơ hội và tiềm năng từ CPTPP mang đến cho Ngành.

Từ khóa: Ngành Cao su Việt Nam, cơ hội, thách thức, giải pháp, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

1. Giới thiệu chung về CPTPP

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, toàn diện, không chỉ cắt giảm thuế quan như các FTA phổ biến, mà còn liên quan đến lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, cũng như đưa ra các yêu cầu về minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. CPTPP và các FTA được nhận định là tạo nhiều cơ hội nhưng cũng mang đến nhiều thách thức cho nền kinh tế Việt Nam.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thay thế Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi TPP vào ngày 21/01/2017. 11 nước thành viên còn lại của TPP, bao gồm: Nhật Bản, Canada, Úc, Mexico, Singapore, Malaysia, Chile, Việt Nam, Peru, New Zealand, Brunei thống nhất tiếp tục TPP dưới tên gọi mới là CPTPP trong bản Tuyên bố chung ngày 11/11/2017 tại Đà Nẵng bên thềm Hội nghị APEC 2017. Vào ngày 8/3/2018, Hiệp định CPTPP đã được ký kết chính thức tại Chile. Kinh tế của khối CPTPP chiếm tới 13,5% tổng GDP và gần 15% tổng thương mại toàn cầu năm 2016, dẫn đầu là Nhật Bản, chiếm 48,6% trong toàn khối (Xem Bảng).

Bảng. GDP của 11 nước thành viên CPTPP

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) công bố ngày 05/3/2018, với việc tham gia CPTPP, dự tính đến năm 2030, lợi ích của nền kinh tế Việt Nam đạt được thông qua tăng trưởng GDP là 1,1% trong điều kiện bình thường và đạt 3,5% trong điều kiện tận dụng các cơ hội để kích thích tăng năng suất sản xuất.

2. Kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành Cao su Việt Nam năm 2018

Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành Cao su Việt Nam ước đạt 6,57 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu các sản phẩm cao su ước đạt 2,32 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 35,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành Cao su, tăng 32,9% so với năm trước. Xuất khẩu cao su thiên nhiên (CSTN) đạt khoảng 2,09 tỷ USD, chiếm 31,8%; xuất khẩu nguyên liệu gỗ cao su và sản phẩm gỗ cao su đạt khoảng 2,16 tỷ USD, đóng góp 32,8% vào tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành Cao su (Xem Biểu đồ).

Biểu đồ: Cơ cấu giá trị xuất khẩu của toàn ngành Cao su Việt Nam

năm 2018

Biểu đồ: Cơ cấu giá trị xuất khẩu của toàn ngành Cao su Việt Nam năm 2018

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam tổng hợp         

3. Cơ hội thách thức từ CPTPP đối với ngành Cao su

* Đối với cao su thiên nhiên, CPTPP cùng với Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ đưa thuế nhập khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam từ thuế suất 3% giảm còn 0%. Điều này tạo thuận lợi rất lớn cho các nhà chế biến lốp xe đang phát triển lốp radial bố thép và có nhu cầu nhập khẩu những chủng loại phù hợp nhưng Việt Nam sản xuất ít như TSR 20, TSR 10, RSS. Đồng thời, các nhà chế biến sản phẩm từ latex có cơ hội nhập khẩu cao su ly tâm của Mã Lai, Thái Lan với thuế suất 0% để tránh thiếu hụt nguồn nguyên liệu, đặc biệt vào mùa khô.

Song, chính sách thuế nhập khẩu này dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt cho cao su thiên nhiên Việt Nam ngay trên “sân nhà” với cao su nhập khẩu từ các nước trong khu vực, trong khi việc xuất khẩu cao su Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do giá thấp và cung vượt cầu trên thế giới.   

* Đối với sản phẩm cao su, mỗi nước thành viên CPTPP có lộ trình cắt giảm riêng cho từng nhóm sản phẩm và sẽ loại bỏ hoàn toàn thuế quan trong vòng 16 năm sau khi CPTPP có hiệu lực. Do đó, CPTPP tạo cơ hội cho sản phẩm cao su Việt Nam mở rộng thị trường đến các nước mà công nghiệp sản phẩm cao su chưa phát triển nhiều như Peru, Chile, Brunei, New Zealand, Úc. Đồng thời, Việt Nam có thể nhập khẩu cao su tổng hợp, máy móc thiết bị hiện đại từ các nước có thế mạnh như Nhật Bản, Canada, Singapore với mức thuế 0%, nhờ vậy sẽ giúp doanh nghiệp giảm giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của những nước có ngành công nghiệp chế biến cao su phát triển mạnh như Nhật Bản, Canada, Malaysia, Mexico, Singapore với sản phẩm giá rẻ hơn khi thuế nhập khẩu bằng 0%. Ngoài ra, hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu có yêu cầu chất lượng cao cũng sẽ là rào cản cần vượt qua để tận dụng cơ hội thuế giảm.

* Đối với sản phẩm gỗ cao su, nhu cầu của thị trường đang tăng nhanh khi xu hướng sử dụng rừng trồng được khuyến khích ở nhiều nước. Đây là nhóm sản phẩm ngành Cao su ít gặp sự cạnh tranh với các nước thành viên CPTPP, ngay cả với Malaysia là nước phát triển mạnh về sản phẩm gỗ cao su, nhờ giá của Việt Nam thấp hơn. Được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% đối với nguyên vật liệu và thiết bị cao cấp cần cho công nghiệp chế biến gỗ, sẽ giúp ngành Gỗ cao su Việt Nam giảm giá thành, chuyển đổi sang công nghệ tiến bộ và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, trong tương lai, lợi thế về giá sẽ không còn thu hút khách hàng nhiều nếu không có giấy chứng nhận nguồn gốc hợp pháp và quản lý bền vững cho gỗ cao su.

* Công nghiệp hỗ trợ với những sản phẩm linh kiện cao su cho ngành Ô tô và nhiều ngành công nghiệp khác của Việt Nam có cơ hội phát triển nhanh hơn nữa nhờ nguyên vật liệu và thiết bị, máy móc cao cấp được nhập khẩu với mức thuế 0%, cũng như sản phẩm từ công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có nhiều triển vọng mở rộng sang các nước CPTPP. Tuy nhiên, theo chiều ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nguy cơ sản phẩm cao su của công nghiệp hỗ trợ từ các thành viên CPTPP, đặc biệt từ Nhật Bản, Malaysia dễ dàng thâm nhập vào thị trường trong nước, gây áp lực cạnh tranh rất lớn.

* Các cơ hội khác mang đến từ CPTPP và FTA cho ngành Cao su còn là triển vọng về đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, CPTPP tạo sự thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam để hợp tác liên doanh sản xuất sản phẩm cao su khi thuế nhập khẩu các nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị vào Việt Nam giảm dần đến mức 0%, tạo điều kiện khai thác dịch vụ tại các khu công nghiệp trên đất cao su, đồng thời, thúc đẩy ngành Cao su tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng trong nước và quốc tế từ khâu cung cấp nguyên liệu cao su thiên nhiên đến sản xuất thành phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

* Bên cạnh các thuận lợi, ngành Cao su đang đối mặt với nhiều thách thức cần tháo gỡ để tận dụng những cơ hội và tiềm năng mang đến từ CPTPP và các FTA:

- Cần hoàn thiện chính sách quản lý chất lượng cao su thiên nhiên: Hiện nay, hệ thống quản lý chất lượng cao su thiên nhiên chưa đồng bộ và chưa có cơ quan chức năng quản lý chất lượng cao su tiểu điền. Mặt khác, Việt Nam chỉ mới có tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm cao su thiên nhiên đầu ra, chưa có tiêu chuẩn quốc gia đối với nguyên liệu đầu vào, nên chưa có cơ sở pháp lý để ngăn chặn việc pha trộn tạp chất vào nguyên liệu, gây ảnh hưởng đến chất lượng của các nhà máy chế biến mủ cao su.

- Chỉ những sản phẩm đáp ứng các quy tắc xuất xứ trong CPTPP mới được hưởng thuế suất ưu đãi. Do đó, cần hỗ trợ cho doanh nghiệp cao su nắm bắt rõ về các quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ trong CPTPP đối với các sản phẩm của ngành Cao su.

- Một số chính sách thuế gây vướng mắc và làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp cao su Việt Nam so với các nước trong khu vực, hiện nay, cao su thiên nhiên không được hưởng chính sách như các nông sản sơ chế khác, vẫn phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng trong khâu kinh doanh thương mại và xuất khẩu, tuy sau khi xuất khẩu được hoàn thuế, nhưng DN phải chịu nhiều thiệt hại do thời gian vốn vay kéo dài, còn Nhà nước tốn nhiều công sức kiểm tra để hoàn thuế và không tăng được ngân sách.  

4. Các giải pháp và kiến nghị đề xuất

4.1. Kiến nghị với Hiệp hội Cao su Việt Nam

Để tận dụng những cơ hội và tiềm năng của CPTPP và các FTA mang đến cho ngành Cao su Việt Nam, giúp đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, mở rộng thị trường, cũng như gia tăng giá trị sản phẩm trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, kiến nghị cần tập trung những giải pháp sau:

- Tiếp tục cập nhật, phổ biến Hiệp định CPTPP và các FTA liên quan cho các hội viên thông qua các hội thảo chuyên đề, ấn phẩm thông tin để hội viên nắm được các cam kết của Việt Nam và đối tác, từ đó, có thể tận dụng được các ưu đãi về thuế quan, quy tắc xuất xứ...

- Khuyến khích hội viên tham gia sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” để được thẩm định hàng năm về chất lượng, uy tín và áp dụng các tiêu chí phát triển bền vững, có trách nhiệm xã hội và môi trường, nguồn gốc hợp pháp và truy xuất được, kết hợp ứng dụng các tiêu chí của chứng chỉ quốc tế đáp ứng nhu cầu của thị trường và nâng cao uy tín của thương hiệu ngành Hiệp hội đang xây dựng. Đồng thời, qua đó, doanh nghiệp được các chuyên gia hướng dẫn cải tiến quản lý và quy trình sản xuất, làm cơ sở giảm giá thành và tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Tăng cường hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế để hỗ trợ hội viên thực hiện các chứng nhận quốc tế và quốc gia theo yêu cầu của thị trường và khách hàng. 

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại tại thị trường của các nước thành viên trong Hiệp định CPTPP và các FTA có liên quan đến ngành Cao su, hỗ trợ hội viên mở rộng nguồn khách hàng.

- Cập nhật thường xuyên các nghiên cứu thị trường và tình hình chuỗi giá trị ngành hàng cao su để có cơ sở khuyến cáo cho doanh nghiệp, hội viên chuyển đổi cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường, cũng như phát hiện những cơ hội hợp tác, kết nối trong chuỗi cung ứng của ngành Cao su.

4.2. Kiến nghị với các cơ quan Nhà nước

Các chính sách và giải pháp quản lý của Nhà nước rất cần được tăng cường để kịp thời tạo khung pháp lý phù hợp cho việc tận dụng các cơ hội của CPTPP và các FTA, giúp doanh nghiệp định hướng đúng đắn trong quá trình hội nhập quốc tế. Kiến nghị các cơ quan Nhà nước những giải pháp sau:

Hoàn thiện khung pháp lý của hệ thống quản lý chất lượng cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su Việt Nam với các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đồng bộ từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra.

Xây dựng chính sách ưu đãi cụ thể để thu hút vốn đầu tư trong nước và vốn nước ngoài nhằm phát triển công nghiệp chế biến sâu sản phẩm cao su và đồ gỗ cao su có giá trị gia tăng cao; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hoạch định dài hạn các chương trình xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu ngành hàng cũng như thương hiệu của doanh nghiệp.

5. Kết luận

Tóm lại, để các giải pháp kiến nghị trên được thực hiện nhằm tận dụng cơ hội của CPTPP và các FTA mang đến, giúp ngành Cao su Việt Nam đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, mở rộng thị trường, cũng như nâng cao giá trị gia tăng của ngành trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, cần có sự tham gia phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị và quan trọng là cần có những chính sách phù hợp kịp thời của các Bộ, ngành, cũng như sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức, hiệp hội ngành hàng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hiệp hội Cao su Việt Nam (2019), Thông tin Chuyên đề Cao su - Tập 03 năm 2019. Nhà xuất bản Nông nghiệp.
  2. Bộ Công Thương (2019). Quyết định số 456/QĐ-BCT ngày 01/3/2019 của Bộ Công Thương về Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trang điện tử Bộ Công Thương - cptpp.moit.gov.vn
  3. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) .Trang điện tử Bộ Công Thương - cptpp.moit.gov.vn
  4. ITC (International Trade Center) (2019), https//trademap.org

Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership: Opportunities and challenges for Vietnam’s

rubber industry

Master. Vo Hoang An

Vietnam Rubber Association

ABSTRACT:

The Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership (CPTPP) brings not only advantages but also challenges to Vietnam's rubber industry. This paper analyzes the current opportunities and challenges of Vietnamese rubber industry and proposes some solutions to help the industry take advantage of opportunities and overcome challenges brought by the CPTPP.

Keywords: Vietnam’s rubber industry, opportunity, challenge, solution, Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership (CPTPP).