Cơ khí hoá làng nghề truyền thống ở một giáo xứ

Bà con giáo dân Giáo xứ Hoàng Xá (xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) kỳ vọng Kế hoạch khuyến công giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Bình sẽ trở thành động lực mới, nguồn lực mới cho khát vọng cơ khí hoá, hiện đại hoá làng nghề truyền thống ở đây.
Cơ khí hoá
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Khởi Tiếp

Giáo xứ Hoàng Xá tọa lạc tại Thôn Thái, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình có lịch sử tròn 230 năm. Năm 1793, Giáo họ Hoàng Xá chính thức được thành lập, số giáo dân lúc đầu với khoảng trên 100 người. Năm 1907, giáo dân trong họ đã xây dựng ngôi thánh đường với diện tích 940m2. Năm 1918, Giáo xứ Bồng Tiên được thành lập, và Giáo họ Hoàng Xá trực thuộc giáo xứ Bồng Tiên. Ngày 2/12/2006, Giáo họ Hoàng Xá được nâng lên hàng giáo xứ, với tên gọi Giáo xứ Hoàng Xá, tọa lạc tại Thôn Thái, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình

Nguyên Xá là xã đa nghề, trong đó nghề mộc truyền thống tồn tại mấy trăm năm nay. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đến nay nghề và làng nghề nơi đây vẫn được duy trì và phát triển, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm giáo dân, góp phần quan trọng thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Toàn xã có gần 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh gỗ, sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ quy mô lớn và hàng chục hộ làm nghề mộc, mang lại giá trị sản xuất hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh đưa máy móc và áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất đã giúp nghề mộc ở xã Nguyên Xá (Vũ Thư) phát triển mạnh. Hiện nay, 100% cơ sở sản xuất và hộ làm nghề mộc trong xã đã áp dụng máy móc vào quá trình sản xuất, đặc biệt là máy chạm khắc gỗ bằng công nghệ tiên tiến CNC. Cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Khởi Tiếp là một trong những cơ sở lớn sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ của làng nghề thôn Thái, xã Nguyên Xá. Doanh thu hàng năm của cơ sở đạt trên 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho 25 lao động với thu nhập từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Những năm gần đây, cơ sở Khởi Tiếp cùng nhiều cơ sở khác trong làng nghề đã đầu tư mua sắm, đưa máy móc hiện đại vào sản xuất. Những dụng cụ lao động thủ công trước đây như dùi đục, cưa gỗ bằng tay… đã được thay thế bằng máy cưa, máy vanh, máy cuốn gỗ, máy chạm khắc gỗ công nghệ CNC…

Hiện nay, 80% hoạt động nghề mộc ở thôn Thái đều sử dụng máy móc có giá từ vài triệu đồng đến nửa tỷ đồng/chiếc. Một thợ vận hành máy tại cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Khởi Tiếp cho biết: Các sản phẩm gỗ mỹ nghệ làm ra từ máy chạm khắc gỗ công nghệ CNC nhanh và tinh xảo hơn so với làm thủ công. Nếu trước đây, để đục một bức tranh đồng quê có kích cỡ 30x70cm thì một người thợ lành nghề phải làm tới 16 giờ. Trong khi đó, với máy chạm khắc gỗ công nghệ CNC thời gian chỉ mất 6 giờ.

Để tạo điều kiện cho nghề mộc truyền thống của địa phương phát triển, năm 2009, xã Nguyên Xá đã quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề với diện tích 11 ha. Trong đó, đã triển khai 4ha đất điểm công nghiệp làng nghề thôn Thái và lấp đầy diện tích với 10 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động. Ngoài 3 doanh nghiệp sản xuất ngành may mặc, còn lại là các công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ - nghề truyền thống của địa phương. Trước nhu cầu của các hộ sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ muốn mở rộng quy mô và chuyển từ khu dân cư ra điểm công nghiệp làng nghề sản xuất, Nguyên Xá đã quy hoạch mở rộng điểm công nghiệp làng nghề thêm 11ha, nâng cấp thành cụm công nghiệp Nguyên Xá và đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Để thu hút dự án và tạo điều kiện cho bà con giáo dân sản xuất, kinh doanh, chính quyền xã Nguyên Xá tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng trong cum công nghiệp và cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn bảo đảm cho xe có trọng tải từ 3,5 tấn trở lên có thể ra, vào vận chuyển hàng hóa. Chính quyền xã cũng phối hợp với Điện lực Vũ Thư đầu tư hoàn thiện mạng lưới điện, bảo đảm điện áp ổn định phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đối với các hộ và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ gỗ, địa phương tạo mọi điều kiện về thủ tục pháp lý, tín chấp vay vốn đầu tư.

Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp đã trở thành mô hình, động lực để người dân địa phương mạnh dạn đầu tư phát triển lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế địa phương.

Một trợ lực khác là nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn ở Thái Bình nói chung, trong đó có xã Nguyên Xá được tiếp cận nhanh chóng các nguồn vốn từ chương trình khuyến công. Theo số liệu của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC), Sở Công Thương Thái Bình, từ năm 2012 – 2022,  đã tổ chức, đào tạo nghề may công nghiệp cho 1.960 lao động nông thôn (gồm 56 lớp đào tạo), với kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 3.322,5 triệu đồng. Cũng trong giai đoạn từ năm 2012 – 2022, hoạt động khuyến công đã hỗ trợ xây dựng 9 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới. Giáo dân Giáo xứ Hoàng Xá Nguyễn Văn Tiếp, Giám đốc Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Khởi Tiếp (xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư) cho biết, nhận được sự hỗ trợ về vốn của các chương trình khuyến công cũng như được chính quyền tạo điều kiện về mặt bằng, ông đã đầu tư mở rộng nhà xưởng và xây dựng showroom trưng bày, giới thiệu sản phẩm với tổng diện tích gần 4.000m2. Cũng theo ông Tiếp, hiện cả xã có 170 cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ, hầu hết do bà con giáo dân làm chủ. Nghề mộc mang lại nguồn thu ước tính khoảng 50 tỷ đồng/năm, ngoài ra còn tạo việc làm cho hơn 500 lao động địa phương với thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Với “vốn mồi” của khuyến công từ chương trình khuyến công, bà con giáo dân mạnh dạn vay vốn, đầu tư trang thiết bị hiện đại, cơ khí hoá sản xuất đồ gỗ, trong đó tập trung sản xuất các mặt hàng cao cấp, tạo được thương hiệu với khách hàng. Với chính quyền xã, hàng năm địa đều phối hợp các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn, chuẩn bị nguồn nhân lực tại chỗ cho các doanh nghiệp; hỗ trợ các hộ sản xuất và doanh nghiệp tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường. Cách làm này cũng đang được Nguyên Xá áp dụng trong việc thu hút các dự án mới đầu tư vào cụm công nghiệp.

Tiếp nói thành công của giai đoạn trước, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đã phê duyệt Kế hoạch khuyến công giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Bình, nhằm động viên, huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp và góp phần xây dựng nông thôn mới; Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế gia tăng ô nhiễm môi trường; Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp theo hướng cơ khí hoá, hiện đại hoá một cách bền vững, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Bà con giáo dân Giáo xứ Hoàng Xá (xã Nguyên Xá) kỳ vọng Kế hoạch khuyến công giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Bình sẽ trở thành động lực mới, nguồn lực mới cho khát vọng cơ khí hoá, hiện đại hoá làng nghề truyền thống ở đây. Thực tế thành công của xã Nguyên Xá trong dự án phát triển làng nghề không chỉ góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn mới, góp phần vào  sự phát triển kinh tế của huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình mà còn giúp lưu giữ lại những tinh hoa văn hoá từ ngàn đời, giữ lại cái hồn dân tộc, đồng thời tạo nền tảng vững chắc để thế hệ con cháu Giáo xứ Hoàng Xá không ngừng sáng tạo thêm..

 

Phan Công Thắng